Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của Quý khách, chúng tôi thay mặt Công ty Luật TNHH LVN Group tư vấn như sau:
1. Trọng tài thương mại quốc tế là gì?
Trọng tài thương mại quốc tế là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ Tư pháp quốc tế, nhất là các quan hệ thương mại quốc tế mà pháp luật cho phép giải quyết được bằng trọng tài. Theo phương thức này, các bên nhất trí thỏa thuận với nhau là sẽ đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan trọng tài nhất định nào đó.
Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên mà chỉ được giải quyết tranh chấp khi các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan thỏa thuận chỉ định. Khi các bên thiết lập một thỏa thuận trọng tài thì nghĩa là họ đã trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho trọng tài và tòa án không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc bị hủy bỏ bởi chính các bên. Như vậy, thẩm quyền của trọng tài được xác lập trên cơ sở thỏa thuận trọng tài.
Luật Mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1985 định nghĩa thỏa thuận trọng tài tại Khoản 1, Điều 7 như sau: “1. Thỏa thuận trọng tài” là thỏa thuận mà các bên đưa ra trọng tài mọi hoặc các tranh chấp nhất định phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng. Thoả thuận trọng tài có thể dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thoả thuận riêng”.
Từ quy định trên, có thể thấy thỏa thuận trọng tài là sự thống nhất ý chí của các bên về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng bằng phương thức trọng tài. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp và có thể dưới hình thức một điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng biệt.
Hay Công ước châu Âu về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1961 có đưa ra định nghĩa tương tự: “Thỏa thuận trọng tài là một điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc thỏa thuận trọng tài, hợp đồng hoặc thoả thuận trọng tài được ký kết giữa các bên, hoặc được trao đổi qua thư từ, điện tín, hoặc các hình thức liên lạc bằng điện toán khác, và trong mối quan hệ giữa các quốc gia mà pháp luật không yêu cầu rằng một thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản, bất kỳ thỏa thuận trọng tài nào cũng phải được ký kết theo đúng hình thức mà luật các nước này quy định”
Căn cứ tại Khoản 2 điều 3 Luật trọng tài thương mại Việt Nam quy định như sau
“2. Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.”
Đây là một định nghĩa tương đối đơn giản, khái quát, từ đây có thể hiểu đơn giản : thỏa thuận trọng tài là sự thỏa thuận của các bên về một phương thức giải quyết các tranh chấp, có thể có trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra.
2. Vai trò của trọng tài thương mại quốc tế
Theo Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế ngày 21/06/1985 của UNCITRAL thì trọng tài sẽ mang tính chất quốc tế khi:
– Vào thời điểm giao kết thỏa thuận trọng tài, các bên có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau hoặc;
– Một trong những yếu tố sau đây ở ngoài lãnh thổ nơi các bên có trụ sở kinh doanh: nơi xét xử trọng tài hoặc nơi thực hiện phần chủ yếu của nghĩa vụ trong quan hệ thương mại hoặc nơi có quan hệ mật thiết với nội dung tranh chấp hoặc;
– Các bên đã thỏa thuận rõ ràng là nội dung chủ yếu của thỏa thuận trọng tài liên quan đến ít nhất là hơn một nước.
Tính thương mại của trọng tài quốc tế: Các quan hệ mang tính chất thương mại bao gồm: các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận phân phối, đại diện hoặc đại lý thương mại, thuê mua xây dựng công trình, tư vấn kỹ thuật, li xăng, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hợp đồng thăm dò, khai thác; liên doanh và các hình thức hợp tác liên doanh; vận tài hàng hóa hoặc hành khách bằn đường hàng không, biển, sắt hoặc đường bộ.
Như vậy, trọng tài thương mại quốc tế là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ tư pháp quốc tế, nhất là các quan hệ thương mại quốc tế mà pháp luật cho phép giải quyết được bằng trọng tài. Theo phương thức này, các bên nhất trí thỏa thuận với nhau sẽ đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan trọng tài nhất định nào đó.
3. Khái niệm về thương lượng trong tranh chấp thương mại
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp xuất hiện sớm nhất, thông dụng và phổ biến nhất được các bên tranh chấp áp dụng rộng rãi để giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động thương mại. Phương thức giải quyết tranh chấp này thường được giới thương nhân lựa chọn mỗi khi có tranh chấp phát sinh, bởi sự đơn giản của phương thức thực hiện, ít tốn kém, lại không bị ràng buộc bởi những thủ tục pháp lý phức tạp, uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh được bảo đảm tối đa và mức độ phương hại đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên cũng thấp, thậm chí còn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau sau khi thương lượng thành công.
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kì bên thứ ba nào.
4. Đặc điểm của thương lượng trong tranh chấp thương mại
– Thứ nhất, phương thức giải quyết tranh chấp này được thực hiện bởi cơ chế giải quyết nội bộ (cơ chế tự giải quyết) thông qua việc các bên tranh chấp gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận để tự giải quyết những bất đồng phát sinh mà không cần có sự hiện diện của bên thứ ba để trợ giúp hay ra phán quyết. Điều kiện để thương lượng một tranh chấp thương mại, trước hết phải xem xét thỏa mãn: có tranh chấp thương mại xảy ra, các bên mong muốn loại bỏ mâu thuẫn, khắc phục tổn thất, tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác và các bên đều có tinh thần thiện chí, nhân nhượng, tôn trọng và giữ gìn uy tín cho nhau.
– Thứ hai, quá trình thương lượng giữa các bên cũng không chịu sự ràng buộc của bất kì nguyên tắc pháp lý hay những quy định mang tính khuôn mẫu nào của pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp. Pháp luật của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại (Điều 14 luật Đầu tư 2014, luật đầu tư năm 2020, Điều 317 Luật Thương mại 2005) mà không có bất kì quy định nào chi phối đến cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng.
– Thứ ba, việc thực thi kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kì cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức thương lượng là sự thể hiện quyền tự do thỏa thuận, tự do định đoạt của các bên tranh chấp. Các bên tự đề xuất các giải pháp và thỏa hiệp với nhau theo trình tự, thủ tục tự chọn để giải quyết các bất đồng phát sinh mà không có sự tham gia hay can thiệp của bất kì cơ quan nhà nước nào. Việc thương lượng có thể được thực hiện bằng nhiều cách thức như: thương lượng trực tiếp, thương lượng gián tiếp và kết hợp cả hai cách thức trên. Mỗi một cách thức thương lượng có tính ưu việt và hạn chế nhất định.
Vì vậy, khi tiến hành thương lượng giải quyết những mâu thuẫn trong hanh chấp các bên cần có quan điểm, thái độ, ý chí, thiện chí và ý thức để giải quyết tốt những mâu thuẫn phát sinh tránh kéo dài hay bế tắc. Khi một hoặc các bên tranh chấp thiếu sự hiểu biết về lĩnh vực đang tranh chấp, không nhận thức được vị thế của mình về khả năng thắng thua nếu phải theo đuổi vụ kiện tại cơ quan tài phán hoặc không có thái độ nỗ lực hợp tác, thiếu sự thiện chí, trung thực trong quá trình thương lượng thì khả năng thành công là rất mong manh, mục tiêu và kết quả thương lượng thường không đạt được. Bên cạnh đó, kết quả thương lượng lại không được đảm bảo bằng các thiết chế mang tính quyền lực nhà nước do đó có thể dẫn tới sự lạm dụng trong quá trình giải quyết bằng thương lượng.
5. Áp dụng giải quyết tranh chấp bằng thương lượng trong thương mại quốc tế
– Các bên:
+ Nguyên đơn: Người mua Đông Phi
+ Bị đơn: Người bán Mỹ
– Các vấn đề được để cập:
+ Hủy hợp đồng trong trường hợp hàng hóa không phù hợp quy cách phẩm chất
+ Trách nhiệm hạn chế thiệt hại trong hợp đồng
+ Điều khoản giải quyết tranh chấp bằng thương lượng
5.2. Tóm tắt vụ việc:
Để phục vụ cho việc vận hành một trạm vệ tinh mặt đất tại Đông Phi, tháng 4 năm 1978, Nguyên đơn, một công ty Đông Phi, đã ký một hợp đồng mua, vận chuyển và lắp đặt một bộ khuyếch đại sóng cực ngắn (sau đây gọi tắt là “HPA”) với Bị đơn, một nhà cung cấp Mỹ. Hợp đồng quy định luật áp dụng là luật của bang California, mọi tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài của Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế tại Geneva.
Nguyên đơn ký “Bản Chấp Nhận” đối với hệ thống “HPA” tại nhà máy của Bị đơn ở Mỹ vào tháng 6 nám 1979, sau đó tại công trưòng Đông Phi.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, hệ thốhg “HPA” luôn gặp trục trặc và vào tháng 1 năm 1980, ngừng hoạt động. Kể từ đó, mặc dù hai bên đã vài lần cố gắng sửa chữa tại Đông Phi, hệ thống HPA vẫn không thể hoạt động bình thường.
Nguyên nhân của việc hệ thống HPA liên tục bị hỏng là do việc lắp đặt không đúng thiết bị. Cụ thể, hệ thống cung cấp điện mà HPA yêu cầu không phù hợp với hệ thống điện sẵn có tại hiện trường.
Cuối cùng, vào tháng 4 năm 1981, các bên quyết định gửi hệ thống HPA trở lại nhà máy của Bị đơn tại Mỹ. Tháng 5 năm 1981, Bị đơn đề nghị được sửa hệ thống HPA nhưng Nguyên đơn không chấp nhận. Hai bên cũng đã tiến hành thương lượng nhiều lần về việc sửa chữa này nhưng không đạt kết quả. Ngày 25 tháng 11 năm 1981, Nguyên đơn huỷ bỏ “Bản Chấp Nhận” hệ thống HPA mà mình đã ký trước đây và mua một hệ thống HPA từ một nhà sản xuất khác để thay thế cho hệ thống HPA của Bị đơn.
Nguyên đơn đã khởi kiện ra trọng tài, yêu cầu Bị đơn:
– Hoàn lại số tiền đã thanh toán theo hợp đồng,
– Bồi thường khoản chênh lệch giữa giá mua của hệ thốhg HPA cũ và hệ thống HPA thay thế,
– Bồi thường những thiệt hại ngẫu nhiên và những thiệt hại nhân quả kéo theo.
5.2. Phán quyết của trọng tài:
Nguyên đơn khiếu nại đòi huỷ bỏ Bản Chấp Nhận đối với hệ thông HPA, đối tượng của hợp đồng. Lý do Nguyên đơn (người mua) nêu ra hàng hoá được giao không phù hợp với hàng hoá miêu tả trong hợp đồng.
Như vậy, vấn đề chủ yếu mà trọng tài cần xác định trong vụ việc này là liệu đây có phải là một trường hợp cung cấp hàng không đúng quy cách phẩm chất theo hợp đồng hay không.
Uỷ ban trọng tài lập luận như sau:
Theo điều 2608 của Luật Thương mại California, người mua có thể huỷ bỏ Hợp đồng của mình đốì với một lô hàng hoặc một đơn vị hàng hoá khi lô hàng đó được giao không đúng với quy cách phẩm chất quy định, gây thiệt hại lớn cho người mua trong những trường hợp sau:
– Sự không phù hợp về quy cách phẩm chất đó có thể được khắc phục nhưng lại không được khắc phục một cách hợp lý.
– Người mua đã chấp nhận hàng hoá được giao mà không biết rằng phẩm chất và quy cách hàng hoá không phù hợp với hợp đồng do lỗi về phẩm chất và quy cách này rất khó phát hiện khi nhận hàng giao hoặc do người bán đã có bảo đảm trước về chất lượng hàng hoá.
Vấn đề cần làm rõ là liệu việc hệ thống HPA không hoạt động được tại hiện trường có được coi là sự không phù hợp của hệ thống HPA với các quy cách phẩm chất quy định tại hợp đồng hay không. Và ngay cả trong trường hợp không phù hợp với hợp đồng thì liệu đây có phải là một trường hợp được phép huỷ hợp đồng như quy định tại Điều 2608 hay không.
Theo các quy định của hợp đồng, nghĩa vụ hợp đồng của Bị đơn đối với hệ thống HPA không chỉ đơn thuần là bán và giao hàng mà còn phải lắp đặt hệ thông HPA tại hiện trường (Mục A của hợp đồng quy định “Người bán có nghĩa vụ giao, lắp đặt và kiểm tra tại hiện trường bộ khuyếch đại và quản lý, giám sát củng như đốc thúc công việc cần phải thực hiện”).
Uỷ ban trọng tài cho rằng nghĩa vụ lắp đặt tại hiện trường kéo theo trách nhiệm phải bảo đảm rằng hệ thống HPA sẽ được xây lắp theo đúng quy cách phẩm chất cần thiết phù hợp với điều kiện thực tế tại công trường cho dù điều đó không được quy định cụ thể trong phần B “Quy cách phẩm chất” của hợp đồng. Bởi vậy, vì không thiết kế được hệ thống HPA với những quy cách phẩm chất cần thiết để vận hành được tại hiện trưòng, Bị đơn đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Một vấn đề nữa là liệu Nguyên đơn có phải chia sẻ trách nhiệm với Bị đơn hay không, vì trong thời gian đàm phán Nguyên đơn đã biết rằng hệ thống HPA phải phù hợp với hệ thống phân phối điện tại hiện trường và như thế mới có thể dễ dàng đáp ứng được mọi quy cách phẩm chất quy định tại phần B của hợp đồng.
Uỷ ban trọng tài thấy không cần thiết phải xem xét vấn đề này, vì trên thực tế, vào tháng 12 năm 1978, cụ thể là trong thời gian thiết kế và xây dựng hệ thống HPA, ngay trước thời điểm chuyển giao, ông B, nhân viên điều hành chịu trách nhiệm về phần sản xuất hệ thông HPA của Bị đơn, đã nhận được thông báo từ một trong các kỹ sư của mình tại hiện trường là tâm điểm được sử dụng khác với tâm điểm được thiết kế cho hệ thốhg HPA. Như vậy, bản thân BỊ đơn đã biết về sự không phù hợp của thiết bị trong quá trình lắp đặt HPA tại hiện trường mà không cần Nguyên đơn phải thông báo về việc này.
Uỷ ban trọng tài kết luận rằng việc hệ thống HPA không thể vận hành trong các điều kiện thực tế tại hiện trường cấu thành sự “không phù hợp” của hàng hoá so với quy định tại hợp đồng và tạo thành lỗi theo hợp đồng của Bị đơn. Xét trên khỉa cạnh này, những quy định của Điều 2608 của Luật Thương mại California đã được đáp ứng. uỷ ban trọng tài cũng cho rằng những điều kiện pháp lý nêu tại Điều 2608 của Luật Thương mại California về huỷ bỏ Chấp nhận cũng được thỏa mãn.
Uỷ ban trọng tài quyết định: Nguyên đơn được quyền huỷ bỏ Chấp nhận hệ thống HPA, được hoàn trả lại tiền đã thanh toán và được bồi thường khoản chênh lệch giá do phải mua một hệ thông HPA khác để thay thế. Uỷ ban trọng tài bác yêu cầu của Nguyên đơn về các thiệt hại ngẫu nhiên và nhân quả kéo theo vì Nguyên đơn đã không đưa ra được các chứng cứ chứng minh cho các thiệt hại này.