Nhằm thể hiện chính sách nhân đạo cũng như tạo điều kiện cho người đang chấp hành hình phạt tù có cơ hội được chấp hành hình phạt tại chính đất nước mà mình mang quốc tịch, vấn đề chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong hợp tác quốc tế được đặt ra. Dưới đây là những phân tích cụ thể:
1. Chuyển giao người chấp hành án là gì?
Dưới góc độ pháp lý, có thể hiểu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là việc một quốc gia thực hiện chuyển giao người nước ngoài phạm tội đã bị tòa án của quốc gia đó kết án phạt tù và bản án đã có hiệu lực pháp luật về quốc gia mà người bị kết án là công dân hoặc nước khác đồng ý tiếp nhận, trên cơ sở tự nguyện của người đó, để tiếp tục thi hành bản án theo điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc “có đi có lại”.
Về bản chất, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù mang tính nhân đạo, xuất phát từ lợi ích của người bị kết án, giúp họ khắc phục những khó khăn trong việc thi hành hình phạt tù (như bất đồng về ngôn ngữ, xa lạ về tập quán địa phương…) và tái hoà nhập cộng đồng xã hội. Trong các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù cũng như quy định của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, điều kiện bắt buộc là được chính người bị kết án hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý một cách tự nguyện và công khai.
Về cơ sở pháp lý, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo điều ước quốc tế (đa phương hoặc song phương) khi có yêu cầu của người đang chấp hành hình phạt tù hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao hoặc nước tiếp nhận; trường hợp chưa có điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù thì việc chuyển giao được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “có đi có lại”, do sự thoả thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài, phù hợp với pháp luật quốc gia, pháp luật và tập quán quốc tế.
Về hậu quả pháp lý, thời hạn chấp hành hình phạt mà người bị kết án phải tiếp tục thi hành là phần hình phạt chưa được thực hiện tại quốc gia chuyển giao (nơi tòa án có thẩm quyền đã tuyên bản án). Đối với trường hợp chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, Tòa án có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận người bị chuyển giao sẽ xem xét và quyết định hình thức, thời hạn còn phải thi hành án. Trong trường hợp có sự xung đột pháp luật giữa quốc gia kết án và quốc gia nhận người bị kết án thì Tòa án của quốc gia tiếp nhận sẽ thực hiện thủ tục chuyển đổi hình phạt đã được tuyên thành hình phạt phù hợp với pháp luật của quốc gia tiếp nhận với điều kiện hình phạt được chuyển đổi sẽ không được nặng hơn hoặc có thời gian dài hơn hình phạt đã được tuyên bởi Tòa án của nước chuyển giao.
2. Nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Về nguyên tắc chuyển giao, Điều 4 Luật TTTP năm 2007 quy định nguyên tắc TTTP nói chung về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, “TTTP được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về TTTP thì hoạt động TTTP được thực hiện trên nguyên tắc “có đi có lại” nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
3. Điều kiện chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Về căn cứ chuyển giao,việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và được quy định cụ thể tại Điều 50 Luật TTTP năm 2007 và Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/2/2013 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành hình phạt tù, cụ thể là:
Thứ nhất, người đó phải là công dân của nước tiếp nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn hoặc có người thân thích tại nước tiếp nhận chuyển giao;
Thứ hai, có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật TTTP năm 2007 thuộc trường hợp thứ nhất đã nêu ở trên và đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án; có sự đồng ý của nước tiếp nhận chuyển giao.
Theo quy định tại Điều 50 Luật TTTP năm 2007, khi xem xét chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Namhoặc tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, cần phải xem xét toàn diện các điều kiện liên quan đến hai quốc gia cũng như người đang chấp hành hình phạt tù để quyết định. Tuy nhiên, khi có đủ các điều kiện này thì vẫn có một số ngoại lệ dẫn đến việc từ chối chuyển giao theo quy định tại Điều 51 Luật TTTP năm 2007, như:
– Khi có căn cứ cho rằng người được chuyển giao có thể bị tra tấn, trả thù hoặc truy bức tại nước tiếp nhận chuyển giao;
– Việc chuyển giao có thể phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam.
Đối với hồ sơ chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, khi có yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị chuyển giao sẽ phải chuẩn bị bộ hồ sơ để gửi cho cơ quan có thẩm quyền của nước được đề nghị (trong hồ sơ cũng phải thể hiện nguyện vọng của người được chuyển giao). Hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được lập thành ba bộ, phù hợp với pháp luật của nước được yêu cầu.
Theo Điều 65 Luật TTTP năm 2007, Bộ Công an là cơ quan đầu mối của Việt Nam tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và cũng là cơ quan thi hành quyết định chuyển giao. Trong trường hợp Việt Nam đề nghị phía nước ngoài chuyển giao thì Bộ Công an cũng là cơ quan chuẩn bị hồ sơ yêu cầu chuyển cho cơ quan chức năng của nước ngoài.
4. Thủ tục thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án.
Theo quy định tại Điều 33, 34, 35 Mục 2 Nghị định 133/2020/NĐ-CP thì việc thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án được thực hiện như sau:
Bước 1: Thỏa thuận việc thực hiện quyết định chuyển giao
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài của Tòa án có thẩm quyền, Bộ Công an có trách nhiệm gửi văn bản thông báo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận phạm nhân thỏa thuận về thời gian, địa điểm và cách thức chuyển giao.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận phạm nhân, cơ quan đầu mối của Bộ Công an về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án phạt tù và các cơ quan liên quan để tổ chức thi hành theo thẩm quyền.
Trường hợp quá thời hạn 07 ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao chưa thể tiếp nhận chuyển giao do có những trở ngại khách quan và đã thông báo cho Bộ Công an biết về sự chậm trễ này và cam kết bằng văn bản việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh do việc chậm trễ nhận chuyển giao gây nên, Bộ Công an có trách nhiệm thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để ấn định thời gian và địa điểm mới thực hiện việc chuyển giao.
Việc hoãn thực hiện quyết định chuyển giao không được quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản cam kết của nước ngoài về việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù.
Bước 2: Thực hiện quyết định chuyển giao.
Tổ chức áp giải người được chuyển giao
– Giám thị trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án phạt tù chịu trách nhiệm tổ chức áp giải người được chuyển giao kèm theo bản sao y các tài liệu thi hành án trong hồ sơ phạm nhân có đóng dấu của trại giam, phiếu khám sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của phạm nhân (nếu có), biên bản kiểm kê giấy tờ, tài sản, đồ vật, tư trang, tiền (nếu có) của phạm nhân đến địa điểm và đúng thời gian do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước tiếp nhận chuyển giao đã thỏa thuận để tiến hành thủ tục bàn giao cho nước tiếp nhận. Thành phần gồm có: Giám thị hoặc Phó Giám thị trại giam làm Trưởng đoàn; Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp được giao áp giải; cán bộ hồ sơ;
– Việc áp giải người được chuyển giao phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; bảo đảm áp giải đúng người có tên trong Quyết định chuyển giao của Tòa án đến đúng thời gian, địa điểm tiến hành bàn giao theo thỏa thuận.
Tổ chức tiến hành bàn giao người được chuyển giao
– Thành phần Đoàn bàn giao người được chuyển giao gồm có:
+ Đại diện cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là Trưởng đoàn;
+ Đại diện Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;
+ Đại diện Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Bộ Công an;
+ Đại diện Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp địa điểm tiến hành chuyển giao nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam;
+ Giám thị hoặc Phó Giám thị trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án phạt tù; người phiên dịch;
– Việc tiến hành bàn giao phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, nguyên tắc ngoại giao, phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo tuyệt đối an toàn; bàn giao đúng người có tên trong Quyết định chuyển giao của Tòa án cho nước tiếp nhận. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản gồm 03 bản bằng tiếng Việt, 03 bản bằng tiếng Anh và 03 bản bằng tiếng của nước tiếp nhận; có chữ ký xác nhận của đại diện cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận và đại diện cơ quan nêu tại điểm a khoản 2 Điều này.
– Quá thời hạn 07 ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao không tiếp nhận chuyển giao mà không có lý do chính đáng thì cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù lập biên bản về việc này và thông báo ngay cho Tòa án đã ra quyết định chuyển giao biết để xem xét, hủy quyết định thi hành quyết định chuyển giao, đồng thời thông báo cho nước yêu cầu chuyển giao biết.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định hủy quyết định thi hành chuyển giao của Tòa án, cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thông báo cho nước yêu cầu chuyển giao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án để tiếp tục thi hành án đối với người có quyết định hủy quyết định chuyển giao của Tòa án.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group