Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group. Nhờ Luật sư phân tích giúp tôi sự tham gia của đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử.
Cảm ơn!
Trả lời:
1. Vai trò của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử
Sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án là một trong những yếu tố truyền thống của hệ thống tư pháp, góp phần bảo đảm cho những giá trị bất biến của hệ thống tư pháp, đó là xác định sự thật, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho các bên tranh chấp trên cơ sở các giá trị chung của cộng đồng và nguyên tắc độc lập xét xử.
Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, một trong các lĩnh vực của quyền lực Nhà nước. Quyền lực này nhà nước được chuyển giao từ nhân dân thông qua “khế ước xã hội”. Trong pháp luật tố tụng nước ta, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm (2/3 hoặc 3/5), trong khi cơ chế đưa ra phán quyết của Hội đồng xét xử biểu quyết theo đa số. Như vậy, về mặt pháp lý, Hội thẩm nhân dân có vai trò quyết định trong việc đưa ra các phán quyết tư pháp.
Chủ thể xét xử nhân dân còn thể hiện vai trò thu hẹp khoảng cách giữa pháp luật với cuộc sống trong hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án khi xét xử. Trong bối cảnh pháp luật không thể quy định chi tiết theo hướng lượng hóa tất cả mọi trường hợp như thế nào là “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác” hay như thế nào là đối tượng ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo trá, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… để nghiêm trị hay ăn năn, hối cải để khoan hồng; như thế nào là “chi phí hợp lý”, là “thông lệ chung” khi “chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung”. Hoạt động áp dụng pháp luật trong những trường hợp như trên rất cần dựa trên các quan điểm của người đại diện cho nhân dân, cho số đông, cho hơi thở của cuộc sống thực tiễn đang diễn ra và do đó cũng cần có sự hiện diện của đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử.
Nếu có cơ chế phù hợp để đại diện nhân dân thực sự được xét xử độc lập, ý chí của chủ thể xét xử nhân dân được tôn trọng thì sự tham gia của đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử còn có vai trò đối trọng, phản biện mang tính xây dựng đối với ý chí và quyết định của thẩm phán – chủ thể xét xử chuyên nghiệp trong cùng một vấn đề mà hai bên có mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn này có thể xuất phát từ cách nhìn nhận khác nhau về đánh giá chứng cứ, về bản chất sự việc, về luật áp dụng, về yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, về bảo vệ quyền con người… hoặc xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa đạo đức xã hội và lợi ích giai cấp, lợi ích nhóm được thể hiện trong các quy phạm pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào nhưng mẫu thuẫn cũng đem lại những hiệu ứng tích cực, đem lại động lực cho những tranh luận giữa các chủ thể xét xử, qua đó giúp cho các phán xử của Tòa án phải dựa trên lập luận thuyết phục được các bên tranh chấp và thuyết phục được số đông người dân.
2. Ý nghĩa sự tham gia của Hội thẩm nhân dân trong xét xử
Sự tham gia của Hội thẩm nhân dân vào quá trình đưa ra các phán quyết tư pháp bảo đảm cho các phán quyết tư pháp không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn trên cơ sở những giá trị xã hội, giá trị cộng đồng, những quan điểm về đạo đức, về hành vi chuẩn, lệch chuẩn mà pháp luật chưa ghi nhận đầy đủ và kịp thời. Các chủ thể xét xử nhân dân không chỉ dựa trên pháp luật mà còn dựa trên các giá trị xã hội để đánh giá tính chất tranh chấp, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của bị cáo, bị đơn gây ra. Có như vậy, phán quyết của Tòa án mới đạt tới công lý, hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý, vì công lý không chỉ là công bằng trên cơ sở pháp luật mà còn là lẽ phải và đạo đức xã hội.
Hoạt động xét xử có sự đại diện của nhân dân làm tăng tính thuyết phục của các phán quyết đối với xã hội, phán quyết của Tòa án không phải là sự áp đặt của nhà nước, của một loại cơ quan nhà nước hay của một số công chức nhà nước đối với các tranh chấp mà còn là sự nhìn nhận của xã hội, của đại diện cho số đông người dân trong xã hội. Hoạt động xét xử có sự đại diện của nhân dân làm tăng hiệu quả giáo dục, cải tạo đối với người bị kết án do tính thuyết phục của bản án, đem đến sự “tâm phục, khẩu phục” cho các đối tượng bị phán xử.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về sự tham gia của Hội thẩm nhân dân
Sự tham gia của nhân dân trong hoạt động xét xử là một trong những đặc thù của hoạt động tư pháp và quá trình thực hiện quyền tư pháp, trở thành một truyền thống tư pháp. Tuy nhiên, sự tham gia của nhóm chủ thể này không phải là giống nhau đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Điều 8 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật tố tụng, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Khoản 1 Điều 11 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: “Việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” và tương tự như vậy với Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, do xuất phát từ nội dung hiến định “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (khoản 1 Điều 103 Hiến pháp năm 2013).
4. Mô hình Hội thẩm nhân dân ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Hội thẩm nhân dân là những chủ thể xét xử “bán chuyên nghiệp”. Họ là những người được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm, ngang quyền với thẩm phán trong Hội đồng xét xử nhưng do số lượng đông hơn và bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số nên ở góc độ pháp lý, trong các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính sơ thẩm (trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn), quan điểm của họ được tôn trọng (2/3, 3/5) trong tất cả các quyết định của bản án. Hội thẩm nhân dân không đưa ra phán quyết độc lập với bản án của Thẩm phán trong hình thức xét xử có Bồi thẩm đoàn. Mô hình này của Việt Nam và nhiều nước khác cùng hệ thống pháp luật được cho là tôn trọng ý kiến của nhân dân với các lĩnh vực xét xử, các nội dung xét xử và đơn giản, gọn nhẹ trong quá trình lựa chọn đại diện nhân dân. Tuy nhiên, điểm hạn chế là với một danh sách các Hội thẩm theo nhiệm kỳ tại mỗi Tòa án, Hội thẩm nhân dân dần trở thành những “gương mặt thân quen”, trở nên chuyên nghiệp hóa (về mặt lý thuyết) và hình thức hóa (về mặt thực tế), khó đảm bảo thể hiện đầy đủ các mục tiêu, các triết lý dẫn đến sự hiện diện của nhân dân trong xét xử như đã phân tích.
5. Một số mô hình xét xử có đại diện nhân dân (Bồi thẩm đoàn) trên thế giới
Về lĩnh vực, đối tượng, phạm vi xét xử có đại diện nhân dân (Bồi thẩm đoàn), nhiều nước chỉ cho phép lĩnh vực xét xử hình sự có Bồi thẩm đoàn (với quan điểm phải có đại diện của xã hội tham gia xét xử để bảo đảm cho bị cáo được xét xử công bằng trước những cáo buộc có thể thiếu căn cứ). Tại Canada, để xác định trường hợp nào cần xét xử với Bồi thẩm đoàn, Thẩm phán sẽ cân nhắc các yếu tố của vụ án, nếu vụ án là một phức hợp các vấn đề pháp lý và chỉ một số ít các vấn đề về thực tế thì sẽ không xử với Bồi thẩm đoàn. Và cũng sẽ không có Bồi thẩm đoàn nếu các chứng cứ mang ra xem xét tại phiên tòa quá phức tạp đối với Bồi thẩm đoàn. Thậm chí lúc đầu xác định có thể xét xử theo cơ chế bồi thẩm đoàn nhưng Thẩm phán vẫn có thể quyết định xử không có Bồi thẩm đoàn tại bất cứ thời điểm nào mà nhận thấy vụ án nên được giải quyết không có Bồi thẩm đoàn. Mô hình này giúp cho việc tham gia xét xử của nhân dân thực chất hơn khi họ được và chỉ được phán định những vấn đề được cho là phù hợp hơn với trình độ của họ, một ưu điểm khác là tính đại diện cho nhân dân cao hơn, tính phù hợp với từng vụ án cũng có thể cao hơn khi mỗi vụ án lại có những gương mặt bồi thẩm viên mới được lựa chọn.
Tại Hoa Kỳ, những bồi thẩm viên triển vọng được sàng lọc từ các danh sách cử tri. Việc tuyển chọn Bồi thẩm lượt cuối được thực hiện theo một thủ tục đặc biệt “voir dire” (nói sự thật) – phỏng vấn, kiểm tra vấn đáp mà người hỏi là Tòa án hoặc Luật sư của LVN Group của các bên đối tụng để xác định khả năng đem lại những phán quyết khách quan, công bằng cũng như là sự phù hợp của họ cho công việc, “loại bỏ những người mà họ tin là có thể không nghiêng về phía họ kể cả khi không có nguyên nhân rõ ràng cho sự thiên lệch… Thủ tục đặt câu hỏi và phản đối những thành viên triển vọng của Bồi thẩm đoàn tiếp tục đến khi tất cả những người bị phản đối vì định kiến đều được loại bỏ, những phản đối võ đoán hoặc đã được được sử dụng hết hoặc bị khước từ dùng tiếp, và một bồi thẩm đoàn gồm 12 người (ở một số bang là 6 người) được thành lập. Tại một số bang, những thành viên dự khuyết cũng được lựa chọn. Họ tham dự phiên tòa nhưng chỉ tham gia vào những suy xét kỹ lưỡng khi một trong số những thành viên ban đầu của Bồi thẩm đoàn không thể tiếp tục theo vụ kiện. Một khi danh sách bồi thẩm đoàn đã lựa chọn, họ sẽ tuyên thệ trước thẩm phán và viên lục sự”.
Như vậy, mỗi mô hình đều có cái hay và dở, không một mô hình nào là lý tưởng một cách tuyệt đối để bảo đảm giá trị thực tế của việc đại diện nhân dân tham gia xét xử. Mặt khác, với các vụ án phi hình sự, các vụ án mà tính chất pháp lý phức tạp, việc đại diện nhân dân tham gia xét xử cũng ngày càng thu hẹp do được cho là không cần thiết. Đối với những vụ án đòi hỏi hoạt động xét xử phải thật sự chuyên sâu, nhanh chóng, hiệu quả thì cũng cần.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).