Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật doanh nghiệpcủa công ty luật LVN Group.

Sự khác nhau về vấn đề vốn của công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp 2005 và luật doanh nghiệp 2014

Trả lời

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến thư mục tư vấn của công ty Luật LVN Group. Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý: 

Luật doanh nghiệp 2005

Luật doanh nghiệp 2014

Nội dung trả lời

Sự khác nhau giữa vấn đề vốn của công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp 2005 và 2014 chủ yếu ở hai điểm. Thứ nhất, luật doanh nghiệp 2014 quy định quy chế pháp lý về vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp và vốn điều lệ của công ty cổ phần (vốn thực góp). Thứ hai, luật doanh nghiệp 2014 cho phép công ty cổ phần có thể điều chỉnh (tăng hoặc giảm) vốn điều lệ.

Theo luật doanh nghiệp 2005, công ty cổ phần đăng ký vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong thời hạn 90 ngày kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông có nghĩa vụ phải góp đủ vốn. Cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Như vậy nếu tại thời điểm đăng ký thành lập, công ty cổ phần đăng ký vốn điều lệ, nhưng hết thời hạn góp vốn mà cổ đông chưa góp đủ số vốn đăng ký, mà công ty hoặc người khác không có khả năng mua lại số cổ phần đó, tuy nhiên luật lại quy định công ty cổ phần không được giảm vốn. Do vậy gây ra tình trạng vốn ảo, tức là vốn góp trên thực tế không đủ so với vốn điều lệ đăng ký.

Luật doanh nghiệp 2014 có quy chế pháp lý để phân biệt giữa vốn đăng ký và vốn thực góp, giải quyết tình trạng vốn không có thực (ảo) nhưng không thể xử lý được như hiện nay, đồng thời quy định về vấn đề điều chỉnh giảm vốn của công ty cổ phần. Theo đó, vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn đăng ký theo quy định của luật doanh nghiệp 2014 là vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn này là tổng giá trị mệnh giá cổ phần được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ Công ty.

Đồng thời luật doanh nghiệp 2014 quy định rõ ràng về nghĩa vụ pháp lý đối với công ty các cổ đông căn cứ vào hai mốc thời gian là, từ thời điểm Công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến thời hạn góp vốn, và thời điểm sau khi hết thời hạn góp vốn. Cụ thể như sau:

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Nếu sau thời hạn có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;

Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư của LVN Group doanh nghiệp