Vẫn có những biến cố xẩy ra làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng của các bên. Trong đó có những sự cố nằm ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát của các bên, và xẩy ra không phải do lỗi của các bên. Khi những sự cố này làm cho một bên không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ của mình thì vấn đề trách nhiệm sẽ ra sao? Hợp đồng có nên tiếp tục được thực hiện hay không? Là những câu hỏi sẽ được giải đáp bởi cơ chế “sự kiện bất khả kháng” trong luật hợp đồng.

1. Sự kiện bất khả kháng

Ngày 10/10/2008, Công ty A (Việt Nam) ký hợp đồng xuất khẩu dưa chuột cho công ty B (Singapore), thời hạn giao hàng là 30 ngày kể từ ngày mở L/C không huỷ ngang. Ngày 20/10/2008, Ngân hàng công ty B mở L/C không huỷ ngang cho người thụ hưởng là Công ty A. Nhưng mãi đến tận 15/01/2009, Công ty A vẫn không giao hàng cho Công ty B. Công ty B khiếu nại thì Công ty A trả lời rằng do trong thời gian tháng 11/2008, lũ lụt xẩy ra ở khu vực Bắc Bộ của Việt Nam ảnh hưởng đến vụ mùa dưa chuột, nên không thể gom đủ hàng giao cho Công ty B, vì vậy Công ty A đề xuất hoàn trả lại tiền cho Công ty B và đề nghị được miễn trách nhiệm vì lý do bất khả kháng. Vấn đề đặt ra là sự kiện lũ lụt ở khu vực Bắc Bộ có phải là sự kiện bất khả kháng trong trường hợp này hay không?

Sự kiện bất khả kháng và một vài lưu ý trong thực tiễn áp dụng

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Ngày 15/12/2009, Công ty A của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu lô hải sản sang EU cho công ty B có trụ sở tại EU. Theo quy định của Hợp đồng thì hàng phải được giao tại cảng của EU trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mở L/C không huỷ ngang. Ngày 25/12/2009, Ngân hàng công ty B mở L/C không huỷ ngang cho người thụ hưởng là Công ty A. Tuy nhiên hàng đến chậm so với dự kiện 20 ngày, Công ty A nại lý do hàng đến chậm vì việc cơ quan hành chính Việt Nam còn lúng túng trong việc triển khai cấp giấy chứng nhận khai thác theo quy chế IUU của EU nên thủ tục hành chính chậm chạp dẫn đến việc hàng đến chậm so với dự kiến và đề nghị được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng. Vậy việc cơ quan hành chính Việt Nam túng túng, chậm trễ trong việc triển khai thủ tục cấp giấy chứng nhận khai thác theo quy chế IUU của EU có phải là sự kiện bất khả kháng hay không?

Các rủi ro khác như chiến tranh, bạo loạn, đình công, thay đổi chính sách….ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng, liệu có thể được coi là sự kiện bất khả kháng hay không. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải tìm hiểu thế nào là sự kiện bất khả kháng.

Sự kiện bất khả kháng” là một thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Pháp “force majeure” có nghĩa là “sức mạnh tối cao” hoặc “sức người không thể kháng cự nổi”. Sự kiện này xẩy ra chỉ sau khi ký hợp đồng, không phải do lỗi của bất kỳ bên tham gia hợp đồng nào, mà xẩy ra ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm của hợp đồng hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… Việc coi các hiện tượng thiên tai có thể là sự kiện bất khả kháng được áp dụng khá thống nhất trong luật pháp và thực tiễn của các nước trên thế giới.

Sự kiện bất khả kháng cũng có thể là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ… Tuy nhiên cách hiểu và thừa nhận các hiện tượng xã hội là sự kiện bất khả kháng là rất đa dạng trên toàn thế giới và nhiều điểm chưa có sự thống nhất.

Ngoài ra, trong thực tiễn, các bên trong quan hệ hợp đồng còn đưa những sự kiện xẩy ra cho chính bản thân mình là sự kiện bất khả kháng như: thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ giao hàng,… là sự kiện bất khả kháng để hưởng chế độ miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng. Về mặt lý luận thì các sự kiện này không đương nhiên được coi là sự kiện bất khả kháng nếu các bên không thỏa thuận.

Như vậy về mặt nguyên tắc chung, sự kiện bất khả kháng có những đặc điểm sau đây:

  • Là sự kiện khách quan xẩy ra sau khi ký hợp đồng;
  • Là sự kiện xẩy ra không do lỗi của các bên trong hợp đồng;
  • Là sự kiện mà các bên trong hợp đồng không thể dự đoán và khống chế được.

2. Hậu quả của sự kiện bất khả kháng

Khi có sự kiện bất khả kháng xẩy ra thì bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng sẽ:

  • Được miễn trách nhiệm nếu nghĩa vụ không được thực hiện, không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện đúng do sự kiện bất khả kháng gây ra;
  • Được kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng bị chậm trễ do sự kiện bất khả kháng.

Ngoài ra, nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến việc thực hiện hợp đồng sẽ không có lợi cho các bên thì các bên có thể chấm dứt việc thực hiện hợp đồng.

3. Thủ tục thông báo khi có sự kiện bất khả kháng

Theo thông lệ chung, khi có sự kiện bất khả kháng thì bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng phải gửi thông báo cho bên kia trong một thời hạn hợp lý. Tuy nhiên thông thường, các bên quy định rõ thời hạn thông báo và hậu quả của việc không thông báo: Nếu không thông báo thì sẽ mất quyn được miễn trách nhiệm hoặc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể về hậu quả của việc không thông báo, thì các bên sẽ tuân theo luật áp dụng để giải quyết. Theo nguyên tắc chung của phần lớn luật áp dụng, nếu bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng vi phạm nghĩa vụ thông báo thì sẽ không được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng. Điều 79.4 của Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 quy định: “Bên không thực hiện hợp đồng phải thông báo cho phía bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đến khả nãng thực hiện hợp đồng. Nếu phía bên kia không nhận được thông báo về điều đó trong thời hạn hợp lý sau khi bên không thực hiện hợp đồng đã biết hoặc buộc phải biết về trở ngại đó, thì bên không thực hiện hợp đồng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho phía bên kia do không nhận được thông báo.” Do vậy, để bảo đảm lợi ích của mình, bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng cần:

  • Gửi đến bên kia thông báo bằng vãn bản (fax, telegraph, email, điện tín, thư bảo đảm,…) về sự kiện bất khả kháng trong thời hạn hợp đồng hoặc luật áp dụng quy định nếu không có quy định thì trong một thời gian hợp lý.
  • Kèm theo thông báo là vãn bản chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác có giá trị chứng minh. Nếu một bên gửi cho bên kia một thông báo về sự kiện bất khả kháng mà không có tài liệu chứng minh thì chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Vì vậy việc chuẩn bị các chứng cứ để được hưởng miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng là rất cần thiết.

4. Phương pháp xây dựng điều khoản bất khả kháng

Khi có sự kiện bất khả kháng xẩy ra và hậu quả là nghĩa hợp đồng không được thực hiện hoặc không được thực hiện đúng hoặc đầy đủ, thì các bên sẽ ứng xử như thế nào, cần được các bên đưa vào điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng. Thực tiễn hiện nay có ba phương pháp xây dựng điều khoản bất khả kháng

4.1. Phương pháp trừu tượng hóa

Theo phương pháp này, các bên sẽ đưa ra một định nghĩa khái quát về sự kiện bất khả kháng. Trong một bản hợp đồng có điều khoản bất khả kháng như sau: “Một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ trong Hợp đồng này do sự kiện bất khả kháng là sự kiện xẩy ra sau thời điểm ký kết hợp đồng này, mà các bên không có khả nãng dự đoán, kiểm soát và ngãn chặn, sẽ được miễn trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ…” Quy định này rất chung chung, mơ hồ và gây khó khăn cho việc diễn giải. Tranh chấp sẽ xẩy ra, cơ quan tài phán cũng sẽ chỉ giải thích theo tinh thần của luật và ý kiến của các bên, nhiều khi sự giải thích không đạt được sự chính xác.

4.2. Phương pháp liệt kê

Đây là phương pháp mà nhiều thương gia dày dạn kinh nghiệm thích áp dụng. Theo phương pháp này, các bên sẽ liệt kê trong điều khoản bất khả kháng một loạt các sự kiện cho phép bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng sẽ được miễn trách nhiệm hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Một điều khoản như vậy sẽ được xây dựng theo hướng sau: “Một bên bị ảnh hưởng bởi một trong những sự kiện được liệt kê dưới đây mà không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng thì sẽ được miễn trách nhiệm: hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, chiến tranh, bạo loạn, cấm vận, bao vây hoặc các hạn chế khác của chính phủ về xuất khẩu hay nhập khẩu…
Ưu điểm của cách tiếp cận này là rõ r

ng, cụ thể, các bên sẽ không phải mất thời gian tranh cãi, giải thích, chỉ cần thuộc đúng trường hợp được liệt kê trong điều khoản này là bên bị ảnh hưởng sẽ được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, một nhược điểm của các tiếp cận này là dù có kinh nghiệm phong phú đến đâu, các bên cũng không thể lường trước được các tình huống xẩy ra trong thực tế. Và, dù rằng tình huống đó có đầy đủ đặc điểm của một sự kiện bất khả kháng nhưng bên bị ảnh hưởng không được miễn trách nhiệm. Ví dụ, nếu áp dụng điều khoản trên, một trận “bão” xẩy ra đã làm tốc mái và hư hỏng nặng nhà máy của bên bán làm cho bên bán không thể tập kết và giao hàng đúng hạn hợp đồng. Trong trường hợp này “bão” đã bị bỏ sót khỏi điều khoản bất khả kháng nên bên bán có thể không được miễn trách nhiệm.

4.3. Phương pháp tổng hợp

Đây là phương pháp kết hợp cả hai phương pháp trên. Phương pháp này phần nào khắc phục được nhược điểm của hai phương pháp trên và được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn hợp đồng.

Trong trường hợp xẩy ra các sự kiện như hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, chiến tranh, bạo loạn, cấm vận, bao vây hoặc các hạn chế khác của chính phủ về xuất khẩu hay nhập khẩu và các sự kiện bất khả kháng khác, là những sự kiện xẩy ra sau thời điểm ký kết hợp đồng này, mà các bên không có khả nãng dự đoán, kiểm soát và ngăn chặn, làm cho bên bán không thể bốc xếp toàn bộ hoặc một phần hoặc trì hoãn việc bốc xếp hàng hóa thì bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc này…”

Quy định như trên sẽ giúp các bên có được những tình huống cụ thể được coi là sự kiện bất khả kháng, đồng thời dự tính được những sự kiện khác có thể xẩy ra làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng.

Nói tóm lại, sự kiện bất khả kháng là một thuật ngữ rất quen thuộc với các thương gia. Tuy nhiên để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình các thương gia cần chú trọng đến kỹ thuật soạn thảo cũng như cách thức vận dụng chúng trong thực tế. Việc soạn thảo điều khoản bất khả kháng, cần có sự tham gia của các chuyên gia giỏi về lĩnh vực liên quan của hợp đồng để có thể phán đoán được tối đa các sự kiện có thể xẩy ra ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng, để tránh việc phải sử dụng đến sự giải thích mà nhiều khi khó có thể được sự chính xác tuyệt đối.

SOURCE: SAGA.VN

Trích dẫn từ: http://saga.vn/Luatkinhdoanh/Luatquocte/19195.saga

ĐỌC THÊM >>>

BẤT KHẢ KHÁNG VÀ KHÓ KHĂN TRỞ NGẠI TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

LỜI NÓI ĐẦU

Trong những hợp đồng quốc tế, người bán và người mua đều mong muốn việc giao dịch của mình được hoàn thành thắng lợi. Nhưng những sự kiện bên ngoài có thể làm cho việc thực hiện không thể hoặc phá vỡ hoàn toàn những tính toán tài chính của các bên đương sự.

Những điều khoản thích hợp trong hợp đồng đầu tiên có thể giúp giảm nhẹ tổn thất nếu đổ vỡ xảy ra sau này. Mục đích của văn bản này là cung cấp những gợi ý về những điều khoản như vậy. Một điều khoản kiểu mẫu ” bất khả kháng” đề ra những điều kiện cho giải miễn trách nhiệm khi việc thực hiện hợp đồng đã trở thành hoàn toàn hoặc trên thực tế không thể được. Những gợi ý dự thảo cho điều khoản khó khăn trở ngại được áp dụng ở nơi mà những điều kiện bị thay đổi đã làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên nặng nề quá mức.

Văn bản là kết quả của sự suy xét rộng rãi của Uỷ ban thực hành thương mại của Phòng Thương Mại Quốc Tế. Việc nghiên cứu đầu tiên được tiến hành bởi Giáo sư Pierre Van Ommeslaghe (Bỉ). Dự án được tiếp tục bởi bộ phận chuyên viên. Soạn thảo chi tiết được giao cho Giáo sư Lars Hjerner (Thuỵ Ðiển), Phó chủ tịch Uỷ ban và Giáo sư Ole Lando (Ðan mạch), chương trình của Uỷ ban. Các thành viên của các nhóm gồm các vị sau đây:

Avv. Passquale Chiomenti (Y), Chủ tịch Uỷ ban

Ông Tauno Palatie (Phần Lan)

Ông Thierry de Galard (Pháp)

Bà Annie Toubiana (Pháp)

Tiến sĩ R. Von Graffenried (Thuỵ sĩ)

Ông J. F. Crawford (Hoa kỳ)

Ông J. Lightburn (Hoa kỳ)

VÀO ĐỀ

Bất cứ hợp đồng nào đều bắt buộc mỗi bên đương sự có trách nhiệm thực hiện những điều đã hứa. Thế nhưng, có những lúc không thực hiện được như vậy về vật chất hoặc pháp luật. Ví dụ: Một trận động đất phá huỷ xí nghiệp duy nhất có thể sản xuất mặt hàng bán đi và việc thực hiện đúng hạn hợp đồng trở nên không thể được về vật chất. Hoặc là: Một sắc lệnh ban hành sau ngày ký hợp đồng cấm xuất khẩu từ nước người bán sang nước người mua và sự thực hiện hợp đồng trở nên không thể được về pháp luật. Những tình huống như vậy được xếp vào tiêu đề “Việc không thể làm được”, mất tác dụng, thiếu do các điều kiện giả thiết trước kia hoặc như chúng được gọi ở đây là bất khả kháng.

Ðôi khi, việc thực hiện hợp đồng không phải là không thể được, nhưng những sự kiện xảy ra bất ngờ buộc một trong các bên đương sự phải chịu một gánh nặng quá mức. Lấy ví dụ: một hợp đồng dài hạn về giao dầu thô theo một giá cố định trở thành tai nạn tài chính cho người cung cấp vì giá dầu đã tăng lên nhiều lần hoặc trường hợp ngược lại đối với người mua. Trong tình huống đó, một bên đương sự có thể mong muốn viện dẫn khó khăn trở ngại làm cơ sở miễn thứ về việc không thực hiện được hợp đồng.

Luật pháp của đại đa số quốc gia có những điều khoản giải quyết “Bất khả kháng” và luật pháp ở một vài nước cũng giải quyết ngay cả “khó khăn trở ngại”. Tuy nhiên, các điều khoản này từ nước nọ sang nước kia và có thể không đáp ứng được những đòi hỏi trong các hợp đồng quốc tế. Vì vậy, các bên đương sự của hợp đồng quốc tế thường cần có những điều khoản hợp đồng “Bất khả kháng” và ” khó khăn trở ngại’. Những điều khoản này càng tăng ý nghĩa quan trọng trải qua nhiều năm, đặc biệt trong các hợp đồng chứa đựng những dự án quy mô lớn cần đòi hỏi hoàn thành trong một thời gian dài. Dự án “kinh doanh chìa khoá trao tay”, hợp đồng về công trình công cộng và xây dựng, liên doanh, thoả thuận về quản trị và thị trường và hợp đồng vận tải dài hạn là những thí dụ. Trong thời hạn của các hợp đồng như vậy, các điều kiện kinh tế – chính trị và vật chất có thể bị thay đổi về căn bản và cũng có thể làm cho dự án không thể thực hiện được hoặc làm sụp đổ cơ sở mà hợp đồng được xây dựng bên trên.

Phòng thương mại Quốc tế soạn thảo hai dạng điều khoản nhằm giúp đỡ các bên khi lập hợp đồng. Dạng thứ nhất đề ra những điều kiện cho phép giải miễn trách nhiệm khi việc thực hiện hợp đồng trở nên hoàn toàn hoặc trên thực tế không thể được (bất khả kháng). Dạng thứ hai bao gồm tình hình trong đó những điều kiện bị thay đổi đã làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên nặng nề quá mức (” khó khăn trở ngại”).

Không có dạng điều khoản nào bị lệ thuộc vào bất kỳ chế độ luật pháp riêng biệt. Thế nhưng, nên lưu ý đảm bảo sao cho không mâu thuẫn với quy định luật pháp cưỡng chế được áp dụng. Ðiều khoản bất khả kháng cho phép giảm nhẹ những trừng phạt của hợp đồng và bao gồm các quy định về đình chỉ và chấm dứt hợp đồng. Ðiều khoản khó khăn trở ngại đề xuất một cuộc đàm phán lại và sự tu chỉnh các điều khoản hợp đồng sao cho việc thực hiện hợp đồng có thể được tiếp tục, chúng được dành cho những dự án lâu dài.

Những hợp đồng mang tính tổng hợp như hiện nay thường cần được áp dụng cho những hoàn cảnh đặc biệt của một hợp đồng riêng lẻ. Chúng có thể thích hợp đối với vài loại sản phẩm nào đó hay cách giao dịch. Do vậy các bên đương sự nên lưu ý khi sử dụng các điều khoản này.

Tuy thế, các bên đương sự cần thiết có một điều khoản tiêu chuẩn ” bất khả kháng” của Phòng Thương mại Quốc tế, mà họ có thể lồng vào hợp đồng của họ bằng viện dẫn đơn giản. Vì lẽ ấy, điều khoản bất khả kháng đã được soạn thảo trong những điều kiện khái quát và không nhằm đề xuất những cách giải quyết mới một cách căn bản.

Ðiều khoản này có thể được ghi trong văn bản hợp đồng hoặc được lồng vào bằng viện dẫn. Khái niệm “khó khăn trở ngại” còn tương đối mới trong luật pháp và thực hành cuả hợp đồng quốc tế. Nó còn đang trên đà phát triển và được thấy chủ yếu trong các hợp đồng dài hạn, nó đòi hỏi dự thảo chi tiết riêng lẻ trên mọi mặt. Cho nên, điều khoản “khó khăn trở ngại” không giống điều khoản “bất khả kháng”, nó không được trình bày dưới dạng một điều khoản tiêu chuẩn đơn độc, được lồng vào hợp đồng bằng viện dẫn đơn giản. Ít khi nó cung cấp cho người soạn thảo hợp đồng một số chọn lọc có thể hỗ trợ cho công việc của họ Ðiều khoản bất khả kháng (miễn trách).

ĐIỀU KHOẢN BẤT KHẢ KHÁNG (MIỄN TRÁCH)

Lý do của miễn giảm trách nhiệm

Bổn phận thông báo

Hiệu quả của lý do miễn trách

Ðiều khoản bất khả kháng – điều khoản đối chứng kiểu mẫu.

Bình giải và nhận xét điều khoản bất khả kháng

ÐIỀU KHOẢN KHÓ KHĂN TRỞ NGẠI – GỢI Ý DỰ THẢO

Gợi ý dự thảo

Bình giải và nhận xét điều khoản khó khăn trở ngại.

NHỮNG DỊCH VỤ CỦA PHÒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (ICC) CHO KINH DOANH

Nghiệp vụ ngân hàng

Trọng tài

Sổ tay ATA

ĐIỀU KHOẢN BẤT KHẢ KHÁNG (MIỄN TRÁCH)

LÝ DO CỦA MIỄN GIẢM TRÁCH NHIỆM

1. Một bên đương sự không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất cứ bộ phận nào khi chứng minh được rằng:

– Việc không thực hiện là do một khó khăn trở ngại xảy ra ngoài sự kiểm soát của mình, và

– Họ đã không thể trù liệu được trở ngại và tác động của nó đối với khả năng thực hiện hợp đồng một cách hợp lý vào lúc ký kết.

– Họ đã không thể né tránh hoặc khắc phục nó hay ít nhất tác động của nó một cách hợp lý.

2. Trở ngại nêu ở đoạn (1) nói lên có thể nảy sinh từ những sự kiện sau đây gây ra – liệt kê này chưa phải toàn diện:

(a) Chiến tranh mặc dù có tuyên bố hay không, nội chiến, nổi loạn và cách mạng, hành động cướp bóc, hành động phá hoại

(b) Thiên tai như: bão tố dữ dội, gió lốc, động đất, sóng thần, huỷ diệt bởỉ sét đánh

(c) Nổ, cháy, huỷ diệt máy móc, nhà xưởng và bất cứ loại thiết bị nào

(d) Mọi hình thức tẩy chay, đình công, chiếm giữ nhà xưởng và cơ sở ngưng việc trong xí nghiệp của người đang mong tìm miễn giảm.

(e) Hành động hợp pháp hay phi pháp của người cầm quyền từ những hành động mà bên đương sự mong tìm miễn giảm phải gánh chịu rủi ro theo các điều khoản khác của hợp đồng và trừ những vụ việc nêu ở đoạn (3) dưới đây.

3. Nhằm vào mục đích của đoạn (1) nói trên và trừ khi có quy định khác đi trong hợp đồng, trở ngại không bao gồm: thiếu được cấp phép, thiếu chứng chỉ, thiếu giấy do nhập hay cư trú hoặc thiếu chấp thuận cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng và được cấp bởi nhà chức trách của bất cứ loại nào ở tại nước của bên đương sự mong muốn miễn giảm.

BỔN PHẬN THÔNG BÁO

4. Sau khi biết được trở ngại và tác động của nó đối với khả năng thực hiện hợp đồng của mình, bên đương sự mong tìm miễn trách thông báo cho bên đương sự kia càng sớm càng thiết thực về trở ngại như vậy và tác động của nó đối với khả năng thực hiện của mình. Thông báo cũng sẽ được gởi đi nếu lý do miễn trách không còn nữa.

5. Lý do miễn trách phát sinh hiệu quả từ thời điểm xảy ra trở ngại hoặc nếu giấy báo không được gửi đi kịp thời thì sẽ tính từ thời điểm thông báo. Việc không thông báo làm cho bên đương sự không thực hiện hợp đồng phải chịu trách nhiệm gánh vác những tổn thất do những mất mát đáng lẽ ra có thể tránh được, nếu khác đi.

HIỆU QUẢ CỦA LÝ DO MIỄN TRÁCH

6. Lý do miễn trách thuộc điều khoản này giải miễn trách nhiệm do bên không thực hiện hợp đồng khỏi những thiệt hại, tiền phạt và những trừng phạt khác của hợp đồng ngoại trừ trách nhiệm phải trả lãi nợ kéo dài và theo mức độ mà lý do miễn trách tồn tại.

7. Hơn thế nữa, nó còn đình hoãn thời gian thực hiện đến một hạn kỳ có thể coi là hợp lý và bằng cách ấy, nó gạt bỏ quyền chấm dứt hoặc huỷ bỏ hợp đồng của bên đương sự kia (nếu có). Khi xác định thế nào là một hạn kỳ hợp lý, sẽ phải chú ý đến khả năng tiếp tục thực hiện của bên đương sự không thực hiện và chiếu cố đến lợi ích của bên đương sự kia khi chấp nhận việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mặc dù chậm trễ. Trong khi chờ đợi bên đương sự không thực hiện tiếp tục việc thực hiện hợp đồng, bên đương sự kia có thể đình chỉ việc thực hiện của mình.

8. Nếu lý do miễn trách tồn tại lâu hơn hạn kỳ mà các bên đương sự quy định (hạn kỳ được áp dụng ở đây do bên đương sự quy định) hoặc khi không có một quy định như vậy thì bất cứ bên đương sự nào đều sẽ có quyền chấm dứt hợp đồng bằng cách ra thông báo.

9. Mỗi bên đương sự có thể giữ lại cho mình những gì đã tiếp nhận từ việc thực hiện hợp đồng trước khi nó kết thúc. Mỗi bên phải thanh toán cho bên kia phần lợi lộc không công bằng thu được từ việc thực hiện hợp đồng. Việc thanh toán theo cân đối tài chính cuối cùng sẽ được tiến hành không chậm trễ.

Điều khoản bất khả kháng-Điều khoản đối chứng kiểm mẫu

Các bên đương sự mong muốn kết hợp điều khoản này bằng viện dẫn vào hợp đồng của mình nên sử dụng câu sau đây:

“Điều khoản bất khả kháng (miễn trách) của Phòng Thương mại Quốc tế (ấn bản ICC số 421) được kết hợp vào hợp đồng bằng cách này”.

ĐIỀU KHOẢN BẤT KHẢ KHÁNG – ĐIỀU KHOẢN ĐỐI CHỨNG  KIỂU MẪU

Các bên đương sự mong muốn kết hợp điều khoản này  bàng viên dẫn vào hợp đồng của mình nên sử dụng câu sau đây:

“Điều khoản bất khả kháng (miễn trách) của Phòng Thương mại Quốc tế  (ấn bản ICC số 421) được kết hợp vào hợp đồng bằng cách này.

BÌNH GIẢI VÀ NHẬN XÉT ĐIỀU KHOẢN BẤT KHẢ KHÁNG

Theo cách nói chặt chẽ, loại điều khoản này được diễn đạt tốt nhất như là “một điều khoản miễn trừ” hoặc điều khoản miễn trách nhiệm”. Nhưng vì ngữ pháp “bất khả kháng” quen được dùng trong thực hành ngay cả ở các nước không nói tiếng Pháp. Do đó, từ ngữ này đã được dùng làm tên gọi ngắn gọn của điều khoản. Quả không có ý định bằng cách để đưa vào điều khoản bất cứ học thuyết Pháp hay của bất cứ quốc gia cá biệt nào khác về bất khả kháng.

1.Một phần của điều khoản bắt nguồn từ gợi ý từ câu chữ của điều 79 của Công ước Liên Hợp Quốc về hợp đồng bán hàng quốc tế năm 1980 (Công ước Viên). Công ước Viên có hiệu lực sau khi được 10 nước phê duyệt là nhằm lập ra một luật pháp thống nhất cho việc bán hàng quốc tế. Các bên đương sự có thể giảm thiểu các điều kiện của nó nếu họ muốn, thí dụ như bằng cách chấp nhận áp dụng điều khoản bất khả kháng hiện nay. Cũng như điều 79 của Công ước Viên, điều khoản này có thể bao trùm việc không thực hiện hợp đồng của mỗi bên đương sự bất kể là người bán hay người mua và bất kể đây là việc không thực hiện hợp đồng về hiện vật hay tiền tệ. Xa hơn nữa, điểu khoản được áp dụng cho cả việc thực hiện có thiếu sót hoặc chậm chễ cho dù việc thực hiện chậm trễ thường xảy ra nhất và được giải quyết dễ dàng nhất theo điều khoản. Điều khoản không bị giới hạn trong việc bán hàng hay thoả thuận tương tự mà còn có thể được dẫn chiếu vào các loại hợp đồng khác. Đặt ra một điều khoản đơn giản, thích hợp, chính xác cho mọi loại hợp đồng và ứng phó với mỗi cách không thực hiện hợp đồng là điều không thực tế. Do đó trong mỗi trường hợp mà điều khoản được áp dụng thì ít nhất là nên hoặc cần thiết kiểm tra xem nó phải được bổ sung hoặc sửa đổi trong khung cảnh riêng biệt hay không.

2. Điều khoản khởi sự từ việc thừa nhận sự vi phạm hợp đồng hay việc không thực hiện hợp đồng đã xẩy ra (đoạn 1). Bên đương sự không thực hiện được miễn trách hoàn toàn hoặc tạm thời khỏi những trừng phạt và những hậu quả khác như chấm dứt hay huỷ bỏ hợp đồng nó thường đi kèm với việc không thực hiện, miễn rằng những điều kiện cho việc miễn trách đã có ghi trong điều khoản.

3. Việc không thực hiện hợp đồng phải có lý do bởi một trở ngại (đoạn 1). Thuật ngữ này có nghĩa là những tình huống làm cho việc thực hiện hợp đồng của người giao ước trở nên bất tiện hay thậm chí nặng nề là không đủ và hơn thế nữa những hoàn cảnh ấy làm cho việc thực hiện hợp đồng của bên đương sự kia càng đem lại ít giá trị hơn cho đương sự thứ nhất. Mặt khác quả là quá khắt khe để đòi hỏi việc thực hiện trở thành tuyệt đối không thể được. Nhưng dù thế nào nó phải là chướng ngại ngăn trở việc thực hiện như đã được dự kiến thông thường.

4. Trở ngại phải được ở ngoài sự kiểm soát của bên đương sự không thực hiện (đoạn 1). Đoạn câu sau là một nhóm từ ngữ có thể tìm thấy trong điều 79 của Công ước Viên cũng như trong một số điều kiện của hợp đồng tổng hợp. Nó cũng được dùng trong luật tố tụng ở khá nhiều nước.

5. Chữ “trở ngại” đôi lúc có thể được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, thí dụ một cuộc chiến tranh diễn ra cắt đứt mọi giao thông liên lạc giữa hai quốc gia. Ðôi lúc nó lại dùng theo nghĩa rộng hơn để bao gồm những hậu quả của sự kiện ban đầu như: thiếu hụt lao động, vật tư hoặc hạn chế của giao thông liên lạc. Một bên đương sự có thể dự kiến sự kiện ban đầu nhưng lại không lưu tâm đến hậu quả của nó. Họ có thể viện lẽ rằng hầu hết sự việc đều có thể dự kiến vào lúc ký kết hợp đồng. Dù thế nào, điều khoản không phải chỉ có dụng ý cho người giao ước được miễn trách hạn chế như vậy. Ðiều khoản có liên quan tới đều là một bên đương sự lưu tâm một cách hợp lý và có kế hoạch phòng bất trắc khi tham gia vào hợp đồng. Vậy thì, họ cần mua nguyên liệu kịp thời, thuê lao động cho công việc nhưng không tính đến cần áp dụng những biện pháp ngoài quá trình kinh doanh thông thường, thí dụ: đã mua tất cả nguyên liệu cần thiết vào ngày đầu tiên của một kỳ hạn giao hàng lâu dài.

6. Kể cả khi họ được miễn thứ theo quan điểm “không khả năng dự kiến”, miễn trách vẫn có thể bị khước từ nếu lẽ ra họ đã có thể tránh được hoặc khắc phục được trở ngại hay ít nhất tác động của nó với khả năng thực hiện của mình một cách hợp lý. Ở đây một sự kiểm tra về tính hợp lý của vụ việc nên được áp dụng. Một người bán hàng có cây trồng bị thiêu trụi có thể chắc chắn sẽ được miễn thứ ngay cả khi họ không cố gắng để gieo trồng lại nhằm tạo khả năng giao hàng đúng hạn. Nhưng một đám cháy hay một tai nạn ở mức hạn chế không thể làm người bán được miễn thứ nếu họ đã không phục hồi thể dạng cây trồng một cách hợp lý để có thể thực hiện hợp đồng cho dù phải chi trả phí tổn ngoại lệ và lao động.

7. Đoạn 2 trình bày một số sự kiện thuộc một loại thường được coi là “những sự kiện ngoài khả năng dự kiến” thuộc điều khoản miễn trách (chúng được xem như những lý do giải miễn trách nhiệm, nếu tất cả điều kiện của đoạn 1 được đáp ứng thoả mãn). Chiến tranh và thiên tai là những ví dụ điển hình của bất khả kháng nhưng có một nét chung của các thí dụ là tất cả chúng nó đều mang tính chất khác thường. Bão tố dữ dội hoặc gió lốc có thể được chấp nhận như vậy nhưng riêng thời tiết xấu thì không. Các hình thức khác nhau về xung đột lao động đã được liệt kê vào nhưng chúng còn tuỳ thuộc bởi tính chất có liên quan đến công việc của xí nghiệp của người giao ước. Một cuộc bãi công về vận chuyển ảnh hưởng đến xí nghiệp của người giao ước có thể được chấp nhận nhưng một cuộc bãi công trong xí nghiệp của người cung cấp hàng không được định rõ trong hợp đồng thường có thể không được chấp nhận. Thiếu hụt chung về lao động, nguyên liệu hoặc vỡ nợ của người cung cấp hàng sẽ không được chấp nhận. Vì không chấp nhận những sự kiện ấy làm lý do miễn trách nên không có cơ sở đặt vấn đề xem bên đương sự này hay bên đương sự kia phải gánh chịu trách nhiệm về những sự kiện như vậy: trong một vài quan hệ hợp đồng tuỳ thuộc vào giá cả và điều kiện khác của hợp đồng – người giao ước có thể đương nhiên được miễn trách khỏi những rủi ro liên quan đến những sự kiện như vậy. Trong những trường hợp khác, sự việc có thể ngược lại. Vì vậy, nên dành cho hai bên đương sự mở rộng điều khoản, khi trường hợp cần thiết, để chấp nhận những sự kiện thuộc loại chưa được ghi trong điều khoản, thí dụ: thiếu hụt chung về nguyên liệu, lao động hoặc phương tiện giao thông. Mặt khác, phải làm rõ là việc liệt kê không có nghĩa là bao giờ cũng đầy đủ toàn diện. Một cuộc tổng bãi công đường sắt hoặc một cuộc tổng bãi công trong cảng khẩu, nơi mà người giao ước có cơ sở, sẽ có mọi khả năng được chấp nhận làm lý do miễn trách cho dù sự gián đoạn chung về giao thông liên lạc không được nêu rõ trong điều khoản.

8. Trong điều 79 của Công ước Viên, đã có một cố gắng để định rõ trách nhiệm người bán hàng mà việc không thực hiện hợp đồng có thể quy cho việc không thực hiện của người cung cấp hàng hay người ký hợp đồng phụ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau là nên nhiều đoạn này của Công ước Viên như thế nào. Những người soạn thảo điều khoản bất khả kháng hiện nay không coi việc xác định trách nhiệm người giao ước khi họ không thực hiện hợp đồng do bởi sự không thực hiện của người cung cấp hàng hay người ký hợp đồng phụ là cách có thể làm được. Hoàn cảnh có thể thay đổi quá nhiều từ trường hợp này đến trường hợp kia. Nói chung, có thể cho rằng việc không thực hiện của người cung cấp hàng hay của người ký hợp đồng phụ không phải tự thân nó là 1 sự kiện khác thường như những sự kiện đã được nêu ở đoạn 2 của điều khoản, trừ khi việc không thực hiện của những người này cũng bắt nguồn từ một sự kiện khác thường như vậy. Tuy nhiên, điều đó cũng còn tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa người cung cấp hàng và người ký hợp đồng phụ với một hoặc hai bên đương sự chính, thí dụ: phải chăng người cung cấp hàng đã được nêu rõ trong hợp đồng, phải chăng có sự xác nhận này theo yêu cầu của người giao ước hay người nhận giao ước. Hơn thế nữa, nó còn có thể tuỳ thuộc vào loại người cung cấp hàng, thí dụ: Phải chăng đây là một sản phẩm rất đặc biệt, phải chăng nguyên liệu sử dụng là thường thường sẵn có, hoặc phải chăng một vật dùng công cộng như nước, điện thường do người cung cấp chiếm độc quyền là bị dính dấp vào.

9. Hành động của nhà cầm quyền – hay như đôi khi được gọi là hành động của Thượng đế và kẻ thù của Vua chúa – là một thí dụ chung của bất khả kháng. Những sự kiện như vậy có thể khoác hình dáng của hành động bạo lực nhưng ngày nay lại rất thường xảy ra dưới dạng hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu; thanh toán, xây dựng, lao động và các dạng hoạt động kinh doanh khác nhau. Các hạn chế như vậy có thể gần như luôn luôn được thay đổi bởi một giấy phép hay một hình thức cấp phép nào khác. Nên định rõ trong hợp đồng bên đương sự nào có trách nhiệm xin phép và bên đương sự nào phải gánh chịu rủi ro về mình trong trường hợp bị từ chối cấp phép hay bị rút phép. Ngay cho dù hợp đồng không rõ ràng ở điểm này, một sự phân chia gánh chịu rủi ro nào đó có thể được xen vào từ tính chất hợp đồng hay từ một vài điều khoản của nó. Đoạn 3 quy định trong trường hợp nghi ngờ, người giao ước gánh chịu rủi ro về từ chối cấp phép hay rút phép, khi việc cấp phép đó đã được thực hiện bởi những nhà cầm quyền của nước người giao ước. Điều này có thể được xem là một sự phân chia gánh chịu rủi ro hợp lý nếu người giao ước là một xí nghiệp nước ngoài hay một xí nghiệp quốc doanh mà nhà cầm quyền của họ đã cấp phép theo sự cần thiết. Nếu xí nghiệp không có quan hệ đặc biệt gì với nhà cầm quyền đã cấp phép thì yêu cầu người của người giao ước về một điều kiện giải miễn họ thoát khỏi hậu quả cuả từ chối cấp phép hay rút phép có thể được bên kia đương sự chấp nhận nhiều hơn. Do vậy, các bên đương sự nên tu sửa điều khoản này sao cho thích hợp.

10. Bên đương sự vi phạm hợp đồng nên cố gắng giảm nhẹ tổn thất gây ra bởi việc không thực hiện vì lợi ích bản thân mình và cuả đương sự bên kia. Nếu không làm điều này, bên đương sự vi phạm có thể bị buộc phải bồi thường mất mát hoặc hư hại lẽ ra có thể tránh được, cho dù theo nguyên tắc, điều khoản miễn trách có tác dụng. Do đó, một bên đương sự nên phát thông báo càng sớm càng thiết thực cho bên đương sự kia về ý định của mình áp dụng điều khoản miễn trách (xem đoạn 4).

11. Không phát thông báo kịp thời chẳng những làm cho bên không thông báo phải gánh chịu tổn thất (đoạn 5) mà còn bị tước quyền được dựa vào điều khoản miễn trách trong thời gian trước khi có thông báo, phần nêu ở sau là một hậu quả gay go và nghiêm trọng. Trong nhiều quan hệ hợp đồng, người giao ước có thể có khó khăn để thực hiện ngay việc sẽ dựa vào điều khoản miễn trách hay không. Những bên đương sự cảm thấy sự giới hạn của điều khoản miễn trách như vậy là bất hợp lý thì có thể xoá bỏ câu thứ nhất của đoạn 5 (lý do của thông báo).

12. Một lý do của miễn trách giải thoát cho bên đương sự không thực hiện không chỉ tránh khỏi những thiệt hại mà còn tránh khỏi những khoản tiền phạt và các hình thức phạt khác của hợp đồng (đoạn 6). Nên lưu ý là điều khoản bao trùm việc không thực hiện mọi nghĩa vụ trong đó có cả nghĩa vụ về tiền tệ. Trong trường hợp chi trả tiền, nghĩa vụ khắc phục trở ngại là một nghĩa vụ có ý nghĩa tuyệt đối và rất nặng nhọc và những điều kiện cho được miễn trách chỉ sẽ được chấp nhận trong tình huống ngoại lệ. Mặc dù thế, một sự từ chối cấp phép, thu hồi phép hay bất kỳ sự thiếu giấy phép cần thiết tránh khỏi hạn chế tiền tệ trong một ngữ cảnh riêng biệt được xem như một trở ngại nằm trong điều khoản. Bổn phận trả lãi cho đến khi thanh toán có thể chứng tỏ đây không phải là một khoản tiền phạt cuả hợp đồng mà chính là sự bù đắp cho việc sử dụng vốn. Trong bất kỳ trường hợp nào, để tránh ngờ vực, điều khoản quy định nó không phải miễn một bên đương sự khỏi trả lãi nợ. Nên lưu ý là điều khoản không đặt ra bổn phận nào về trả lãi – thí dụ trả trước trên giá mua – nó không theo những điều khoản khác của luật pháp hoặc của hợp đồng. Nhưng mặc dù vậy, nếu việc trả tiền mua hàng đã đến kỳ hạn, điều khoản không giải miễn con nợ thoát khỏi bổn phận trả lãi nợ cho dù việc chi trả không thể tiến hành trong lúc này. Thêm nữa, rủi ro về tỉ giá hối đoái thường do con nợ gánh chịu kể từ ngày đến hạn trả tiền. Chủ nợ muốn con nợ gánh chịu trách nhiệm về biến động tỷ giá hối đoái của đồng tiền thanh toán, bất chấp điều khoản bất khả kháng, thì nên bảo vệ mình bằng một điều khoản rõ ràng.

13. Trái với Công ước Viên và một số hệ thống luật pháp khác, bất khả kháng thuộc điều khoản này bảo vệ bên đương sự không thực hiện tránh khỏi việc huỷ bỏ hoặc kết thúc hợp đồng hợp đồng của bên đương sự kia (đoạn 7). Vì vậy điều khoản quy định thời gian thực hiện hợp đồng được kéo dài đến một kỳ hạn được coi là hợp lý. Việc kiểm chứng tính chất hợp lý của kỳ hạn cần có sự lưu ý không chỉ riêng khả năng tiếp tục thực hiện của bên đương sự không thực hiện mà còn cả lợi ích nào bên đương sự kia có thể thu được qua việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mặc dù có chậm trễ.

14. Các bên đương sự nên xác định một kỳ hạn tối đa mà vào ngày mãn kỳ hạn mỗi bên có thể chọn lựa việc kết thúc hợp đồng nếu nó vẫn chưa được thực hiện (xem đoạn . Vì hoàn cảnh thay đổi rất nhiều từ trường hợp này đến trường hợp kia nên việc xác định độ lâu dài của kỳ hạn như vậy trong một điều khoản tiêu chuẩn là một công việc tế nhị khó khăn. Do đó cho nên, chẳng cố gắng quy định một kỳ hạn dứt khoát trong điều khoản . Không có quy định một kỳ hạn dứt khoát nên việc kiểm chứng tính chất hợp lý của nó cần được áp dụng. Thế nào là hợp lý, điều đó tuỳ thuộc vào những sự việc của hoàn cảnh riêng biệt.

15. Thật khó khăn không kém để quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các bên đương sự trong trường hợp chấm dứt hợp đồng . Công ước Viên chỉ chấp nhận bên thực hiện chứ không phải bên không thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng và đại đa số luật pháp các nước áp dụng cách giải quyết tương tự. Điều đó cho người nhận giao ước quyền chọn lựa chấm dứt hợp đồng và đại đa số hệ thống luật pháp các nước áp dụng cách giải quyết tương tự. Điều đó cho người nhận giao ước quyền chọn lựa chấm dứt hợp đồng hay chờ đợi đến khi có thể thực hiện.Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng, những hậu quả theo Công ước Viên cũng như của hầu hết hệ thống luật pháp các nước là mỗi bên đương sự phải hoàn trả những gì họ đã tiếp nhận. Điều khoản này áp dụng chế độ khác, nó cũng cho phép bên đương sự không thực hiện chấm dứt hợp đồng (sau khi chấm dứt kỳ hạn chờ đợi ). Việc hoàn trả không được ghi vào điều khoản nhưng mỗi bên đương sự được phép giữ lại những gì đã tiếp nhận. Nhưng họ phải thanh toán tiền cho bên kia về sự hưởng lợi không chính đáng có được từ việc thực của bên kia (đoạn 9) . Đây là một công thức rất chung chung , nó có thể không thích hợp cho một số quan hệ hợp đồng nào (ví dụ của một giải pháp khác biệt được quy định bởi những điều kiện chung về bán hàng của Uỷ ban kinh tế Châu Âu – Liên hợp quốc số 118A: về cung ứng, xây dựng công trình và máy móc cho xuất / nhập khẩu). Do đó, các bên đương sự nên nghiên cứu rất kỹ lưỡng xem các quy định của đoạn 9 có thích hợp cho hợp đồng riêng biệt của mình hay không, thì thay đổi điều khoản cho phù hợp. Mặt khác, cũng không nên xoá bỏ nó hoàn toàn chừng nào mà bên đương sự không thực hiện còn nắm giữ quyền chấm dứt hợp đồng.

ÐIỀU KHOẢN KHÓ KHĂN TRỞ NGẠI – GỢI Ý DỰ THẢO

GỢI Ý DỰ THẢO

Quan trọng: Đây không phải là một điều khoản tiêu chuẩn. Nó không thể được đưa vào hợp đồng bằng cách dẫn chiếu.

1. Nếu việc xảy ra sự kiện không được các bên đương sự dự tính một cách căn bản làm thay đổi thế cân bằng hiện có của hợp đồng, do đó gây nên gánh nặng quá mức cho một trong hai bên đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình, thì bên đương sự ấy có thể tiến hành như sau;

2. Bên đương sự sẽ yêu cầu một sự tu sửa hợp đồng trong vòng thời gian hợp lý kể từ khi biết được sự kiện và tác động của nó về mặt kinh tế của hợp đồng. Yêu cầu vạch rõ lý do làm cơ sở.

3. Những bên đương sự sẽ tham khảo cùng nhau với ý định tu sửa hợp đồng trên cơ sở công bằng nhằm đảm bảo không bên đương sự nào phải gánh chịu thiệt hại quá mức.

4.Yêu cầu tu sửa không làm cho việc thực hiện hợp đồng của chính mình bị gác lại.

Vậy, điều khoản có thể được nối tiếp với một trong bốn cách chọn lựa sau đây:

Cách thứ nhất

5. Nếu các bên đương sự không chấp thuận tu sửa hợp đồng trong vòng kỳ hạn 90 ngày của yêu cầu của hợp đồng sẽ tiếp tục có hiệu lực phù hợp với những điều kiện ban đầu.

Cách thứ hai

5. Khi các bên đương sự không chấp thuận tu sửa hợp đồng trong vòng kỳ hạn 90 ngày của yêu cầu, thì mỗi bên có thể đưa vụ kiện ra Uỷ ban thường trực, Phòng Thương mại Quốc tế về điều chỉnh quan hệ hợp đồng nhằm đạt được việc chỉ định người thứ ba (hoặc một uỷ ban 3 thành viên) phù hợp với quy định của quy tắc điều chỉnh quan hệ hợp đồng của Phòng Thương mại Quốc tế. Người thứ ba sẽ cho ý kiến xem những điều kiện cho tu sửa hợp đồng được quy định trong đoạn 1 đã được áp dụng thoả mãn hay chưa. Nếu có, nó sẽ giới thiệu một bản tu sửa hợp đồng công bằng đảm bảo không bên nào gánh chịu thiệt hại quá mức.

6. Ý kiến và giới thệu của người thứ ba sẽ không ràng buộc các bên.

7. Các bên đương sự sẽ xem xét ý kiến và giới thiệu của người thứ ba với sự trung thực phù hợp điều 11(2) của quy tắc đã nói về điều chỉnh quan hệ hợp đồng, thì hợp đồng tồn tại có hiệu lực phù hợp các điều kiện ban đầu.

Cách thứ ba

5. Nếu các bên đương sự không đạt được thoả thuận tu sửa hợp đồng trong vòng kỳ hạn 90 ngày yêu cầu, mỗi bên nếu cần, đều có thể đưa kết quả tu sửa ra Hội đồng trọng tài được chỉ định theo hợp đồng hoặc bằng cách khác đưa ra toà án có thẩm quyền.

Cách thứ tư

5. Khi các bên đương sự không đạt đựơc thoả thuận tu sửa hợp đồng trong vòng kỳ hạn 90 ngày của yêu cầu, mỗi bên đều có thể chuyển vụ việc đến Uỷ ban thường trực Phòng Thương mại Quốc tế về điều chỉnh quan hệ hợp đồng nhằm mục đích đạt được việc chỉ định người thứ ba (hoặc một uỷ ban 3 thành viên) phù hợp với quy định của quy tắc điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Người thứ ba sẽ thay mặt các bên đương sự xem xét các điều kiện cho tu sửa cho hợp đồng quy định trong đoạn 1 đã được đáp ứng thoả mãn hay chưa. Nếu có, họ sẽ tu sửa hợp đồng trên một cơ sở công bằng đảm bảo không bên nào gánh chịu thiệt hại quá mức.

6. Quyết định của người thứ ba sẽ ràng buộc các bên và được coi như kết hợp vào hợp đồng.

BÌNH GIẢI VÀ NHẬN XÉT ĐIỀU KHOẢN KHÓ KHĂN TRỞ NGẠI

1. Trái với điều khoản bất khả kháng nó có thể được đưa vào hợp đồng bằng viện dẫn, điều khoản khó khăn trở ngại không được trình bày dưới dạng một điều khoản tiêu chuẩn. Nó được các bên bổ sung tuỳ theo cần thiết và được kết hợp vào hợp đồng như những quy định riêng biệt. Khi làm như vậy, các bên sẽ chọn lựa trong mớ công việc bề bộn trong 4 cách xử lý liên quan đến tác động của khó khăn trở ngại (đoạn 5 và phần sau đây) mà họ mong muốn áp dụng.

2. Đoạn 1 quy định các khó khăn trở ngại có thể được viện dẫn bởi một trong các bên nếu việc xẩy ra những sự kiện chưa được dự tính trước một cách căn bản bởi các bên đã làm thay đổi thế quân bình của hợp đồng do đó nó đặt gánh nặng quá mức lên vai bên đương sự đang viện dẫn điều khoản trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Thuật ngữ “sự kiện chưa được dự tính trưc bởi các bên đương sự”. “thay đổi thế bình quân” và “gánh nặng quá mức” không được định nghĩa hoặc diễn tả chi tiết trong đoạn văn. Tuy nhiên, các bên có thể định rõ những sự kiện bất ngờ nào cho phép một bên viện dẫn điều khoản vào hợp đồng của họ. Họ có thể hy vọng riêng làm điều ấy nếu họ muốn tránh một sự áp dụng rất rộng rãi của điều khoản.

3. Những điều kiện tất yếu của cho việc việc dẫn khó khăn trở ngại là ít khắt khe hơn cho việc viện dẫn điều khoản bất khả kháng.

Sự kiện gây khó khăn trở ngại phải là sự kiện không được dự kiến trước lúc các bên lập hợp đồng nhưng không nhất thiết phải là sự kiện mà hai bên có thể không lưu ý đến. Thí dụ: một hợp đồng giao nước đá tiếp tục với một giá cố định. Trong hoàn cảnh bình thường người cung cấp có thể lấy nước đá từ một hồ nước đông cứng. Mùa đông trở nên ấm dịu khác thường và hồ nước đá đã không đủ đông cứng. Cách duy nhất là người bán phải sản xuất nước đã nhân tạo. Điều đó làm tăng giá thành của họ rất lớn. Sự kiện như vậy đã không được dự kiến trước bởi các bên nhưng nghiêm túc mà nói lẽ ra họ có thể đã phải lưu ý đến. Như vậy, khó khăn trở ngại có thể được một bên đương sự viện dẫn bằng cách tăng giá nhảy vọt của nguyên liệu.

Trái với bất khả kháng chỉ có thể được viện dẫn khi việc thực hiện hợp đồng trở nên không thể được hoặc hầu như không thể được, còn khó khăn trở ngại có thể được viện dẫn khi thế quân bình của hợp đồng bị xáo trộn nghiêm trọng.

Khó khăn trở ngại xẩy ra không phải chỉ ở bên tiến hành thực hiện phải chịu gánh nặng quá mức mà còn, nếu giá trị của việc thực hiện cho bên tiếp nhận quá nhỏ bé thì nó hoàn toàn trở nên mất cân xứng với lợi ích sẽ thu được bởi bên kia.

Nhưng, khó khăn trở ngại không thể được viện dẫn bởi một bên đương sự thuần tuý vì hợp đồng trở nên bất lợi cho mình hoặc vì lợi lộc thu được từ đó trở nên ít hơn một cách đáng kể so với lợi lộc mà họ hy vọng đạt được vào lúc ký hợp đồng. Hơn nữa, khó khăn trở ngại phải được đánh giá như một toàn bộ và không như một bộ phận được thực hiện trong văn bản của hợp đồng.

4. Sự kiện được viện dẫn phải xảy ra sau khi hợp đồng. Nói chung, nếu sự kiện xảy ra khi bên đương sự viện dẫn đã vi phạm và đặc biệt nếu sự kiện có nguyên nhân do hành động hay sơ suất mà người mà người viện dẫn chịu trách nhiệm thì thường thường họ không thể dựa vào đó làm lý do cho khó khăn trở ngại. Bên viện dẫn khó khăn trở ngại phải tiếp tục thực hiện hợp đồng (xem đoạn 4).

5. Đoạn 2 cấm một bên đương sự không được viện dẫn điều khoản nếu họ không có yêu cầu tu sửa hợp đồng trong một thời gian hợp lý kể từ khi họ nhận biết sự kiện và tác động của nó về mặt kinh tế của hợp đồng. Yêu cầu về tu sửa phải nêu rõ lý do cơ sở. Thế nào là thời gian hợp lý điều này tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của vụ việc.

6. Khi một bên yêu cầu về tu sửa hợp đồng được đưa ra, các bên đương sự phải cùng nhau tham khảo nhằm mục đích tu sửa hợp đồng trên cơ sở công bằng, đảm bảo không bên nào gánh chịu thiệt hại quá mức (đoạn 3).

Một vấn đề được đặt ra là một bên đương sự có thể làm gì nếu bên kia vẫn tỏ ra thụ động hoặc từ chối thương lượng. Điều đó có thể là quan trọng khi sự tu sửa hợp đồng chỉ có thể được hoàn thành với sự thoả thuận của hai bên (xem chú thích 8 và 9 dưới đây).

Câu giải đáp cho vấn đề này phải được tìm thấy trong luật áp dụng hợp đồng. Theo nhiều hệ thống pháp luật, bên đương sự có bổn phận trung thực và giao dịch thẳng thắn, sẽ là vi phạm khi họ đàm phán không trung thực.

7. Các bên đương sự có thể chọn lựa một trong bốn cách để áp dụng vào hợp đồng của họ, nếu họ không thoả thuận được tu sửa hợp đồng trong vòng kỳ hạn 90 ngày của yêu cầu.

8. Cách trọn thứ nhất và thứ hai dẫn đến sự tu sửa hợp đồng chỉ khi nào cả hai bên thoả thuận. Vì không có cưỡng chế thoả thuận nên việc không thoả thuận chẳng mang lại cho bên kia quyền khiếu nại tổn thất hay bù đắp khác. Đoạn 5, cách chọn lựa thứ nhất giữ cho hợp đồng tồn tại có hiệu lực phù hợp với các điều kiện ban đầu nếu các bên không thoả thuận được tu sửa. Bên viện dẫn điều khoản không thể yêu cầu bên kia tiếp tục thương lượng ngoài vòng kỳ hạn 90 ngày.

9. Đoạn 5, cách chọn lựa thứ hai cho phép mỗi bên đưa vụ việc ra người thứ ba độc lập. Uỷ ban thường trực của Phòng Thương mại Quốc tế về điều chỉnh quan hệ hợp đồng sẽ được yêu cầu để chỉ định người thứ ba (hoặc một uỷ ban 3 thành viên), phù hợp với quy tắc về điều chỉnh hợp đồng của Phòng Thương mại Quốc tế (xem “Sự tu sửa hợp đồng” – ấn bản số 326 của Phòng Thương mại Quốc tế ), người thứ ba cho ý kiến của mình với các bên xem những điều kiện cho tu sửa quy định trong đoạn 1 đã đáp ứng thoả mãn chưa và nếu có, thì giới thiệu một bản tu sửa công bằng của hợp đồng đảm bảo không bên nào gánh chịu thiệt hại qúa mức.

Ý kiến và giới thiệu của người thứ ba không ràng buộc các bên (xem đoạn 6). Theo đoạn 7, các bên sẽ xem xét ý kiến và giới thiệu của người thứ ba một cách trung thực phù hợp với điều 11(2) của các quy tắc về điều chỉnh quan hệ hợp đồng đã nói ở trên. Nếu các bên không đồng ý với tu sửa hợp đồng, hợp đồng tồn tại có hiệu lực phù hợp với các điều kiện ban đầu. Không có trách nhiệm gì đối với tổn thất hoặc bù đắp khác do việc không đồng ý tu sửa.

10. Đoạn 5, cách chọn lựa thứ 3 và thứ 4 cho phép mỗi bên đương sự yêu cầu một quyết định cưỡng chế và các điều kiện cho việc tu sửa đã được thi hành hay không và nếu có, tu sửa nào phải được thực hiện. Đoạn 5, cách chọn lựa thứ ba quy định sau khi vòng kỳ hạn 90 ngày của yêu cầu kết thúc, mỗi bên có thể đệ trình nếu vấn đề tu sửa hợp đồng lên toà án hoặc tổ chức trọng tài được quy định trong hợp đồng.

Nếu các bên đương sự không đồng ý đệ trình vụ việc ra trước toà án đặc biệt của thủ tục tố tụng, thì mỗi bên có thể đệ trình vụ việc ra bất cứ toà án nào có thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ.

Nếu các bên đương sự đã làm một thoả thuận trình toà trong hợp đồng hoặc khi tranh chấp xảy ra, toà án hoặc những toà án được chỉ định như thế nói chung sẽ có quyền tài phán độc nhất. Ở một vài hệ thống pháp luật, có những toà án không được trao quyền tu sửa hợp đồng theo những hoàn cảnh mới. Một bên đương sự có ý định tiến hành tố tụng theo đoạn 5, cách chọn lựa thứ 3 và những bên đương sự đồng ý đệ trình vụ tranh chấp ra trước toà án sẽ phải xem xét coi toà án ấy có được trao quyền tu sửa hợp đồng hay không.

11. Đoạn 5, cách chọn lựa thứ 4 cho phép mỗi bên chuyển vụ việc cho người thứ ba cũng như cách chọn lựa thứ hai. Tuy nhiên, trong trường hợp này, quyết định của người thứ ba được chỉ định bởi Uỷ ban thường trực của Phòng Thương mại Quốc tế mang tính cưỡng chế cho cả hai bên và được coi như kết hợp vào hợp đồng (xem đoạn 6).

NHỮNG DỊCH VỤ CỦA PHÒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (ICC) CHO KINH DOANH

Phòng Thương mại Quốc tế là tổ chức kinh doanh thế giới. Hoạt động của nó nhằm khuyến khích tự do mua bán thế giới mở rộng hơn, phối hợp và tạo thuận lợi cho kinh doanh và thực hành thương mại và đại diện cho cộng đồng kinh doanh trên mọi bình diện quốc tế.

Một số hoạt động của Phòng Thương mại Quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng và trọng tài quốc tế được trình bày ở các trang sau

NGHIỆP VỤ NGÂN HÀNG

Uỷ ban nghiệp vụ ngân hàng của Phòng Thương mại Quốc tế. Uỷ ban này tập hợp các nhà ngân hàng lại với nhau nhằm mục đích: Định nghĩa, giản đơn hóa và phối hợp hài hòa các thực hành và thuật ngữ dùng trong nghiệp vụ ngân hàng quốc tế.

– Bày tỏ cách nhìn của các nhà ngân hàng trước các tổ chức có liên quan, đặc biệt trước Uỷ ban luật pháp thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL).

– Phục vụ như là nơi gặp gỡ các nhà ngân hàng của thế giới để thảo luận các vấn đề chung.

TRỌNG TÀI

Toà án trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế

Toà án là cơ quan lãnh đạo trong việc xét xử thương mại Quốc tế. Thành lập từ 1923 bởi giới kinh doanh nhằm giải quyết những tranh chấp quốc tế có tính nghiệp vụ kinh doanh, sự vô tư của nó được thừa nhận khắp nơi. Mỗi năm, toà án tiếp nhận trên 250 trường hợp mới, bao gồm bên đương sự của hơn 80 nước và việc xét xử được tiến hành khắp thế giới (muốn có thêm thông tin, xin xem các ấn bản).

Đó là chưa kể hàng ngàn hợp đồng kinh doanh có lồng điều khoản trọng tài mẫu của Phòng Thương mại Quốc tế.

“Có tranh chấp xảy ra có liên quan đến hợp đồng hiện nay sẽ cuối cùng được dàn xếp theo quy tắc hoà giải và trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế, do một hay nhiều trọng tài viên được chỉ định phù hợp với quy tắc”.

Trung tâm quốc tế về chuyên môn kỹ thuật

Cung cấp khả năng nhờ cậy những chuyên viên độc lập cho các bên đương sự của hợp đồng quốc tế.

Uỷ ban thường trực về điều chỉnh quan hệ hợp đồng

Tạo thuận lợi cho việc chỉ định những chuyên viên độc lập có tài năng để điều chỉnh hợp đồng.

ICC/CMI – Tổ chức trọng tài hàng hải quốc tế

Quy tắc của những nhà quản lý được soạn thảo riêng cho nhu cầu trong lĩnh vực hàng hải.

Viện luật pháp và thực hành kinh doanh quốc tế

Tổ chức các hội thảo thường xuyên về trọng tài thương mại quốc tế và những vấn đề khác. Hướng dẫn dự án nghiên cứu như các phán quyết luật pháp liên quan đến tập tục quốc tế, trọng tài và xí nghiệp quốc doanh…

SỔ TAY  ATA

Mọi cá nhân cần nhận hàng có giá trị qua biên giới tạm thời, có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng cách sử dụng sổ tay ATA. Là chứng từ hải quan quốc tế đơn giản, sổ tay này cho phép người du lịch nhận hàng từ nước ngoài (hàng mẫu có giá trị,hàng triển lãm hội chợ, trang thiết bị nghề nghiệp…) nhằm tránh chi trả thuế và bớt thủ tục hải quan phiền hà. Sổ tay được phát hành qua đường dây bào đảm của 40 nước do Phòng Thương mại quốc tế tổ chức.

Phòng hàng hải quốc tế

Thành lập năm 1981 nhằm mang lại sự giúp đỡ thiết thực chống lường gạt hàng hải. Cung cấp cho các công ty thành viên và các tổ chức những thông tin và lời khuyên về các bên giao dịch, cảng khẩu riêng biệt…, nhận điều tra, đàm phán, xác minh chứng từ, kiểm tra chất lượng tàu và những dịch vụ khác. Cần thêm thông tin, xin liên hệ:

Ông giám đốc Phòng Hàng Hải Quốc tế

Maritime House, 1 Linton Road

Barking. Essex IG 118 HG United Kingdom

Tel: 01.591.3000

Telex: 8956492 IMB LDNG

Cables: Mar bureau Barking

Việc thực hiện hợp đồng đòi hỏi trách nhiệm của tất cả các bên đương sự phải hoàn thành các điều khoản và điều kiện chứa đựng trong đó.

Thế nhưng, nhiều sự kiện không lường trước được, không liên quan đến hoạt động của các bên đương sự, có thể sửa đổi về căn bản trách nhiệm lẫn nhau và cản trở ngay cả việc hoàn thành.

Phần lớn các hoạt động quốc tế bao gồm nhiều dự án phức tạp như “kinh doanh chìa khoá trao tay” hay công trình công cộng mà việc thi công thực hiện kéo dài. Do đó, các bên đương sự phải cấp thiết phải hoạch định hợp đồng sao cho phù hợp với mọi tình huống có thể xảy ra.

Quyển sách nhỏ này trình bày hai cách sắp xếp có liên quan đến “bất khả kháng” và “khó khăn trở ngại” nhằm mục đích cung cấp những điều khoản hợp đồng thoả đáng, đáp ứng chương trình tạo thuận lợi cho thương mại thế giới của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC).

SOURCE: CHƯA XÁC ĐỊNH – ĐỖ MINH TUẤN – Công ty Luật Châu Á (AsiaLaw)

Trích dẫn từ: http://saga.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)