Khi bộ luật Doanh nghiệp nhà nước chính thức kết thúc sứ mệnh vào ngày 1.7 vừa qua, nó đã không nhận được sự chú ý đầy đủ mà nó xứng đáng có được.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Được ban hành đúng 15 năm trước đây, luật Doanh nghiệp nhà nước đã trở thành khuôn khổ pháp lý then chốt giúp định dạng nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ trước đây: đó là một mô hình kinh tế mà quốc doanh chiếm vị trí trấn áp.
Các doanh nghiệp của các nhà tư sản dân tộc về cơ bản đã được quốc hữu hoá trong các phong trào công tư hợp doanh ở miền Bắc sau năm 1954 và cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau 1975.
Các xí nghiệp quốc doanh được hình thành từ các phong trào đó, hay được Nhà nước lập ra chỉ hoạt động theo các quy định của Chính phủ trong suốt một giai đoạn dài trước năm 1995.
Và khi bộ luật với nhiều ưu đãi và đặc quyền này được ban hành 15 năm trước, nó đã chính thức xác nhận và củng cố vị trí độc tôn của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, như khu vực này vẫn thể hiện trong suốt nhiều thập kỷ trước.
Tuy nhiên, tác động của bộ luật này đã giảm dần cùng các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều điều khoản của nó đã trở nên vô giá trị với các doanh nghiệp nhà nước khi một bộ luật khác mang tính lịch sử là luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực thi hành từ giữa năm 2006.
Với việc chuyển đổi thành công của 1.500 doanh nghiệp nhà nước cuối cùng thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên vào đúng ngày 1.7 vừa qua, luật Doanh nghiệp nhà nước đã chấm dứt hiệu lực hoàn toàn.
Kể từ thời điểm đó, các doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động một cách bình đẳng về hình thức tổ chức, và pháp lý của doanh nghiệp như các thành phần kinh tế khác, theo luật Doanh nghiệp.
Có thể có nhiều người sẽ đặt câu hỏi: liệu vai trò và xu hướng phát triển của khu vực kinh tế này là gì, và có giống như sứ mệnh đã kết thúc của bộ luật đã nuôi dưỡng nó?
Chắc hẳn đó là một câu hỏi ngây thơ.
Hãy cùng quay trở lại thời điểm cách đây năm năm khi hàng loạt các tổng công ty nhà nước được gấp rút nâng cấp thành các tập đoàn kinh tế với hy vọng trở thành “anh cả đỏ” hay “quả đấm thép” của nền kinh tế để có thể cạnh tranh quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.
Xu hướng này đi ngược lại với những nỗ lực cải cách doanh nghiệp nhà nước, cũng như những tuyên bố trước đó, rằng Nhà nước chỉ giữ lại vài trăm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để phục vụ công ích hay trong các ngành hạ tầng lớn.
Bà Phạm Chi Lan, một trong những thành viên tích cực của tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp nhớ lại: “Trong bối cảnh gia nhập WTO đã xuất hiện một luồng suy nghĩ khác. Ý tưởng cổ phần hoá để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước bằng sự tham gia của xã hội đã được thay bằng ý tưởng dồn hết nguồn lực của Nhà nước vào việc xây dựng những tập đoàn mạnh để làm đối trọng với các đối tác bên ngoài”.
Chỉ trong năm năm qua, đã có 11 tập đoàn kinh tế với rất nhiều ưu đãi đã được thành lập và bành trướng ra nhiều lĩnh vực kinh tế khác, như kết quả của ý tưởng đó.
Sự phát triển của các tập đoàn này, cựu kinh tế gia trưởng của ngân hàng Thế giới Martin Rama nhìn nhận, là thách thức liên quan đến suy giảm động cơ cải cách và quản trị nhà nước của Việt Nam.
Trong một bản báo cáo của ngân hàng này viết trước khi rời khỏi Việt Nam đầu tháng này, ông cảnh báo rằng các công ty mẹ của các tập đoàn đang duy trì “quan hệ quá gần với các cơ quan quản lý”, và do đó có động cơ mạnh mẽ để cố gắng hạn chế cạnh tranh nhằm đem lại lợi ích cho mình.
Trong khi đó, quá trình cổ phần hoá là điều đáng bàn. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 12.300 đầu những năm 1990 xuống còn 1.500 hiện nay có vẻ là thành công. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số vốn nhà nước vẫn còn tới khoảng 80% của các doanh nghiệp nhà nước còn lại này thì thật khó để khẳng định như trên.
Điều này được củng cố thêm bởi mục tiêu tham vọng của Chính phủ là giữ lại chỉ 400 doanh nghiệp nhà nước từ sau 2010.
Viện phó viện Khoa học thị trường giá cả của bộ Tài chính, tiến sĩ Vũ Đình Ánh khẳng định: “Kế hoạch cổ phần hoá chắc chắn không thể hoàn thành đúng hạn được”.
Bên cạnh đó, ông có trong tay những số liệu rất bi quan: các cơ quan nhà nước đã phát hiện 3.744 tỉ đồng, trên 1 triệu 380 ngàn m2 đất, gần 13,5 triệu cổ phần là sai phạm tiêu cực khi thanh tra vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 2009.
Cười một cách chua chát, ông Ánh nhắc lại một nhận xét nổi tiếng của một nhà kinh tế Ba Lan trước đây: “Cải cách doanh nghiệp nhà nước ư? Quên nó đi. Tốt nhất là phát triển các khu vực kinh tế khác”.
Nhưng đó không phải cách mà Việt Nam có thể áp dụng, khi khu vực này vẫn đang nắm giữ trong tay phần lớn nguồn lực của đất nước.
Vì lẽ đó, sứ mệnh của họ sẽ còn tiếp tục cho dù bộ luật dành riêng cho họ đã hoàn thành sứ mệnh.
SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ ĐIỆN TỬ – TƯ GIANG
Trích dẫn từ: http://www.doanhnhan360.com/