1. Lưu giữ chất phóng xạ là gì?
Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ.
Lưu giữ chất phóng xạ là việc lưu giữ tạm thời chất phóng xạ kể từ khi có cho đến khi đưa vào sử dụng hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lưu giữ chất phóng xạ
Điều 13 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lưu giữ chất phóng xạ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc lưu giữ chất phóng xạ theo mẫu 04-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tự xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN thì:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín theo mẫu 04-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với việc lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo mẫu 04-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Cấp phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ đã qua sử dụng tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN, Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia hoặc cơ sở làm dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo mẫu 01-II/ATBXHN quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn bức xạ theo mẫu 01-I/ATBXHN quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Báo cáo đánh giá an toàn đối với việc xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia hoặc cơ sở làm dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo mẫu 05-III/ATBXHN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;
5. Bản sao hợp đồng dịch vụ xác định liều bức xạ cá nhân với tổ chức, cá nhân được cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;
6. Bản sao chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn và nhân viên đảm nhiệm công việc được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử. Trường hợp chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này cùng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.
5. Thủ tục cấp Giấy phép lưu giữ chất phóng xạ
Thẩm quyền cấp Giấy phép lưu giữ chất phóng xạ thuộc về Cục an toàn bức xạ và hạt nhân.
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ nộp hồ sơ tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và nộp phí, lệ phí cấp giấy phép, cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.
Trường hợp không đồng ý cấp giấy phép cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, cấp chứng chỉ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giấy phép lưu giữ chất phóng xạ có thời hạn 03 năm.
6. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép lưu giữ chất phóng xạ
>>> Mẫu 01-II/ATBXHN Ban hành kèm theo Thông tư 08/2010/TT-BKHCN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP LƯU GIỮ CHẤT PHÓNG XẠ
Kính gửi: ……………. 1…………………………………….
1. Tên tổ chức2/cá nhân đề nghị cấp giấy phép:
2. Địa chỉ:
3. Điện thoại: 4. Fax:
5. E-mail:
6. Người đứng đầu tổ chức3:
– Họ và tên:
– Chức vụ:
– Số giấy CMND / Hộ chiếu:
7. Đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ sau:
TT |
Tên công việc bức xạ |
Nơi tiến hành công việc bức xạ |
1 |
||
2 |
||
….. |
8. Các tài liệu kèm theo:
(1)
(2)
…
Tôi cam đoan các khai báo là đúng sự thật, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ và các điều kiện ghi trong giấy phép.
….., ngày … tháng … năm … NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC/ CÁ NHÂN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP |
1 Ghi rõ tên cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định tại Điều 23 Thông tư này.
2 Tổ chức đề nghị cấp giấy phép là tổ chức có quyết định thành lập hoặc đăng ký kinh doanh, có con dấu riêng do cơ quan công an có thẩm quyền cấp và phải trực tiếp tiến hành công việc bức xạ.
3 Là người đại diện theo pháp luật của tổ chức. Trường hợp cá nhân đề nghị cấp giấy phép thì chỉ cần khai Số giấy CMND / Hộ chiếu.
6. Mẫu báo cáo đánh giá an toàn lưu giữ chất phóng xạ
>>> Mẫu 04-III/ATBXHN ban hành kèm theo Thông tư 08/2010/TT-BKHCN
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ AN TOÀN
(Ghi rõ tên công việc bức xạ là Lưu giữ chất phóng xạ hay tự xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng)
Phần I. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép
– Tên tổ chức đề nghị cấp giấy phép; địa chỉ nơi đặt trụ sở chính; địa chỉ gửi thư (nếu khác so với địa chỉ nơi đặt trụ sở chính); điện thoại liên lạc, số fax, e-mail; địa chỉ nơi tiến hành công việc bức xạ.
– Họ và tên, chức vụ, địa chỉ liên lạc (số điện thoại cố định, số điện thoại di động, số fax, địa chỉ, e-mail) của người đứng đầu tổ chức.
Phần II. Các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ
– Mô tả vị trí nơi lưu giữ và các khu vực làm việc lân cận.
– Mô tả biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ: biện pháp xử lý trước khi lưu giữ; cách thức lưu giữ chất phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; biện pháp hành chính, sử dụng các rào chắn, biển cảnh báo, tín hiệu cảnh báo để kiểm soát người ra vào khu vực lưu giữ; người chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc lưu giữ.
Trường hợp lưu giữ chất phóng xạ dạng nguồn hở, mô tả thêm biện pháp ngăn chặn chất phóng xạ rò rỉ gây nhiễm bẩn môi trường.
– Mô tả biện pháp bảo đảm an ninh: các biện pháp ngăn chặn việc lấy cắp hoặc phá hoại nguồn phóng xạ; quy định kiểm đếm và kiểm kê xác nhận sự tồn tại của nguồn phóng xạ; các biện pháp ứng phó khi mất an ninh đối với nguồn phóng xạ; tổ chức bộ máy và phân công trách nhiệm trong bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Phần III. Các tài liệu kèm theo
– Sơ đồ mặt bằng tổng thể khu vực nơi lưu giữ chất phóng xạ.
– Ảnh chụp vị trí, cách lưu giữ và các biện pháp kiểm soát khu vực lưu giữ.
– Bản sao biên bản đo kiểm tra an toàn bức xạ nơi lưu giữ nguồn phóng xạ.
>>> Mẫu 05-III/ATBXHN
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ AN TOÀN
(Ghi rõ tên công việc bức xạ là Xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia hay Xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn đã qua sử dụng tại cơ sở làm dịch vụ)
Phần I. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép
– Tên tổ chức đề nghị cấp giấy phép; địa chỉ nơi đặt trụ sở chính; địa chỉ gửi thư (nếu khác so với địa chỉ nơi đặt trụ sở chính); điện thoại liên lạc, số fax, e-mail; địa chỉ nơi tiến hành công việc bức xạ.
– Họ tên, chức vụ, địa chỉ liên lạc (số điện thoại cố định, số điện thoại di động, số fax, địa chỉ, e-mail) của người đứng đầu tổ chức.
– Họ tên, chức vụ, địa chỉ liên lạc (số điện thoại cố định, số điện thoại di động, số fax, địa chỉ, e-mail) của Lãnh đạo được phân công trách nhiệm tổ chức quản lý an toàn (nếu khác với người đứng đầu tổ chức).
– Họ tên, địa chỉ liên lạc (số điện thoại cố định, số điện thoại di động, số fax, địa chỉ, e-mail) trình độ chuyên môn, chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ (số giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ, nơi cấp và ngày cấp giấy chứng nhận); số và ngày ký quyết định bổ nhiệm của người phụ trách an toàn.
Phần II. Tổ chức quản lý an toàn bức xạ
– Nêu rõ chính sách quản lý an toàn bức xạ của cơ sở (quan điểm và cam kết trong việc bảo đảm an toàn bức xạ).
– Liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ được sử dụng làm căn cứ để xây dựng chương trình quản lý an toàn bức xạ tại cơ sở.
Phần III. Quy trình xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
– Mô tả vị trí nơi xử lý và nơi lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ; chỉ rõ vị trí các khu vực làm việc xung quanh vị trí nơi xử lý và nơi lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ.
– Mô tả chi tiết quy trình xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ.
Phần IV. Các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ
– Thuyết minh chi tiết thông số thiết kế về số lượng, loại nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ và tổng hoạt độ sẽ được lưu giữ.
– Mô tả cách thức kiểm soát đối với nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, kiện chất thải phóng xạ, bao gồm: cách thức lập hồ sơ quản lý cho từng nguồn phóng xạ, từng kiện chất thải phóng xạ; quy định về kiểm kê, kiểm tra định kỳ các nguồn phóng xạ, kiện chất thải phóng xạ; quy trình tiếp nhận, khai báo nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, chất thải phóng xạ.
– Mô tả biện pháp bảo vệ chống chiếu ngoài và chiếu trong, bao gồm: cách thức phân vùng làm việc kết hợp giữa mức độ nguy hiểm chiếu ngoài và mức độ nguy hiểm chiếu trong, các biện pháp kiểm soát người ra vào các khu vực này (biện pháp hành chính, sử dụng các rào chắn, biển cảnh báo, tín hiệu cảnh báo); thiết kế kho lưu giữ, các vị trí lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ (thuyết minh tính toán che chắn bức xạ, thiết kế các bề mặt làm việc để hạn chế nhiễm bẩn bề mặt, thông số thiết kế của hệ thống thông gió); đánh giá mức phông bức xạ tại khu vực tiến hành xử lý, khu vực lưu giữ khi lưu giữ với số lượng nhất theo thiết kế; các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và các dụng cụ để thao tác với chất phóng xạ.
– Mô tả biện pháp bảo đảm an ninh: các biện pháp ngăn chặn việc lấy cắp hoặc phá hoại; quy định kiểm đếm và kiểm kê xác nhận sự tồn tại của nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, kiện chất thải; các biện pháp ứng phó khi mất an ninh; tổ chức bộ máy và phân công trách nhiệm trong bảo đảm an ninh; các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Phần V. Kiểm soát liều chiếu xạ nghề nghiệp và sức khỏe nhân viên bức xạ
– Nêu rõ quy định nội bộ về việc sử dụng liều kế cá nhân; tần suất đo, đánh giá; đơn vị cung cấp dịch vụ đo, đánh giá; cách thức lập và quản lý hồ sơ liều chiếu xạ cá nhân của nhân viên bức xạ; quy định về việc thông báo kết quả đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ.
– Liệt kê danh sách nhân viên bức xạ được đo, đánh giá liều chiếu xạ cá nhân.
– Nêu rõ quy định về kiểm tra sức khoẻ khi tuyển dụng và kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho nhân viên bức xạ.
– Liệt kê danh sách nhân viên bức xạ đã được khám sức khỏe khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Phần VI. Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ
Trình bày kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, bao gồm các nội dung:
– Liệt kê các tình huống sự cố bức xạ có thể xảy ra đối với công việc bức xạ.
– Phân công trách nhiệm trong tham gia ứng phó sự cố.
– Quy trình ứng phó cho từng tình huống sự cố.
– Quy định về huấn luyện và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố.
– Danh sách nhân viên chịu trách nhiệm tham gia ứng phó sự cố, họ và tên người được phân công phụ trách ứng phó sự cố.
– Quy định lập và lưu giữ hồ sơ về sự cố.
Phần VII. Các tài liệu kèm theo
– Sơ đồ mặt bằng tổng thể khu vực nơi xử lý và nơi lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
– Bản vẽ thiết kế xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
– Bản sao Quyết định bổ nhiệm người phụ trách an toàn.
– Bản sao nội quy an toàn bức xạ.
– Bản sao quy trình xử lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ.
– Bản sao nội quy quản lý kho lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ.
– Bản sao kế hoạch ứng phó sự cố.
– Kết quả đọc liều cá nhân của nhân viên bức xạ (chỉ áp dụng đối với trường hợp gia hạn giấy phép).
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group