Đề nghị đổi tên “Thanh tra Chính phủ” thành “Thanh tra Nhà nước”
Báo Vietnamnet đưa tin UBTVQH đã có buổi thảo luận về Luật Thanh tra sửa đổi ngày 26-7-2010.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nói, sửa luật thanh tra lần này phải theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, chứ không chỉ đơn thuần là cơ quan “giúp việc”. Ông Thuận nói có ba vướng mắc hiện nay. Đó là lãnh đạo duyệt định hướng, chương trình thanh tra, chọn con người và được quyền ra quyết định, kết luận cuối cùng.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: – 1900.0191
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh QH Lê Quang Bình nói thêm: “Từ sau thời các cụ Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng đến nay thì càng về sau, thanh tra càng không còn thể hiện đúng vai trò thanh tra nhà nước nữa… Tôi từng đi thanh tra, nên tôi biết rất nhiều thứ không làm được”. Ông Bình cho rằng nên đổi tên “Thanh tra Chính phủ” thành “Thanh tra Nhà nước”, do Quốc hội thành lập, có vị trí độc lập tương tự Kiểm toán Nhà nước. “Chứ để như hiện nay thì thanh tra vẫn thuộc thủ trưởng. Thủ trưởng bảo chỗ này không làm, là không làm. Mà giả sử có đi thanh tra xong, nếu Thủ trưởng xem kết quả thấy không được như ý, thì vấn đề đó vẫn cứ đưa ra ngoài kết luận cuối cùng”, ông Bình than phiền.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, theo luật, thanh tra vẫn có tính độc lập tương đối chứ không hẳn chỉ theo ý chỉ đạo và kết luận từ trên. Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cũng cho rằng, việc thanh tra cứ phải tranh thủ ý kiến người này, người kia mới dám ra quyết định cũng chẳng qua “muốn được an toàn”.
Đa số các vị lãnh đạo trong QH như Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu… cũng đều khẳng định sự cần thiết phải đảm bảo tính độc lập, khách quan trung thực của lực lượng thanh tra. Nếu không sẽ chỉ dẫn đến tình trạng đội ngũ càng “phình” ra, đông mà không mạnh. Lực lượng cứ trùng trùng điệp điệp mà kỷ cương, kỷ luật không cao.
“Phải độc lập tối đa như kiểm toán nhà nước. Còn nếu vẫn thuộc một nhánh quyền lực nào thì vẫn là ăn cây nào rào cây ấy”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Kết luận thanh tra: không làm cũng không sao
Một thực tế được chỉ ra là nhiều kết luận của thanh tra “bị vô hiệu hoá”. Khi thanh tra một vụ việc, đoàn thanh tra đưa dự thảo kết luận, báo cáo với người ra quyết định lập đoàn và người này sẽ “quyết” có ra kết luận thanh tra hay không. Nhùng nhằng như vậy nên nhiều vụ việc rõ mười mươi vẫn bị ém lại.
Như dẫn chứng của ông Lê Mạnh Luân, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, nhiều khi thanh tra xong, sai phạm rành rành, Thủ tướng đã ký quyết định yêu cầu thực hiện. Nhưng rồi vẫn không ai chịu thực hiện các kết luận thanh tra và rồi không ai bị kiểm điểm, xử lý. Ông Lê Mạnh Luân, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng kể lại cách làm của Trung Quốc. Các đoàn thanh tra đặt dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, với sự tham gia của Bộ giám sát, nếu thanh tra phát hiện ra các sai phạm thì sẽ xử lý luôn. Trường hợp sai phạm ở Vinashin, ông Luân cho rằng, nếu là Trung Quốc thì sai phạm sẽ được xử lý luôn ngay khi phát hiện. Không có chuyện sai phạm bị phát hiện rồi, nhưng sau đó thanh tra vẫn phải vào cuộc.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận, luật hiện hành còn để ngỏ khâu “hậu giám sát” sau thanh tra, do đó, ban soạn thảo sẽ tính toán để đưa thêm các quy định ràng buộc.
Do vẫn còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất (chẳng hạn có nên lập thanh tra chuyên ngành, lập lực lượng thanh tra các khu công nghiệp, khu chế xuất…) nên dự án luật sẽ còn được hoàn chỉnh trước khi trình thông qua vào kỳ họp cuối năm.
(Nguồn: Viet Nam Net)
————————————————–
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;