1. Xác định thời hạn giao tài sản trong hợp đồng mua bán

Theo quy định tại Điều 434 Bộ luật dân sự 2015:

1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

2. Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

Khi các bên thỏa thuận về thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán, bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn. Việc giao tài sản trước hoặc sau thời hạn chỉ được coi là phù hợp nếu được bên mua đồng ý, quy định này hướng đến bảo đảm việc tiếp nhận tài sản của bên mua, vì trong quan hệ giao tài sản mua bán thì bên mua là bên có quyền đối với nghĩa vụ giao tài sản của bên bán. Nếu giao tài sản mua bán trước hoặc sau thời hạn mà không có sự đồng ý của bên mua đều là thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn.

Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì bên mua và bên bán đều có quyền yêu cầu đối tác của mình giao nhận tài sản, tuy nhiên phải báo trước với nhau một thời gian hợp lý, để các bên có thời gian chuẩn bị. Bộ luật dân sự chưa có quy định bắt buộc về hình thức của sự thông báo này, việc thông báo chỉ nhằm cung cấp thông tin cho bên tiếp nhận về thời hạn giao hoặc nhận tài sản chứ không ghi nhận sự đồng ý hay không đồng ý của bên tiếp nhận.

2. Xác định thời gian thanh toán tiền

” Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.” (Khoản 3 Điều 434 Bộ luật dân sự 2015)

Hợp đồng mua bán là hợp đồng song vụ cho nên các bên cùng phải thực hiện nghĩa vụ với nhau. Trong trường hợp có thỏa thuận thì bên mua phải thanh toán đúng hạn, nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Theo đó, bên mua có thể thanh toán tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quy định này cho phép bên mua có thể lựa chọn thời điểm thanh toán cho mình.

3. Địa điểm giao tài sản được xác định như thế nào?

Trong hợp đồng mua bán, tùy thuộc vào giá trị, tính chất của tài sản và thời điểm thanh toán mà các bên thỏa thuận về thời điểm giao tài sản khác nhau. Thông thường, những hợp đồng mua bán mà tài sản có giá trị nhỏ, thời gian thực hiện ngắn thì địa điểm giao tài sản và thanh toán là địa điểm giao kết, thực hiện hợp đồng: ví dụ: mua bán thực phẩm trong siêu thị, trong cửa hàng,… Đối với những hợp đồng mua bán có giá trị lớn, thời gian thực hiện kéo dài thì các bên thường thỏa thuận cụ thể về địa điểm thực hiện nghĩa vụ giao tài sản, nghĩa vụ thanh toán.

Điều khoản về địa điểm giao tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản không phải là điều khoản cơ bản. Theo Điều 435 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 435. Địa điểm giao tài sản

Địa điểm giao tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 277 của Bộ luật này.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự 2015, địa điểm thực hiện hợp đồng được xác định như sau:

– Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ giao tài sản là bất động sản;

– Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.

Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Phương thức giao tài sản

Bộ luật dân sự 2015 có quy định về phương thức giao tài sản như sau:

Điều 436. Phương thức giao tài sản

1. Tài sản được giao theo phương thức do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì tài sản do bên bán giao một lần và trực tiếp cho bên mua.

2. Trường hợp theo thỏa thuận, bên bán giao tài sản cho bên mua thành nhiều lần mà bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Phương thức giao tài sản là cách thức mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà bên bán phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng cách thức đó. Phương thức giao tài sản không phải là điều khoản bắt buộc phải được thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy nếu có thỏa thuận thì tài sản phải được giao theo đúng phương thức mà hai bên đã ghi nhận với nhau. Tài sản có thể giao một lần hoặc nhiều lần, giao trực tiếp cho bên mua hoặc người thứ ba nếu bên mua yêu cầu. Trên thực tế, không phải lúc nào tài sản cũng được giao đúng hạn, đến đúng người nhận theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp bên mua hoặc người thứ ba không nhận tài sản theo đúng thỏa thuận thì bên bán có quyền thực hiện việc gửi giữ tài sản theo đúng quy định và được coi là hoàn thành nghĩa vụ giao tài sản.

Nếu không có thỏa thuận thì bên bán giao tài sản một lần và trực tiếp cho bên mua. Tuy nhiên, việc giao tài sản trực tiếp cho bên bán chỉ thực hiện được nếu bên mua thực hiện nghĩa vụ nhận tài sản đúng hạn. Nếu bên mua không tiếp nhận tài sản đúng hạn thì bên bán có quyền thực hiện việc gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật. Chi phí gửi giữ sẽ do bên mua thanh toán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp theo thỏa thuận, bên bán giao tài sản cho bên mua thành nhiều lần mà bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, khi tài sản mua bán mà chuyển giao chậm sẽ không còn ý nghĩa đối với bên mua hoặc sẽ gây thiệt hại cho bên mua, do vậy pháp luật cho phép bên mua hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến tài sản chậm giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại là hợp lý.

5. Nếu giao tài sản thiếu số lượng thì sao?

Về nguyên tắc, việc giao tài sản phải đúng số lượng theo thỏa thuận. Nếu giao ít hơn hoặc nhiều hơn thì bên bán phải chịu trách nhiệm đối với việc giao tài sản không đúng số lượng này.

Theo quy định tại Điều 437 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 437. Trách nhiệm do giao tài sản không đúng số lượng

1. Trường hợp bên bán giao tài sản với số lượng nhiều hơn số lượng đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra; nếu nhận thì phải thanh toán đối với phần dôi ra theo giá được thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thỏa thuận thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

a) Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu;

b) Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại;

c) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc vi phạm làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

– Nếu bên bán giao tài sản với số lượng nhiều hơn thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận.

– Nếu bên bán giao số lượng tài sản ít hơn so với thỏa thuận, thì bên mua có quyền lựa chọn một trong các cách giải quyết sau:

+ Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu. Quy định này cho phép bên bán tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giao tài sản đối với bên mua. Tuy nhiên, quy định này không chỉ ra việc giao tiếp phần còn thiếu này của bên bán mà gây thiệt hại cho bên mua thì bên mua được yêu cầu bồi thường thiệt hại;

+ Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo quy định này, yêu cầu bồi thường thiệt hại đặt ra khi bên bán gây thiệt hại cho bên mua.

+ Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc vi phạm làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng. Quy định này cho phép bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán phải bồi thường thiệt hại, tuy nhiên, việc hủy bỏ hợp đồng chỉ được ghi nhận nếu bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

6. Trách nhiệm giao vật đồng bộ

Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút. Vì vậy, khi bên bán giao vật đồng bộ thì phải có nghĩa vụ giao đủ và đúng quy cách các bộ phận cấu thành vật để bên mua có thể sử dụng vật đúng mục đích đặt ra.

Điều 438 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm do giao vật không đồng bộ như sau:

Điều 438. Trách nhiệm do giao vật không đồng bộ

1. Trường hợp vật được giao không đồng bộ làm cho mục đích sử dụng của vật không đạt được thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

a) Nhận và yêu cầu bên bán giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoãn thanh toán phần hoặc bộ phận đã nhận cho đến khi vật được giao đồng bộ;

b) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất thỏa thuận giữa các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, kể từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng cho đến khi vật được giao đồng bộ.

Như vật, khi vật được giao không đồng bộ làm cho mục đích sử dụng của vật không đạt được thì bên mua có một trong các quyền sau:

Nhận và yêu cầu bên bán giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoãn thanh toán phần hoặc bộ phận đã nhận cho đến khi vật được giao đồng bộ. Quy định này đảm bảo quyền lợi của bên mua, theo đó bên mua nhận và yêu cầu bên bán phải giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu;

– Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi hợp đồng mua bán bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, do đó các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đồng thời, với việc trả lại tài sản cho nhau những gì đã nhận, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại phát sinh do không thực hiện đúng nghĩa vụ giao vật đồng bộ.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.