Để có thể phân tích, đánh giá thay đổi cấu trúc và nguồn tăng trưởng đầu ra cho các ngành công nghiệp ở Việt Nam từ năm 1989 đến 2005, chúng tôi đã gộp các ngành trong từng bản I-O thành 52 ngành và cả bốn bản I-O này được tính theo giá so sánh năm 2000. Dựa trên mô hình I-O tĩnh, để phân rã những thay đổi trong các thành phần cấu thành tổng cầu đối với nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi đã phân rã những thay đổi trong đầu ra của mỗi ngành thành 4 nguồn: tăng cầu trong nước, mở rộng xuất khẩu, thay thế nhập khẩu, và thay đổi trong các hệ số vào ra. Sự phân rã này giúp ta mô tả được một số đặc trưng cơ bản của quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam trong thời gian qua.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
Luật sư tư vấn luật đầu tư – Ảnh minh họa
I. GIỚI THIỆU
Sau khi Wassily Leontief giới thiệu mô hình vào-ra trong bài nghiên cứu “cấu trúc của nền kinh tế Hoa kỳ” năm 1941 [5], kể từ đó đến nay việc phân tích thay đổi cấu trúc kinh tế và nguồn tăng trưởng kinh tế của một quốc gia hoặc hoặc vùng lãnh thổ ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Trong các nghiên cứu liên quan đến vấn đề này phải kể đến các nghiên cứu như:
Chenery. H.B năm 1960 [2], nghiên cứu mối quan hệ giữa công nghiệp hoá và xuất khẩu dựa trên mô hình phân tích vào ra tĩnh, đã phân tích ảnh hưởng của thay đổi trong cấu trúc cầu, thương mại và sản xuất trong thời kỳ 15-20 năm ở một số nước bán công nghiệp, đồng thời so sánh ảnh hưởng chủ yếu của các loại chính sách thương mại và phát triển khác nhau trong tăng trưởng công nghiệp và thay đổi cấu trúc.
De Melo (1970) đã so sánh các nguồn tăng trưởng và thay đổi cơ cấu giữa tám nước trên thế giới bằng mô hình vào – ra và chỉ ra rằng có nhiều khác nhau trong đóng góp vào tăng trưởng của các thành phần cầu cuối cùng, đặc biệt đối với mở rộng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu. Ngoài việc sử dụng mô hình vào-ra tĩnh để phân rã các nguồn tăng trưởng và thay đổi cơ cấu, họ cũng sử dụng mô hình vào-ra động để nghiên cứu những tác động của những thay đổi theo ngành của cầu cuối cùng đối với tăng trưởng.
Akita. T, và A. Hermawan (2000) [1] phân tích thay đổi cấu trúc và nguồn tăng trưởng công nghiệp ở Indonesia trong thời kỳ 25 năm từ 1971 đến 1995 bằng việc sử dụng các bảng vào ra của Indonesia năm 1985, 1990 và 1995. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 3 thập kỷ, Indonesia đã thành công trong việc xây dựng nền kinh tế công nghiệp hoá định hướng nhập khẩu được tài trợ bằng xuất khẩu dầu đến nền công nghiệp hoá định hướng xuất khẩu dựa trên việc xuất khẩu những sản phẩm phi dầu. Thời kỳ 1985-1995, việc mở rộng tiêu dùng hộ gia đình là nguồn chủ yếu của tăng trưởng đầu ra, thành phần này giải thích cho khoảng một nửa tổng tăng trưởng của đầu ra; trong khi đó đóng góp của tiêu dùng của chính phủ giảm đáng kể. Việc mở rộng xuất khẩu cũng là một nhân tố then chốt trong tăng trưởng sản lượng thêm vào đó là đầu tư định hướng xuất khẩu.
Akita. T, và Chu Thị Trung Hậu (2006) [8] cũng đã xem xét nguồn tăng trưởng của ngành công nghiệp ở Việt Nam giữa những năm 1996-2000 bằng việc sử dụng các bảng vào ra của Việt Nam năm 1996 và 2000. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân chia các ngành công nghiệp thành 3 nhóm (ngành sơ cấp, ngành cấp hai và ngành cấp ba), đồng thời các tác giả cũng đã tiến hành phân tích so sánh với Indonesia và Malaysia. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam là mở rộng xuất khẩu và khu vực hai đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng sản lượng ở Việt Nam trong thời kỳ nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khu vực này không những đóng góp vào tăng trưởng sản lượng mà còn đóng góp vào tăng trưởng cho hai khu vực còn lại thông qua các mối liên hệ công nghệ lẫn nhau giữa các ngành.
Hayashi. M, (2005) [4] khi nghiên cứu thay đổi cấu trúc trong công nghiệp Indonesia qua hai thời kỳ trước và sau khủng hoảng kinh tế bằng tiếp cận vào ra đã chỉ ra những thách thức chủ yếu đối với quá trình công nghiệp hoá ở Indonesia. Tác giả cho rằng từ năm 1995-2000, công nghiệp chế tác mở rộng tỷ trọng trong sản xuất, khả năng xuất khẩu mạnh và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Năm 2008, Nguyễn Khắc Minh & Nguyễn Việt Hùng [6] đã thực hiện nghiên cứu thay đổi cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam dựa trên các bảng I-O năm 1989-1996-2000 theo giá so sánh năm 1994. Trên cơ sở gộp thành 24 ngành, nghiên cứu đã phân rã các thành phần đóng góp vào tăng trưởng đầu ra của các ngành giữa 2 thời kỳ 1989-1996 và 1996-2000. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có những thay đổi quan trọng trong đóng góp của mở rộng cầu trong nước và mở rộng xuất khẩu vào tăng trưởng của tổng đầu ra.
Nhìn chung để phân tích sự thay đổi nguồn lực và thay đổi cơ cấu của nền kinh tế thì mô hình vào-ra là khá thích hợp. Bởi vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là dựa trên mô hình vào-ra tĩnh để phân rã những thay đổi trong các thành phần cấu thành tổng cầu đối với nền kinh tế Việt Nam và chỉ ra những tương tác giữa các thành phần thay đổi của tổng cầu, thay đổi kỹ thuật, và sự thay đổi của các chính sách thương mại phản ánh thông qua mức thay thế nhập khẩu và mở rộng xuất khẩu dẫn đến thay đổi cơ cấu như thế nào. Bởi vậy, những thay đổi trong đầu ra của mỗi ngành được phân rã thành 4 nguồn: tăng cầu trong nước, mở rộng xuất khẩu, thay thế nhập khẩu, và thay đổi trong các hệ số vào-ra.
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đặt ra, ngoài phần giới thiệu, phụ lục và tài liệu tham khảo phần II trình bày tổng quan phương pháp luận được sử dụng trong nghiên cứu phân rã nguồn tăng trưởng dự trên bảng I-O. Phần III phân tích ảnh hưởng mối liên hệ công nghiệp qua phân tích các độ nhạy và hệ số lan tảo, đồng thời phân rã và tính toán nguồn đóng góp tăng trưởng đầu ra của Việt Nam qua các thời kỳ 1989-1996; 1996-2000 và 2000-2005. Sự phân rã này giúp ta mô tả được một số đặc trưng cơ bản của quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam trong thời gian qua. Phần cuối cùng tóm tắt các kết quả nghiên cứu và một số kết luận.
II. TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN
Chenery (1960), Shishido và Watanabe (1962) [3] là những người đầu tiên đưa ra phương pháp phân rã nguồn tăng trưởng dựa trên phân tích bảng vào-ra. Tuy nhiên trong phần này sẽ tập trung trình bày phương phương pháp phân rã nguồn tăng trưởng theo hướng mở rộng của Syrquin (1976). Mô hình lý thuyết được trình bày trong phần này cũng khác hẳn với các mô hình nghiên cứu của Akita và Chu Thị trung Hậu (2006) [8], Akita và A. Hermawan (2000) [1] ở định nghĩa ma trận tỷ lệ nhập khẩu. Trước hết, về mặt lý thuyết phương trình cân đối vật chất cho một nền kinh tế được định nghĩa như sau:
Trong đó: Xi là sản xuất trong ngành i; Xj là sản xuất trong ngành j; Fi là cầu cuối cùng đối với ngành i; Mi là nhập khẩu của ngành i; Ei là xuất khẩu của ngành i; aij = Xij/Xj là cầu trung gian hỗn hợp của ngành i trên một đơn vị đầu ra trong nước trong ngành j (Xij là luồng hàng hoá trung gian từ ngành i sang ngành j).
Phương trình cân đối vật chất (1) có thể viết dưới dạng ma trận như sau:
X + M = AX +F +E (2)
Giải phương trình (2) đối với X ta được:
X = (I-A)-1 (F + E – M) (3)
Trong đó E + F-M là cầu ròng đối với hàng hoá sản xuất trong nước. Giả thiết rằng tỷ lệ của cầu trong nước đối với hàng hoá sản xuất trong nước trên tổng cầu trong nước là cố định theo ngành thì các tỷ lệ cầu trong nước này được định nghĩa như sau:
Trong đó Xd là véc tơ sản xuất trong nước; V là véc tơ cầu trung gian (hỗn hợp của hàng nhập khẩu và trong nước); F là véc tơ cầu cuối cùng trong nước (hỗn hợp của hàng nhập khẩu và trong nước); Ed là véc tơ xuất khẩu hàng trong nước; Mm là véc tơ nhập khẩu; A là ma trận hệ số vào-ra với aij. Trong mô hình chuẩn thì V = AXd. Như vậy, phương trình cân đối vật chất đối với hàng hoá trong nước được viết như sau:
ở đây và , Vì V = Axd, trong đó là ma trận với các phần tử là các tham số di . Do đó phương trình cân đối vật chất có thể viết là:
Sau một số biến đổi đại số dựa trên phương trình (6), chúng ta có thể phân rã những thay đổi tổng cầu trong nước như sau:
ở đây và các chỉ số 1 và 2 ký hiệu cho các thời kỳ. Phương trình này cho ta công thức phân rã cơ bản của thay đổi đầu ra ngành thành các nguồn thay đổi khác nhau gồm ΔF, ΔE, ΔD và ΔA.
Để mở rộng hơn phân tích, mở rộng cầu cuối cùng (F) trong nước chúng ta có thể phân rã thành (1) F1 là tiêu dùng của hộ gia đình; (2) F2 là chi tiêu của chính phủ; (3) F3 là hình thành vốn; (4) F4 là thay đổi trong hàng tồn kho. Sử dụng ký hiệu thay đổi tổng cầu trong nước là (X; mở rộng xuất khẩu ký hiệu là EE; thay thế nhập khẩu ký hiệu là IS; thay đổi trong các hệ số vào- ra ký hiệu là IO. Với ký hiệu đó phương trình (7) có thể viết lại như sau:
Tuy nhiên do hạn chế về số liệu, do đó trong nghiên cứu này chúng tôi phân rã mở rộng cầu trong nước (F) thành 2 thành phần đó là FCG đại diện cho phần chi tiêu gộp của hộ gia đình và chính phủ; và FI đại diện cho sự hình thành vốn của các doanh nghiệp. Bởi vậy, phương trình (8) được việc lại như sau:
III. PHÂN TÍCH TĂNG TRƯỞNG VÀ THAY ĐỔI CƠ CẤU Ở VIỆT NAM
Bảng 1 cho thấy, đóng góp của khu vực nông, lâm, thủy sản và khai khoáng vào tổng số giá trị gia tăng của nền kinh tế có xu hướng giảm đi. Trong đó đóng góp của ngành nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) vào tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế là giảm mạnh nhất. Mặc dù, đóng góp của ngành khai khoáng giảm so với năm 2000 nhưng nhìn chung đã tăng đáng kể từ 2,4% năm 1989 đến 10,57% năm 2000 và 8,95% năm 2005. Đối với khu vực chế tác, đóng góp của ngành vào tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế giảm đi trong thời kỳ 1989-2000 và tăng trở lại vào năm 2005 nhưng đóng góp của khu vực này cũng chỉ chiếm 20,51%. Đặc biệt các ngành được coi là có thế mạnh về xuất khẩu trong công nghiệp chế tác của ta như dệt may, giày dép thì tình hình cũng không có gì thay đổi lớn vì giá trị gia tăng của nhóm ngành này đóng góp cho nền kinh tế qua các năm 1989, 1996, 2000 và 2005 tương ứng là 2,33%, 2,53%, 3,07% và 3,51%. Như vậy, việc công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu vẫn chưa có bước tiến dài, những ngành công nghiệp mũi nhọn vẫn chưa thể hiện được vai trò của nó trong nền kinh tế. Đối với khu vực dịch vụ, năm 1989; 1996; 2000 và 2005 khu vực này đóng góp vào giá trị gia tăng của nền kinh tế tương ứng là 39,91%; 46,84%; 45,17% và 51,11%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của các ngành dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng đầu ra của nền kinh tế.
Cơ cấu xuất khẩu cũng có những thay đổi rõ rệt trong thời kỳ 1989-1996-2000-2005, nhưng không phải theo hướng phát triển công nghiệp mà có sự hoán đổi vị trí đứng đầu của việc xuất khẩu sản phẩm sơ cấp này bằng sản phẩm sơ cấp khác. Cụ thể như giá trị xuất khẩu của ngành trồng trọt giảm còn giá trị xuất khẩu của ngành khai thác mỏ lại tăng so với tổng giá trị xuất khẩu của nền kinh tế. Tuy nhiên các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da đã có những cải thiện đáng kể. Đóng góp vào tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt vải, dệt kim và ngành da và các sản phẩm từ da đã tăng tương ứng từ 2,55%; 5,37% năm 1989 đến 13,57% và 9,51% năm 2005.
Việc gia tăng này có thể chứng tỏ không chỉ thay đổi cơ cấu về giá trị xuất khẩu mà còn có tác động thay đổi cơ cấu lao động vì các ngành này là các ngành sử dụng nhiều lao động mà không cần có thời gian đào tạo lâu dài, nếu thực sự các ngành này đã thu hút số lao động tăng thêm tương xứng với sự tăng lên của giá trị gia tăng của nó thì có nghĩa là một phần lao động dư thừa trong nông nghiệp đã được thu hút vào các khu công nghiệp. Hệ quả tất yếu sẽ làm thay đổi cả cơ cấu lao động ở thành thị và nông thôn.
Trong cơ cấu đóng góp vào tổng giá trị nhập khẩu của các ngành, thì ngành dệt là ngành có đóng góp giá trị vào tổng giá trị xuất khẩu lớn nhưng cũng là ngành có đóng góp vào tổng giá trị nhập khẩu cao trong thời kỳ nghiên cứu. Các kết quả tính toán dựa trên 4 bảng I-O cho thấy, ngành dệt may của ta vẫn chỉ dừng lại ở dạng gia công cho nước ngoài là chủ yếu. Một số ngành, xu hướng nhập khẩu dường như có chiều hướng giảm là các ngành phân bón, thuốc trừ sâu … Điều này có thể là chúng ta đã xây dựng được các nhà máy cung cấp cho cầu về phân bón và thuốc trừ sâu trong nước hoặc là đất đai nông nghiệp không tăng, giá trị của sản phẩm nông nghiệp thấp, nghĩa là tỷ lệ phần trăm giảm nhưng về lượng tuyệt đối không giảm bao nhiêu. Ngoài ra thuốc trừ sâu có thể qua con đường nhập lậu mà chúng ta không ghi nhận được.
Ảnh hưởng qua các mối liên hệ công nghiệp
Các mỗi liên hệ công nghiệp có thể ảnh hưởng đến cấu trúc công nghiệp và sự phát triển kinh tế trong một quốc gia. Hoạt động sản xuất trong một ngành có thể ảnh hưởng bởi mối liên hệ kế tiếp – độ nhạy FL (forward linkage effects) và ảnh hưởng liên hệ ngược – mức độ lan toả BL (backward linkage effects).
Kết quả phân tích cho thấy, đối với ngành sản xuất các hàng hoá sơ cấp cho đầu vào sản xuất có bậc của chỉ số nhạy cao vì mối liên hệ giữa một ngành trong nhóm với một ngành khác sử dụng sản phẩm của nó làm đầu vào cho việc sản xuất. Chẳng hạn như ngành (1) trồng trọt (chủ yếu là cây lương thực), chỉ số này (FL) là 1,956; 2,434; 1,695; 1,542 và bằng 1,292; 1,980; 2,042; 2,358 tương ứng với kết quả ước tính được từ các bảng I-O dạng cạnh tranh và phi cạnh tranh trong các năm 1989; 1996; 2000 và 2005. Tuy nhiên có một vài ngành thì ảnh hưởng này không thật mạnh như dự đoán về lý thuyết chẳng hạn như (3) lâm nghiệp và (4) thủy sản.
Đối với các ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghiệp cho đầu vào trung gian có bậc cao của chỉ số nhạy và mức độ lan toả. Chẳng hạn như ngành (34) dệt may, chỉ số (FL và BL) là 1,140 và 1,971; 1,276 và 1,211; 1,424 và 1,362; 1,652 và 1,875 tương ứng với các bảng I-O dạng cạnh tranh năm 1989, 1996, 2000 và 2005.
Các ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghiệp cho cầu cuối cùng mà có bậc cao của mức độ lan tỏa. Nhóm này gồm các ngành: (8) chế biến thực phẩm, (9) chế biến rau quả, (10) sản xuất rượu, bia và đồ uống không cồn, (13) thuốc lá, thuốc lào, (26) xà phòng, chất tẩy, (27) chất dẻo và các ngành chế tác khác…
Nguồn tăng trưởng công nghiệp ở Việt Nam
Để thấy được hình mẫu của thay đổi cấu trúc, chúng tôi đã tách giai đoạn nghiên cứu thành 3 giai đoạn: sau đổi mới đến trước khủng khoảng tiền tệ ở châu á (1996); thời kỳ từ năm 1996-2000 và thời kỳ tiền hội nhập 2000-2005.
Thời kỳ 1989-1996, nếu quy chuẩn trong tăng trưởng của đầu ra của 52 ngành gộp trong bảng I-O thời kỳ 1989-1996 là 100%, thì mở rộng tiêu dùng trong nước bao gồm tiêu dùng các hộ gia đình và chính phủ là thành phần lớn nhất chiếm 51,66% nếu cộng thêm phần đầu tư doanh nghiệp thì thành phần này chiếm đến 69,03%. Thành phần lớn thứ hai là thành phần mở rộng xuất khẩu chiếm 32,92% còn các thành phần khác không đáng kể.
Những ngành có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao: đó là ngành trồng trọt (trong đó lúa là chủ yếu); khai thác mỏ khác; chế biến thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; dệt vải, dệt kim; da và các sản phẩm từ da. Đặc điểm chung của các ngành này là tốc độ tăng trưởng đầu ra trong thời kỳ này là cao và tương ứng là 9,68%; 3,71%; 2,27%; 3,48% và 1,15% tính theo bảng vào-ra năm 1989-1996.
Trong những ngành có tỷ lệ xuất khẩu cao phải kể đến là ngành dệt vải, dệt kim. Tăng trưởng của ngành trong thời kỳ 1989-1996 là 3,48%, trong đó thành phần đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng thì mở rộng xuất khẩu chiếm phần quan trọng nhất (3,67%). Có được thành tựu này là nhờ các chính sách mở rộng thị trường xuất khẩu và sự hợp tác đa phương của Đảng và nhà nước đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu của mặt hàng này.
Nhóm các ngành có ảnh hưởng của thay thế nhập khẩu âm là những ngành phải nhập khẩu các đầu vào cho sản xuất gồm có: ngành trồng trọt (-2,26) (nhập phân bón, thuốc trừ sâu, giống), ngành chăn nuôi (nhập giống, thức ăn gia súc) (-0,24), ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (-0,25) (nhập bột giấy và các phụ kiện để sản xuất giấy)
Thời kỳ 1996-2000, trong thời kỳ này mở rộng tiêu dùng trong nước bao gồm tiêu dùng các hộ gia đình và chính phủ không còn là thành phần lớn nhất chiếm vì nó chỉ chiếm 22,67% nếu gộp cả phần đầu tư doanh nghiệp thì thành phần cũng chỉ chiếm 45,53%. Thành phần lớn nhất trong giai đoạn này là mở rộng xuất khẩu nó chiếm 53,88%.
Cũng trong thời kỳ này, tốc độc tăng trưởng đầu ra lớn phải kể đến các ngành như trồng trọt (5,82%), khai thác mỏ khác (10,23%), dệt (6,48%), da và các sản phẩm từ da (6,81%)…đồng thời đây cũng là các ngành có đóng góp của lớn của mở rộng xuất khẩu vào tăng trưởng của đầu ra tương ứng là: 1,73%; 11,02%; 5,29%; 3,55%.
Trái lại, sự mở rộng đầu ra của các ngành chế biến rau quả, hóa chất, đường, giấy, xi măng, xà phòng và chất tẩy, phân bón…phụ thuộc ít vào mở rộng xuất khẩu mà thay vào đó là vai trò của thay thế nhập khẩu trong tăng trưởng đầu ra.
Thời kỳ 2000-2005, mở rộng tiêu dùng trong nước bao gồm tiêu dùng các hộ gia đình và chính phủ vẫn ở vị trí thứ hai (33,33%) và nếu tính cả phần đầu tư doanh nghiệp thì nó chiếm 61,29%. Thành phần lớn nhất trong giai đoạn này vẫn là thành phần mở rộng xuất khẩu chiếm 47,26% tuy có thấp hơn so với giai đoạn 1996-2000.
Kết quả tính toán được cũng cho thấy, đóng góp lớn của các ngành vào tăng trưởng đầu ra thời kỳ này gồm có ngành dệt (7,06%), khai thác mỏ khác (5,26%), da và các sản phẩm từ da (5,12%), điện điện tử (3,3%), thủy sản (2,34%), trồng trọt (2,24%)…và đây cũng vẫn là những ngành mà đóng góp của mở rộng xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của đầu ra.
Ngoài ra, các ngành phát triển hướng nội (hướng thay thế nhập khẩu) cũng có xu hướng tăng trưởng đầu ra như ngành thuốc lá (1,96%), xi măng (1,82%), rượu bia nước uống không cồn (1,47%),…một số ngành khác lại giảm nhẹ như ngành sản xuất đường (0,52%), luyện kim đen (0,82%), luyện kim mầu (0,17%), lọc dầu (0,03%)…đóng góp vào tăng trưởng đầu ra của những ngành còn khiêm tốn một phần nguyên nhân có thể là do việc sử dụng nguồn vốn ở nhiều dự án đầu tư trong các ngành này chưa mang lại hiệu quả cao.
KẾT LUẬN
Việt Nam đã và đang trải qua một thời kỳ thay đổi cấu trúc sản xuất đầu kịch tính từ sau khi chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước khởi xướng và thực thi vào năm 1986. Với mục tiêu nghiên cứu thay đổi cơ cấu và nguồn tăng trưởng đầu ra trong thời kỳ 1989-2000 ở Việt Nam, nghiên cứu này đã phân rã nguồn tăng trưởng từ phía cầu nhờ sử dụng các bảng I-O năm 1989, 1996, 2000 và bảng I-O 2005 được tính theo giá so sánh năm 2000.
Trong thời kỳ 1989-1996, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể để đưa một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu bước đầu dần dần trở thành một nước công nghiệp. Những chính sách nhằm chuyển nền kinh tế có kế hoạch sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như các chính sách thúc đẩy sản xuất trong nông nghiệp, chính sách mở cửa nền kinh tế và khuyến khích sản xuất công nghiệp đã có những ảnh hưởng to lớn làm thay đổi cấu trúc kinh tế. Những thay đổi cơ bản xảy ra vào thời kỳ 1986-1996 đã làm cho nền kinh tế có những chuyển hướng tích cực. Đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng trong thời kỳ này là mở rộng cầu trong nước. Thời kỳ này cũng phản ánh thời kỳ bắt đầu mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, điều này có thể khẳng định vì thành phần mở rộng xuất khẩu chiếm đến 32,9% trong tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế.
Thời kỳ 1996-2000, sự mở rộng cầu trong nước đã xuống hàng thứ 2 trong đóng góp cho tăng trưởng và đã nhường vị trí thứ nhất cho mở rộng xuất khẩu.
Trong thời kỳ 2000-2005, nền kinh tế vẫn giữ được khuynh hướng phát triển nhưng đã bộc lộ những mặt yếu của nó chẳng hạn như việc duy trì phần chia và mở rộng phần chia trong thị trường quốc tế đã có phần bị thua thiệt trước sự cạnh tranh gay gắt. Kết quả là tuy mở rộng cầu trong nước vẫn xếp hàng thứ 2 nhưng đã tăng lên đến 33,33% đóng góp vào tăng trưởng và vị trí thứ nhất vẫn là mở rộng xuất khẩu nhưng chỉ chiếm 47,26%.
Những phân tích ở trên cho ta nhận xét là thời kỳ thay thế nhập khẩu theo sau bởi những thời kỳ mà mở rộng xuất khẩu trở nên rất quan trọng. Tầm quan trọng của việc mở rộng xuất khẩu đối với tăng trưởng phản ánh sự dịch chuyển các chính sách thương mại và công nghiệp của Chính phủ từ khuyến khích các ngành trong nước thay thế nhập khẩu qua các biện pháp hạn chế nhập khẩu sang xúc tiến xuất khẩu qua các chính sách khuyến khích khác nhau. Điểm quan trọng cần lưu ý là các chính sách này thành công, như đã chỉ ra trong phân rã các nguồn tăng trưởng. Tuy nhiên, đằng sau những thành công này, có một thời kỳ thay thế nhập khẩu cao và những cải thiện công nghệ mà qua đó các ngành trong nước cải thiện sức cạnh tranh quốc tế. Thực tế, không thể không có giai đoạn chuẩn bị này.
Tài liệu tham khảo:
1. Akita, T., and Agus Hermawan, 2000, “The Sources of Industrial Growth in Indonesia, 1985-1995,” ASEAN Economic Bulletin, Vol.17, No.3, pp.270-284
2. Chenery, H, B. (1960), “Pattern of industrial growth,” American Economic Review, 50: 624 -54.
3. Chenery, H, Shishido, S, and Watanabe, T, (1962), “The Pattern of Japanese growth,” Econometrics, 30 (1): 1914-54.
4. Hayashi, M., (2005), “structural changes in indonesian industry and trade: an input -output analysis”, The Developing Economies, Volume 43, Issue 1, pp. 39-71.
5. Leontief, W. (1941), The Structure of American Economy: 1919-1939, New York Oxford University Press
6. Nguyễn Khắc Minh và Nguyễn Việt Hùng, (2008), Nguồn tăng trưởng công nghiệp ở Việt Nam: phân tích vào – ra, (Tăng trưởng chuyển đổi cở cấu và chính sách kinh tế ở Việt Nam thời kỳ đổi mới), Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, tr.93-120
7. Syrquin, M. (1976), Sources of Industrial Growth and Change; An Alternative Measure, World Bank.
8. Takahiro Akita and Chu Thi Trung Hau, (2006), Inter-sectoral Interdependence and Growth in Vietnam: A Comparative Analysis with Indonesia and Malaysia, GSIR Working Paper Series, EDP06-1.
SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN TỬ – GS.TS. NGUYỄN KHẮC MINH & TS. NGUYỄN VIỆT HÙNG
Trích dẫn từ: http://www.ktpt.edu.vn
(mkLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)