Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31.12.2008, tổng nợ tín dụng của 7 tập đoàn kinh tế nhà nước (Dầu khí, Than Khoáng sản, Cao su, Dệt may, Công nghiệp Tàu thủy, Điện lực, Bưu chính viễn thông) là 128.786 tỉ đồng, tăng 20,54% so với cuối năm 2007, chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Những con số này cho thấy hoạt động của các tập đoàn kinh tế đang có nhiều vấn đề.
Thực tế, các tập đoàn kinh tế đang gặp khó khăn trong việc xác định mối quan hệ và liên kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, cơ chế thực hiện liên kết, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý (thành phần, quyền, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bộ phận quản lý trong bộ máy quản lý tập đoàn). Các tập đoàn kinh tế cho rằng, nguyên do nằm ở việc thiếu khung pháp lý điều chỉnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của tập đoàn là quan trọng, nhưng vấn đề không chỉ ở khung pháp lý.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
Địa vị pháp lý của tập đoàn kinh tế
Nhằm đóng góp vào khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam, ngày 5.11.2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước (Nghị định 101). Theo Điều 4 Nghị định 101, tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm thành lập theo nghị định này là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ – công ty con và các hình thức khác, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
Tập đoàn kinh tế nhà nước bao gồm: Công ty mẹ (là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm quyền chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ), các công ty con, các doanh nghiệp liên kết… Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng… Tuy nhiên, tập đoàn kinh tế nhà nước được khẳng định không phải là một pháp nhân, không có con dấu riêng, mà chỉ có công ty mẹ (hạt nhân của tập đoàn) là có tư cách pháp nhân. Do đó, các tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập trước đây sẽ phải chuyển đổi, rà soát về tổ chức, quản lý… để hoạt động theo Nghị định 101 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, Nghị định 101 chưa quy định rõ ràng thời gian chuyển đổi, rà soát và báo cáo.
Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn bổ sung: “Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ – công ty con”.
Điều chưa rõ về tập đoàn kinh tế nhà nước theo Nghị định 101 là ở chỗ tập đoàn sẽ hoạt động theo luật nào: Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 hay Luật Doanh nghiệp năm 2005. Điều 166 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về chuyển đổi công ty nhà nước như sau: “Thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hằng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn 4 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực (tức chậm nhất đến ngày 1.7.2010), các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần”.
Nếu tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì cần phải có quy định rõ ràng về hình thức pháp lý của công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay công ty cổ phần. Tại Việt Nam, ngoài các tập đoàn kinh tế nhà nước, đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân như Đồng Tâm, FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Kinh Đô… Công ty mẹ của tập đoàn này được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần.
Chương II Nghị định 101 quy định về thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước với mục tiêu đầu tiên là “tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực hình thành nhóm công ty có quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực then chốt”, nhưng không đề cập khả năng thành lập các tập đoàn kinh tế là hình thức tập trung kinh tế và được điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh. Trình tự, thủ tục xây dựng và triển khai Đề án thành lập, phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước quy định tại Điều 11 Nghị định 101 không nhắc đến việc phải có ý kiến của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương.
Không còn quan hệ mệnh lệnh
Điều 20 Nghị định 101 quy định cơ cấu tổ chức quản lý công ty mẹ có hội đồng quản trị, tổng giám đốc và bộ máy giúp việc. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ, có từ 5-9 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Nếu như Nghị định 59/2009/NĐ-CP ngày 16.7.2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại cho thấy rõ mô hình quản trị công ty hiện đại thông qua việc yêu cầu “Tối thiểu phân nửa trong tổng số thành viên hội đồng quản trị phải là người không điều hành và thành viên độc lập, trong đó có tối thiểu 2 thành viên độc lập” thì Nghị định 101 vẫn chưa thoát khỏi tư duy cũ về hội đồng quản trị (chỉ là đại diện chủ sở hữu nhà nước).
Điều 22 Nghị định 101 có đặt nhiệm vụ cho hội đồng quản trị của công ty mẹ là “Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để quyết định và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch dài hạn của công ty mẹ… tổ chức kiểm tra, giám sát tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc”. Tuy nhiên, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước cũng nên có các thành viên hội đồng quản trị độc lập để hỗ trợ việc hoạch định chiến lược và đảm bảo tính khách quan trong việc kiểm tra, giám sát.
Nghị định 101 cũng quy định, công ty mẹ chỉ được quyết định những vấn đề về đầu tư thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, tránh tình trạng tổng giám đốc công ty mẹ ra lệnh trực tiếp cho tổng giám đốc công ty con. Cách thức ra mệnh lệnh trực tiếp, mặc dù thuận tiện, nhưng không đảm bảo tính độc lập, chủ động kinh doanh của công ty con.
Một trong những nội dung mới nhất của Nghị định 101 là kể từ ngày 20.12.2009, công ty mẹ, công ty con được thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh mà sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác trong tập đoàn. Cơ chế này sẽ giải tỏa những ách tắc lâu nay của các tập đoàn như Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông, Tập đoàn Than Khoáng sản trong việc sử dụng sản phẩm của công ty con do những giới hạn về quyền tham gia dự thầu của các công ty con đối với các gói thầu của công ty mẹ. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ giới hạn trong các dự án thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ và các công ty con.
Cần lưu ý, nếu khi tham gia đấu thầu, các doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế dàn xếp giá với nhau thì vẫn bị xử lý theo pháp luật cạnh tranh.
SOURCE: TẠP CHÍ NHỊP CẦU ĐẦU TƯ ĐIỆN TỬ – TS. PHẠM TRÍ HÙNG
Trích dẫn từ: http://www.nhipcaudautu.vn/
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)