Nếu những ai quan tâm đến đời sống chính trị – xã hội dễ nhận thấy rằng, thời đại ngày nay đã có sự chuyển biến mạnh mẽ của tất cả các hình thức nhà nước, đó là đã giảm dần chức năng cai trị mà thay vào đó là chức năng phục vụ nhân dân. Theo đó, các quyền con người của mọi cá nhân phải được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Những bảo đảm đó chỉ có thể được thực hiện trọn vẹn trong một nhà nước pháp quyền (nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải lấy tinh thần thượng tôn pháp luật làm đầu…). Thể hiện của sự tiến bộ trong quan hệ giữa Nhà nước và người dân, đó là đối với người dân thì được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng đối với cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước thì chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi hoạt động công vụ của cơ quan, của cán bộ, công chức nhà nước liên quan đến quyền lợi của người dân ngày càng được pháp luật quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân.
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoạigọi: 1900.0191
Cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương và triển khai thực hiện việc xây dựng nhà nước pháp quyền, tiến hành công cuộc cải cách tư pháp mà trong đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp được đặc biệt chú trọng. Thực hiện theo đúng tinh thần nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, hệ thống pháp luật của nước ta trong những năm qua đã được xây dựng, hoàn thiện dần theo hai xu hướng trái ngược nhau, đó là: Đối với hành lang pháp lý để người dân thực hiện các quyền công dân (sử dụng pháp luật) như: đăng ký kinh doanh, thương mại, hành nghề, thực hiện các quyền về cư trú, hộ tịch… thì quy định ngày càng thông thoáng. Còn đối với hành lang pháp lý để các cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân (áp dụng pháp luật) như: xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là hệ thống pháp luật tố tụng (hình sự, dân sự và theo nghĩa rộng gồm cả thủ tục thi hành án hình sự, dân sự)… thì quy định ngày càng chặt chẽ và kín kẽ. Hai xu hướng này phù hợp với nhu cầu của xã hội trong cuộc sống văn minh, hiện đại và nhân văn.
Mặt khác, do tính chất đặc thù của quan hệ dân sự, nên một trong những nguyên tắc đặc trưng của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự, đó là phải tôn trọng quyền tự định đoạt và sự thỏa thuận (không trái pháp luật và đạo đức xã hội) của các đương sự. Không chỉ dừng lại ở việc tôn trọng mà phải khuyến khích và tạo điều kiện để các đương sự tự định đoạt và thỏa thuận với nhau trong việc giải quyết các tranh chấp cũng như việc thực hiện các phán quyết của tòa án. Quyền tự định đoạt là xuất phát điểm để thực hiện quyền thỏa thuận, là cơ sở để xây dựng thực hiện chế định hòa giải trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Xuất phát từ tính chất đặc thù của quan hệ dân sự mà trong một lần đến thăm Tòa án nhân dân tối cao, Bác Hồ đã căn dặn: Xét xử đúng là tốt, nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn. Quyền tự định đoạt của đương sự được thể hiện, đó là: đối với đương sự thì có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu thi hành án; quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu thi hành án. Đối với tòa án và cơ quan thi hành án thì chỉ có quyền giải quyết những vấn đề trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Quyền tự định đoạt và quyền thỏa thuận giữa các đương sự được thực hiện ở bất kỳ ở giai đoạn nào, từ sau khi xảy ra tranh chấp, trong quá trình tòa án giải quyết vụ án và cả trong giai đoạn thi hành bản án, quyết định của tòa án. Thực tế, trong quá trình tòa án đang giải quyết vụ án, hoặc trong quá trình thi hành bản án, quyết định của tòa án, các đương sự thỏa thuận được với nhau, nguyên đơn rút đơn khởi kiện, người được thi hành án rút đơn yêu cầu thi hành án là chuyện thường tình. Cũng giống như vậy, sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án tự giác thi hành bản án, quyết định hoặc là người được thi hành án thay đổi ý chí nên không yêu cầu thi hành án. Trường hợp này tuy xảy ra không nhiều nhưng không vì thế mà pháp luật không điều chỉnh.
Khác với quan hệ hành chính và các quan hệ khác, trong quan hệ tố tụng dân sự hình thành hai mối quan hệ, đó là quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các đương sự và quan hệ giữa các đương sự với nhau. Trong quan hệ dân sự có tranh chấp thì quyền và lợi ích của các đương sự đối lập nhau, nên nếu tạo thuận lợi cho đương sự này thì tất yếu sẽ gây bất lợi cho đương sự khác (bên được – bên mất). Do đó, quy định của pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các đương sự phải bảo đảm đối xử công bằng và bình đẳng giữa các bên đương sự; còn quy định để điều chỉnh mối quan hệ giữa các đương sự phải bảo đảm luôn tạo điều kiện để họ tự định đoạt, thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn về lợi ích. Mặt khác, ý chí của đương sự luôn phải được thể hiện trong một hình thức pháp lý, đó là văn bản (đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản hòa giải, biên bản phiên tòa…). Để bắt đầu một giai đoạn tố tụng mới (giai đoạn thi hành án) thì cần có đơn yêu cầu thể hiện ý chí của đương sự là cần thiết; việc làm đơn yêu cầu thi hành án chẳng có gì khó khăn, phức tạp để coi là phiền hà. Pháp luật quy định các thủ tục tố tụng phải chặt chẽ và kín kẽ không chỉ để bảo vệ đương sự mà còn để bảo vệ chính các cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, hạn chế được các rủi ro nghiệp vụ có thể gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Như vậy, việc quy định để thực hiện thi hành bản án, quyết định buộc đương sự phải làm đơn yêu cầu là thể hiện sự tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự và hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống trong một nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – PHẠM THÁI QUÍ
Trích dẫn từ:http://www.nguoidaibieu.com.vn/
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)