Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Sản xuất nhựa ống Bình Minh (TNHH Bình Minh) được cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 15.2.2008, dù có tên rất dài nhưng tên riêng trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.
Do vậy, trên sản phẩm ống nhựa các loại của Công ty CP Bình Minh và Công ty TNHH Bình Minh đều có dấu hiệu Bình Minh. Chính điều đó đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm của hai công ty này. Sản phẩm nào cũng có dấu hiệu Bình Minh, mặc dù là của hai công ty khác nhau trên cùng địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dấu hiệu Bình Minh đã được Công ty CP Bình Minh đăng ký làm nhãn hiệu từ trước khi Công ty TNHH Bình Minh sử dụng làm tên riêng để đăng ký hoạt động nên Bình Minh thuộc về Công ty CP Bình Minh. Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng Bình Minh thuộc về Công ty TNHH Bình Minh vì đã được cấp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
Để tránh nhầm lẫn, Công ty CP Bình Minh đã gửi đơn khiếu nại, thuê văn phòng Luật sư của LVN Group đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình, nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Vậy trong trường hợp này, việc sử dụng dấu hiệu Bình Minh thuộc về quyền của bên nào?
(Nguồn: Web SGGP online, ngày 9.4.2008; dddn.com, ngày 25.9.2008)
>> Luật sư tư vấn bảo hộ nhãn hiệu quyền tại Việt Nam 1900.0191
Luật sư Lê Minh Trường tham gia chương trình 60 phút mở trên VTV6 – Tư vấn luật về Sở hữu trí tuệ
Lời bình
1. Luật SHTT xác định tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh. Kết cấu của tên thương mại gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt (tên riêng). Để được công nhận là tên thương mại của tổ chức, cá nhân cần phải đáp ứng 3 điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 78 Luật SHTT về khả năng phân biệt. Đó là: 1) Chứa thành phần tên riêng để phân biệt; 2) Không trùng và tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước đó; 3) Không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
2. Xét dưới góc độ tên thương mại theo quy định của Luật SHTT thì tên thương mại của Công ty CP Bình Minh và Công ty TNHH Bình Minh trùng phần tên riêng là Bình Minh. Hai công ty này lại cùng kinh doanh trong một lĩnh vực là các sản phẩm nhựa và cùng khu vực kinh doanh là thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó cho thấy, hai công ty này trùng nhau về tên thương mại.
Xét về thời gian đăng ký hoạt động, Công ty CP Bình Minh ra đời từ năm 1994 và Công ty TNHH Bình Minh ra đời từ tháng 2.2008. Rõ ràng là, Công ty CP đã hoạt động với phần tên riêng Bình Minh từ trước Công ty TNHH đến 14 năm. Như vậy, Công ty TNHH Bình Minh đặt tên thương mại có thành phần tên riêng trùng với thành phần tên riêng của Công ty CP Bình Minh đã có từ trước. Việc Công ty TNHH Bình Minh gắn tên riêng Bình Minh lên sản phẩm cùng loại với Công ty CP Bình Minh là có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật SHTT. Đó là, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại (bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, nhãn hàng, slogan, logo, bao bì) trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước đó cho cùng loại sản phẩm/dịch vụ hoặc sản phẩm/dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Từ quy định trên cho thấy, xét dưới góc độ tên thương mại, Công ty TNHH Bình Minh có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với tên thương mại của Công ty CP Bình Minh.
3. Xét dưới góc độ nhãn hiệu, do Công ty CP Bình Minh đã sử dụng phần phân biệt, tên riêng của tên thương mại là dấu hiệu Bình Minh để đăng ký làm nhãn hiệu của mình và đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu số 23374 từ ngày 12.12.1996 (đã gia hạn nên đang trong thời gian có hiệu lực). Vì vậy, khi Công ty TNHH Bình Minh sử dụng dấu hiệu Bình Minh để gắn lên sản phẩm của mình, trùng với sản phẩm của Công ty CP Bình Minh là vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT. Vì hành vi đó là sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa/dịch vụ trùng với hàng hoá/dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nên Công ty TNHH có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bình Minh của Công ty CP.
4. Tuy nhiên, Công ty TNHH lại được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tên riêng là Bình Minh. Vậy việc công nhận này có phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các văn bản khác quy định về tên thương mại hay không?
Theo quy định tại Điều 31 Luật Doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Điều 10 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP quy định thành tố thứ nhất là loại hình doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, cụm từ trách nhiệm hữu hạn có thể viết tắt là TNHH; công ty cổ phần, từ cổ phần có thể viết tắt là CP; công ty hợp danh, từ hợp danh có thể viết tắt là HD; doanh nghiệp tư nhân, từ tư nhân có thể viết tắt là TN). Thành tố thứ hai là tên riêng của doanh nghiệp. Các quy định này của Luật Doanh nghiệp cũng phù hợp với quy định của Điều 78 Luật SHTT quy định về tên thưong mại.
Điều 34 Luật Doanh nghiệp quy định tên trùng và tên gây nhầm lẫn gồm có tên trùng, tên gây nhầm lẫn và được cụ thể hóa tại Điều 12 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP quy định về tên trùng và tên gây nhầm lẫn có chỉ ra nhiều trường hợp bị coi là trùng hoặc gây nhầm lẫn. Theo đó, Khoản 2 Điều 12 quy định các trường hợp gây nhầm lẫn tại điểm h. Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký thì sẽ không được chấp nhận.
Trong trường hợp này, hai công ty hoạt động cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh bị trùng tên riêng. Tên riêng lại có chức năng dùng để phân biệt các công ty khác nhau. Vì vậy việc đặt tên riêng của Công ty TNHH là vi phạm điểm h Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP.
5. Như vậy là đã rõ. Dấu hiệu Bình Minh xét dưới góc độ tên riêng của tên thương mại quy định tại Luật SHTT, Luật Doanh nghiệp và hướng dẫn tại điểm h Khoản 2 Điều 12 là không có sự mẫu thuẫn. Việc Công ty TNHH sử dụng Bình Minh là tên riêng của tên thương mại của mình là không đúng quy định của pháp luật. Việc công nhận tên riêng này cho Công ty TNHH là không phù hợp quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 88/2006/NĐ-CP.
Nếu xét dấu hiệu Bình Minh là nhãn hiệu của Công ty CP đã được bảo hộ thì việc sử dụng dấu hiệu này trên sản phẩm của Công ty TNHH là hành vi xâm phạm quyền.
6. Làm thế nào để tránh trường hợp trên? Bên cạnh việc lập hệ thống tra cứu riêng của từng cơ quan xác lập quyền nhãn nhiệu (Cục SHTT) và cơ quan cấp đăng ký (Phòng đăng ký kinh doanh – công nhận tên doanh nghiệp), cần có sự liên thông tra cứu khi công nhận tên riêng của tên thương mại của doanh nghiệp. Đó là cơ quan cấp đăng ký kinh doanh cần tra cứu phần tên riêng của tên thương mại với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước thời điểm đăng ký của các doanh nghiệp khác trong trường hợp cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh phải tra cứu tên riêng của mình dự định đặt cho doanh nghiệp xem có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Nếu làm như vậy, có thể khắc phục được tình trạng tên riêng trong tên thương mại của doanh nghiệp đăng ký sau lại trùng với tên riêng được sử dụng làm nhãn hiệu đang được bảo hộ của doanh nghiệp khác như trường hợp Công ty CP Bình Minh và Công ty TNHH Bình Minh.
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ THÁNG 5 NĂM 2009
LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)