1. Động cơ phạm tội

Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý. Để hiểu rõ hơn, trước hết cần phân biệt giữa động cơ phạm tội và động cơ của cách xử sự. Hành vi của con người trong trạng thái tâm lí bình thường đều được thực hiện do sự thúc đẩy của một hoặc một số động cơ nhất định. Ngay cả trong trường hợp phạm tội với lỗi vô ý, hành vi của người phạm tội cũng đều do động cơ nhất định thúc đẩy. Tuy nhiên, ở các tội phạm vô ý chỉ có thể có động cơ của xử sự mà không có động cơ phạm tội vì người phạm tội với lỗi vô ý hoàn toàn không mong muốn thực hiện tội phạm, họ không nhận biết được hành vi của mình là hành vi phạm tội hoặc tin hành vi của mình không trở thành hành vi phạm tội.

Động cơ phạm tội có tính đặc trưng cho tội phạm nhất định và là dấu hiệu để phân biệt tội này với các tội khác hoặc với trường hợp không phải là tội phạm được mô tả trong CTTP như động cơ phòng vệ, động cơ bắt giữ người phạm tội… Động cơ phạm tội còn có thể được phản ánh trong các CTTP giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Cụ thể, đó chính là dấu hiệu định khung hình phạt giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Ví dụ : giết người với động cơ đê hèn, “ đê hèn “ là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được phản ánh trong CTTP tăng nặng của tội giết người ( Căn cứ theo điểm q khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 ). Ngoài ra, động cơ phạm tội là yếu tối để Tòa án xem xét tình tiết tăng nặng hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt được quy định tại Điều 51 và Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

2. Mục đích phạm tội

Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội cố ý trực tiếp.

Khi một người phạm tội thực hiện tội phạm đều nhằm tới những mục đích nhất định nhưng chỉ có thể phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Bỡi lẽ, trong trường hợp này người phạm tội mới có sự mong muốn gây ra tội phạm để đạt những mục đích nhất định. Đối với trường hợp phạm tội khác, người phạm tội cũng có mục đích nhưng mục đích của người phạm tội chỉ vì hành vi khách quan của họ. Mục đích phạm tội phải được xem xét với hậu quả thiệt hại do người phạm tội gây ra. Hậu quả thiệt hại là hiện tượng khách quan có quan hệ với mục đích phạm tội. Mục đích phạm tội được đặt ra trước khi chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, mọi trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp đều phải có mục đích phạm tội kèm theo. Trên thực tế, hậu quả thiệt hại có thể xảy ra hay không xảy ra hay xảy ra ở mức độ nào là tủy thuộc vào khả năng chủ quan của người phạm tội và những điều kiện bên ngoài khác. Hậu quả thiệt hại xảy ra có thể thể hiện đầy đủ mục đích của người thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, cũng có thể chỉ thể hiện một phần mục đích đó.

Mục đích phạm tội không được phản ánh trong các cấu thành tội phạm. Đối với hầu hết cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả thiệt hại được mô tả đều thể hiện được mục đích phạm tội. Cụ thể,  ví dụ trong tội phạm “ Giết người ” quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thể hiện rõ mục đích phạm tội của người phạm tôi. Tội phạm giết người là tội phạm cấu thành vật chất, và hậu quả chết người thể hiện được mục đích của người phạm tội. Đối với hầu hết các cấu thành tội phạm hình thức, việc mô tả hành vi phạm tội cũng thể hiện rõ mục đích phạm tội. Ví dụ: dấu hiệu hành vi khách quan dùng vũ lực giao cấu với người khác được cấu thành trong tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 sửa đổi bổ sung 2017, đã thể hiện rõ mục đích phạm tội của người phạm tội.

Việc xác định được động cơ và mục đích của người phạm tội là cơ sở để xác định chính xác trách nhiệm hình của họ trong từng trường hợp cụ thể. Từ đó, góp phần giúp việc thực hiện áp dụng pháp luật được đầy đủ, đúng người , đúng tội.

3. Ý nghĩa của việc xác định động cơ phạm tội

Động cơ phạm tội trong hầu hết các trường hợp đều không có ý nghĩa quyết định đến tính chất nguy hiểm của tội phạm, không thể làm thay đổi hẳn tính chất của hành vi phạm tội. Do vậy, động cơ phạm tội trong hầu hết trường hợp không phải là căn cứ để phân biệt giữa tội phạm với không phải là tội phạm, giữa tội phạm này với tội phạm khác. Trong những trường hợp như vậy, động cơ phạm tội không được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản. Tuy nhiên, khi động cơ phạm tội có tính đặc trưng cho tội phạm nhất định và là dấu hiệu phân biệt tội này với các tội khác hoặc với trường hợp không phải là tội phạm thì nó phải được mô tả trong cấu thành tội phạm (cơ bản) của tội này như động cơ phòng vệ, động cơ bắt giữ người phạm tội ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126 Bộ luật Hình sự); động cơ vụ lợi ở tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 Bộ luật Hình sự)…

Động cơ phạm tội còn có thể được phản ánh trong các cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

Ví dụ: Động cơ đê hèn là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được phản ánh trong cấu thành tội phạm tăng nặng của tội giết người (điểm q khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự).

Ngoài ra, động cơ phạm tội còn có thể được xem là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Trong những tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại các điều 51 và 52 Bộ luật Hình sự có nhiều tình tiết thuộc động cơ phạm tội.

4. Ý nghĩa của việc xác định mục đích phạm tội

Mục đích phạm tội không được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Ở hầu hết các cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả thiệt hại được mô tả đều thể hiện được mục đích phạm tội.

Ví dụ: Dấu hiệu hậu quả chết người trong cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự) đã thể hiện rõ mục đích phạm tội của người phạm tội.

Ở hầu hết các cấu thành tội phạm hình thức, việc mô tả hành vi phạm tội cũng thể hiện rõ mục đích phạm tội.

Ví dụ: Dấu hiệu hành vi dùng vũ lực giao cấu với người khác… trong cấu thành tội phạm tội hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật Hình sự) đã thể hiện rõ mục đích phạm tội của người phạm tội.

Bên cạnh những trường hợp mà dấu hiệu khách quan (hành vi có tính gây thiệt hại hoặc hậu quả thiệt hại) đã thể hiện rõ mục đích phạm tội nên cấu thành tội phạm không cần mô tả mục đích phạm tội vẫn còn một số trường hợp đòi hỏi cấu thành tội phạm phải mô tả mục đích phạm tội vì mục đích phạm tội trong những trường hợp này có tính đặc trưng, là dấu hiệu phân biệt với các tội phạm khác. Cụ thể là các trường hợp sau:

– Trường hợp dấu hiệu hành vi chưa phản ánh được mục đích phạm tội chính của người phạm tội.

Ví dụ: Hành vi khủng bố ở tội khủng bố tuy xâm phạm tính mạng con người hay xâm phạm sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng đó chưa phải là mục đích chính của người phạm tội; người phạm tội muốn qua việc xâm phạm tính mạng con người hay sở hữu để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Đó mới là mục đích chính. Do vậy, mục đích “gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng” phải được quy định trong cấu thành tội phạm tội khủng bố (Điều 299 Bộ luật Hình sự) để phân biệt tội phạm này với tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự) và với tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự).

– Trường hợp dấu hiệu hành vi không phản ánh được mục đích phạm tội. Đây là trường hợp hành vi có tính gây thiệt hại được thực hiện tuy giống nhau nhưng nhằm những mục đích khác nhau.

Ví dụ: Cùng là hành vi xuất cảnh trái phép nhưng có trường hợp nhằm chống chính quyền nhân dân và có trường hợp không nhằm mục đích đó. Hai trường hợp này tuy giống nhau về dấu hiệu hành vi nhưng khác nhau về tính chất của mục đích phạm tội. Do vậy, tính chất nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau và cấu thành hai tội khác nhau: Tội trốn đi nước ngoài… nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121 Bộ luật Hình sự) và tội vi phạm quy định về xuất cảnh,… (Điều 347 Bộ luật Hình sự). Để phân biệt hai tội phạm này, nhà làm luật phải quy định trong cấu thành tội phạm của tội trốn đi nước ngoài… nhằm chống chính quyền nhân dân dấu hiệu mục đích phạm tội “chống lại chính quyền nhân dân”.

Trong những trường hợp mục đích phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm như vậy, mục đích phạm tội trở thành dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

5. So sánh sự khác biệt giữa động cơ và mục đích phạm tội

Tiêu chí

Động cơ phạm tội

Mục đích phạm tội

Cách xác định

Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý.

Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội cố ý trực tiếp.

 

Đặc trưng cơ bản

Động cơ phạm tội có tính đặc trưng cho tội phạm nhất định và là dấu hiệu để phân biệt tội này với các tội khác hoặc với trường hợp không phải là tội phạm được mô tả trong CTTP như động cơ phòng vệ, động cơ bắt giữ người phạm tội…

Chỉ đối với những tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội mới có mục đích phạm tội. Bởi vì, trong trường hợp này họ mới có sự mong muốn gây ra tội phạm để đạt được mục đích đó. Ở những tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý, người phạm tội không mong muốn thực hiện tội phạm nên không có mục đích phạm tội (có thể có mục đích của hành vi).

Vị trí trong cấu thành tội phạm

Động cơ phạm tội còn có thể được phản ánh trong các cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

 

Mục đích phạm tội không được phản ánh trong các cấu thành tội phạm.