Thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động của trung tâm trọng tài thương mại, chi nhánh trung tâm trọng tài thương mại nước ngoài tại Việt Nam

Thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động của trung tâm trọng tài thương mại, chi nhánh trung tâm trọng tài thương mại nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? Trường hợp vi phạm các quy định về việc thành lập, đăng ký hoạt động của trung tâm trọng tài sẽ bị xử lý như thế nào?

Cơ sở pháp lý:

– Nghị định 82/2020/NĐ-CP

– Luật Trọng tài Thương mại 2010;

– Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài Thương mại.

– Thông tư 12/2012/TT-BTP biểu mẫu về tổ chức và hoạt động của Trọng tài thương mại do Bộ Tư pháp ban hành.

1. Khái quát về Trung tâm Trọng Tài

1.1 Trung tâm trọng tài là gì?

Trung tâm trọng tài là nơi thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại bên cạnh hình thức giải quyết tại tòa án. Theo Điều 23 Luật Trọng tài Thương mại 2010, Trung tâm trọng tài là trung tâm có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.

1.2 Điều kiện thành lập trung tâm trọng tài

Theo Điều 24 Luật Trọng tài Thương mại 2010, điều kiện thành lập Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài được thành lập khi có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên quy định tại Điều 20 của Luật này đề nghị thành lập và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập.

Theo đó, những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;

– Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;

– Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu về trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên nêu trên, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

Tuy nhiên cần lưu ý mặc dù những người có đủ tiêu chuẩn Trọng tài viên quy nêu trên nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:

– Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;

– Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

1.3. Quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trọng tài

Điều 28 Luật Trọng tài Thương mại 2010 đã quy đinh quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trọng tài:

-Xây dựng điều lệ và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài phù hợp với những quy định của Luật này.

– Xây dựng tiêu chuẩn Trọng tài viên và quy trình xét chọn, lập danh sách Trọng tài viên, xóa tên Trọng tài viên trong danh sách Trọng tài viên của tổ chức mình.

– Gửi danh sách Trọng tài viên và những thay đổi về danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp để công bố.

– Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài trong những trường hợp quy định tại Luật này.

– Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp.

– Thu phí trọng tài và các khoản hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động trọng tài.

– Trả thù lao và các chi phí khác cho Trọng tài viên.

-Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên.

– Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Trung tâm trọng tài với Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động.

– Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1.4. Tư cách pháp nhân và cơ cấu của Trung tâm trọng tài

Điều 27 Luật Trọng tài Thương mại 2010 nêu rõ:

-Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

– Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

-Trung tâm trọng tài được lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.

– Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư ký. Cơ cấu, bộ máy của Trung tâm trọng tài do điều lệ của Trung tâm quy định.

-Ban điều hành Trung tâm trọng tài gồm có Chủ tịch, một hoặc các Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư ký do Chủ tịch Trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch Trung tâm trọng tài là Trọng tài viên.

– Trung tâm trọng tài có danh sách Trọng tài viên.

2. Quy định về tổ chức trong tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

2.1 Hình thức hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Tổ chức trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

– Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài (sau đây gọi là Chi nhánh);

– Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài (sau đây gọi là Văn phòng đại diện).

2.2 Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài

– Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Tổ chức trọng tài nước ngoài, được thành lập và thực hiện hoạt động trọng tài tại Việt Nam theo quy định của Luật này.

– Tổ chức trọng tài nước ngoài và Chi nhánh của mình chịu trách nhiệm về hoạt động của Chi nhánh trước pháp luật Việt Nam.

– Tổ chức trọng tài nước ngoài cử một Trọng tài viên làm Trưởng Chi nhánh. Trưởng Chi nhánh là người đại diện theo uỷ quyền của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

2.3 Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

– Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.

– Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho hoạt động của Chi nhánh.

– Chuyển thu nhập của Chi nhánh ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài theo ủy quyền của tổ chức trọng tài nước ngoài.

– Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài nước ngoài.

– Thu phí trọng tài và các khoản thu hợp pháp khác.

– Trả thù lao cho Trọng tài viên.

– Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên.

– Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

– Hoạt động theo đúng lĩnh vực ghi trong Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động.

– Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động của Chi nhánh.

– Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Chi nhánh với Sở Tư pháp nơi Chi nhánh đăng ký hoạt động.

2.4 Văn phòng đại diện

– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của Tổ chức trọng tài nước ngoài được thành lập và tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động trọng tài tại Việt Nam theo quy định của Luật này.

– Tổ chức trọng tài nước ngoài phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Văn phòng đại diện trước pháp luật Việt Nam.

2.5 Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

– Tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội hoạt động trọng tài của tổ chức mình tại Việt Nam.

– Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.

– Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.

– Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

– Không được thực hiện hoạt động trọng tài tại Việt Nam.

– Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá hoạt động trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động của Văn phòng đại diện.

– Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Văn phòng đại diện với Sở Tư pháp nơi Văn phòng đại diện đăng ký hoạt động.

3. Đăng ký hoạt động trung tâm trọng tài

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở. Hết thời hạn này nếu Trung tâm trọng tài không đăng ký thì giấy phép không còn giá trị. Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động của trung tâm trọng tài thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

  • Đơn đăng ký hoạt động;
  • Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu; 
  • Bản sao có chứng thực Điều lệ Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh về trụ sở hoạt động của Trung tâm trọng tài. 

Bộ hồ sơ nộp tại Sở Tư pháp nơi trung tâm trọng tài đặt trụ sở.

Bước 2: Sở Tư pháp thực hiện các công việc 

  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài, Sở Tư pháp gửi 01 bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Bộ Tư pháp. 

Bước 3: Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài thực hiện việc công bố thành lập theo quy định tại Điều 26 Luật Trọng tài thương mại và khắc con dấu theo quy định của pháp luật. 

Trung tâm trọng tài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

4. Công bố thành lập trung tâm trọng tài

Điều 26 luật trọng tài thương mại 2010 quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài phải đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ trụ sở của Trung tâm trọng tài;
  • Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm trọng tài;
  • Số Giấy đăng ký hoạt động, cơ quan cấp, ngày, tháng, năm cấp;
  • Thời điểm bắt đầu hoạt động của Trung tâm trọng tài.

Trung tâm trọng tài phải niêm yết tại trụ sở những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài.

5. Xử phạt vi phạm hành vi vi phạm quy định về việc thành lập, đăng ký hoạt động trung tâm trọng tài

Hành vi vi phạm quy định về việc thành lập, đăng ký hoạt động trung tâm trọng tài, chi nhánh của trung tâm trọng tài, chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 25 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động trung tâm trọng tài, chi nhánh của trung tâm trọng tài; thay đổi tên gọi, lĩnh vực hoạt động của trung tâm trọng tài, thay đổi đăng ký hoạt động chi nhánh của trung tâm trọng tài; thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi tên gọi, lĩnh vực hoạt động chi nhánh của tổ chức trọng tài nước ngoài; thành lập văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài; thay đổi trưởng văn phòng đại diện, địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com