1. Đăng ký khuyến mại tại Đà Nẵng

Đà Nẵng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và giữ một vai trò vô cùng quan trọng cho việc thúc đẩy kinh tế phát triển cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong những năm gần đây, nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng được triển khai như: dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, khu kinh tế mở Chu Lai, dự án xây dựng đường hầm xuyên đèo Hải Vân,…

Đà Nẵng có địa hình khá đa dạng khi vừa có núi vừa có đồng bằng. Vùng núi cao và dốc tập trung ở phía Tây và Tây Bắc và có nhiều dãy núi chạy dài ra biển. 

Nhờ vị trí địa lý, điều kiện khí hậu thuận lợi, đặc điểm địa hình và tài nguyên thiên nhiên phong phú thì Đã Nẵng là nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch,…Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chọn nơi đây để làm nơi đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Khuyến mại là một trong những phương thức để thương nhân quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ của mình đến với khách hàng một cách nhanh chóng với phạm vi rộng rãi.

Trường hợp thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi hay chương trình khuyến mại có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin hay các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận thì thương nhân phải tiến hành thủ tục đăng ký khuyến mại tại Sở Công thương hoặc Bộ Công thương. Thương nhân thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trên thì sẽ phải đăng ký, nếu không đăng ký thì thương nhân đó sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

 

2. Các trường hợp phải đăng ký khuyến mại

Việc đăng ký khuyến mại sẽ do thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện chương trình khuyến mại hoặc thông qua các thương nhân phân phối như bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các thương nhân phân phối khác theo quy định của pháp luật tiến hành chương trình. Những thương nhân sẽ tiến hành đăng ký chương trình khuyến mại với những hình thức nhất định tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. 

Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì thương nhân bao gồm tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thương mại một cách độc lập, thường xuyên và phải đăng ký kinh doanh.

Những hình thức khuyến mại cần phải đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại:

Thứ nhất, thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi, cụ thể là bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi. Việc tham gia những chương trình trúng thưởng được gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và khách hàng có trúng thưởng hay không hoàn toàn dựa trên sự may mắn của khách hàng.

Thứ hai, hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp nhận theo quy định khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại năm 2005 như khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà quá trình thực hiện có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Thương nhân khi tiến hành hoạt động hay chương trình khuyến mại và trong quá trình thực hiện có sử dụng mạng internet, phương tiện điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các phương tiện, công cụ khác phải tuân thủ theo các quy định về khuyến mại của Luật Thương mại năm 2005, Nghị định 81/2018/NĐ-CP và một số quy định pháp luật khác có liên quan.

 

3. Hồ sơ đăng ký khuyến mại tại Sở Công Thương

Hồ sơ đăng ký hoạt động khuyến mại bao gồm

– Bản đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại theo mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP (bản chính)

– Bản thể lệ tham gia chương trình khuyến mại theo mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP (bản chính)

– Mẫu bằng chứng xác minh trúng thưởng hoặc mô tả chi tiết bằng chứng xác định trúng thưởng (bản mẫu) theo mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP (bản sao có công chứng chứng thực)

– Giấy tờ chứng nhận về chất lượng hàng hóa dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật.

 

4. Cơ quan có thẩm quyền 

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động khuyến mại và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. Việc đăng ký chương trình khuyến mại là thủ tục bắt buộc đối với hình thức khuyến mại may rủi và chương trình khuyến mại được hoạt động trên mạng internet, phương tiện điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin,.. mà không phụ thuộc vào tổng giá trị chương trình. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận bao gồm:

– Sở Công thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

– Bộ Công thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên và chương trình khuyến mại theo các hình thức khác.

Hiện nay, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đăng ký khuyến mại thông qua: đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tới Sở Công thương, Bộ Công thương hoặc nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp.

 

5. Trình tự, thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Thương nhân cần chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau: 01 bản đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại; 01 bản thể lệ chương trình khuyến mại; mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng hoặc mô tả chi tiết về bằng chứng xác định trúng thưởng; 01 bản sao những giấy tờ xác nhận về chất lượng của hàng hóa khuyến mại.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi hoàn tất hồ sơ phải nộp thì thương nhân sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan quản lý có thẩm quyền (nộp thông qua đường bưu điện hay nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp):

+ Sở Công thương thành phố Đà Nẵng có địa chỉ tại: Số 24, đường Trần Phú, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. 

+ Bộ Công thương: Số 54, phố Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bước 3: Nhận kết quả 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ thì Sở Công thương hoặc Bộ Công thương xem xét, trả lời xác nhận hoặc không xác nhận việc đăng ký chương trình khuyến mại của thương nhân. Nếu hồ sơ không được xác nhận thì Sở Công thương hoặc Bộ Công thương phải nêu rõ lý do bằng văn bản cho thương nhân.

Với thời hạn 05 ngày làm việc từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ căn cứ vào ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện khi gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Nếu gửi trực tiếp đến Sở Công thương, Bộ Công thương thì sẽ tính dựa trên giấy tiếp nhận hồ sơ. Còn nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến thì căn cứ vào ngày ghi nhận trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Đối với trường hợp Bộ Công thương là cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại thì Bộ Công thương sẽ cung cấp nội dung chương trình đã được xác nhận cho Sở Công thương thành phố Đà Nẵng – nơi thương nhân tổ chức chương trình khuyến mại để cùng nhau phối hợp quản lý hoạt động.

Bước 4: Công khai thông tin về chương trình khuyến mại

Những thông tin về chương trình khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký và được xác nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ được công khai bằng: văn bản, trang thông tin điện tử hoặc các hình thức. Thông tin chương trình khuyến mại bao gồm những nội dung sau: tên thương nhân thực hiện, nội dung chi tiết chương trình khuyến mại, thời gian thực hiện khuyến mại; địa bàn thực hiện khuyến mại.

Sở Công thương, Bộ Công thương xem xét, trả lời bằng công văn xác nhận (theo mẫu số 04 Nghị định 81/2018/NĐ-CP) hoặc không được xác nhận (theo mẫu số 05 Nghị định 81/2018/NĐ-CP) việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại của thương nhân. 

Thương nhân cũng cần chú ý khi tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại phải đảm bảo là không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng đã tham gia chương trình trước thời điểm chương trình được sửa đổi, bổ sung nội dung.

 

6. Mức xử phạt hành chính trong trường hợp không đăng ký chương trình khuyến mại

Điểm c khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi bởi điểm d khoản 24 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP): mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký, đăng ký sửa đổi chương trình khuyến mại hoặc đăng ký không đúng với thực tế thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và phạt tiền gấp đôi (phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng) trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Hành vi không đăng ký chương trình khuyến mại không có hình thức xử phạt bổ sung hay buộc khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, các thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 nếu thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau:

– Không thông báo hoặc không báo cáo kết quả của chương trình khuyến mại.

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc trì hoãn việc thực hiện các nội dung của chương trình khuyến mại đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

– Chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp pháp luật cho phép hoặc trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận điều chỉnh thời gian thực hiện khuyến mại.

– Thực hiện khuyến mại có giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định,….

 

7. Các trường hợp bị từ chối khi đăng ký khuyến mại

Trường hợp 1: Các chương trình khuyến mại không thuộc trường hợp phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì có 07 hình thức khuyến mại cơ bản không thuộc trường hợp phải đăng ký và những hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Đưa hàng hóa, cung ứng dịch vụ mẫu cho khách hàng để khách hàng dùng thử mà không phải trả tiền:

Thứ nhất, hàng hóa, dịch vụ mẫu là hàng hóa, dịch vụ phải được kinh doanh hợp pháp;

Thứ hai, khi nhận hàng, dịch vụ mẫu thì khách hàng không cần phải trả tiền cho hàng hóa, dịch vụ đó.

Thứ ba, thương nhân khi thực hiện chương trình khuyến mại theo hình thức này phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ mẫu và phải thông báo cho khách hàng đầy đủ các thông tin có liên quan đến việc sử dụng hàng mẫu, dịch vụ mẫu.

– Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng và không thu tiền của khách hàng:

Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền theo 02 phương thức sau: (1) Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền có kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; (2) Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trước đó và được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo: Nếu hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Thứ nhất, mức giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trong thời gian khuyến mại tại thời điểm bất kỳ nhưng cần đảm bảo:

(1) Mức giảm giá tối đa với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% so với giá của hàng hóa, dịch vụ đó trước thời gian khuyến mại.

(2) Trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung theo giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại thì mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100% (mức giảm giá tối đa 100% chỉ áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng chính phủ quyết định).

(3) Không áp dụng mức giảm giá tối đa cho hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đối với hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa hay dịch vụ khi doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, không được giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ trong trường hợp giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước định giá cụ thể.

Thứ ba, không được giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu trong trường hợp giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiếu.

Thứ tư, không được lợi dụng hình thức khuyến mại này để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ.

Thứ năm, tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng hình thức giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 120 ngày trong một năm, không bao gồm thời gian thực hiện chương trình khuyến mại của các chương trình khuyến mại bằng hình thức giảm giá trong khuôn khổ các chương trình khuyến mại tập trung và các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số quyền lợi: phiếu mua hàng hay phiếu sử dụng dịch vụ kèm theo hàng hóa được bán hay dịch vụ được cung ứng là phiếu để khách hàng trở lại mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ do chính thương nhân đó bán hoặc cung ứng và giá trị tối đa của các loại phiếu đó được áp dụng theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 81/2018/NĐ-CP.

Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và các giải thưởng đã công bố:

Nội dung của chương trình thi phải bao gồm những thông tin được quy định tại Điều 97 Luật Thương mại năm 2005 như: tên của hoạt động khuyến mại; giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ khuyến mại và các chi phí có liên quan; tên, địa chỉ, số điện thoại của thương nhân thực hiện khuyến mại; thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và địa bàn hoạt động khuyến mại;….và không được trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

Khi tổ chức thi và mở thưởng thì phải được diễn ra một cách công khai, có sự chứng kiến của đại diện khách hàng và được thông báo tới Sở Công thương nơi tổ chức thi, mở thưởng trước ngày tổ chức thi, mở thưởng. Với trường hợp chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng thì thương nhân không phải thông báo cho Sở Công thương theo quy định của pháp luật.

–  Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên:

Đối với khách hàng thường xuyên mua hàng hóa, nhận cung ứng dịch vụ thì thương nhân sẽ dựa trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc một số hình thức khác.

Ngoài ra, các chương trình khuyến mại không phải thực hiện thủ tục thông báo khuyến mại, đăng ký khuyến mại gồm: thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng (cần quy định rõ  tổng giá trị giải thưởng, quà tặng được quy định trong thể lệ chương trình khuyến mại phải dưới 100 triệu đồng).

Trường hợp 2: Các thông tin thương nhân điền trong hồ sơ đăng ký khuyến mại không phù hợp với chương trình khuyến mại dự kiến được triển khai, hoặc thông tin điền trong mẫu không đầy đủ theo quy định.

Trường hợp 3: Thương nhân nộp hồ sơ đăng ký khuyến mại tới cơ quan quản lý không đúng thẩm quyền thì sẽ bị trả lại hồ sơ đăng ký. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký chương trình khuyến mại bao gồm Bộ Công thương và Sở Công thương….

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến việc đăng ký khuyến mại tại Sở Công thương tại Đà Nẵng. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào chưa rõ thì Quý khách hàng vui lòng gọi điện đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.0191 để được tư vấn. Trường hợp Quý khách hàng cần sử dụng dịch vụ đăng ký khuyến mại trên phạm vi Đà Nẵng thì hãy gửi tới email: [email protected] . Xin chân thành cảm ơn!