Nếu quí vị là người thắng kiện trong một vụ án, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật (án phúc thẩm hoặc án sơ thẩm không bị kháng cáo sau 15 ngày), quí vị đương nhiên trở thành “người được thi hành án” – theo qui định tại Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Cũng khi đó, người thua kiện trở thành “người phải thi hành án”, phải thực hiện nghĩa vụ trong quyết định tại bản án.

Mặc dù về nguyên tắc, bản án phải thi hành là tối thượng, mọi cơ quan, tổ chức và công dân có liên quan phải tôn trọng, thực hiện. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản. 

Cùng với việc có “Đơn yêu cầu thi hành án” gửi cơ quan thi hành án, đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án như phong tỏa tài sản, tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án, điểm mới đáng lưu ý nhất là nay người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án thông báo về việc thi hành án trên các phương tiện thông tin đại chúng.

(Ngoài việc thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng, còn có 2 hình thức thông báo thi hành án khác là: Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật (hiểu nôm na là qua UBND Phường chẳng hạn) và Niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan hành chính).

Theo Điều 43, việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc “khi đương sự có yêu cầu”.

Như vậy, về nguyên tắc, nếu người được thi hành án có yêu cầu thi cơ quan thi hành án có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện việc này.

Việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Một lưu ý nhỏ : Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.

Như vậy, với qui định như trên, Quí vị nay có thể và có quyền làm đơn, yêu cầu thông báo việc thi hành án đối với người phải thi hành án lên trên báo – nếu họ cố tình không chịu hoặc né tránh trách nhiệm thi hành án.

Thoạt nhìn đơn giản, có thể thấy việc “đăng báo” không là gì, nhưng nếu xét về mặt xã hội, khi việc thi hành án được đăng trên các tờ báo lớn (như Tuổi Trẻ, Thanh Niên …) với khả năng hàng triệu người có thể đọc, thấy, biết  … – thì rõ ràng áp lực về mặt tâm lý, thậm chí có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, quan hệ làm ăn … của phía thua kiện là rất lớn. Do vậy, theo chúng tôi đây là trường hợp mà đôi khỉ chỉ vài dòng chữ mà có sức mạnh khác nào một đạo quân, rất có thể ngay sau khi báo đăng, phía phải thi hành án sẽ phải nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Việc thông báo thi hành án càng có ý nghĩa hơn trong các vụ án liên quan đến vấn đề quyền nhân thân, uy tín danh dự cá nhân, quyền sở hữu trí tuệ …

Ví dụ : Công ty A kiện công ty B vì có hành vi làm hàng nhái, hàng giả mang nhãn hiệu của công ty A. Công ty A kiện ra tòa và thắng kiện. Tòa tuyên công ty B phải bồi thường thiệt hại cho công ty A 100 triệu đồng.

Nếu vụ việc trên được thi hành án theo lối “thông thường” thì rất ít người biết sự việc công ty B làm giả hàng của công ty A. Nhưng nếu sự việc trên được “thông báo” trên báo chí thì chắc chắn nhiều người sẽ biết, uy tín của công ty A tăng cao và ngược lại, những công ty có “ý định” như công ty B hẳn sẽ xem đó là “bài học kinh nghiệm”.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng qui định trên đây tại Luật thi hành án dân sự chính là một “vũ khí” mới của người thắng kiện.

(Luật sư Trần Hồng Phong, Công ty luật hợp danh Ecolaw)
———————————————————
Qui định của pháp luật:

Thông báo về thi hành án

1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.

2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

3. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết công khai;
c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.

Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

1. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu.

2. Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp.

Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp.

3. Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ.

( Theo các điều 39, 43 Luật thi hành án dân sự 2008)

 (Theo: Ecolaw.vn)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)