1. Khái quát vụ việc cụ thể
Vào đầu tháng 7/2010, Tòa án nhân dân tỉnh PY thụ lý vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa Chi nhánh Ngân hàng X và Chi nhánh Ngân hàng Y. Nội dung vụ tranh chấp xoay quanh việc Chi nhánh Ngân hàng X nhận thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay của Công ty TNHH A và sau đó Công ty TNHH A lại dùng tài sản hình thành từ vốn vay đó thế chấp tại Chi nhánh ngân hàng Y để vay vốn. Theo bản án sơ thẩm số 05/2010/KDTM-ST ngày 09/7/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh PY thì Chi nhánh ngân hàng Y được hưởng quyền ưu tiên phát mãi tài sản thế chấp vì đã “xuất trình toàn bộ các giấy tờ gốc của tài sản”, còn Chi nhánh Ngân hàng X không được hưởng quyền ưu tiên phát mãi tài sản thế chấp vì “không cầm, nắm giữ cơ sở pháp lý gốc của tài sản thế chấp”, mặc dù Chi nhánh Ngân hàng X đã đăng ký giao dịch bảo đảm trước, cụ thể là:
– Hợp đồng bảo đảm số 04/HĐBĐTV ngày 25 tháng 4 năm 2005 giữa Công ty TNHH A và Chi nhánh Ngân hàng X đã được đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Đà Nẵng; Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tài sản thể hiện: thời điểm đăng ký là 13h56’ phút ngày 14 tháng 4 năm 2006.
– Hợp đồng bảo đảm số 02/2007/HĐ ngày 31 tháng 5 năm 2007 giữa Công ty TNHH A và Chi nhánh Ngân hàng Y đã được đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Đà Nẵng, thời điểm đăng ký thể hiện trên đơn yêu cầu đăng ký là 15h21’ ngày 4 tháng 6 năm 2007.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191
2. Quy định của pháp luật hiện hành về thời điểm đăng ký, thứ tự ưu tiên thanh toán và căn cứ xác định thứ tự ưu tiên thanh toán
Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 BLDS 2005 thì “Một tài sản có thể bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác pháp luật có quy định khác”. Trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ và đều thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được pháp luật quy định như sau: “Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Dân sự” (khoản 1 Điều 6 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm) và“Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký” (khoản 1 Điều 325 BLDS 2005). Ngoài ra, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm” và điểm 8.1 khoản 8 Mục I Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28/9/2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp quy định: “Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm Trung tâm Đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ”.
Các quy định nêu trên cho thấy, căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm là thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm.
3. Một số kiến nghị
3.1. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm phải căn cứ vào thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm (không căn cứ vào việc cầm, giữ giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm). Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 350 Bộ luật Dân sự 2005 thì việc “nắm, cầm, giữ” giấy tờ về tài sản thế chấp hoàn toàn do các bên thoả thuận (giấy tờ có thế chấp do bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp giữ). Do đó, việc Tòa án nhân dân tỉnh PY cho rằng, do Chi nhánh Ngân hàng X “không cầm, nắm giữ cơ sở pháp lý gốc của tài sản trùng lắp” nên không thể phát mãi tài sản trùng lắp giữa hai Ngân hàng để bảo đảm việc thanh toán nợ cho Chi nhánh Ngân hàng X là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành). Do vậy, nếu áp dụng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán trong việc giải quyết vụ việc nêu trên thì tài sản bảo đảm khi xử lý phải được ưu tiên thanh toán cho Chi nhánh Ngân hàng X trước khi thanh toán cho Chi nhánh Ngân hàng Y.
3.2. Các ngân hàng trước khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản cần tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản được dùng để thế chấp (nhất là đối với động sản) tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền. Việc tìm hiểu thông tin có xác nhận của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ giúp ngân hàng đánh giá được rủi ro tín dụng, mà còn là một cách thức để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi phát sinh tranh chấp liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán (một căn cứ chứng minh người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự).
3.3. Nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm trong thực tiễn xét xử, theo chúng tôi, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm nghiên cứu, ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn về giá trị pháp lý của việc đăng ký trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP – HỒ QUANG HUY – Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
Trích dẫn từ:http://moj.gov.vn/