Trả lời:

1. Quy định chung về tranh chấp thương mại tại tòa án

Xuất phát từ nhiều lý do như hệ thống pháp luật, thông lệ hay phong tục tập quán dẫn tới việc xác định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại tại toà án trong hệ thống pháp luật của các quốc gia không giống nhau. Một số nước trao thẩm quyền xét xử các tranh chấp, trong đó có tranh chấp về thương mại được giao cho một toà án thường (toà án dân sự) như Hoa Kỳ, Nhật, Hà Lan. Một số quốc gia khác lại trao thẩm quyền xét xử các tranh chấp thương mại cho một toà án chuyên trách trong hệ thống cơ quan tư pháp (toà án thương mại) như Đức, Pháp, Áo, Bỉ… Tuy nhiên, các toà án thương mại chỉ xét xử theo thủ tục sơ thẩm, trường hợp có kháng án sẽ được đưa ra xét xử tại Toà thượng thẩm dân sự. Bên cạnh đó, đối với việc giải quyết các tranh chấp thương mại sẽ được giao cho toà án trọng tài để giải quyết tranh chấp như Cộng hoà liên bang Nga.

Ở Việt Nam, nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, toà án xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật. Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp (Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014). Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014). Bản án, quyết định của toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Hệ thống tổ chức toà án nhần dân hiện nay bao gồm:

Toà án nhân dân tối cao; toà án nhân dân cấp cao; toà án nhân dân tỉnh, thành phổ trực thuộc trung ương; toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phổ thuộc tỉnh và tương đương và toà án quân sự (Điều 3 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014).

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 các tranh chấp kinh doanh, thương mại chủ yếu thuộc thẩm quyền xét xử của Toà kinh tế – Toà chuyên trách trong hệ thống toà án nhân dân.

Việc nhận diện giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án được xem xét trên những phương diện sau:

2. Khái niệm về giải quyết tranh chấp thương mại bằng toà án

Hiện nay, có bốn phương thức giải quyết tranh chấp bao gồm: thương lượng, hoà giải, toà án và trọng tài. Trong đó có những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mang tính quyền lực nhà nước và có những phương thức giải quyết trên nền tảng ý chí định đoạt của các bên theo thủ tục linh hoạt và mềm dẻo.

Giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được toà án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. Các phán quyết có hiệu lực của toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

3. Đặc điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng toà án

– Thứ nhất, toà án chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

Khi tranh chấp phát sinh, các bên có quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại theo một trình tự thủ tục. Đây là một nguyên tắc đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Việc yêu cầu của các bên được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau nhưng phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế những hành vi lạm dụng việc khởi kiện gây phương hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên ứanh chấp. Trên cơ sở tiếp nhận đơn khỏi kiện, bằng thẩm quyền của mình toà án sẽ xác định vụ tranh chấp thương mại đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không. Nếu tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, toà án sẽ thực hiện các thủ tục theo thẩm quyền. Trường hợp vụ tranh chấp đó không thuộc thẩm quyền của toà án thì toà án sẽ trả lại đơn theo quy định. Tuy nhiên, thông qua hoạt động của toà án để bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp nhưng toà án cũng không tự mình đưa ra giải quyết các vụ tranh chấp, trong đó có tranh chấp thương mại.

Thứ hai, phán quyết của toà án bằng bản án, quyết định nhân danh ý chí quyền lực nhà nước và được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước.

Bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật bắt buộc các bên phải thực hiện theo nội dung của các phán quyết được đưa ra. Nếu một trong các bên không thực hiện, bên có quyền lợi hợp pháp bị xâm hại có thể yêu cầu toà án áp dụng những biện pháp cưỡng chế cần thiết. Việc áp dụng những biện cưỡng chế là hết sức cần thiết vì nó đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật và bảo vệ cao nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp thương mại bằng toà án được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ thông qua hai cấp xét xử của toà án: cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm (Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Bên cạnh đó để bảo vệ quyền, lợi ích của các bên bằng thẩm quyền của mình toà án có thể thực hiện theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm để xem xét lại các bản án, quyết định của toà án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật.

Thứ tư, phán quyết của toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định. Bản án, quyết định của toà án theo thủ tục sơ thẩm giải quyết các tranh chấp thương mại chưa có hiệu lực thi hành ngay. Trong thời hạn luật định các bên tranh chấp có thể thực hiện quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định của toà án đã tuyên lên toà án cao hơn; Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định của toà án chưa có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Luật Minh KHuê (sưu tầm & biên tập)