Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, trong quá trình bộ máy nhà nước hoạt động đã xuất hiện những hành vi tham ô, tham nhũng vì lợi ích riêng. Để xử lý những hành vi đó, nhằm đảm bảo hoạt động liêm chính, minh bạch của các cơ quan công quyền, các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành. Từ đó đến nay, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng luôn là một trong những trọng điểm đấu tranh của Đảng, nhà nước ta. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng được quan tâm phát triển.  Có thể khái quát quá trình phát triển của pháp luật phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay thành 05 giai đoạn. Cụ thể như sau:

 

1. Giai đoạn 1: Từ năm 1945 đến năm 1985

Trước tình thế thù trong giặc ngoài nhăm nhe phá hoại thành quả cách mạng, đòi hỏi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải xây dựng hệ thống pháp luật nhằm tiến hành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đáng chú ý, ở giai đoạn này Nhà nước ban hành một loạt các văn bản trong đó có quy định phòng, chống tham nhũng. Cụ thể như sau:

– Sắc lệnh số 223/SL ngày 27/11/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về trừng trị các tội biển thủ và hối lộ.

– Sắc lệnh 267/SL ngày 15/6/1956 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định trừng trị những âm mưu và hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của Nhân dân làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước.

– Pháp lệnh số 149-LCT ngày 21/10/1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trừng trị các tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.

– Chỉ thị số 139/TTg ngày 28/5/1974 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn một số vấn đề về xử lý các việc phạm pháp. Chỉ thị đã nêu rõ “đối với những tội trực tiếp xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa, vi phạm chế độ tem, phiếu, phân phối vật tư, hàng hoá, làm ăn phi pháp, thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, bao che cho kẻ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, trù ép những người phát hiện và tố giác… thì phải báo cho Viện kiểm sát Nhân dân là cơ quan được giao quyền công tố biết để cơ quan này khởi tố vụ án, đưa sang cơ quan Công an tiến hành điều tra”.

– Sắc luật số 03/SL ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam quy định về tội phạm và hình phạt, theo đó quy định một số tội phạm trong đó có việc trừng trị các tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tội đưa và nhận hối lộ (Điều 7).

– Pháp lệnh (không số) ngày 20/5/1981 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trừng trị các tội hối lộ.

Qua khái quát các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn này có thể thấy, ngay từ khi giành được độc lập, Nhà nước ta đã thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh với hành vi tham nhũng. Khái niệm các tội phạm về tham nhũng chưa được ghi nhận một cách chính thức trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, cách miêu tả cấu thành hành vi vi phạm còn chưa cụ thể. Tuy nhiên, các hành vi lạm dụng và lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, đưa hối lộ đều bị xử lý bằng các biện pháp như: Xử lý kỷ luật, xử lý hình sự hay hành chính của Nhà nước. Đặc biệt, dưới góc độ pháp luật hình sự, các quy định về tội phạm tham nhũng có quy định hình phạt rất nghiêm khắc.

Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng của nhà nước chính thức hình thành với từng bước cụ thể, tuy nhiên vẫn thiếu sự đồng bộ, thống nhất và vẫn còn những hạn chế nhất định. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng chủ yếu được thể hiện thông qua hệ thống các quy định về phòng, chống tội phạm tham nhũng.

 

2. Giai đoạn 2: Từ năm 1985 đến năm 1998

Bộ luật Hình sự năm 1985 được Quốc hội ban hành vào ngày 27/6/1985 (được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997) được coi là một dấu mốc quan trọng thể hiện chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước về tội phạm nói chung, tham nhũng nói riêng. Bộ Luật có một chương riêng quy định những hành vi phạm tội tham nhũng và hình phạt đối với chúng phù hợp với tình hình mới.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985, lần đầu tiên khái niệm tội phạm về chức vụ được định nghĩa “là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thi hành nhiệm vụ”. Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần thứ 4 vào năm 1997, các tội phạm về tham nhũng gồm 12 tội và được quy định rải rác tại các chương khác nhau của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh Bộ luật Hình sự năm 1985, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một số văn bản hướng dẫn cụ thể để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, xử lý các tội phạm về tham nhũng nói riêng. Ví dụ như: Quyết định số 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng; Chỉ thị số 416/CT ngày 03/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường các công tác thanh tra, điều tra, xử lý các việc tham nhũng và buôn lậu; Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 21/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách ngăn chặn, bài trừ tệ nạn buôn lậu, tham nhũng; Nghị quyết Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 4, ngày 30/12/1993 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng, buôn lậu… và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện của Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã góp phần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Bộ luật Hình sự năm 1985 cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đã tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng phát huy được vai trò trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cao, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…

Có thể thấy trong giai đoạn này, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến đáng kể so với giai đoạn trước. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã từng bước hoàn thiện và thống nhất trên phạm vi toàn quốc, được đánh dấu bởi sự ra đời của Bộ luật Hình sự năm 1985. Ngoài ra, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được mở rộng điều chỉnh nhiều lĩnh vực bên cạnh các quy quy định về phòng, chống tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo.

 

3. Giai đoạn 3: Từ năm 1998 đến năm 2005

Pháp lệnh số 03-L/CTN ngày 26/02/1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc chống tham nhũng được xem là văn bản có hệ thống đầu tiên quy định một cách thống nhất các vấn đề có liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Theo đó, tham nhũng được định nghĩa là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức”. Pháp lệnh cũng đã xác định nội dung, biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý hành vi tham nhũng, quan hệ phối hợp trong phòng, chống tham nhũng.

Pháp lệnh Chống tham nhũng có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, sở hữu của cơ quan, tổ chức, của công dân, bảo đảm hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức, bảo đảm cơ quan Nhà nước trong sạch, vững mạnh;

Bên cạnh Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998, Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 và Bộ luật Hình sự năm 1999 được coi là bộ khung pháp lý về đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn này. Đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định các tội phạm về tham nhũng thành một mục riêng, quy định chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn hơn.

Tuy nhiên, ở thời kỳ này, pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Điển hình là Pháp lệnh chống tham nhũng còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng ngừa, chống tham nhũng thời điểm đó như: Chưa quy định đầy đủ, cụ thể về sự công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, đất đai, mua sắm tài sản công; Chưa có quy định nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và việc xử lý đối với các trường hợp tự ý sửa đổi các chế độ, định mức, tiêu chuẩn hoặc thực hiện không đúng định mức, chế độ, tiêu chuẩn nhằm mục đích vụ lợi; Chưa có cơ chế, quy định để thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về những điều cán bộ, công chức không được làm.

Rõ ràng, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã từng bước hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc, được đánh dấu bởi sự ra đời của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998, tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất về nội dung, biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý hành vi tham nhũng, trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng. Trên cơ sở định hướng của Pháp lệnh, các quy định điều chỉnh các lĩnh vực khác cũng đã thống nhất. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thực sự đầy đủ, thống nhất.

 

4. Giai đoạn 4: Từ năm 2006 đến năm 2018

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/6/2006 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh chống tham nhũng, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Cùng với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, các luật như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật Thanh tra năm 2010; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Tiếp công dân năm 2013… và các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra một hành lang pháp lý tương đối toàn diện về phòng, chống tham nhũng.

Có thể khái quát, giai đoạn này pháp luật hình sự không còn giữ vị trí ưu thế tuyệt đối trong phòng, chống tham nhũng. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng được mở rộng tiếp cận trên nhiều phương diện, đặc biệt là những hành vi sai phạm chưa đến mức được coi là tội phạm.

Sau 12 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác.

Lần đầu tiên vấn đề phòng, chống tham nhũng được quy định một văn bản Luật do Quốc hội ban hành một cách có hệ thống. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn này có sự phát triển đáng kể với nhiều văn bản luật ra đời quy định một cách cụ thể, chi tiết trong từng lĩnh vực và dần hoàn thiện.  

 

5. Giai đoạn 5: Từ năm 2019 đến nay

Giai đoạn này khởi động bằng việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã khắc phục những hạn chế, bất cập qua 12 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi năm 2007 và 2012), đồng thời tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng.

Với những điểm mới trong việc kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức giúp cho thực tiễn phòng, chống tham nhũng được thuận lợi hơn. Việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; quy định về biến động tài sản và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm pháp lý của việc kê khai không trung thực; trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng… đã giúp cho việc kiểm soát hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, hạn chế các hành vi tham nhũng trong thực tiễn. Cùng với đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã áp dụng đối với các hành vi tham nhũng ngoài nhà nước. Chính vì thế, hoạt động phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn này được mở rộng hơn và áp dụng có chiều sâu trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, một số văn bản khác có quy định các vấn đề có liên quan như: Luật Tố cáo năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; Luật An ninh mạng năm 2018 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống tham nhũng. Những quy định này đã thể hiện mức độ tuân thủ cao Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng của Việt Nam.

Mặc dù còn một số hạn chế trong pháp luật phòng, chống tham nhũng giai đoạn này như: Chưa có quy định về việc xử lý hành chính đối với hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; chưa có quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước… Tuy nhiên, phải khẳng định giai đoạn này, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng được coi là hoàn thiện nhất từ nội dung, biện pháp phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm và các chế tài xử lý.

Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được điều chỉnh và có sự thay đổi đáng kể trong quan điểm về tham nhũng. Vì vậy, các quy định đã cụ thể, chi tiết trong từng lĩnh vực và hoàn thiện, không chỉ nội dung phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của các chủ thể cũng rõ ràng, các cơ chế kiểm soát tham nhũng cũng được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật và văn bản dưới luật, đảm bảo phù hợp với các văn bản luật quốc gia khác và pháp luật quốc tế. Nhìn chung hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn này đã được phát triển lên trình độ mới.

Như vậy, tổng kết lại, ta có thể khẳng định rằng từ năm 1945 đến nay pháp luật phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Giai đoạn đầu, pháp luật về lĩnh vực này chủ yếu được thể hiện thông qua các quy định pháp luật hình sự về tội phạm và xử lý tội phạm, đồng nhất giữa tham nhũng với tội phạm tham nhũng, tuy nhiên vẫn còn rời rạc và chưa thống nhất. Sau đó, các quy định về phòng chống tham nhũng đã dần thống nhất thông qua Bộ luật Hình sự năm 1985. Đến năm 1998, lần đầu tiên pháp luật về phòng, chống tham nhũng được điều chỉnh bởi một văn bản thống nhất là Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998. Sau đó, sự phát triển được đẩy lên ở mức độ mới là sự ra đời của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Điều đáng lưu ý là ở giai đoạn phát triển này, không chỉ có Luật phòng, chống tham nhũng mà các đạo luật khác của Nhà nước cũng đã có các quy định cụ thể để kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong nhà nước và ngoài nhà nước. Điều này tạo ra một sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện trong hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Trên đây, Luật LVN Group đã chia sẻ đến quý bạn đọc bài viết Các giai đoạn phát triển của phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay? Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ tổng đài 1900.0191 để được đội ngũ Luật sư tư vấn miễn phí. Luật LVN Group xin cảm ơn!