1. Khái quát chung về công ty hợp danh 

Có thể nói, công ty hợp danh là một trong những loại hình công ty ra đời sớm nhất trong lịch sử hình thành công ty. Tuy nhiên hiện nay, đây là loại hình doanh nghiệp ít được lựa chọn để thành lập ở Việt Nam, nhưng dù vậy thì loại hình doanh nghiệp này vẫn được Luật doanh nghiệp năm 2020 điều chỉnh cụ thể. Theo đó, khái niệm công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp 2020 được quy định tại Điều 177 cụ thể như sau:

– Công ty hợp danh là doanh nghiệp:

+ Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

+ Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. 

Bên cạnh đó, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Như vậy qua các quy định của pháp luật doanh nghiệp nêu trên, có thể thấy công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân, có thể kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người (các thành viên công ty) để tạo dựng hình ảnh cho công ty. Bên cạnh đó, do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh. Hơn thế nữa, việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.

 

2. Thành viên hợp danh là gì? 

Hiện nay, để thành lập được công ty hợp danh thì yêu cầu phải có tối thiểu từ 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, họ được gọi là thành viên công ty hợp danh hay thành viên hợp danh.

Hiểu một cách đơn giản, thành viên hợp danh là các đồng chủ sở hữu của công ty hợp danh và phải có số lượng ít nhất là 2 thành viên. Theo đó, thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm với công ty bằng toàn bộ tài sản của mình và đồng thời phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vì bản chất công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân nên thành viên hợp danh trong công ty phải có những mối quan hệ gần gũi, mật thiết với nhau về mặt nhân thân và có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp nhất định.

Như vậy, thành viên hợp danh là nhân tố quan trọng để thành lập và vận hành công ty hợp danh. Việc thay đổi thành viên hợp danh như trường hợp họ chết, mất năng lực hành vi dân sự hay rút vốn khỏi công ty sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu vốn, hoạt động tổ chức, thậm chí là đến nguy cơ tồn tại hay chấm dứt của công ty. 

 

3. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh 

Quyền của thành viên hợp danh:

Thứ nhất, quyền lợi kinh tế:

– Thành viên hợp danh có quyền yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong thẩm quyền nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân của chính thành viên đó;

– Thành viên hợp danh được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty;

– Khi công ty giải thể hoặc phá sản, thành viên hợp danh được chia một phần giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;

Thứ hai, quyền quản lý, thông tin và các quyền khác:

– Thành viên hợp danh có quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty. Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty;

– Nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty.

– Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành nghề kinh doanh của công ty. Trường hợp ứng trước tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước;

– Yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty. Được quyền kiểm tra tài sản, sổ kế toán, báo cáo thuế và các tài liệu khác của công ty khi xét thấy cần thiết;

– Trong trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

Thứ ba, các quyền khác theo quy định của Điều lệ công ty.

Nghĩa vụ của thành viên hợp danh:

Thứ nhất, nghĩa vụ quản lý công ty:

– Thành viên hợp danh có nghĩa vụ tiến hành quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;

– Tiến hành quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

Thứ hai, nghĩa vụ tài chính đối với công ty:

– Thành viên hợp danh phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không đem nộp cho công ty;

– Phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;

– Thành viên hợp danh chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;

Thứ ba, các nghĩa vụ khác như sau:

– Thành viên hợp danh không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

– Định kỳ hàng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty; cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ công ty.

 

4. Hậu quả pháp lý đối với trường hợp thành viên hợp danh bị chết, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp 1, thành viên hợp danh bị chết:

Hiện nay, căn cứ theo Điểm h Khoản 1 Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về hậu quả pháp lý của việc thành viên hợp danh chết như sau:

– Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ và nghĩa vụ tài sản khác thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

Bên cạnh đó, căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

– Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây: Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

Như vậy, trong trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ và nghĩa vụ tài sản khác của thành viên đã chết đó. BNeen cạnh đó, người thừa kế của thành viên này có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.

Đồng thời, sau khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, nếu tên của thành viên đó đã được sử dụng thành một phần hoặc toàn bộ tên công ty thì người thừa kế của người đó có quyền yêu cầu công ty chấm dứt việc sử dụng tên đó.

Trường hợp 2, thành viên hợp danh bị mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:

Khác với trường hợp thành viên hợp danh chết, khi thành viên hợp danh bị mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì sẽ không xuất hiện người thừa kế được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty, mà sẽ chỉ dẫn đến hậu quả làm chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. 

Cụ thể hiện nay, Điểm b Khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh trong những trường hợp sau đây:

– Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp: Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. 

Như vậy trong các trường hợp xảy ra sự kiện thành viên hợp danh mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì thành viên này sẽ bị tước đi tư cách điều hành công ty của thành viên hợp danh và đồng thời thành viên này sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. 

Kéo theo đó thì kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định trên, trong thời hạn 02 năm thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên. Nếu tên của thành viên đó đã được sử dụng thành một phần hoặc toàn bộ tên công ty thì sau khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh người đó hoặc người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu công ty chấm dứt việc sử dụng tên đó.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Cổ phần phổ thông là gì? So sánh cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi và một số nội dung khác có liên quan. Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group./.