Căn cứ theo Thông tư 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây Dựng hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng, quy định như sau:

1. Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng:

a) Dự án quan trọng quốc gia do Hội đồng thẩm định nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập chủ trì tổ chức thẩm định;

b) Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì tổ chức thẩm định;

c) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định.

d) Đối với dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) do đơn vị đầu mối quản lý về hoạt động ppp thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì tổ chức thẩm định. Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp góp ý kiến về sự phù hợp của đơn giá, định mức được sử dụng để xác định Tổng mức đầu tư xây dựng của dự án, đánh giá giải pháp thiết kế về tiết kiệm chi phí xây dựng công trình của dự án.

2. Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách và vốn nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì tổ chức thẩm định.

3. Cơ quan chủ trì thẩm định được mời các tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện thẳm tra tổng mức đầu tư xây dựng đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A hoặc dự án có kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ cao để làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt.

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp lý về vấn đề này như sau:

 

1. Tổng mức đầu tư xây dựng là gì?

Theo quy định tại Điều 134 Luật Xây dựng năm 2014 thì tổng mức đầu tư xây dựng là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định phù hợp với thiết kế cơ sở và các nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Trường hợp phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng thì việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư theo thiết kế sơ bộ là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng.

Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng bao gồm những chi phí sau: chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá. 

Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng bao gồm: các chi phí trong dự toán xây dựng công trình, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái đinh cư và chi phí khác.

Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án hoặc được xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng hoặc từ dữ liệu về chi phí của các công trình tương tự đã thực hiện; phải được thẩm định, phê duyệt và là cơ sở để quản lý chi phí của dự án. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt là mức chi phí tối đa mà chủ đầu tư được phép sử dụng để thực hiện dự án.

Tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt của dự án sử dụng vốn nhà nước chỉ được điều chỉnh khi điều chỉnh dự án. Còn đối với dự án sử dụng vốn khác, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định.

 

2. Các phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng

Những phương pháp xác định tổng mức đầu tư bao gồm:

  • Thứ nhất, phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án.
  • Thứ hai, phương pháp xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng.
  • Thứ ba, phương pháp xác định từ dữ liệu về chi phí của dự án, công trình tương tự đã thực hiện.
  • Thứ tư, kết hợp cả ba phương pháp gồm phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án, phương pháp xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng và phương pháp xác định từ dữ liệu về chi phí của dự án, công trình tương tự đã thực hiện.

 

3. Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 10/2021/NĐ-CP quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thẩm quyền phê duyệt tổng mức đầu tư bao gồm:

Thứ nhất, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của đầu tư công:

Căn cứ vào Điều 35 Luật Đầu tư công năm 2019 về thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án:

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình, dự án như: (1) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; (2) Chương trình đầu tư công đã được Chính Phủ quyết định chủ trương đầu tư; (3) Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.

+ Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền quyết định đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền quản lý, trừ chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án như: (1) Chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; (2) Dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý, trừ chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, đối với dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thứ ba, đối với dự án PPP thì thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trường đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị – xã hội.

Thứ tư, đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, trừ dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước và đối với dự án sử dụng vốn khác thì chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư xây dựng hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

4. Thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng

Thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng là một nội dung của thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng. 

Khi thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ thẩm định những nội dung sau:

+ Hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng có đầy đủ và hợp lệ không và kiểm tra các căn cứ pháp lý để xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

+ Thẩm định sự phù hợp giữa tổng mức đầu tư xây dựng với sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt; phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

+ Thẩm định sự phù hợp của nội dung tổng mức đầu tư xây dựng (gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư (nếu có); chí phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng) với các nội dung và yêu cầu của dự án.

+ Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về áp dụng, tham khảo hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, các công cụ cần thiết khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố và việc vận dụng, tham khảo dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự để xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

Trường hợp cơ quan, tổ chức hay cá nhân được người quyết định đầu tư giao chủ trì thẩm định đầu tư về các nội dung chi tiết tổng mức đầu tư xây dựng gồm:

+ Hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng có đầy đủ, hợp lệ không; kiểm tra kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư xây dựng của tổ chức tư vấn (nếu có).

+ Kết quả hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng theo các kiến nghị của cơ quan chuyên môn về xây dựng và các ý kiến giải trình.

+ Xác định khối lượng hoặc quy mô, công suất, năng lực phục vụ tính toán trong tổng mức đầu tư xây dựng so với thiết kế xây dựng của dự án có phù hợp, đầy đủ.

+ Xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường và kế hoạch thực hiện dự án.

+ Phân tích nguyên nhân tăng, giảm và đánh giá việc bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án theo giá trị tổng mức đầu tư xây dựng xác định sau thẩm định.

Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà không phải là dự án đầu tư xây dựng có quy mô từ nhóm B trở lên hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì người quyết định đầu tư có thẩm định các nội dung sau:

+ Kiểm tra hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng, các căn cứ pháp lý để xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

+ Xem xét tổng mức đầu tư xây dựng với sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt và phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng có phù hợp không.

+ Kiểm tra nội dung tổng mức đầu tư xây dựng với các nội dung và yêu cầu của dự án.

+ Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về áp dụng, tham khảo hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, các công cụ cần thiết khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố và việc vận dụng, tham khảo dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự để xác định tổng mức đầu tư xây dựng.

+ Xác định khối lượng hoặc quy mô, công suất, năng lực phục vụ tính toán trong tổng mức đầu tư xây dựng so với thiết kế cơ sở của dự án; giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá trị thị trường và kế hoạch thực hiện dự án;….

Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại, gọi ngay số 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!