Những nước có nền nông nghiệp phát triển đã tạo cho người nông dân sự yên tâm với nghề nông, có được thu nhập cao từ nghề nông và con em họ vẫn tiếp tục chí thú với nghề nông. Trong khi ở nước ta, con em nông dân mà giỏi giang một chút là chạy vào đô thị để tìm kiếm cơ hội thu nhập cao, không bao giờ muốn quay về đồng ruộng.
Những người làm nông nghiệp là cha là mẹ cũng khuyến khích con em họ quay lưng lại với nghề nông để tránh cuộc sống lam lũ. Chúng ta luôn luôn làm cho “tam nông” bị hẫng hụt mà cái hẫng hụt đầu tiên là về nhân lực – cái hụt khó bù đắp nhất.
Câu chuyện một nông dân có 500ha ruộng mà 70-80% số đó phải nhờ người khác đứng tên, hay thời hạn năm 2013, tức 20 năm từ khi thực hiện giao đất nông nghiệp theo nghị định 64/1993, Nhà nước có thu hồi ruộng đất để chia lại hay không… đang cho thấy những thực tiễn nóng bỏng trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc giục một sự quyết đáp rõ ràng.
Đất đai luôn luôn là vấn đề lớn đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là ở các nước đang phát triển với kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao, dân sống bằng nghề nông còn nhiều. Ngày nay, các nước phát triển cao cũng đặt mối quan tâm lớn vào khu vực nông nghiệp và nông thôn với ý nghĩa bảo đảm an ninh lương thực và giải quyết vấn đề môi trường.
Nhìn xa hơn, khi tài nguyên hóa thạch cạn kiệt, loài người sẽ phải tìm kiếm nhiên liệu, nguyên liệu từ nông sản để tiếp tục phát triển.
Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoạigọi số: 1900.0191
Hai vấn đề cốt lõi
Từ ngày đầu đổi mới, chính sách Nhà nước giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài đã mang lại động lực cho phát triển nông nghiệp, đưa nước ta từ tình trạng thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đến nay động lực đó đã cạn dần vì không thể tăng năng suất và sản lượng cao hơn.
Để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, chúng ta cần đầu tư hạ tầng hiện đại, quy hoạch lại đồng ruộng, tăng cường dịch vụ cho nông nghiệp và nông thôn như điện, thủy lợi, giao thông, công nghệ…, làm sao để giúp nông dân tự vươn trực tiếp ra thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Nhưng, từ đây có hai vấn đề cốt lõi cần có những quyết đáp rõ ràng: đó là câu chuyện thời hạn (giao đất) và hạn điền. Giải quyết xong hai vấn đề này sẽ tạo được động lực mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Một mặt không để hình thành tầng lớp “địa chủ” mới, mặt khác lại không thể để ruộng đất manh mún và thiếu đầu tư dài hạn. Hai tư duy này cọ xát nhau rất mạnh trong quá trình phát triển nông nghiệp nước ta. Nếu không được tập trung ruộng đất quy mô lớn với thời gian sử dụng ổn định lâu dài thì người có khả năng làm nông nghiệp không dám đầu tư lớn và dài hạn để tăng năng suất và sản lượng.
Thời hạn được quy định từ Luật đất đai 1993 với tinh thần “hết thời hạn vẫn được tiếp tục sử dụng đất nếu sử dụng đất có hiệu quả”. Vấn đề phức tạp thực tế được đặt ra: ai là người xác nhận hiệu quả sử dụng đất để được tiếp tục sử dụng? Chắc chắn phải là chính quyền địa phương.
Như vậy, cơ chế này bắt người nông dân phải “cầu cạnh” chính quyền để giữ được đất. Và một cơ chế như vậy ẩn chứa nguy cơ tham nhũng rất cao. Khi chuẩn bị Luật đất đai 2003, câu chuyện được đặt ra là chúng ta có nên bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hay không, nếu không bỏ thì có kéo dài thời hạn hay không? Cứ cho là thời hạn được kéo dài hơn thì cũng vẫn vướng vào câu hỏi là hết thời hạn sẽ làm gì?
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, khóa IX đã đưa ra xem xét vấn đề này khi thông qua nghị quyết số 26-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có hai luồng ý kiến khá ngang nhau xuất hiện: một là hết thời hạn thì chia lại ruộng đất cho công bằng theo lực lượng lao động hiện tại; hai là cho đương nhiên kéo dài thời hạn, thậm chí xóa bỏ thời hạn.
Vì số lượng ý kiến ngang nhau nên vấn đề thời hạn bị xếp lại để tiếp tục giải quyết trước ngày 15-10-2013, ngày kết thúc thời hạn 20 năm đối với đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Những thực tế đòi hỏi
Một điều thấy rõ là nếu không xóa bỏ thời hạn thì chắc chắn nông dân sẽ khó lòng yên tâm đầu tư dài hạn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nhất là với mô hình sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao đang được cổ xúy rất mạnh mẽ hiện nay. Khi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chỉ với thời hạn 20 năm, sau này lại không biết “thân phận” đất đai của họ đang sử dụng sẽ như thế nào, chắc chắn không người nông dân nào dám đầu tư lớn, dài hơi.
Xóa thời hạn được coi là phương án tốt nhất để người chuyên làm nông nghiệp yên tâm dồn tâm trí, tiền bạc, sức lực để tạo nên khu vực nông nghiệp có năng suất và sản lượng rất cao. Đây chính là động lực mới từ chính sách đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp có khi phải kéo dài cả hàng chục năm mới thay đổi được phương thức canh tác làm tăng đáng kể lợi nhuận.
Việc giải phóng thời hạn sử dụng đất đồng nghĩa với việc giải phóng tâm lý lo lắng, phấp phỏng của nông dân, để họ yên tâm đưa ra một kế hoạch đầu tư dài hạn. Tất nhiên, để tránh trường hợp có đất nhưng không sử dụng, cần đặt ra nhiều chính sách khác như điều tiết bằng thuế, thu hồi đất, đừng dùng cách hạn chế bằng thời hạn sử dụng đất.
Đối với hạn điền cũng có hai cách nhìn nhận khác nhau: thứ nhất cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn; cách thứ hai ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp “địa chủ” mới và “tá điền” mới ở nông thôn. Nhưng từ lịch sử mà thấy, thì hạn điền là một chính sách đất đai rất cơ bản của thời kỳ phong kiến để nhà vua không cho tầng lớp địa chủ cơ hội lấy quá nhiều đất của vua. Cách thức đó rõ ràng không phù hợp với tư duy công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa.
Hệ thống pháp luật đất đai của ta nhiều năm qua cũng đã đi theo hướng nới rộng hạn điền. Hạn điền theo Luật đất đai 1993 đã trở thành hạn mức giao đất của Nhà nước cùng với hạn mức nhận chuyển quyền (khoảng gấp đôi hạn mức giao đất) trong Luật đất đai 2003. Mặt khác, trên thực tế hệ thống quản lý đất đai của ta không phát hiện được và cũng không có chế tài xử lý các trường hợp vượt hạn điền.
Việc xóa bỏ hạn điền cũng là cần thiết, điều đó sẽ giúp người nông dân có điều kiện hình thành các trang trại lớn, yên tâm đầu tư chiều sâu, nông nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn. Để tránh hiện tượng hình thành tầng lớp “địa chủ” mới, chúng ta cũng vẫn giải quyết được bằng chính sách thuế, bằng các chế tài thu hồi đối với đất đã phát canh thu tô, quy định cụ thể về phân chia địa tô, đừng giải quyết bằng hạn điền vì không hiệu quả.
“Tam nông” hiện đang cần những chính sách đất đai phù hợp hơn, tạo động lực lớn hơn để người nông dân yên tâm tự đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Vậy hãy trao cho nông dân cơ hội làm giàu trên đồng ruộng. Để làm được điều đó, về mặt chính sách đất đai, Nhà nước cần xóa hạn điền, xóa thời hạn trong sử dụng đất nông nghiệp, mở ra nhiều kênh tín dụng phù hợp cho nông dân để phát triển sản xuất, tạo điều kiện để người nông dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ và dịch vụ, hỗ trợ người nông dân trực tiếp tham gia thị trường.
Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) là một ví dụ điển hình về tiêu cực khi thu hồi đất hết thời hạn mà trên đất đó những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã bỏ quá nhiều vốn liếng, công sức ra đầu tư dài hạn. Nhiều bài học về chính sách đất đai rất cần được rút ra thấu đáo từ những đau lòng này.
SOURCE: TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN – GS.TSKH. ĐẶNG HÙNG VÕ
Trích dẫn từ: http://tuoitre.vn/
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:
1. Tư vấn tách thửa đất đai;
2. Tư vấn pháp luật đất đai;
3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất;
4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai;
5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá;