Ngày 07/08/2008 Tòa án tối cao British Columbia, Canada cho ông DTH được ly hôn với bà DTNH theo bản án ly hôn số E080672. Về con chung và tài sản chung không có. Ngày 21/9/2009, bà DTNH có đơn yêu cầu Bộ Tư pháp công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án nêu trên. Đơn và các tài liệu kèm theo của bà DTNH được chuyển đến Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam để giải quyết. Thụ lý đơn, thẩm phán được phân công giải quyết cho rằng do ông DTH đang cư trú tại Canada nên bà DTNH chưa đủ điều kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết nên ngày 26/01/2010 đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt nam bản án của Tòa án nước ngoài. Các căn cứ đã viện dẫn Điều 342; Điều 343; khoản 1 Điều 344; điểm b khoản 1 Điều 354,; Điều 357 và Điều 358 Bộ luật tố tụng dân sự.
2.Bà GNP cư trú tại Việt Nam và ông TDD cư trú tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau dó ông TDD xin lý hôn với bà GNP tại Hoa Kỳ. Ngày 04/03/2009 Tòa Thượng thẩm bang California, hạt San Bernardino, hợp chủng quốc Hoa kỳ cho ông TDD ly hôn với bà GNP theo bản án ly hôn số FAMRS số 802358. Về con chung và tài sản chung không có. Ngày 01/08/2009 bà GNP có đơn gửi đến Bộ Tư pháp để yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án nêu trên tại Việt Nam. Đơn và các tài liệu kèm theo của bà GNP được chuyển đến Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam để giải quyết. Cùng lý lẽ như vụ việc trên, ngày 18/11/2009 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt nam bản án của Tòa án nước ngoài. Căn cứ để viện dẫn Điều 194; Điều 342; Điều 343; khoản 1 Điều 344; điểm b khoản 1 Điều 354,; Điều 357 và Điều 358 Bộ luật tố tụng dân sự.
Nội dung của các căn cứ:
-Điều 194: Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
-Điều 342: Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.
-Điều 343: Nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài.
-Điều 344: Quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài.
Khoản 1: Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu
-Điều 354: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
1…..
a)…
b)Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp trong trường hợp không đúng thẩm quyền hoặc không xác định được địa chỉ của người phải thi hành hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành án;
-Điều 357: Gửi quyết định của Tòa án
-Điều 358: Kháng cáo, kháng nghị.
Căn cứ chủ yếu trong hai quyết định nêu trên là khoản 1 Điều 344, thẩm phán đã cho rằng bên bị yêu cầu đang ở nước ngoài nên không thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam.
Nội dung trên hiện nay đang có hai qua điểm:
-Quan điểm thứ nhất như lý lẽ của hai quyết định đã viện dẫn.
-Quan điểm thứ hai cho rằng người yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài cũng là người phải thi hành bản án ly hôn của Tòa án nước ngoài.
Quan điểm của người viết thiên về quan điểm thứ hai. Cần phải thấy rằng trong hai vụ việc trên bà DTNH và bà GNP đều là những người phải thi hành bản án bởi lẽ đây là quan hệ hôn nhân. Từ khi bản án của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật thì bà DTNH không còn ràng buộc về quan hệ hôn nhân đối với ông DTH và bà GNP không còn ràng buộc về quan hệ hôn nhân đối với ông TDD. Ông DTH và TDD đăng ký kết hôn với người khác mà không bị cản trở bởi bà DTNH và GNP. Như vậy bà DTNH và GNP là người đã gửi đơn yêu cầu đồng thời là người phải thi hành án về ly hôn. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt nam bản án của Tòa án nước ngoài là chưa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự ở trong nước. Trường hợp này sẽ phát sinh việc bà DTNH và bà GNP phải làm đơn xin ly hôn với ông DTH và TDD để chấm dứt quan hệ hôn nhân mới có thể đăng ký kết hôn với người khác. Mục đích của việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là một thủ tục tố tụng đặc biệt do Tòa án thực hiện nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của bản án, quyết định của nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ nước mình, sau khi được công nhận nó sẽ được đảm bảo thi hành trên lãnh thổ nước công nhận. Việc Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài sẽ dẫn đến cùng một quan hệ bị tranh chấp mà có hai bản án, quyết định của hai nước khác nhau là trái với mục đích như đã nêu trên.
Vấn đề này cần được Tòa án nhân dân tối cao quan tâm, hướng dẫn để thống nhất nhận thức về quy định của pháp luật mặt khác để đảm bảo quyền lợi của người đang ở trong nước.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TAND TPHCM – TRẦN THỊ HỒNG VIỆT