Hiện nay, công dân khi tham gia vào các quan hệ tố tụng trong lĩnh vực dân sự còn bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định không hợp lý. Thông thường, một người muốn khởi kiện dân sự thì phải viết đơn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự mới được Tòa án chấp nhận. Quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, một thủ tục bắt buộc là phải qua bước hòa giải tại Toà án; nếu các bên thống nhất được với nhau những vấn đề cần thiết thì Tòa án ra quyết định công nhận tự thỏa thuận của các đương sự, quyết định này có giá trị như một bản án; nếu không tự thỏa thuận được thì mới đưa ra xét xử, kết quả ghi nhận bằng một bản án. Như vậy đã có thể thấy, khi vụ việc được Tòa án tiến hành xét xử, buộc một bên phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên kia thì các bên đã thể hiện sự quyết tâm để đạt được mục đích của mình. Lẽ  ra, khi các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được Tòa án chuyển đến, thì cơ quan thi hành án chỉ tổ chức thi hành theo nội dung các bên đã thỏa thuận, hoặc tòa án đã phán quyết để bảo vệ cho các đối tượng có quyền lợi bị xâm hại. Thế nhưng, theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì ngoài 5 trường hợp quy định tại khoản 1 điều này (chủ yếu liên quan thi hành án phí, các khoản sung công quỹ Nhà nước…), các trường hợp còn lại chỉ phát sinh trách nhiệm của cơ quan thi hành án khi đương sự có đơn yêu cầu thi hành án (thực tế thường gọi là thi hành theo yêu cầu). Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự còn quy định, đơn của người được thi hành án phải nói rõ các nội dung yêu cầu, gửi kèm bản án hoặc quyết định công nhận thoả thuận; trên cơ sở đó, cơ quan thi hành án mới ra quyết định thi hành án, tiến hành các hoạt động xác minh tài sản, tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản…

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến - 1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoạigọi:   1900.0191

Trong trường hợp này, quy định đương sự phải có “đơn yêu cầu thi hành án” là không cần thiết, gây phiền hà cho công dân khi tham gia tố tụng. Bởi, không có lý do gì một công dân khi khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết, buộc một người, một tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm quyền lợi cho mình nhưng cuối cùng lại không chấp nhận những quyền lợi đó. Trong khi đó, để vụ việc được giải quyết triệt để, cơ quan pháp luật phải trải qua một quá trình thụ lý, nếu hòa giải không thành mới đưa ra xét xử. Nhiều vụ việc được đưa ra hòa giải thương lượng lại nhiều lần, kể cả việc “đôi co”, so sánh thiệt hơn, thậm chí dùng mọi thủ đoạn, tiêu hủy chứng cứ để được thắng kiện… Và, để có được một phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật đã làm mất khá nhiều thời gian và công sức của cá nhân và xã hội.    

Được biết, cái lý để Luật Thi hành án quy định phải có “đơn yêu cầu thi hành án” là do trước đây, khi các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được Toà án chuyển qua, cơ quan thi hành án đã làm thủ tục thi hành, thì nảy sinh một số trường hợp người được thi hành án cho rằng khởi kiện chỉ vì danh dự chứ không cần quyền lợi vật chất nên từ chối việc đưa các bản án, quyết định ra thi hành. Hoặc, có một số trường hợp, trong thời gian cơ quan thi hành án đang lập thủ tục thi hành thì các bên đương sự đã tự thoả thuận được với nhau, không cần sự can thiệp của cơ quan pháp luật. Vì vậy, Thủ tục phải có “đơn yêu cầu thi hành án” đã được ghi nhận trong Pháp lệnh Thi hành án dân sự, sau này là Luật Thi hành án dân sự. Việc tiếp tục coi “đơn yêu cầu thi hành án” như một thủ tục bắt buộc là một căn cứ làm phát sinh trách nhiệm của cơ quan thi hành án.  

Cách lý giải trên có thể cho rằng “đơn yêu cầu thi hành án” là một thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, trường hợp một người đi kiện, được toà án buộc bên kia giải quyết nhưng sau đó từ chối nhận quyền lợi (tiền hoặc vật chất khác) hoặc các bên đương sự đã chủ động gặp gỡ đi đến thoả thuận và không yêu cầu cơ quan pháp luật giải quyết là những trường hợp cá biệt, rất ít xảy ra trên thực tế. Ở nhiều địa phương, trung bình mỗi năm Tòa án nhân dân huyện giải quyết hàng ngàn vụ án dân sự, hầu như tất cả đương sự đã làm đơn yêu cầu thi hành án ngay sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Có một số trường hợp không cần sự can thiệp của cơ quan pháp luật nhưng tỷ lệ chưa đến 5-6% trên tổng số vụ việc phát sinh. Hầu hết, người có quyền lợi trong bản án, quyết định mong chờ án có hiệu lực pháp luật nên làm đơn, yêu cầu thi hành án ngay, vì thấy rõ tham gia khởi kiện phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Hơn nữa, đến khi được cơ quan thi hành án ra quyết định, người tham gia khởi kiện còn phải chờ đợi thời gian khoảng 15 ngày, gọi là “thời gian tự nguyện thi hành án”, sau đó cơ quan thi hành án mới tiến hành các hoạt động khác như kê biên tài sản, áp dụng biện pháp cưỡng chế. Rất nhiều trường hợp, do không được giải thích rõ ràng, khi tòa án xét xử xong, người được thi hành án cứ chờ ngày cơ quan chức năng mời đến nhận quyền lợi do bên thua kiện giao. Khi không thấy quyền lợi của mình được đáp ứng như nội dung bản án, quyết định đã tuyên, người được thi hành án khiếu nại và được cơ quan chức năng trả lời: do chưa có “đơn yêu cầu thi hành án”. Tuy điều 31 Luật Thi hành án không quy định, song tất cả các trường hợp, cơ quan thi hành án ngoài việc yêu cầu nộp đơn kèm bản án phúc thẩm còn yêu cầu phải nộp bổ sung cả bản án sơ thẩm đã gây thêm vất vả, khó khăn cho tổ chức và công dân khi làm thủ tục yêu cầu thi hành án…    

Cũng có ý kiến cho rằng, “đơn yêu cầu thi hành án” là một thủ tục cần có để từ đó làm căn cứ tính thời hiệu thi hành các bản án, quyết định. Đây không phải là cách lý giải thuyết phục. Bởi, với những quy định như trên, vô hình trung đã sản sinh ra một loại thủ tục không đáng có. Chỉ trên cơ sở một số ít trường hợp cá biệt, Luật Thi hành án dân sự đã quy định mang tính chất bắt buộc cho đối với mọi trường hợp là không hợp lý. Do vậy, điều 36 Luật Thi hành án dân sự cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – PHẠM DÂN

Trích dẫn từ:http://nguoidaibieu.com.vn/

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)