1. Khái quát về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tòa ITLOS có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 290 UNCLOS. Điều 290 quy định: “Nếu một tranh chấp được đệ trình đúng thủ tục lên một tòa mà tòa đó xét thấy có thẩm quyền prima facia (hiển nhiên) … tòa có thể đưa ra bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào mà tòa thấy phù hợp với hoàn cảnh nhằm bảo đảm quyền của các bên trong tranh chấp hoặc ngăn ngừa tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, trong khi chờ phán quyết cuối cùng.” So với quy định ở Điều 41 Quy chế Tòa ICJ, thì Điều 290 mở rộng ra thêm một mục đích nữa khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: bảo vệ môi trường biển.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa ITLOS áp dụng có thể giống, khác hoàn toàn hoặc một phần so với biện pháp được các bên yêu cầu. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ràng buộc các bên, “tạo ra nghĩa vụ pháp lý mà các bên phải tuân thủ”. Ngoài những vụ việc đang được Tòa ITLOS thụ lý giải quyết, Tòa còn có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ việc đệ trình lên trọng tài trong giai đoạn tòa trọng tài đang thành lập. Các tòa trọng tài theo Phụ lục VII và VIII của UNCLOS là các cơ quan vụ việc mà trọng tài viên chỉ được chỉ định hay lựa chọn khi có tuyên bố khởi kiện. Có những vụ việc mà tòa trọng tài mất gần 06 tháng để thành lập, như Vụ kiện Biển Đông. Trong giai đoạn đó, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau, thì có thể đệ trình yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lên Tòa ITLOS theo khoản 5, Điều 290. Sau khi thành lập các tòa trọng tài có thể thay đổi, hủy bỏ hay xác nhận lại các biện pháp này. 

2.  Điều kiện áp dụng thẩm quyền

Trong án lệ của Tòa (và Tòa thường dựa trên án lệ của Tòa ICJ), biện pháp khẩn cấp tạm thời được đưa ra nếu thỏa mãn: 

•    Tòa có thẩm quyền prima facie (hiển nhiên); 

•    Có nguy cơ thực sự và nhãn tiền có thể gây tổn hại không thể khắc phục được đến quyền của các bên hoặc đến môi trường biển, theo đó, cần chứng minh thêm yếu tố tính khẩn cấp; 

•    Quyền mà các bên yêu sách và yêu cầu bảo đảm ít nhất có cơ sở;

•    Có liên hệ giữa quyền mà các bên yêu sách và biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu. 

 3. Liên hệ thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

3.1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Vụ Ukraine với Nga

Ví dụ về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: căn cứ vào tình hình khẩn cấp, Toà án quốc tế về Luật biển đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nga trong vụ Nga bắt giữ ba tàu hải quân ( và các thuỷ thủ ) của Ukraine.

Khái quát vụ việc:

Ngày 25 tháng 11 năm 2018, 3 tàu hải quân của Ukraine cùng với 24 thuỷ thủ đoàn trên 3 tàu này bị Nga bắt giữ tại eo biển Kerch, nối liền giữa Nga và Crimea, tại Biển Đen. Lý do là vì phía Nga thông báo đóng cửa và yêu cầu các tàu hải quân của Ukraine chờ tại eo biển. Ukraine đã chờ trong vòng 8 giờ, và khi họ không thể chờ được nữa và quay đầu rời khỏi eo biển thì bị các tàu của Nga đuổi theo và nổ súng khiến 3 thuỷ thủ bị thương và làm hư hại tàu. Sau đó, họ bị lực lượng cảnh sát biển của Nga bắt giữ. Ngày 16 tháng 4 năm 2019, Ukraine đã đệ đơn lên Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) để yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (provisional measures) trong tranh chấp giữa nước này và Nga liên quan đến việc nước Nga đã bắt giữ ba tàu hải quân và 24 thuỷ thủ đoàn của Ukraine. Trong đơn đệ trình lên Toà, Ukraine yêu cầu Tòa ra quyết định Nga phải thả tự do cho các tàu và thuỷ thủ của Ukraine mà nước này đang bắt giữ.

Xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Mục tiêu quan trọng nhất của việc sử dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là phải bảo đảm được quyền lợi đáng có của bên yêu cầu sử dụng các biện pháp này. Do đó, trước khi đưa ra quyết định về các biện pháp được áp dụng, ITLOS cần phải chứng minh được rằng quyền lợi của Ukraine cần được bảo vệ ở đây là hợp lý. Nhận định này cũng đã được ITLOS nhắc đến trong các án lệ trước đây, như Phân định biên giới biển giữa Ghana và Bờ Biển Ngà năm 2015.

Vấn đề cấp thiết ở đây đối với Ukraine đó là các tàu hải quân của Ukraine là các tàu chiến và các thuỷ thủ đoàn đều thuộc Hải quân Ukraine. Do đó, các tàu và thuỷ thuỷ đều được hưởng quyền miễn trừ theo các Điều 29, 32, 58, 95 và 96 của UNCLOS. Theo Ukraine, các tàu này được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn trước mọi thẩm quyền của bất kỳ một quốc gia nào khác trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Có nghĩa là với quyền miễn trừ này các quốc gia thứ ba không được tấn công, ngăn chặn, bắt giữ hay giam cầm các tàu quân sự và nhân viên quân sự của Ukraine. Do đó, chuỗi hành động của Nga là vi phạm Công ước và cả tập quán quốc tế về quyền miễn trừ của các tàu quân sự.

ITLOS đã đồng ý với quan điểm này của Ukraine, và cho rằng các tàu và thuỷ thủ đoàn của Ukraine có được các quyền miễn trừ hợp lý dựa vào các Điều 29, 32, 58, 95 và 96 của Công ước. Như vậy cũng có nghĩa là các quyền mà Ukraine yêu cầu Toà bảo vệ là hợp lý.

Từ đó, ITLOS đưa ra quyết định sau: 

1. ITLOS, sử dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo điều 290 đoạn 5 của UNCLOS 1982, quyết định: 

a. Nga phải lập tức thả các tàu chiến của Nga là Berdyansk, Nikopol và Yani Kapu và trả các tàu này trở lại sự quản lý của Ukraine. 

b. Nga phải lập tức thả 24 thủy thủ của Ukraine và cho phép họ trở về Ukraine. 

c. Ukraine và Nga phải kiềm chế tất cả các hoạt động mà có thể làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng tranh chấp của 2 bên đã được nộp lên Tòa trọng tài Phụ lục VII của UNCLOS 1982. 

2. ITLOS quyết định Ukraine và Nga các bên phải nộp lên Tòa báo cáo đầu tiên về việc tuân thủ quyết định của Toà không chậm hơn ngày 25.6.2019, và cho phép Chánh án của Toà yêu cầu các bên nộp thêm báo cáo về vấn đề này trong trường hợp cần thiết.

3.2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ M/T San Padre Pio giữa Thụy Sĩ và Nigeria

 Khái quát về vụ việc:

Tranh chấp bắt đầu từ việc Hải quân Nigeria bắt giữ tàu San Padre Pio mang cờ của Thụy Sĩ trên vùng đặc quyền kinh tế của Nigeria vào ngày 23.01.2018, với cáo buộc tàu này “dính líu đến một trong các vụ việc sang mạn dầu khí từ tàu sang tàu. Số dầu khí này dự kiến được chuyển đến Ụ Odudu (Odudu Terminal) do Công ty Total vận hành trên vùng EEZ của Nigeria. Theo Thụy Sĩ, tàu San Padre Pio bị bắt tại vị trí cách bờ biển Nigeria 32 hải lý – tức là khả năng cao là nằm ngoài lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của Nigeria, và không nằm trong phạm vi vùng an toàn của bất kỳ công trình nhân tạo nào.

Theo Nigeria, tàu San Padre Pio không có đủ giấy tờ cho phép thực hiện việc sang mạn dầu khí theo quy định của Nigeria. Tày này được chuyển về cảng biển của Nigeria, nhân viên bị tạm giữ để điều tra. Cơ quan chức năng của Nigeria cáo buộc thuyền trưởng, ba cán bộ và tàu này “vào ngày 23 tháng 01 năm 2018 tại Ụ Odudu tại khu vực Bonney … đã thông đồng với nhau thực hiện hành vi vi phạm về phân phối, kinh doanh sản phẩm dầu khí mà không có giấy phép hợp pháp” (đoạn 33, 34), “cung cấp giấy tờ không chính xác cho Hải quân” (đoạn 38). Bốn người này sau đó được tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh, tuy nhiên, theo phía Thụy Sĩ, họ vẫn bị buộc ở lại tàu, không được tham gia các phiên tòa, không được rời tàu kể cả trong trường hợp khẩn cấp y tế.

Vào ngày 6 tháng 5 năm 2019, Thụy Sĩ đã khởi kiện Nigeria theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển 1982 trong một tranh chấp liên quan đến việc bắt và giam giữ tàu M/T “San Padre Pio”, thủy thủ đoàn và hàng hóa.

Trong khi chờ quyết định của ủy ban trọng tài và sau khi hết thời hạn 2 tuần được quy định tại khoản 5, điều 290 của UNCLOS, Thụy Sĩ, vào ngày 21 tháng 5 năm 2019, đã đệ trình lên Tòa án yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời đối với tranh chấp.

ITLOS có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dựa trên các cơ sở sau:

Tòa ITLOS có thẩm quyền sơ bộ: giữa Thụy Sĩ và Nigeria có tranh tranh về giải thích và áp dụng Công ước, đã thỏa mãn điều kiện về trao đổi quan điểm theo Điều 283 dù Nigeria không phản hồi các công hàm của Thụy Sĩ. Do đó, Tòa cho rằng Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS có thẩm quyền sơ bộ đối với vụ kiện này.

Tính khẩn cấp của tình hình, bao gồm xem xét đến liệu quyền cần bảo vệ có cơ sở để xác lập hay không, và liệu  có nguy cơ thực sự và nhãn tiền có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục. Một, Tòa ITLOS cho rằng các quyền mà Thụy Sĩ muốn bảo vệ – quyền tự do hành hải và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác theo Điều 58 trên vùng EEZ của Nigeria – là có cơ sở để xác lập. hai, nếu Tòa trọng tài xác định là Nigeria vi phạm quyền tự do hàng hải của Thụy Sĩ thì sẽ là một thiệt hại không thể khắc phục bằng tài chính, do đó, việc bắt giữ và giam giữ tàu San Padre Pio cùng thủy thủ và hàng hóa cấu thành một nguy cơ gây ra thiệt hại, và nguy cơ này là thực sự và nhãn tiền trong bối cảnh tàu bị cướp vũ trang tấn công và tình hình cướp biển và cướp có vũ trang nghiêm trọng tại vùng biển này. Do đó, Tòa xác định có nguy cơ thực sự và nhãn tiền có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục trong hoàn cảnh hiện nay của vụ việc.

Thụy Sĩ yêu cầu Nigeria cung cấp nhiên liệu và thả tàu San Padre Pio, thả thuyền trưởng và ba cán bộ, và cho phép họ rời khỏi Nigeria, và yêu cầu Nigeria tạm dừng mọi biện pháp tố tụng và hành chính hiện nay. Tòa chấp nhận một phần lớn các yêu cầu với một số điều chỉnh để đáp ứng các quan ngại hợp lý của Nigeria. Tòa quyết định: Về phía Nigeria, nước này sẽ thả và cho phép rời khỏi Nigeria đối với tàu, hàng hóa, thuyền trưởng và thủy thủ của tàu San Padre Pio; về phía Thụy Sĩ, nước này phải ký bảo lãnh trị giá 14 triệu USD và bảo đảm rằng thuyền trưởng và thủy thủ của tàu sẽ quay lại Nigeria để bị xét xử nếu tòa trọng tài kết luận Nigeria không vi phạm UNCLOS.