Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính gửi: CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP

Công ty Cổ Phần ALVLĐ thành lập năm 2013 để đầu tư dự án Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi ALV và đã bầu bà A (là cổ đông sở hữu 30% vốn điều lệ) giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Đại diện Pháp luật của Công ty, đến nay đã quá nhiệm kỳ 5 năm chưa được tổ chức bầu lại.

Trong quá trình hoạt động, điều hành Công ty, bà A thực hiện theo ý chí cá nhân, không tổ chức họp HĐQT và Đại hội đồng cổ đông theo điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp, không công khai tài chính, chi tiêu không hợp lệ, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án. Các cổ đông đã nhiều lần góp ý và ngày 18/6/2020 một nhóm cổ đông có 35% vốn điều lệ đã có đơn yêu cầu HĐQT tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định Tuy nhiên, Bà A Chủ tịch HĐQT không đồng ý triệu tập họp ĐHĐCĐ.

Đến ngày 25/6/2020 nhóm các cổ đông chiếm 70% vốn điều lệ. đã họp và có biên bản đề nghị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông với lý do: Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 6 tháng và số thành viên HĐQT chỉ còn 2 người ít hơn theo quy định của Điều lệ công ty (là từ 3-7 người) và Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bà A Chủ tịch HĐQT đã không triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường theo quy định trong vòng 30 ngày (đến 25/7/2020) và Ban kiểm soát cũng không tổ chức họp trong 30 ngày tiếp theo (đến 25/8/2020).

Vì vậy nhóm các cổ đông chiếm 70% vốn điều lệ dự kiến tổ chức triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường theo đúng Điều lệ công ty để bầu bổ sung thành viên HĐQT và bầu người khác làm chủ tịch HĐQT, thay thế người đại diện pháp luật mới

Công ty chúng tôi xin hỏi:

1- Việc tiến hành ĐHĐCĐ bất thường do số cổ đông chiếm 70% số cổ phần có quyền biểu quyết (Điều lệ Công ty quy định ít nhất 65%) mà nếu không có mặt Bà A thì có hợp lệ không? Luật pháp có quy định bắt buộc phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị (bà A) vào Biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường không? (Vì bà A không chịu tổ chức họp nên khi được mời họp có thể không đến dự).

2- Trong trường hợp Đại hội đồng cổ đông bất thường biểu quyết thông qua việc thay đổi Điều lệ công ty về người đại diện pháp luật theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh có quyền từ chối việc đăng ký thay đổi Điều lệ công ty về người đại diện pháp luật không?

Trân trọng cám ơn !

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2014;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu hỏi 1:

Việc tiến hành ĐHĐCĐ bất thường do số cổ đông chiếm 70% số cổ phần có quyền biểu quyết (Điều lệ Công ty quy định ít nhất 65%) mà nếu không có mặt Bà A thì có hợp lệ không? Luật pháp có quy định bắt buộc phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị (bà A) vào Biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường không? (Vì bà A không chịu tổ chức họp nên khi được mời họp có thể không đến dự).

Trả lời:

Để trả lời câu hỏi này, cần phải nắm rõ các trường hợp nào được họp ĐHĐCĐ bất thường, điều kiện tiến hành cuộc họp và thông qua. Do đó, tôi sẽ đi phân tích từng vấn đề này để làm sáng tỏ nội dung yêu cầu của quý khách.

Thứ nhất, lý do họpĐHĐCĐ bất thường

Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường.

Khoản 3 Điều 136 Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

Điều 136. Thẩm quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông

3. Hội đồng quản trị phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:

a) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;

b) Số thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật;

c) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này;

d) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Theo quy định này, nếu số thành viên hội đồng quản trị ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật thì Hội đồng quản trị được họp bất thường ĐHĐCĐ.

Theo thông tin quý khách cung cấp, số thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) chỉ còn 2, mà theo quy định tại khoản 1 Điều 150 Luật doanh nghiệp 2014 Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị là từ 3-7 người. Do đó, nếu số thành viên Hội đồng quản trị của công ty chỉ còn 2. Thì đây là lý do hoàn toàn có căn cứ để có thể triệu tập họp bất thường ĐHĐCĐ.

Ngoài ra, Các cổ đông đã nhiều lần góp ý và nhóm cổ đông có 35% vốn điều lệ đã có đơn yêu cầu HĐQT tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định. Mà theo điểm d khoản 3 Điều 136 nêu trên. Hội đồng quản trị phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

Do đó, có thể thấy HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường hoàn toàn có cơ sở.

Theo quy định tại điều 139 Luật doanh nghiệp 2014 Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; tên, địa chỉ thường trú của cổ đông, thời gian, địa điểm họp và những yêu cầu khác đối với người dự họp.

Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông; đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của công ty và đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc địa phương, khi xét thấy cần thiết theo quy định của Điều lệ công ty.

Trường hợp người triệu tập cuộc họp đã có thông báo cho bà A theo đúng quy định trên, nhưng bà A không có mặt. Đồng thời cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 141 Luật doanh nghiệp 2014 thì cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra hợp pháp mặc dù không có mặt bà A.

Điều 141. Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông

1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

3. Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

4. Chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp theo quy định tại Điều 139 của Luật này.”

Ngoài ra, theo Điều 146 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về biên bản họp Đại hội đồng cổ Đông, có thể hiểu biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ghi nhận lại toàn bộ diễn biến Cuộc họp. Số cổ đông và tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp, phụ lục danh sách đăng ký cổ đông, đại diện cổ đông dự họp với số cổ phần và số phiếu bầu tương ứng;…Chữ ký của chủ tọa và thư ký. Cụ thể, biên bản phải có các nội dung chủ yếu sau:

Điều 146. Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông

1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài và có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;

b) Thời gian và địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông;

c) Chương trình và nội dung cuộc họp;

d) Họ, tên chủ tọa và thư ký;

đ) Tóm tắt diễn biến cuộc họp và các ý kiến phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông về từng vấn đề trong nội dung chương trình họp;

e) Số cổ đông và tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp, phụ lục danh sách đăng ký cổ đông, đại diện cổ đông dự họp với số cổ phần và số phiếu bầu tương ứng;

g) Tổng số phiếu biểu quyết đối với từng vấn đề biểu quyết, trong đó ghi rõ phương thức biểu quyết, tổng số phiếu hợp lệ, không hợp lệ, tán thành, không tán thành và không có ý kiến; tỷ lệ tương ứng trên tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp;

h) Các vấn đề đã được thông qua và tỷ lệ phiếu biểu quyết thông qua tương ứng;

i) Chữ ký của chủ tọa và thư ký.

Biên bản được lập bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đều có hiệu lực pháp lý như nhau. Trường hợp có sự khác nhau về nội dung biên bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì nội dung trong biên bản tiếng Việt có hiệu lực áp dụng.”

Theo quy định này, biên bản chỉ yêu cầu có chữ ký của chủ Tọa và thư ký cuộc họp. Không có căn cứ yêu cầu có chữ ký của A (là cổ đông của công ty) trong biên bản họp Đại hội đồng cổ đông.

Thứ hai, trình tự thủ tục họp ĐHĐCĐ họp bất thường ( Theo quy định từ điều 139 đến Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014)

– Triệu tập họp:

+ Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, thì Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày số thành viên Hội đồng quản trị còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật hoặc nhận được yêu cầu từ nhóm cổ đông.

+ Người triệu tập (trong trường hợp này là: Phó Chủ tịch HĐQT) phải thực hiện các công việc sau đây để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông:

  • Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp;
  • Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông;
  • Lập chương trình và nội dung cuộc họp;
  • Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp;
  • Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
  • Xác định thời gian và địa điểm họp;
  • Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp theo quy định của Luật này;
  • Các công việc khác phục vụ cuộc họp.

– Thông báo triệu tập: Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; tên, địa chỉ thường trú của cổ đông, thời gian, địa điểm họp và những yêu cầu khác đối với người dự họp.

– Tiến hành cuộc họp:

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết; (Điều lệ công ty quy định)

+ Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyếtthì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

+ Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định trên thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

– Thông qua nghị quyết: Nghị quyết về các nội dung: thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, các vấn đề khác do điều lệ công ty quy định được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.

Như vậy, nếu Phó Chủ tịch HĐQT thực hiện thủ tục họp ĐHĐCĐ bất thường theo trình tự trên. Đồng thời, nghị quyết thông qua các nội dung:

– Nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT 5 người, bầu Bà B làm chủ tịch HĐQT và giao HĐQT bổ nhiệm Giám đốc đại diện pháp luật mới được ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành thì nghị quyết thông qua hoàn toàn hợp lệ.

Kết luận: Việc tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường với số cổ đông chiếm 70% số cổ phần có quyền biểu quyết (Điều lệ Công ty quy định ít nhất 65%) mà không có mặt Bà A vẫn hoàn toàn hợp lệ nếu Người triệu tập thực hiện đúng trình tự thủ tục nêu trên.

Câu hỏi 2:Trong trường hợp Đại hội đồng cổ đông bất thường biểu quyết thông qua việc thay đổi Điều lệ công ty về người đại diện pháp luật theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh có quyền từ chối việc đăng ký thay đổi Điều lệ công ty về người đại diện pháp luật không?”

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 135 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về quyền của Đại hội đồng cổ đông có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty. Do đó, nếu Đại hội đồng cổ đông bất thường biểu quyết thông qua việc thay đổi Điều lệ công ty về người đại diện pháp luật theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh không có căn cứ để từ chối việc đăng ký thay đổi Điều lệ công ty về người đại diện pháp.

Điều 135. Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;

b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;

c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;

đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

h) Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;

i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;

k) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh từ chối việc đăng ký thay đổi Điều lệ công ty về người đại diện theo pháp luật thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là ý kiến, quan điểm của chúng tôi vềThay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần”. Việc đưa ra ý kiến, quan điểm tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group