1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Khi sức khỏe của một người bị xâm phạm, thiệt hại được xác định gồm thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần.
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thiệt hại về vật chất là những thiệt hại xảy ra trên thực tế mà có thể tính toán được một cách cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Thiệt hại về vật chất bao gồm các loại thiệt hại được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự. về nguyên tắc, chỉ những thiệt hại thực tế mới được bồi thường, nên khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại phải đưa ra bằng chứng để chứng minh các thiệt hại thực tế đã phát sinh. Việc chứng minh trên thực tế có thể sẽ rất đơn giản đối với một số loại thiệt hại cụ thể, ví dụ như tiền phẫu thuật, tiền thuốc, … sẽ căn cứ vào hóa đơn thanh toán mà bệnh viện cung cấp cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ. Song, cũng có những thiệt hại sẽ rất khó có thể chứng minh, ví dụ như chi phí đi lại để khám chữa bệnh bằng phương tiện xe ôm sẽ rất khó để đưa ra cơ sở chính xác, bởi những người hành nghề xe ôm thường là lao động tự do nên không có hóa đơn hoặc phiếu thu giao cho hành khách. Đối với những trường hợp này, việc xác định thiệt hại sẽ do Hội đồng xét xử đưa ra trên cơ sở đánh giá sự hợp lý của các loại chi phí.
Khoản tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần mà người bị thiệt hại hoặc thân nhân người bị thiệt hại phải gánh chịu (sau đây gọi là thiệt hại về tinh thần). Đây là loại thiệt hại không thể xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường, nên sẽ rất khó khăn khi xác định. Thiệt hại về tinh thần lớn hay nhỏ đôi khi không phụ thuộc vào mức thiệt hại về vật chất nhiều hay ít, mức tổn hại sức khỏe lớn hay nhỏ. Có thể người bị thiệt hại về sức khỏe bị tổn hại sức khỏe rất ít, nhưng lại phải gánh chịu sự tổn hại về tinh thần rất lớn (Ví dụ: Cô gái giúp việc bị bà chủ quán cafe ép xăm rết lên mặt và ngực). Do đó, khi xác định mức tổn hại về tinh thần phải căn cứ vào sự ảnh hưởng của hành vi xâm phạm sức khỏe tới đời sống tinh thần của người bị thiệt hại sau khi chữa lành vết thương. Loại thiệt hại này thường được xác định theo sự thỏa thuận của các bên, nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định nhưng không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
2. Những điểm mới của Bộ luật dân sự 2015 khi xác định thiệt hại về sức khỏe
Quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm trong Bộ luật dân sự năm 2015 có những thay đổi so với Bộ luật dân sự năm trước đây như sau:
Thứ nhất, bổ sung thêm điểm d khoản 1 Điều 590 với nội dung “thiệt hại khác do luật quy định”. Việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý, bởi vì trên thực tế khi cá nhân bị xâm phạm sức khỏe, ngoài những thiệt hại mà cá nhân phải gánh chịu như Bộ luật dân sự trước đây liệt kê thì họ còn có thể bị mất đi những lợi ích khác.
Thứ hai, sử dụng cụm từ “người chịu trách nhiệm bồi thường'” thay cho cụm từ “người xâm phạm sức khỏe của người khác”. Sự thay đổi này hoàn toàn hợp lý, bởi vì thực tế không phải mọi trường hợp người xâm phạm sức khỏe của người khác đều phải chịu trách nhiệm bồi thường. Có rất nhiều trường hợp, người phải bồi thường không phải là người đã gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác. Ví dụ: Bố mẹ bồi thường thiệt hại do con dưới 15 tuổi gây ra, pháp nhân bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, …
Thứ ba, xác định rõ mức bù đắp tổn thất về tinh thần nếu không thỏa thuận thì áp dụng cho từng người bị xâm phạm sức khỏe. Tuy nhiên, dường như quy định này là không cần thiết, bởi vì người bị tổn thất tinh thần trong trường hợp này chính là người bị xâm phạm sức khỏe. Đồng thời, mỗi người bị xâm phạm sức khỏe luôn độc lập với nhau trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó mức bù đắp tổn thất về tinh thần cũng đương nhiên được xác định một cách độc lập cho từng người.
Thứ tư, mức bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp các bên không có thỏa thuận được xác định tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở. BLDS cũ sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ để tính mức bù đắp về tình. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 lại sử dụng mức lương cơ sở. Có sự thay đổi của BLDS năm 2015 bởi vì thực tế giải quyết tranh chấp, các tòa vẫn áp dụng mức lương cơ sở để xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần. Hơn nữa, mức lương tối thiểu được quy định ở các vùng khác nhau là khác nhau. Do đó, những người bị gây thiệt hại sức khỏe như nhau thuộc các vùng khác nhau mà mức bù đắp tổn thất về tinh thần lại khác nhau là không công bằng.
Một điểm mới trong việc xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần đó là, thay vì xác định mức tối đa khi không thỏa thuận là 30 tháng lương tối thiểu như BLDS trước đây, thì BLDS năm 2015 là quy định mức tối đa là 50 lần lương cơ sở.
3. Thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm
Khi tính mạng bị xâm phạm, thiệt hại cũng được xác định bao gồm thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần.
Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thiệt hại về vật chất bao gồm những tổn thất có thể tính toán cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường những thiệt hại về vật chất phải đưa ra bằng chứng chính minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, không phải mọi chi phí mà người bị thiệt hại chứng minh đều có thể được bồi thường toàn bộ, mà những chi phí này phải đảm bảo tính hợp lý. Ví dụ, để mai táng cho người chết thì chỉ cần sử dụng loại áo quan với giá trung bình khoảng 10 triệu, nhưng thân nhân của người chết lại đặt chiếc quan tài với mức giá 30 triệu thì mặc dù có hóa đơn mua bán cũng khó có thể được bồi thường toàn bộ 30 triệu.
Thiệt hại về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm sẽ được bồi thường cho thân nhân của người chết. Đây cũng là loại thiệt hại khó có thể xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Thân nhân của người bị thiệt hại khi yêu cầu bồi thường loại thiệt hại này cũng không bắt buộc phải chứng minh sự tổn hại về tinh thần mà mình phải gánh chịu khi người thân bị xâm phạm tính mạng. Mức bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định mức cụ thể nhưng không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Nghiên cứu thực tế các vụ việc cho thấy, mức bù đắp tổn thất về tinh thần khi tính mạng bị xâm phạm thường được xác định là mức tối đa.
4. Những điểm mới về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm trong Bộ luật dân sự 2015
Bộ luật dân sự năm 2015 có nhiều thay đổi trong quy định về xác định thiệt hại nói chung, xác định thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm. Cụ thể:
Thứ nhất, trong BLDS trước đây, chỉ những chi phí cho việc “cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại” trước khi chết mới được bồi thường. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 lại quy định “Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này”, tức là theo quy định này, nếu người bị xâm phạm tính mạng chưa chết ngay thì mức bồi thường sẽ bao gồm cả bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Sự thay đổi này là hợp lý, bởi vì trong thời gian điều trị người bị thiệt hại mất thu nhập, hoặc phải có người chăm sóc, hoặc bị ảnh hưởng về tinh thần,… Do đó, những khoản thiệt hại này là để bồi thường cho chính người bị xâm phạm sức khỏe, còn những khoản bồi thường sau là bồi thường cho người thân thích của người chết.
Thứ hai, BLDS năm 2015 cũng bổ sung và thay đổi mức bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm cũng tương tự như khi sức khỏe bị xâm phạm như:
– Bổ sung quy định “thiệt hại khác do pháp luật quy định”;
– Sửa quy định “người xâm phạm tính mạng của người khác” thành “người chịu trách nhiệm bồi thường”;
– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần nếu không thỏa thuận thì được xác định tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở và áp dụng cho mỗi người có tính mạng bị xâm phạm.
5. Thời gian hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm
Thông thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thường được thực hiện một lần cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, với những trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm, trách nhiệm bồi thường có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.
Đối với trường hợp người bị xâm phạm sức khỏe mất hoàn toàn khả năng lao động thì được bồi thường cho đến khi chết. BLDS năm 2015 không xác định như thế nào thì được coi là mất hoàn toàn khả năng lao động. Tuy nhiên, dựa vào quy định tại điểm 1.4 mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xác định người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động là trường hợp “người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên”. Việc xác định người bị thiệt hại mất khả năng lao động hay không sẽ phụ thuộc vào kết luận giám định của tổ chức y tế có thẩm quyền.
Trong trường hợp người bị thiệt hại chết, những người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống sẽ được hưởng tiền cấp dưỡng trong một thời hạn nhất định như sau:
– Đối với con của người chết mà chưa thành niên hoặc đã thành thai và còn sống sau khi sinh ra thì được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, nếu con chưa thành niên đã đủ 15 tuổi và đã tham gia lao động có thu nhập đủ nuôi sống bản thân thì không được hưởng tiền cấp dưỡng này;
– Đối với con đã thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, ông, bà, anh chị em ruột,… mà không có khả năng lao động thì được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.