Song trong cuộc sống, đấu tranh xảy ra hàng ngày, quyền công dân được pháp luật bảo vệ chưa được thực thi một cách hữu hiệu, đầy đủ và kịp thời. Ở nhiều nước, nơi nào tình trạng độc đoán, chuyên quyền còn ngự trị thì quyền công dân được pháp luật bảo vệ chỉ tồn tại một hình thức trong các văn bản pháp luật mà thôi.
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quyền công dân được pháp luật bảo vệ đã được ban hành, áp dụng từ ngày có chính quyền cách mạng. Quyền này được thực thi ngày một rộng rãi về mặt nội dung và ngày càng thêm chắc chắn bởi các biện pháp bảo vệ mang tính hiệu quả cao.
Ví dụ: Để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tự do, nhân phẩm, tài sản của công dân chống lại những hành vi phạm tội. Nhà nước ta đã tổ chức ra hệ thống các cơ quan Điều tra hình sự, các Viện kiểm sát nhân dân và các Toà án hình sự để chuyên trách đấu tranh với tình trạng phạm tội. An ninh đất nước, an toàn xã hội được đảm bảo là do hoạt động có hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật góp phần tạo nên.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191
Để bảo vệ các quyền dân sự của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu phi tài sản nhưng có liên quan chặt chẽ với quyền sở hữu tài sản như quyền sáng tác, sáng chế, phát minh, Nhà nước ta đã tổ chức ra Toà án dân sự với chức năng giải quyết các tranh chấp về dân sự, về hôn nhân trong nhân dân. Hoạt động của các Toà án dân sự đã góp phần bảo vệ kết quả các quyền sở hữu về động sản, bất động sản của công dân, bảo vệ các quan hệ tốt đẹp về gia đình và hôn nhân. Điều này đã góp phần tạo nên tâm lý “an cư lạc nghiệp” trong lòng người dân và ổn định xã hội và thanh bình cho đất nước – một ước mơ mà nhân dân nhiều nước trên thế giới chưa đạt được vì tình trạng nhồi da xáo thịt, tranh giành quyền lực trong nội bộ các nước ấy.
Gần đây, để thực hiện đường lối đổi mới kinh tế, chủ trương chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ chế độ bao cấp, tập trung quan liêu sang chế độ hạch toán kinh tế, để bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ của các thành phần kinh tế, Nhà nước ta đã thành lập hệ thống các Toà án kinh tế để xét xử những vụ tranh chấp trong thực hiện hợp đồng kinh tế. Hoạt động xét xử của các Toà án kinh tế được triển khai là nhằm đảm bảo chữ tín trong thực hiện những điều mà các bên ký kết hợp đồng kinh tế đã cam kết với nhau. Hoạt động xét xử của các Toà án kinh tế sẽ góp phần làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong nền kinh tế thị trường phát triển một cách lành mạnh, bảo vệ cho các hoạt động ấy không bị thiệt hại bởi những hành vi lường gạt, tráo trở, lật lọng của những kẻ làm ăn bất chính.
Thành tựu trong sử dụng vũ khí pháp luật để bảo vệ quyền công dân ở nước ta là to lớn và cơ bản. Mặc dầu vậy, ở một số lĩnh vực, quyền công dân được pháp luật bảo vệ chưa được thực hiện nghiêm và đầy đủ, dẫn đến hậu quả là nhân quyền và dân quyền bị vi phạm. Có nơi, có lúc sự vi phạm nhân quyền và dân quyền xảy ra nghiêm trọng.
Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã quy định rằng công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có các quyền cơ bản như: Quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); quyền ứng cử, bầu cử (Điều 27); quyền lao động (Điều 35); quyền được bảo hộ lao động (Điều 35); quyền được tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 33); quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất…; quyền thừa kế (Điều 32); quyền học tập (Điều 39); quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (Điều 40); quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ (Điều 34); quyền tự do ngôn luận (Điều 25); quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền đi ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (Điều 23); quyền tự do tín ngưỡng (Điều 24);…
Nếu một công dân vi phạm các quyền được ghi trong Hiến pháp của một công dân khác thì việc sử dụng vũ khí pháp luật để bảo vệ cho công dân bị xâm phạm về quyền và lợi ích đã được các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước thực hiện kịp thời và có hiệu quả.
Tình hình lại khác đi khi người vi phạm chính là cơ quan nhà nước hay bản thân cán bộ, nhân viên nhà nước vi phạm trong khi thi hành công vụ.
Ví dụ: Trong công tác quản lý xã hội đã xảy ra không ít trường hợp cưỡng chế, xử phạt hành chính tuỳ tiện, trái pháp luật; định mức thuế, thu thuế và truy thu thuế không đúng đối tượng, không đúng mức độ; việc khám xét, thu giữ hàng hoá trên đường vận chuyển hay trong xuất khẩu, nhập khẩu tiến hành một cách tuỳ tiện; có những văn bản dưới luật trái với Hiến pháp, trái luật vẫn được ban hành áp dụng và xâm phạm nhiều đến các quyền lợi hợp pháp của công dân; những hành vi thiếu trách nhiệm của các ngành phục vụ lợi ích công cộng như: ngành Giao thông – Vận tải, Năng lượng đã gây ra những thiệt hại về tài sản của công dân…
Những hành vi vi phạm này chưa đến mức độ cấu thành tội phạm hình sự nên không thuộc phạm vi lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm. Những vi phạm này được thể hiện dưới các hình thức như lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền, lợi dụng quyền lực, chẳng hạn: tự đặt ra các khoản thu buộc dân phải đóng góp, ban hành những điều ngăn cấm ngang ngược và phi lý hoặc không làm những công việc mà pháp luật buộc phải làm như không cấp giấy phép, không áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi côn đồ, hành vi phạm tội của bọn tội phạm, không thi hành án, không áp dụng các biện pháp bảo vệ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…Việc khiếu nại, tố giác trong nhân dân bị tồn đọng nhiều, phân chính và đa số là những khiếu nại, tố giác của nhân dân đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, của cán bộ, nhân viên nhà nước.
Thực ra, trong đấu tranh chống hành vi vi phạm của bản thân cơ quan nhà nước, của cán bộ, nhân viên nhà nước, ở nước ta đã tổ chức ra hệ thống các cơ quan Thanh tra như Thanh tra nhà nước, Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra nhân dân. Nhà nước đã ban hành các chế định giám sát như giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, giám sát của Tổ chức Mặt trận và của các đoàn thể quần chúng. Nhà nước ta cũng ban hành các pháp lệnh quy định việc giải quyết khiếu nại, tố giác trong nhân dân và đã có những lần sửa đổi, cải tiến các pháp lệnh ấy. Song cho đến nay, công việc giải quyết khiếu nại, tố giác trong nhân dân vẫn chưa thu được kết quả cao. Công tác thanh tra, giám sát rơi vào tình trạng phát hiện vi phạm thì nhiều nhưng giải quyết được vi phạm thì rất ít.
Bên cạnh các hình thức nêu trên, trong luật pháp hành chính của nước ta đã có những chế định quy định rằng cấp trên phải luôn kiểm tra, giám sát công việc của cấp dưới. Tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới trong nhiều trường hợp tỏ ra hiệu lực hơn so với công tác thanh tra, giám sát. Đó là đối với trường hợp khi thủ trưởng cấp trên là những viên chức với công tâm, không nể nang e dè. Ngược lại, khi trong các hành vi vi phạm có mối liên quan nhân quả giữa cấp trên với cấp dưới thì các hiện tượng ô dù, bao che lập tức xảy ra. Việc đấu tranh phát hiện và khắc phục các vi phạm của cơ quan và cán bộ, nhân viên nhà nước trong các trường hợp này thật sự là đã “húc vào bức tường đá”.
Công tác đấu tranh chống và ngăn ngừa các hành vi lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền, lợi dụng quyền lực hoặc dung túng, bao che hoặc không hành động trong những trường hợp pháp luật bắt buộc phải hành động của các cơ quan quản lý nhà nước, của cán bộ, nhân viên nhà nước gặp phải nhiều khó khăn, trở lực, là một vấn đề nan giải xảy ra không chỉ ở nước ta. Nhiều nước trên thế giới có nền hành chính quốc gia khá phát triển cũng gặp phải những vấn đề tương tự.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đó là thiếu hẳn một tổ chức có trình độ và năng lực phán quyết một cách đúng đắn tính hợp hiến và hợp pháp trong các hành vi hành chính và phán quyết đó phải có giá trị như luật mà mọi cơ quan, cán bộ, nhân viên nhà nước bắt buộc phải tuân thủ. Vì vậy, ở một số nước, bên cạnh các Toà án hình sự, Toà án dân sự, Toà án Hiến pháp, Toà án kinh tế, Toà án lao động, còn tổ chức ra các Toà án hành chính. Lịch sử tổ chức và hoạt động của các Toà án hành chính ở một số nước chứng tỏ rằng các Toà án hành chính có nhiều tác dụng to lớn:
– Trước hết, Toà án hành chính là công cụ bảo vệ nhân quyền và dân quyền của công dân có hiệu lực và kết quả cao trong đấu tranh chống và ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước và cán bộ, nhân viên nhà nước trong khi thi hành công vụ. Bởi vì, với tư cách là Toà án, các phán quyết của Toà án hành chính sau khi có hiệu lực pháp lý đều có giá trị như luật. Mọi cơ quan nhà nước, mọi cán bộ, nhân viên nhà nước phải tuân theo. Nguyên tắc này đã được ghi trong Điều 106 Hiến pháp năm 2013 của nước ta: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.”.
– Toà án hành chính là công cụ đấu tranh có hiệu quả trong việc nâng cao trình độ và năng lực quản lý xã hội của các cơ quan và cán bộ, nhân viên nhà nước. Bằng phán quyết của Toà án hành chính, sự phán xét về tính hợp hiến, hợp pháp là rõ ràng. Có thể coi đó là những đánh giá, nhận xét chính thức về năng lực, trình độ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong bộ máy nhà nước. Đồng thời, với các phán quyết của Toà án hành chính, việc đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của các cơ quan quản lý nhân sự đối với cán bộ, nhân viên nhà nước sẽ có căn cứ rõ ràng hơn. Việc thay thế những cán bộ, nhân viên nhà nước kém năng lực, kém trình độ sẽ có tính thuyết phục cao. Đồng thời, đó cũng là biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ, năng lực quản lý của các cơ quan, cán bộ, nhân viên nhà nước trước nhân dân.
Sự thiếu vắng các Toà án hành chính trong hệ thống các Toà án nhân dân chính là một trong những nguyên nhân làm cho cán bộ, nhân viên nhà nước luôn cảm thấy họ là người ban ơn cho dân, là bề trên của dân, là những người sinh ra để lãnh đạo, chỉ huy và luôn ở vị trí nắm quyền sinh, quyền sát đối với dân, chứ không phải là nô bộc của dân, phải chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước dân.
– Tác dụng thứ ba của Toà án hành chính được thể hệin ở chỗ nó là công cụ có hiệu lực, không những có vai trò to lớn trong việc tạo lập và duy trì một chế độ kỷ cương, pháp chế nghiêm minh trong hoạt động của bản thân các cơ quan nhà nước mà còn góp phần to lớn vào việc đổi mới và hoàn thiện không ngừng nền hành chính quốc gia. Sự nghệp quản lý nhà nước, quản lý xã hội không thể tiến hành một cách trôi chảy, có hiệu quả nếu bản thân nền hành chính quốc gia ở vào tình trạng yếu kém. Khái niệm về nền hành chính quốc gia chứa đựng trong nó nhiều nội dung, hoặc nói một cách khác là do nhiều nhân tố tạo thành như tổ chức bộ máy hành chính, quy chế, chế độ, trình tự, thủ tục hoạt động hành chính, chất lượng – trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ, viên chức nhà nước…
Qua tổng kết hoạt động của Toà án hành chính, Nhà nước có thể rút ra những bài học, những kinh nghiệm để nâng cao tính hoàn thiện của các nhân tố tạo nên nền hành chính quốc gia.
Có thể mạnh dạn kết luận rằng: chỗ nào Nhà nước chưa hoặc chậm tổ chức, thành lập các Toà án hành chính với đầy đủ những tính chất và đặc điểm của một loại Toà án, chứ không phải là các Viện hành chính, thì sự nghiệp đấu tranh chống tha hoá, biến chất trong cán bộ, công nhân viên nhà nước, chống lại nạn hách dịch, tính trì trệ, bảo thủ, ăn bám xã hội của bộ máy hành chính sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc giáo dục đạo đức phẩm chất, nhất thiết phải áp dụng các biện pháp hành chính, đặc biệt là biện pháp chế tài của Toà án. Sự thiếu vắng của các Toà án hành chính trong hệ thống các Nhà nước xã hội chủ nghĩa chính là một trong các nguyên tắc làm cho nhân dân thiếu lòng tin tưởng ở tinh thần phục vụ của bộ máy nhà nước cách mạng do chính nhân dân tạo lập nên. Nó gây nên sự xa cách giữa Nhà nước với nhân dân. Nhà nước do vậy không nhận được sự bảo vệ, ủng hộ của nhân dân khi lâm vào cơn khủng hoảng.
Toà án hành chính là một loại Toà án nằm trong hệ thống Toà án nhân dân. Để có được đầy đủ các tính chất của một Toà án trong tổ chức, hoạt động thì Toà án hành chính phải được thành lập theo trình tự, thủ tục như các Toà án hình sự, dân sự và kinh tế. Nếu biến nó thành Pháp viện hành chính và đặt nó trực thuộc Thủ tướng Chính phủ thì trong thực tiễn, chúng ta đã biến Thủ tướng thành người nắm giữ cả hai quyền lực: vừa là người thi hành pháp luật, vừa là người xét xử. Điều này sẽ trái với những nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp của nước ta.
Toà án hành chính, tuy nằm trong hệ thống các Toà án nhân dân nhưng có phạm vi và đối tượng điều chỉnh khác với các Toà án dân sự, hình sự và kinh tế.
Đối tượng xét xử của các Toà án hành chính chỉ là cán bộ, nhân viên nhà nước đương chức làm việc trong các cơ quan hành chính. Đây là loại chủ thể đặc biệt. Cán bộ, nhân viên nhà nước có thể là đối tượng xét xử của các Toà án hình sự nếu họ phạm tội, là đối tượng xét xử của Toà án dân sự nếu họ có những tranh chấp dân sự, là nguyên đơn hay bị đơn của các vụ tranh chấp ấy; là đối tượng xét xử của Toà án kinh tế nếu họ là nguyên đơn hay bị đơn trong các vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế. Ngoài cán bộ, nhân viên đương chức trong hệ thống các cơ quan hành chính, không có loại chủ thể nào khác là đối tượng xét xử của Toà án hành chính.Vậy Toà án hành chính là Toà án chuyên trách xét xử hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, nhân viên nhà nước đương nhiệm thuộc hệ thống các cơ quan thi hành pháp luật. Cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan quyền lực như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp hay trong các cơ quan do cơ quan quyền lực cấp cao nhất của Nhà nước – Quốc hội bổ nhiệm như Thẩm phán Toà án, các Kiểm sát viên nếu có những hành vi vi phạm quy tắc, chế độ, thẩm quyền của các tổ chức đó thì do chính cơ quan quyền lực bãi miễn. Ví dụ: đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể bị Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân bãi miễn nếu họ tỏ ra không đủ tư cách là đại biểu của nhân dân. Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể bị cơ quan quyền lực, cơ quan đã bầu hoặc bổ nhiệm họ bãi miễn nếu họ tỏ ra không xứng đáng trong công vụ. Vì vậy, không cần phải đưa ra những đối tượng nói trên vào thẩm quyền xét xử của các Toà án hành chính.
Khách thể cần bảo vệ của các Toà án hành chính là các quan hệ xã hội nảy sinh trong lúc cán bộ, nhân viên hành chính thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm hành chính của ngành mình, cấp mình và cá nhân mình. Việc đấu tranh và ngăn ngừa các vi phạm trong lúc “thi hành công vụ” chính là để thiết lập và bảo vệ pháp chế nghiêm minh ngay trong lĩnh vực pháp luật hành chính, để thiết lập và xây dựng nền hành chính quốc gia ngày càng hoàn thiện .
Nói một cách khác, những vi phạm của cán bộ, nhân viên nhà nước xảy ra không phải trong lúc thi hành công vụ hoặc không vì mục đích thi hành công vụ thì không thuộc phạm vi xét xử của các Toà án hành chính. Có thể nói một cách khác là Toà án hành chính chỉ xét xử những “hành vi hành chính” vi phạm pháp luật của cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống các cơ quan hành chính mà thôi. Cỗ máy hoạt động trơn tru và có công suất cao chính là nhờ các bộ phận máy móc hoạt động chính xác. Giống như các bộ phận trong một cỗ máy, bản thân Nhà nước cũng là một bộ máy nhưng to lớn và phức tạp hơn nhiều so với mọi loại máy móc khác do chính con người tạo ra. Mỗi bộ phận, chi tiết trong cỗ máy đều có chức năng, nhiệm vụ hết sức rõ ràng. Các bộ phận hợp thành của bộ máy nhà nước lại là những tập hợp con người. Con người lại là những thực thể hết sức sinh động. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng cương vị trong bộ máy nhà nước đòi hỏi phải có sự phân định rạch ròi như đối với các cỗ máy được cấu tạo bằng sắt thép hoặc vật liệu vô tri khác. Hoạt động của các ngành, các cấp, các cán bộ, nhân viên trong bộ máy hành chính một mặt đòi hỏi phải có sự sáng tạo, linh hoạt – một yêu cầu không thể đặt ra đối với máy móc làm bằng chất liệu bất động, mặt khác đòi hỏi phải có sự tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quyền hạn và trách nhiệm đã được pháp luật hành chính xác định. Hoạt động của bộ máy hành chính nếu không đáp ứng được hai đòi hỏi đó thì hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội sẽ bị vướng mắc. Nguyên nhân của tình hình quản lý của bộ máy nhà nước rơi vào tình trạng bị buông lỏng hoặc quản lý không theo pháp luật hành chính là do các hành vi: làm trái chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quyền hạn và trách nhiệm; hoặc được gọi bằng các danh từ mang tính khái quát của luật học là: vượt quyền, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, hành động hay không hành động trái pháp luật… gây ra.
Từ đó có thể khẳng định, nội dung phán quyết của các Toà án hành chính là các hành vi hành chính do những cán bộ, nhân viên hành chính đã thực hiện là đúng hay trái với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quyền hạn và trách nhiệm được giao, có hay không có dấu hiệu, bằng chứng của sự vượt quyền, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực hay hành động hay không hành động trái pháp luật của họ.
Đấy cũng là sự phân biệt những điểm khác nhau giữa các phán quyết của Toà án hành chính với các phán quyết của các Toà án hình sự, dân sự, kinh tế mà nội dung phán quyết của các Toà án này là có hay không có bằng chứng của tội phạm được nêu trong Bộ luật hình sự, có hay không có sự vi phạm các quyền sở hữu tài sản, có hay không có những sự vi phạm các cam kết mà hai bên hoặc các bên cùng nhau thoả thuận ký kế trong các hợp đồng kinh tế.
Toà án hành chính cũng không được đưa ra các phán quyết về tính hợp lý và có lợi trong các hành vi hành chính vốn thuộc thẩm quyền thẩm định của các cơ quan Thanh tra và cơ quan hành chính cấp trên khi kiểm tra cấp dưới.
* *
*
Mọi văn bản dưới luật đều không được trái với Hiến pháp và luật. Hiến pháp và luật có hiệu lực thi hành cao nhất và trên khắp lãnh thổ của đất nước. Đó là một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. Mọi văn bản dưới luật khi ban hành áp dụng đều phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp và luật. Do vậy, cơ sở pháp lý trong phán quyết đúng, sai của các Toà án hành chính là Hiến pháp và luật.
Ở nước ta chưa ban hành Bộ luật hành chính. Đó là một trở ngại lớn cho hoạt động xét xử của Toà án hành chính. Nhưng đó không phải là điều không thể khắc phục được. Vấn đề thẩm quyền, quyền hạn, trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc hệ thống hành chính đã được quy định trong Hiến pháp và trong các đạo luật khác. Dù chưa đầy đủ, các cơ quan thuộc bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đều có văn bản dưới hình thức là các đạo luật, các pháp lệnh quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm. Ngoài ra, trong các đạo luật khác cũng đều có quy định thẩm quyền của các cơ quan hành chính trong thi hành đạo luật ấy như trong Luật đất đai thì có sự phân định thẩm quyền cấp và thu hồi quyền sử dụng đất.
Nhiệm vụ của Toà án hành chính khi xét xử là phải tìm và đối chiếu những quy định về thẩm quyền, quyền hạn, trách nhiệm của những đối tượng được đưa ra xét xử ở trong các đạo luật tương ứng.
Một trong các biện pháp đấu tranh có hiệu quả làm cho sự nghiệp quản lý hành chính trở nên năng động, nhạy bén là phải kịp thời khắc phục và loại trừ các hành vi hành chính mang tính quan liêu, trì trệ. Muốn vây, việc xét xử hành chính phải khẩn trương hơn nhiều, ngắn gọn hơn nhiều so với xét xử dân sự, hình sự và kinh tế. Yêu cầu này có thể được đảm bảo với những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xét xử hành chính đơn giản về mặt thủ tục và không quá lâu về mặt thời gian. Người khởi kiện các vụ xét xử hành chính là những công dân, những cán bộ, viên chức nhà nước, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội bị các hành vi hành chính gây thiệt hại về quyền lợi. Luật pháp dành cho họ quyền nộp đơn khởi kiện hành chính và tham gia các vụ xét xử hành chính. Quyền này là đương nhiên vì thuộc thẩm quyền của các Viện kiểm sát mà Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã quy định.
Các Toà án hành chính phải thụ lý vụ việc và đưa ra xét xử kịp thời đơn khởi kiện hành chính của công dân, việc đơn giản không quá một tuần, việc phức tạp không quá một tháng chẳng hạn. Yêu cầu này hoàn toàn đáp ứng được bởi hành vi hành chính có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật là hành vi xảy ra công khai, không phải qua khâu kiểm tra, tìm kiếm lâu việc tìm chứng cứ, sưu tầm tài liệu phức tạp và khó khăn như trong các vụ án hình sự, dân sự.
Để tránh tình trạng lạm dụng với những mục đích, động cơ không lành mạnh trong các vụ khởi kiện hành chính thì trong luật cần quy định rằng người khởi kiện hành chính phải có những chứng cứ hiển nhiên về quyền lợi bị vi phạm như bị xử phạt hành chính, bị thu giữ hàng hoá, bị từ chối cấp hoặc thu hồi giấy phép… Ngoài ra, người khởi kiện hành chính buộc phải nộp án phí với khoản tiền đủ làm cho họ cân nhắc thận trọng trước khi nộp đơn, nếu Toà án phán quyết rằng hành vi hành chính mà họ kiện là hành vi đúng pháp luật.
Một yếu tố đảm bảo cho các vụ xét xử hành chính tiến hành được nhanh chóng khi quan chức là bị đơn nhất thiết phải có mặt tại Toà án để trình bày chứng cứ và tham gia tranh luận. Có thể có ý kiến phản bác với lý do là việc xuất hiện của cán bộ, nhân viên nhà nước tại các vụ kiện có thể làm mất hoặc giảm uy tín của Nhà nước. Điều lo lắng này thật sự là lo lắng hão huyền. Người cán bộ, nhân viên nhà nước có hành vi hành chính trái pháp luật phải được xét xử như những người vi phạm khác. Điều đó thể hiện nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và sẽ làm cho uy tín của Nhà nước tăng thêm. Qua xét xử hành chính, nhân dân ta sẽ được thuyết phục bằng những hành động thực tế là những người lộng quyền, lạm quyền, vượt quyền, lợi dụng quyền lực không có chỗ đứng và không nên để lại trong bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thực tiễn cho thấy, trong các phiên toà xét xử hình sự, dân sự đã có những viên chức nhà nước mà hành vi của họ có liên quan đến vụ việc nhưng không chịu ra khai báo trước Toà. Họ thường lấy cớ bận việc nhưng thực ra đó là một hình thức lảng tránh trách nhiệm mà trong Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự của nước ta chưa có điều luật quy định rõ ràng về chế tài đối với vấn đề này.
Trong tố tụng hành chính cần có điều luật quy định rằng sự có mặt của viên chức nhà nước bị khởi kiện là bắt buộc. Người được Toà án hành chính triệu tập mà vắng mặt không có lý do phải chịu những hình thức xử lý theo quy định của pháp luật như bị phạt tiền chẳng hạn. Vắng mặt không có lý do lần thứ hai sẽ bị phạt tiền gấp đôi, vắng mặt quá hai lần thì chuyển sang xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự.
Mục đích thiết thực, gần nhất của việc xét xử hành vi hành chính là kịp thời sửa chữa những hành vi hành chính trái pháp luật và kịp thời khắc phục hậu quả do các hành vi này gây ra.
1- Xác định rằng không có vi phạm pháp luật trong các hành vi hành chính. Buộc người khởi kiện hành chính phải tuân thủ các mệnh lệnh, quyết định hành chính cho cán bộ, nhân viên nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2- Đình chỉ thi hành toàn bộ văn bản, quyết định hay những điều khoản trái pháp luật hoặc buộc phải thực hiện các hành vi hành chính mà cán bộ, nhân viên nhà nước đã không làm như phải cấp giấy phép, phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả…
3- Buộc cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải khôi phục lại quyền và đền bù thiệt hại cho người bị hại.
Một vấn đề được đặt ra là có nên giao cho Toà án hành chính quyền quyết định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, viên chức có hành vi hành chính trái pháp luật như bãi miễn, buộc thôi việc, cách chức, giáng chức hay không; hoặc có buộc họ phải đền bù cho người khởi kiện dân sự hay không?
Về nguyên tắc, không nên giao việc cho Toà án hành chính thẩm quyền xử lý về nhân dân vì điều đó vượt ra ngoài phạm vi chức năng xét xử hành vi hành chính và nó sẽ làm kéo dài thời gian xét xử hành chính. Toà án hành chính có thể kiến nghị với cơ quan quản lý cán bộ có trách nhiệm xem xét những vấn đề nêu trên là hợp lý hơn cả. Còn việc cán bộ, nhân viên nhà nước phải đền bù lại cho ngân quỹ nhà nước về những thiệt hại do hành vi vi phạm của họ gây ra thì đã được quy định trong luật.
* * *
Với nền hành chính quốc gia hoàn thiện, đủ sức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cao, mang tính nghệ thuật của sự nghiệp quản lý hành chính trong thời đại có sự phát triển nhanh chóng và to lớn về khoa học kỹ thuật chắc chắn sẽ làm cho đất nước có những chuyển mình mạnh mẽ và phi thường. Muốn vậy, phải kịp thời đấu tranh ngăn ngừa và phòng chống có hiệu quả các biểu hiện tha hoá mang tính quy luật của những con người khi được giao nắm giữ và thi hành quyền lực.
Toà án hành chính là một trong những công cụ có hiệu lực để phục vụ cho sự nghiệp đó.
Trong lịch sử Nhà nước Việt Nam, kể cả trong thời kỳ tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa chưa có tổ chức Toà án hành chính, những vấn đề đấu tranh làm cho quan chức thật sự là những nô bộc của dân, luôn là những người thanh liêm, là những người mẫu mực trong giữ gìn kỷ cương phép nước là vấn đề được các vị vua anh minh của các triều đại phong kiến quan tâm đến. Với quan điểm “trăm quan là nguồn gốc của trị loạn, quan có đức, có tài nhậm chức thì trị, quan không có đức, bất tài, nhậm chức thì loạn”. Vua Lê Thánh Tông (1442-1479) đã có những chủ trương mạnh dạn và sáng tạo trong cải cách hành chính, mà trung tâm của công cuộc cách tân đó là cách tân đội ngũ quan lại nên ông đã đưa đất nước Việt Nam đến chỗ thịnh vượng nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Kinh nghiệm của Vua Lê Thánh Tông là những bài học sống động và có thể vận dụng vào việc tổ chức và hoạt động của các Toà án hành chính ở nước ta./.
Công ty luật LVN Group (biên tập)