Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

Hiện nay, với thế mạnh về biển, nhiều tiềm năng thiên nhiên, ngành thủy sản đang ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam. Số lượng xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài tăng nhanh chóng, chính vì lý do này đã có rất nhiều công ty kinh doanh thủy sản được thành lập. Thành lập công ty kinh doanh thủy sản cần chuẩn bị những gì, bài viết dưới đây công ty Luật LVN Group sẽ trả lời một số câu hỏi như sau:

Căn cứ pháp lý

– Luật Doanh nghiệp 2014.

– Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

– Nghị định 108/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

– Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

– Và một số văn bản pháp lý khác có liên quan.

Mã ngành có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thủy sản

Những mã ngành có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thủy sản như sau:

– Mã ngành 0311 là khai thác thuỷ sản biển.

– Mã ngành 0312 là khai thác thuỷ sản nội địa.

– Mã ngành 0321 là nuôi trồng thuỷ sản biển .

– Mã ngành 0322 là nuôi trồng thuỷ sản nội địa.

– Mã ngành 0323 là sản xuất giống thuỷ sản.

– Mã ngành 1010 là chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt.

– Mã ngành 1020 là chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản .

– Mã ngành 4632 là bán buôn thực phẩm.

– Mã ngành 4722 là bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh.

Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh thủy sản

Hồ sơ bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thành lập công ty kinh doanh thủy sản.

– Điều lệ công ty theo Luật Doanh nghiệp 2014.

– Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty.

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

+ Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn nếu là cá nhân thành lập công ty kinh doanh thủy sản.

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu là tổ chức thành lập công ty kinh doanh thủy sản.

– Đối với thành viên là tổ chức cần chuẩn bị quyết định góp vốn.

Nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính sẽ tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ trong vòng 6-8 ngày làm việc.

Đặt tên cho công ty kinh doanh thủy sản

Điều 38. Tên doanh nghiệp

1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

b) Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

2. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

3. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các Điều 39, 40 và 42 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.

Một số điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:

– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty kinh doanh thủy sản

Công ty kinh doanh thủy sản có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Trường hợp lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:

– Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện.

– Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.

Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét hồ sơ trong thời hạn là 3 ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đăng ký vốn điều lệ cho công ty kinh doanh thủy sản

Pháp luật sẽ không quy định về vốn điều lệ, chính vì thế cá nhân, tổ chức thành lập công ty kinh doanh thủy sản tự đăng ký vốn điều lệ để hoạt động kinh doanh trừ những ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định.

Ví dụ một ngành nghề yêu cầu vốn pháp định:

– Kinh doanh bất động sản vốn pháp định 20 tỷ đồng.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa vốn pháp định 100 triệu đồng.

– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vốn pháp định 250 triệu đồng.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài vốn pháp định 500 triệu đồng.

– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài vốn pháp định 500 triệu đồng.

– Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng vốn pháp định Ký quỹ 7 tỷ đồng nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Kinh doanh bảo phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh vốn pháp định 400 tỷ đồng.

Về đại diện theo pháp luật cho công ty kinh doanh thủy sản

Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

5. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

6. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

7. Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Người đại diện theo pháp luật của công ty kinh doanh thủy sản phải có trách nhiệm trung thực, cẩn trọng không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích khác. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group

Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng