Bài 4

RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÁI XE KINH DOANH VẬN TẢI VÀ NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN XE

 

I. ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÁI XE, NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN XE TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

1. Những yếu tố tiêu cực tác động đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe

a) Tác động của cơ chế thị trường đến đạo đức nghề nghiệp của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe:

Cơ chế thị trường đã tạo điều kiện cho vận tải phát triển mạnh mẽ, nhiều phương tiện, dịch vụ vận tải tốt đã được đưa ra thị trường, thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, cũng phát sinh một số tiêu cực tác động xấu đến đạo đức nghề nghiệp người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Sau đây là một số tác động tiêu cực:

Một là, chủ nghĩa thực dụng, chạy theo lợi nhuận có cơ hội nảy nở trong một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Đối với VTHK: hiện tượng chạy đua tranh giành khách, lèn khách, thông đồng với các cơ sở kinh doanh ép khách phải sử dụng các dịch vụ với giá cao,…diễn ra nhiều hơn. Đối với VTHH: hiện tượng chạy đua tăng tải, giảm cước vận chuyển diễn ra phổ biến.

Hai là, xuất hiện tâm lý coi thường kỷ cương, phép nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, chưa thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, có hiện tượng đối xử thô bạo với khách, sang, bán khách dọc đường,…

Ba là, có những biểu hiện suy thoái đạo đức của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Thể hiện ở lối sống thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng hành khách thông qua hành vi ứng xử ở nơi công cộng như bến xe, trên xe, sử dụng ma túy,…

Bốn là, tính tương trợ, giúp đỡ nhau giữa các đồng nghiệp giảm, ít tôn trọng với những người đi đường.

Năm là, không đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường, coi việc chi tiền cho lực lượng này (kể cả trong trường hợp không có sai phạm) là việc cần phải làm để tồn tại.

2. Đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe

Kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, hoạt động vận tải đã được xã hội hóa với tốc độ cao, phương tiện vận tải phát triển nhanh chóng, số lượng lái xe tăng nhanh, lực lượng vận tải được tổ chức theo quy định của pháp luật gồm: các doanh nghiệp; hợp tác xã; hộ kinh doanh và phân hóa thành 2 nhóm:

* Nhóm thứ nhất: các đơn vị tổ chức quản lý tập trung (quản lý toàn bộ hoặc một số khâu quan trọng, chủ yếu trong quá trình quản lý của đơn vị) quan tâm đến việc nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn trong quá trình vận tải.

* Nhóm thứ hai:các đơn vị thực hiện cơ chế khoán, hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ hoặc hộ kinh doanh, người lái xe là người đảm nhiệm gần như toàn bộ các khâu trong kinh doanh.

Do vậy, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe hiện nay có những phân hóa tương ứng:

a) Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe làm việc trong các đơn vị thuộc nhóm thứ nhất:

– Có bước chuyển biến trong việc tìm hiểu, nắm được những quy định của pháp luật, các quy định của ngành về hoạt động vận tải đường bộ để thực hiện.

– Có ý thức nâng cao chất lượng phục vụ, tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

– Về ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm đối với đơn vị: Bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ở các đơn vị này có chuyển biến rõ, chấp hành tốt mệnh lệnh sản xuất; có trách nhiệm đối với đơn vị, với khách hàng.

– Về mối quan hệ với đồng nghiệp: có tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau nhưng chủ yếu trong phạm vi đơn vị.

– Có ý thức chấp hành việc kiểm tra, xử lý; mệnh lệnh điều khiển giao thông của CSGT, thanh tra giao thông trên đường.

– Đa số lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có ý thức tu dưỡng, rèn luyện tác phong, lối sống lành mạnh, khiêm tốn học hỏi, cầu tiến bộ.

b) Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe làm việc trong các đơn vị thuộc nhóm thứ hai:

– Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe là người đảm nhiệm gần như toàn bộ các khâu trong kinh doanh, áp lực lớn nhất đối với họ là doanh thu, lợi nhuận nên ít quan tâm tới việc tìm hiểu các quy định của pháp luật cũng như chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông.

– Một bộ phận không nhỏ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế kể cả pháp luật về giao thông đường bộ; ý thức chấp hành pháp luật kém, vi phạm nghiêm trọng các quy định như phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải, quá khách, gây nên những vụ tai nạn nghiêm trọng.

– Không ít lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đối xử thiếu văn minh, lịch sự với khách, không đảm bảo các quyền lợi của hành khách, cá biệt có một số trường hợp làm ngơ hoặc tiếp tay, đồng lõa với nhân viên phục vụ trên xe, những cơ sở dịch vụ ép khách sử dụng các dịch vụ với giá cao, đối xử thô bạo, hành hung hành khách, đuổi khách xuống dọc đường…

c) Một số tồn tại chung của lái xe, nhân viên phục vụ hiện nay:

– Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, ít thân ái, hợp tác, giúp đỡ nhau; hiện tượng ganh đua, tranh giành nhau trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô diên ra khá phổ biến.

– Trong mối quan hệ với lực lượng tuần tra, kiểm soát còn chưa đấu tranh mạnh mẽ với các hiện tượng tiêu cực, dễ dãi trong việc chi tiền theo “lệ”, gây nên tình trạng “nhờn luật” và vi phạm luật khá phổ biến.

– Một số lái xe chưa tôn trọng đúng mức người đi đường như: không giữ khoảng cách an toàn, còi to, phóng nhanh khi đi qua khu dân cư, đô thị, trường học,…

– Một số lái xe, nhân viên phục vụ trên xe mắc vào các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc,…

II. RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP 

1. Phương hướng, mục tiêu chung

Cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị vận tải cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục để tạo điều kiện cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải với nhiều hình thức phong phú. Mỗi người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cần phải tích cực hưởng ứng tham gia, tự giác rèn luyện để đạt kết quả thiết thực.

Mục tiêu chung là từng bước nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; xây dựng đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có trình độ chuyên môn giỏi, có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông đường bộ, có tác phong làm việc công nghiệp, có tinh thần thái độ phục vụ khách hàng tốt góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, phát triển lành mạnh, ổn định của từng đơn vị và của toàn ngành vận tải ô tô.

2. Rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp

Để thực hiện tốt các tiêu chí cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe nhân viên phục vụ trên xe, vấn đề chính là lái xe và nhân viên phục vụ phải hiểu rõ và xử lý đúng đắn, có văn hóa các mối quan hệ sau:

– Quan hệ với đơn vị vận tải: người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải thực hiện những nội dung trong hợp đồng đã được ký kết thoả thuận với người sử dụng lao động, tôn trọng người sử dụng lao động, chấp hành tốt kỷ luật, nội quy của đơn vị, giữ gìn xe tốt, sạch, đẹp; thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa xe chu đáo, đảm bảo lái xe an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, góp phần kinh doanh có hiệu quả.

– Khi thực hiện nhiệm vụ vận tải: người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải là một “Ê kíp” thay mặt đơn vị tiếp xúc với khách hàng, ngoài nhiệm vụ chính là lái xe và phục vụ khách hàng, “Ê kíp” này còn phải thực hiện trách nhiệm của đơn vị với khách hàng và đây là công việc quan trọng giữ uy tín cho đơn vị. Trong trường hợp thực hiện cơ chế khoán của đơn vị vận tải, hoặc lái xe cũng đồng thời là chủ hộ kinh doanh thì người lái xe cần phải biết điều chỉnh hài hòa giữa kinh doanh và phục vụ, không được vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi trách nhiệm của mình đối với khách hàng, đối với xã hội (tức là mất đi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, mất đi mối lợi lâu dài của chính mình).

– Đối với cộng đồng xã hội nơi phương tiện đi qua, mỗi khu vực có những phong tục, tập quán riêng. Ngoài những quy định của pháp luật mà người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải chấp hành khi qua những địa điểm như trường học, bệnh viện, chợ, khu dân cư thì trong quá trình làm việc phải tìm hiểu phong tục tập quán và đặc trưng văn hoá của từng vùng, miền để xử lý những mối quan hệ ứng xử của mình cho phù hợp. Khi hoạt động trên đường gặp đồng nghiệp, người tham gia giao thông mắc phải khó khăn, cần tận tình giúp đỡ.

– Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn giao thông, phải chấp hành các quy định về tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường, phối hợp với lực lượng tại chỗ để giải quyết hậu quả, tuyệt đối không được bỏ trốn khi xảy ra tai nạn (trừ trường hợp nếu ở lại sẽ bị đe dọa đến tính mạng), không được xoá hiện trường… có biện pháp giải quyết tiếp chuyển khách và bảo quản hành lý, tài sản trên xe.

– Tuyệt đối chấp hành sự hướng dẫn của người đại diện cơ quan pháp luật để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phải chấp hành sự kiểm tra và những quyết định xử lý theo quy định của pháp luật nếu vi phạm.

– Luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng bản thân, hình thành tác phong làm việc công nghiệp, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, có lối sống lành mạnh. Đối với đồng nghiệp luôn hợp tác, thân tình và giúp đỡ.

Tóm lại, mỗi mối quan hệ có những chuẩn mực ứng xử riêng, phù hợp. Nếu người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đầy đủ các chuẩn mực ứng xử tức là người đó có đạo đức nghề nghiệp.

3. Một số nội dung cụ thể trong từng hình thức kinh doanh vận tải

* Ngoài những quy tắc ứng xử chung đối với người lái xe kinh doanh vận tải như đã nêu ở trên, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe còn phải theo những quy tắc cụ thể phù hợp với từng hình thức kinh doanh:

a) Vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt:

– Luôn có ý thức về tính tổ chức, kỷ luật, thực hiện nghiêm biểu đồ chạy xe được phân công.

– Thực hiện đúng hành trình, lịch trình; đón, trả khách đúng nơi quy định; vận hành phương tiện theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

– Giúp đỡ hành khách khi đi xe, đặc biệt là những người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai, có con nhỏ, trẻ em.

– Tôn trọng và có trách nhiệm cao với hành khách,

b)Vận tải khách bằng taxi, hợp đồng và du lịch:

Đây là loại hình hoạt động với môi trường hoạt động độc lập có nhiều khó khăn. Người lái xe cần phải thông thạo các tuyến phố các điểm du lịch và phải có những hiểu biết nhất định về những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nơi khách sẽ đến, trong một số trường hợp người lái xe được xem như một hướng dẫn viên, một người “tiếp thị” du lịch,… Vì vậy ngoài những quy tắc ứng xử chung, người lái xe cần phải trung thực, không gian lận khi tính cước hay lợi dụng việc hành khách không thông thạo đường để đi đường vòng nhằm tăng cước vận chuyển.

c) Vận tải hàng hóa: Quan trọng nhất là người lái xe phải vận chuyển hàng hóa an toàn và đến đúng giờ, có trách nhiệm giao hàng, trả hàng đúng nơi đã thỏa thuận và chở đúng tải trọng cho phép.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Giao thông – Công ty luật LVN Group