>> Luật sư tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Mục đích quản lý là bảo toàn và làm cho tài sản sinh sôi một cách hiệu quả. Mà muốn quản lý tài sản có hiệu quả thì cần mấy thứ đơn giản: xác định rõ quyền sở hữu, kỹ năng quản trị tốt, việc quản lý phải minh bạch, có những khuyến khích hữu hiệu (gồm cả thưởng và phạt bằng nhiều hình thức) đối với những người chủ và những người tham gia vào việc làm cho tài sản hoạt động và sinh sôi (các nhà quản lý, người lao động). Quyền sở hữu nhà nước không mang tính cá nhân hoá, vì thế khuyến khích đối với chủ sở hữu hầu như không hoạt động, và vì thế đối với nhiều loại tài sản nhà nước, việc quản lý nhiều khi không có hiệu quả. Chính vì thế ở tất cả các nước người ta tìm cách để Nhà nước chỉ nắm giữ những tài sản mà mình buộc phải quản lý hay quản lý dễ hơn, có hiệu quả hơn, còn thì họ bán các tài sản khác cho các chủ sở hữu khác có thể sử dụng hiệu quả hơn. Các tài sản tài chính có thể dễ quản lý hơn, lưu động hơn (một phần do các tập quán và các thủ tục ít nhiều minh bạch hơn).

Khi bán tài sản nhà nước với giá hợp lý thì tài sản nhà nước không mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng hữu hình thành dạng khác (thí dụ tiền). Thay đổi sở hữu không làm cho nhà nước nghèo đi, mà do tài sản được sử dụng hiệu quả hơn nên tài sản của toàn quốc gia có thể tăng lên. Cho nên không nên sợ việc bán tài sản nhà nước. Trên đây là nói đến bán với giá hợp lý, giá thị trường, còn nếu bán tống bán tháo thì lại là chuyện khác, và cần ngăn chặn.

Tư nhân hoá là việc bán tài sản nhà nước cho các chủ sở hữu tư nhân. Hiểu theo cách này nếu làm đúng (mà đơn giản là bán với giá đúng) thì tư nhân hoá là một việc rất nên làm; nó không làm tổn hại đến tài sản nhà nước, mà chỉ giúp làm tăng tài sản của toàn quốc gia do đưa tài sản vào tay những người chủ biết sử dụng nó hiệu quả hơn. Và việc này ngay cả ở nước ta, trung ương lẫn địa phương vẫn đang làm hàng ngày. Chỉ nêu vài thí dụ: hoá giá nhà thuộc sở hữu nhà nước, bán doanh nghiệp, bán đất (tuy bị cấm nhưng các chính quyền địa phương vẫn bán), bán thanh lý trang thiết bị… Người ta e ngại từ tư nhân hoá vì những lý do ý thức hệ, nếu hiểu đúng chẳng có gì phải sợ. Tư nhân hoá không chỉ có nghĩa là bán tài sản cho một hay một vài người chủ tư nhân, mà có thể cho rất nhiều người. Một điểm quan trọng nữa là tiền bán tài sản có tính chất vốn của Nhà nước phải để lại trên tài khoản vốn của Nhà nước (và dùng cho các mục đích như đầu tư, giáo dục, y tế, trả nợ nước ngoài, v.v… cũng mang tính chất chi tiêu vốn), chứ không nên dùng vào các mục tiêu dùng.

Cái khó của bán đúng giá là: Giá đúng là giá nào? Bán nhà, bán thiết bị thì dễ hơn nhiều vì có giá thị trường để làm căn cứ. Hoá giá nhà – cho các cán bộ cấp cao – mà thấp hơn nhiều giá thị trường là dân kêu ngay (nếu cho dân biết công khai giá này). Doanh nghiệp là bộ máy sinh lời. Người ta mua cái máy sinh lời ấy, chứ không phải mua nhà xưởng, máy móc… của đơn vị đó (giá trị kế toán của các tài sản vật lý này và tiền của doanh nghiệp được gọi là giá trị ghi sổ). Giá mua có thể cao gấp hàng chục lần giá trị ghi sổ, nhưng cũng có thể chỉ là một phần nhỏ của nó. Nếu doanh nghiệp ăn nên làm ra thì bán rất dễ và được giá, nếu doanh nghiệp hoạt động ỳ ạch thì chẳng mấy ai màng. Giá là do thị trường xác định, do người bán và những người mua thoả thuận. Định giá là rất khó, cách tốt nhất là bỏ thầu hay đấu giá công khai (doanh nghiệp phải có báo cáo minh bạch về hoạt động, về tài sản, về các khoản nợ và các nghĩa vụ khác của mình). Chỉ có công khai, minh bạch, thông qua bỏ thầu hay đấu giá công khai mới đảm bảo được việc bán đúng giá.

Vì e ngại nên trong bán (một phần) doanh nghiệp nhà nước, ở nước ta mới sáng tạo ra khái niệm “cổ phần hoá”. Mục tiêu của cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là: “Tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người lao động”. Trong cổ phần hoá các khoản thu có thể là: a) không có gì (gọi thêm vốn cho doanh nghiệp); b) có thu (cổ phần hoá một phần hay toàn bộ) cho các quỹ hỗ trợ cổ phần hoá (trung ương và địa phương).

———————

Thất thoát và lãng phí

Bài này chúng tôi bàn tiếp về thất thoát và lãng phí tài sản nhà nước nói chung và trong quá trình cổ phần hoá nói riêng.

Do nhiều nguyên nhân, mà trước hết là thiếu khuyến khích đúng đắn đối với những người chủ (rất hiếm khi công dân nghĩ đó là tài sản của mình, mà coi là “của chùa”) đối với những người sử dụng và quản lý tài sản, là trình độ quản lý yếu kém, nên tài sản nhà nước không được khai thác tốt, ít sinh sôi, ít sinh lời, thậm chí bị thất thoát.

Lãng phí lớn nhất là sự kém hiệu quả của việc khai thác tài sản (các khoản đầu tư không phát huy tác dụng, hay quy hoạch sai). ẹt người để ý, hay để ý không đúng mức đến khía cạnh này, mà đây mới là vấn đề chính, tuy việc “rút ruột” công trình cũng rất nhức nhối, song chỉ là chút đỉnh nổi của tảng băng chìm khổng lồ. Đây là lý do cấp bách nhất cho việc Nhà nước chỉ nên giữ càng ít tài sản càng tốt qua cổ phần hoá hay tư nhân hoá, tuy không cần hấp tấp. Cổ phần hoá là trường hợp đặc biệt của tư nhân hoá (bán một phần hay toàn bộ một doanh nghiệp nhà nước cho nhiều người hay tổ chức), và nó không làm tài sản nhà nước mất đi nếu bán đúng giá. Vì thế câu “cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không được biến thành tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước” có lẽ là vô nghĩa.

Hai kiểu thất thoát tài sản nhà nước điển hình trong cổ phần hoá là: cổ phần hoá cho không và để những người tay trong chiếm đoạt. Cho không là cách làm của một số nước xã hội chủ nghĩa trước kia với lý do rất “đạo đức”: chia đều tài sản doanh nghiệp cho mọi công dân. Nhà nước mất trắng tài sản. Đây là cách làm tai hoạ. Nhà nước mất tài sản là sai rành rành. Công bằng cũng không đạt được. Khuyến khích chủ sở hữu đối với hàng (chục) triệu công dân nay trở thành ông chủ là không đủ mạnh, nên họ bán phần của mình lấy tiền và tạo cơ hội cho bọn đầu sỏ tài phiệt “chiếm đoạt” tài sản với giá bèo, gây ra bất công nghiêm trọng. Một ý tưởng với ý định cao đẹp có thể gây tai hoạ. May là Việt Nam đã không làm theo cách này.

Tuy vậy chúng ta đang đối mặt với thất thoát kiểu thứ hai. Tài sản nhà nước lọt vào tay những người “tay trong” một cách từ từ, hay đột ngột qua cổ phần hoá với giá rất bèo như nhiều trường hợp đã xôn xao dư luận. Ai là những người tay trong? Đó là ban giám đốc doanh nghiệp nhà nước, là những người có quyền cho phép cổ phần hoá, bạn bè cánh hẩu của họ, những người biết rõ tình hình doanh nghiệp. Họ muốn đánh giá thấp giá trị của doanh nghiệp để cổ phần hoá dễ “thành công”, để có cơ hội mua rẻ. Có mua, có bán, thậm chí đấu thầu hẳn hoi, nhưng hầu như đã được dàn dựng sẵn, người ngoài rất khó chen chân vào. Có chính sách lo cho người lao động là đúng, thế nhưng ưu tiên quá cho họ trong việc mua cổ phần là không hợp lý. Nếu đó là tài sản toàn dân, thì người tiểu thương ở Lạng Sơn, bác ngư dân ở Kiên Giang đều là chủ cả, sao lại chỉ ưu tiên cho cán bộ nhân viên? Nghĩ kỹ, đấy đích thị là chính sách phân biệt.

Cổ phần hoá phải thu tiền về cho Nhà nước. Đáng tiếc như ta thấy, hoặc Nhà nước không thu gì (tăng vốn doanh nghiệp) hay có thu thì lại chỉ để cho các quỹ hỗ trợ cổ phần hoá. Có thể biện minh rằng vốn nhà nước vẫn đó, hỗ trợ cổ phần hoá thì vẫn là vốn nhà nước, thậm chí còn sinh sôi thêm. Hãy cẩn trọng, phải đo lường chi tiết xem. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công khai một vài số liệu gây dư luận. Theo tôi con số 4 ngàn tỉ là to, rất to, nhưng mới chỉ là cái đỉnh nổi chút xíu của tảng băng ngầm khổng lồ. Bảo toàn, làm cho tài sản nhà nước sinh sôi, bớt thất thoát, lãng phí quả là việc hết sức hệ trọng.

TS Nguyễn Quang A   (Nguồn:Báo Lao Động)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)