Bước 1: Thực hiện thủ tục điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư

Trước khi nộp hồ sơ, nhà đầu tư không bắt buộc nhưng được khuyến khích kê khai trực tuyến thông tin về dự án đầu tư tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (dautunuocngoai.gov.vn hoặc fdi.gov.vn). Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày kê khai trực tuyến, nhà đầu tư phải nộp bộ hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận dự án đầu tư tới Cơ quan đăng ký đầu tư.

Tùy theo dự án đầu tư mà hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận dự án đầu tư bao gồm:

Đối với sự án đầu tư không phải xin cấp quyết đinh chủ trương đầu tư

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
  • Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
  • Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án (đối với dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Đăng ký doanh nghiệp);
  • 01 bản sao y chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư;
  • Bản gốc GCN đăng ký đầu tư;
  • 01 bản sao y chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký thuế (đối với dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Đăng ký doanh nghiệp);
  • 01 bản sao y chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp;
  • Báo cáo đầu tư
  • Tài liệu xác nhận đã góp đủ vốn đến thời điểm điều chỉnh: 01 bản so y chứng thực Báo cáo tài chính kiểm toán gần với thời điểm điều chỉnh nhất hoặc Xác nhận của ngân hàng về việc nhà đầu tư đã góp đủ vốn.

Đối với những nội dung thay đổi cụ thể cần cung cấp thêm:

  • Trường hợp thay đổi trụ sở cần cung cấp: Giấy tờ về trụ sở bao gồm: Hợp đồng thuê trụ sở, bản công chứng Giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản của bên cho thuê hoặc các giấy tờ tương đương);
  • Trường hợp thay đổi vốn đầu tư cần cung cấp: Xác nhận ngân hàng đối với tài khoản vốn chứng minh công ty đã góp đủ vốn (nếu Báo cáo tài chính không thể hiện công ty đã góp đủ vốn); xác nhận ngân hàng hoặc tài liệu chứng minh phần vốn góp tăng thêm;
  • Trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật cần cung cấp: Hộ chiếu công chứng, xác nhận cư trú/ thẻ tạm trú công chứng của đại diện theo pháp luật mới;
  • Trường hợp thay đổi thông tin nhà đầu tư, người đại diện của nhà đầu tư: bản công chứng: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, hộ chiếu mới hoặc văn bản thể hiện thông tin mới/ chứng minh sự thay đổi thông tin;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Đối với các dự án thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư

Khi điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính, tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư, thời hạn thực hiện, thay đổi nhà đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có), cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư in giấy biên nhận hồ sơ từ Hệ thống và giao cho nhà đầu tư khi nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư thông báo nội dung không hợp lệ bằng văn bản cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ để nhà đầu tư sửa đổi hoặc bổ sung.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Bước 2: Thay đổi nội dung liên quan trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Đăng Thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia

Trường hợp việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư làm thay đổi thông tin liên quan ở Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì nhà đầu tư phải làm thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014.

Một số lưu ý:

  • Trường hợp đề xuất của nhà đầu tư về việc điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Đối với doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục tách giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp phải thực hiện tách Giấy chứng nhận đầu tư thành Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cấp lại con dấu mới, công bố mẫu dấu theo quy định
  • Đối với các ngành nghề kinh doanh mới điều chỉnh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đề nghị doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện trong quá trình hoạt động.

Cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư

Cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cơ quan đăng ký đầu tư) bao gồm các cơ quan sau:

  1. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế tiếp nhận, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
  • Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

Sở kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp trên.

Trường hợp nhà đầu tư thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và mà thực hiện thủ tục thay đổi thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính khi không thực hiện thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đầu tư

Theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư:

Điều 13. Vi phạm các quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo cho cơ quan đăng ký đầu tư trước khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư;

b) Báo cáo không trung thực về hoạt động đầu tư;

c) Đầu tư kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật đầu tư;

d) Thành lập Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt Văn phòng điều hành;

đ) Chấm dứt hoạt động Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt Văn phòng điều hành.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

b) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư;

c) Giãn tiến độ thực hiện dự án, giãn tiến độ đầu tư nhưng không đề xuất bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư hoặc có thông báo nhưng chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư;

d) Tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư hoặc có thông báo nhưng chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư;

đ) Không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thủ tục thanh lý dự án đầu tư.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư (đối với trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư;

b) Không đáp ứng các điều kiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;

c) Không đáp ứng đầy đủ các điều kiện khi chuyển nhượng dự án đầu tư;

d) Đầu tư kinh doanh các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư;

b) Tiếp tục triển khai dự án khi đã bị cơ quan đăng ký đầu tư quyết định ngừng hoạt động;

c) Tiếp tục triển khai dự án khi đã chấm dứt hoạt động mà không được cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận;

d) Không triển khai dự án đầu tư sau 12 (mười hai) tháng mà không được cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận.

7. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đăng ký thành lập Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC đối với hành vi vi phạm tại Điểm d Khoản 2 Điều này;

b) Buộc thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều này.