1. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là gì?

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định (khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Trong khi đó, đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính (khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

Như vậy, có thể thấy, hòa giải thành áp dụng với các vụ việc dân sự còn đối thoại là hoạt động áp dụng với các vụ kiện hành chính.

2. Vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở

2.1. Tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên

Trước hết, phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc được ghi nhận là một nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sự linh hoạt trong thủ tục giúp tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên, thể hiện ở những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, các bên có quyền lựa chọn Hòa giải viên cho vụ việc của mình

Thứ hai, các bên có thể chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức hòa giải, đối thoại phù hợp

Thứ ba, hòa giải, đối thoại được tiến hành nhanh chóng và dành quyền chủ động cho các bên

2.2. Tiết kiệm chi phí

Nhà nước khuyến khích hòa giải, đối thoại nên rất tiết kiệm chi phí cho các bên. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây:

– Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch. Mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án là 2.000.000 đồng/1 vụ việc.

– Các chi phí khác, bao gồm: chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Các chi phí này phát sinh trong một số ít trường hợp theo thực tế và lựa chọn của các bên.

Trong tố tụng: các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đều phải chịu án phí, lệ phí từ 300.000 đồng trở lên, án phí kinh doanh, thương mại là từ 3 triệu đồng trở lên. Tùy giá trị tranh chấp mà án phí có thể được cộng thêm với 0,1 – 5% giá trị tranh chấp. Do đó, án phí dân sự, kinh doanh thương mại có thể lên tới hàng tỉ đồng nếu giá trị tranh chấp lớn.

Có thể thấy, lựa chọn hòa giải, đối thoại sẽ giúp các bên tiết kiệm được hầu hết các chi phí so với tố tụng. Điều này xuất phát từ cơ chế linh hoạt, nhanh gọn của hòa giải, đối thoại, cũng như sự khuyến khích của Nhà nước để phát huy vai trò, ý nghĩa của hòa giải, đối thoại đối với các bên tham gia hòa giải, đối thoại và xã hội nói chung.

2.3. Bảo mật thông tin cho các bên

Về nguyên tắc, các thông tin trong hòa giải, đối thoại được bảo mật: Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của các bên. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

2.4. Hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên

Với sự hỗ trợ của Hòa giải viên giàu tâm huyết và năng lực, các bên có thể giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình và dần tháo gỡ các mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên, hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, bạn bè, tình làng nghĩa xóm, quan hệ đối tác… Đặc biệt, trong hòa giải tranh chấp hôn nhân và gia đình, trường hợp đoàn tụ thành đã hàn gắn được hạnh phúc gia đình; trường hợp thuận tình ly hôn cũng giúp các bên giữ được hòa khí, vợ chồng thống nhất được người nuôi con, phương thức nuôi dạy con phù hợp và cùng hỗ trợ hợp tác trong việc nuôi con sau ly hôn. Đây là ý nghĩa rất lớn của hòa giải, đối thoại mà phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường tố tụng không có được.

2.5. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án công nhận và có hiệu quả thi hành cao

Thực tiễn thí điểm cho thấy, kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại thường được các bên tự nguyện thi hành, thậm chí là thi hành ngay tại phiên hòa giải do các bên tự thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Trong tố tụng, bên phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành bản án. Hàng năm, cơ quan thi hành án giải quyết được khoảng 60% so với tổng số phải thi hành. Số bản án không có điều kiện thi hành án chiếm khoảng hơn 20%.

Như vậy, việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thường nhanh chóng và hiệu quả cao hơn so với việc thi hành bản án của Tòa án.

3. Điều kiện Toàn án xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

– Tòa án xem xét ra quyết định công nhận hoặc không công nhận khi có đủ hai điều kiện sau đây:

+ Có biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại tại Tòa án.

+ Người tham gia hòa giải, đối thoại yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

– Hòa giải viên gửi biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành.

4. Chuẩn bị ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

– Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Toàn án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo.

– Trong thời hạn chuẩn bị Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu một hoặc các bên tham gia hòa giải, đối thoại trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhân được yêu cầu của Tòa án.

5. Ra quyết định công nhận hoặc công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành

– Điều kiện công nhận

Để bảo đảm nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải trên cơ sở tự nguyện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và tương thích với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Các bên tham gia hòa giải, đối thoại là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;

+ Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên tham gia hòa giải, đối thoại là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ của Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

+ Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

+ Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

– Ra quyết định công nhận hoặc không công nhận

+ Trường hợp có đủ điều kiện thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

+ Trường hợp không cóp đủ điều kiện thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có Thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

+ Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại và Viện Kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

+ Trường hợp các bên thỏa thuận thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

– Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Tên Tòa án ra quyết định;

+ Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

+ Họ, tên, địa chỉ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, người phiên dịch;

+ Nội dung hòa giải thành, đối thoại thành;

– Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

+ Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

+ Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

+ Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.