Do đó, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần đơn giản hóa trình tự, thủ tục và cách thức tiến hành đình công nhằm phát huy ý nghĩa tích cực của đình công trong việc giải quyết mâu thuẫn, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

Đình công là hiện tượng mới xuất hiện ở nước ta khi chuyển đổi cơ chế kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đình công đã và đang diễn biến với chiều hướng phức tạp, không những tăng về số lượng mà cũng rất khó giải quyết hậu quả. Đáng chú ý là 100% các cuộc đình công đã xảy ra đều chưa hợp pháp[1]. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là những quy định về thủ tục chuẩn bị và cách thức tiến hành đình công không phù hợp với thực tiễn và ít tính khả thi. Do đó, người lao động khó có thể đảm bảo tính hợp pháp của cuộc đình công và bảo vệ những lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi:  1900.0191

1. Nhận thức chung về thủ tục chuẩn bị và cách thức tiến hành đình công

Các quy định về thủ tục chuẩn bị và cách thức tiến hành đình công là một trong những điều kiện xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Vấn đề này thông thường có thể được quy định trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc được thực hiện theo tập quán đình công ở những nước đã có lịch sử đình công tương đối dài.

Sự định hướng của nhà nước trong việc mở rộng hoặc thu hẹp quyền đình công được xem là yếu tố quan trọng nhất, chi phối các quy định về chuẩn bị và tiến hành đình công. Thông thường, nếu một nhà nước muốn hạn chế việc sử dụng quyền đình công của người lao động, nhà nước đó sẽ quy định thủ tục chuẩn bị đình công phức tạp, trải qua nhiều bước và phải tuân thủ những quy định có tính chất cấm đoán nghiêm khắc. Ngược lại, nếu quan điểm của nhà nước là tạo thuận lợi cho người lao động trong việc sử dụng quyền đình công, nhà nước sẽ quy định thủ tục chuẩn bị và tiến hành đình công đơn giản, linh hoạt, có thể dễ dàng áp dụng trong thực tế.

Thủ tục chuẩn bị đình công được pháp luật quy định cụ thể và rõ ràng, không chỉ có ý nghĩa định hướng hành vi của người lao động khi sử dụng quyền đình công, mà còn góp phần hạn chế tình trạng đình công tràn lan, vô tổ chức, gây những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Những cuộc đình công được tiến hành một cách tự phát, nóng vội, thiếu vai trò của một tổ chức có đủ tư cách lãnh đạo và chịu trách nhiệm về cuộc đình công thường gây những hậu quả tiêu cực lớn hơn ảnh hưởng tích cực mà nó mang lại. Khả năng thành công của những cuộc đình công này rất thấp, do thiếu tính tổ chức và sự chuẩn bị chu đáo. Xét tính hợp pháp của cuộc đình công, thủ tục đình công thường được coi là một trong những điều kiện hợp pháp của cuộc đình công. (Xem hộp 1)

Hộp 1. Bộ luật lao động Philippin năm 1989 quy định, tập thể lao động chỉ được đình công sau khi thương lượng đã bế tắc và phải báo trước cho Bộ Lao động và việc làm ít nhất 30 ngày (đây được coi là thời gian cần thiết để làm nguội những bức xúc của tập thể lao động). Trong khoảng thời gian này, Bộ Lao động và việc làm phải tập trung vào việc làm trung gian và hoà giải để các bên tự nguyện giải quyết tranh chấp lao động. Nếu hết thời hạn thông báo mà vụ tranh chấp lao động chưa giải quyết được thì người lao động mới được đình công. Ngoài việc thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đình công và hoà giải bắt buộc trước khi tiến hành đình công, tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công còn phải tiến hành lấy ý kiến của tập thể lao động.

Đạo luật Quan hệ lao động của Thái Lan năm 1975 quy định, khi tiến hành đình công cần tuân thủ những bước sau đây: i) Người lao động đề nghị bằng văn bản yêu cầu về điều kiện sử dụng lao động đến người sử dụng lao động. ii) Hai bên thương lượng trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, nếu không thương lượng hoặc thương lượng không đạt kết quả thì bên yêu cầu (người lao động) phải báo cho hoà giải viên trong vòng 24h. Hoà giải viên giải quyết trong vòng 5 ngày, nếu dàn xếp không được thì hai bên có quyền tự do hành động và người lao động có quyền đình công.

Cách thức tiến hành đình công được hiểu là phương thức ngừng việc của những người lao động. Phương thức này ó thể được quy định trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm thống nhất trình tự đình công chung trong phạm vi quốc gia (như ở Nga, Thái Lan, Philippin) hoặc được thực hiện theo án lệ hoặc tập quán (như ở Đức).

Căn cứ vào tập quán đình công và thực tiễn đình công của người lao động tại nhiều quốc gia, có thể thấy, cách thức tiến hành đình công chủ yếu được thực hiện theo những phương thức cơ bản sau đây: i) Đình công cảnh cáo, được tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn đã được ấn định từ trước để lưu ý chủ sử dụng lao động về tầm quan trọng của các yêu sách; ii) Đình công chớp nhoáng, là những trường hợp ngừng việc trong khoảng thời gian rất ngắn, nhằm biểu thị sự bất mãn nhiều hơn là để gây áp lực; iii) Đình công luân phiên, là trường hợp những phân xưởng khác nhau trong một doanh nghiệp, hoặc những doanh nghiệp khác nhau trong một ngành, địa phương luân phiên nhau ngừng hoạt động; iv) Đình công chiếm xưởng, là trường hợp công nhân không làm việc, nhưng vẫn ở lại nơi làm việc nhằm ngăn cản không cho doanh nghiệp cử người lao động khác đến làm việc thay thế cho những công nhân đình công…

Khi quy định về cách thức tiến hành đình công, cần chú ý những vấn đề cơ bản sau đây: i) Khi tiến hành đình công, tập thể lao động không được gây ảnh hưởng hay cản trở những người lao động khác làm việc. Thông qua đó, nhà nước vừa phải đảm bảo quyền đình công của những người lao động muốn đình công, vừa phải đảm bảo quyền làm việc của những người lao động không muốn đình công. Trong thực tế, đây là vấn đề không đơn giản bởi những người lao động khi đình công thường muốn doanh nghiệp ngừng hoạt động để dễ gây sức ép với chủ sử dụng, do đó, họ sẵn sàng tiến hành các hành vi nhằm cản trở những người khác làm việc (như chiếm xưởng, tụ tập ở cổng doanh nghiệp ngăn không cho những công nhân khác vào làm việc…). Tại doanh nghiệp làm việc theo hệ thống dây chuyền sản xuất liên hoàn, khi có sự ngừng việc tại một số vị trí nhất định trong dây chuyền mà không có người khác thay thế, dây chuyền đó cũng bị ngừng hoạt động. Hệ quả là những người công nhân không đình công trong dây chuyền đó cũng phải ngừng làm việc; ii) Cách thức tiến hành đình công có thể được quy định dưới dạng những hành vi được phép thực hiện trong quá trình đình công, hoặc liệt kê những cách thức đình công mà người lao động không được thực hiện; iii) Cách thức đình công có thể được coi là một điều kiện xác định tính hợp pháp của cuộc đình công (tuỳ theo quan điểm lập pháp của quốc gia); iv) Việc quy định cách thức tiến hành đình công phải vừa đảm bảo người lao động có thể linh hoạt áp dụng để gây được sức ép với người sử dụng, vừa không mất ổn định trật tự xã hội ở địa phương.

2. Thủ tục chuẩn bị, cách thức tiến hành đình công

2.1. Thủ tục chuẩn bị đình công

Theo quy định tại Điều 173 khoản 2 Bộ luật Lao động và Điều 81, 82 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (1996), quá trình chuẩn bị đình công được tiến hành thông qua các bước cơ bản sau đây: i) Khởi xướng đình công (người khởi xướng có thể là Ban chấp hành công đoàn, hoặc 1/3 số người lao động trong tập thể của doanh nghiệp, hoặc quá nửa số người lao động trong một bộ phận cơ cấu của doanh nghiệp đề nghị). ii) Tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động để xác định số người tán thành đình công bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký (nếu được quá nửa tập thể lao động tán thành đình công thì những người lao động mới được đình công). iii) Trao bản yêu cầu cho người sử dụng lao động, gửi bản thông báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh và liên đoàn lao động cấp tỉnh chậm nhất là 3 ngày trước ngày dự kiến đình công.

Việc quy định trình tự, thủ tục chuẩn bị đình công chặt chẽ như trên nhằm những mục đích cơ bản sau đây: i) Bảo đảm quyền tự do định đoạt và ý chí tự nguyện của những người lao động khi quyết định đình công. Mỗi cá nhân người lao động trong tập thể lao động đều có quyền tự mình cân nhắc về việc có tham gia đình công hay không, không ai có quyền đe doạ hay buộc người lao động tham gia đình công; ii) Tạo điều kiện để tập thể lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các tiền đề cơ bản, tạo khả năng thành công cho cuộc đình công (như thu hút thêm sự tham gia của đông đảo người lao động, chuẩn bị vật chất để hỗ trợ cho người lao động nếu đình công kéo dài, tạo sự chú ý của dư luận, các cơ quan thông tin đại chúng và sự quan tâm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…); iii) Có thể coi giai đoạn này là quá trình làm nguội đi những bức xúc của người lao động (Cooling-off Period)[2], nhằm tránh một cuộc đình công không thực sự cần thiết (nếu xảy ra những thiệt hại do nó gây ra có thể lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích mà nó mang lại cho người lao động); hoặc nếu không thể ngăn chặn được cuộc đình công thì giai đoạn này cũng có tác dụng làm dịu đi tính quyết liệt của đình công, tránh những biểu hiện quá khích của người lao động trong thời gian tiến hành đình công; iv) Thủ tục gửi yêu sách đến người sử dụng lao động sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có cơ hội xem xét lại những yêu sách của tập thể lao động, cân nhắc giữa việc chấp nhận những yêu sách của người lao động hay để đình công xảy ra (chắc chắn sẽ để lại những thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp); v) Thủ tục thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giúp chính quyền sở tại biết trước về khả năng xảy ra đình công và dự liệu những hậu quả của đình công để có biện pháp xử lý kịp thời, hoặc khắc phục những hậu quả của đình công, đặc biệt là những bất ổn về chính trị, xã hội (nếu xảy ra); vi) Giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của đình công do đã được thông báo và có sự chuẩn bị trước để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đình công.

Vướng mắc trong áp dụng

Đình công là một yêu cầu tự thân rất quan trọng của người lao động. Tuy nhiên§, khi pháp luật quy định phải đảm bảo đủ trên 50% số người trong tập thể lao động tán thành bằng cách lấy chữ ký hoặc bỏ phiếu kín thì mới được phép tiến hành đình công thì sẽ có rất ít cuộc đình công theo đúng quy định này, vì thủ tục này chỉ khả thi ở những nơi có ít người lao động. Trên thực tế, tổ chức lấy chữ ký hoặc bỏ phiếu kín cho một tập thể lao động là những thủ tục khá nhiêu khê. Đồng thời, với những cơ sở tập trung nhiều lao động, hoặc doanh nghiệp có nhiều cơ sở sản xuất đặt ở những địa điểm khác nhau thì đây lại là quy định khó thực hiện được.

Cũng vì quy định về thủ tục như vậyC, nên 100% các cuộc đình công đã xảy ra đều vi phạm quy định này. Điều này cho thấy chỉ riêng các quy định hiện hành về thủ tục đình công đã mang tính không khả thi. (Xem hộp 2)

Hộp 2. Tại hội thảo khoa học do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2003 về việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (phần đình công), đại biểu tỉnh Bình Dương (một trong những địa phương có tỷ lệ đình công cao theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đưa ra nhận định như sau: “Sau gần 10 năm thực hiện quy trình đình công theo pháp luật hiện hành, hàng trăm cuộc đình công đã xảy ra ở Bình Dương, nhưng không có cuộc đình công nào đáp ứng được quy định của pháp luật. Điều đó cho thấy những quy định này chưa phù hợp với thực tế đời sống xã hội. Để khắc phục tình trạng này, nên bỏ bớt những quy định không khả thi theo hướng đơn giản hoá thủ tục đình công để đáp ứng những đòi hỏi khách quan của thực tiễn ”.

Trong bản báo cáo kết quả khảo sát, lấy ý kiến người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng có liên quan về vấn đề đình công, do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, đã đưa ra một số kết luận đáng chú ý như sau: đình công đã có những tác động tích cực, đó là thông qua đình công, các xung đột về quyền và lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động được giải quyết. Ngoài ra, đình công còn góp phần cải thiện quan hệ lao động (sau khi đình công, người sử dụng quan tâm hơn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động). Điều đó cho thấy, không nên coi đình công là hiện tượng tiêu cực của kinh tế thị trường và tìm cách hạn chế, thậm chí loại bỏ nó bằng những quy phạm pháp luật quá chặt chẽ (trong đó có các quy định về thủ tục chuẩn bị đình công). Con số thống kê gần 90% cuộc đình công có nguyên nhân xuất phát từ tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đã cho thấy sự hạn chế của các quy định về thủ tục chuẩn bị đình công trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Do đó, cần có sự sửa đổi, bổ sung các quy định này theo hướng thông thoáng và đơn giản hơn.

Muốn hạn chế tác động tiêu cực của đình công, nhà nước cần có biện pháp phòng ngừa và giải quyết các xung đột ngay khi chưa xảy ra đình công. Không nên hạn chế đình công bằng các quy định chặt chẽ về thủ tục đình công, tránh để xảy ra tình trạng do quy định thủ tục đình công quá phức tạp nên tập thể lao động không thể tiến hành đình công đúng pháp luật (dù nguyên nhân đình công là hợp pháp và chính đáng), người lao động từ chỗ bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của mình trở thành bất hợp pháp, từ bên “nguyên” trở thành bên “bị”.

2.2. Cách thức tiến hành đình công

Hiện nay, do chưa có những quy định cụ thể, đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau về cách thức tiến hành đình công:

Cách hiểu thứ nhất cho rằng, các quy định hiện hành mới dừng lại ở việc quy định thủ tục chuẩn bị đình công và vai trò lãnh đạo đình công của tổ chức công đoàn, vấn đề cách thức đình công vẫn là một khoảng trống trong pháp luật hiện hành. Để khắc phục tình trạng này, có ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng bổ sung các quy định về cách thức tiến hành đình công nhằm định hướng hoạt động của người lao động và phòng ngừa những biến tướng phức tạp của đình công. Ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng, việc không quy định cách thức đình công như hiện nay đã tạo ra sự linh hoạt, chủ động cho tập thể lao động khi tiến hành đình công. Ngoài ra, nếu cần phòng ngừa các diễn biến phức tạp của đình công thì đã có các quy định về hành vi cấm thực hiện trước, trong và sau đình công. Vì vậy, không cần thiết phải bổ sung các quy định về cách thức đình công.

Cách hiểu thứ hai lại cho rằng, cách thức đình công đã được gián tiếp quy định trong pháp luật hiện hành – đó là phải tiến hành trong phạm vi doanh nghiệp (Điều 80 khoản 1 điểm b Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động). Bằng phương pháp suy diễn pháp lý, cần phải hiểu nhà nước chỉ cho phép những người lao động tiến hành đình công phía trong hàng rào doanh nghiệp (như tập trung trong khuôn viên của doanh nghiệp, tụ tập ở sân doanh nghiệp…); việc tập thể lao động tiến hành đình công phía ngoài hàng rào doanh nghiệp (như tập trung trước cổng doanh nghiệp, tụ tập ở các đoạn đường dẫn vào doanh nghiệp…) sẽ bị coi là bất hợp pháp.

Có ý kiến cho rằng, do pháp luật chưa quy định về cách thức đình công nên không có tiêu chí đánh giá tính hợp pháp về hình thức tiến hành đình công. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, cách thức đình công ngồi tại nơi làm việc là không trái với quy định của pháp luật; hình thức đình công đứng tại cổng doanh nghiệp là trái với quy định pháp luật. Hình thức đình công đứng tại cổng doanh nghiệp còn thể hiện tính thiếu tổ chức của các cuộc đình công hiện nay, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người lao động về pháp luật đình công, cũng như vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong tổ chức và lãnh đạo đình công. (Xem hộp 3)

Hộp 3. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát tình hình đình công ở một số địa phương thường xảy ra đình công (như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội…). Kết quả khảo sát cho thấy: hình thức của các cuộc đình công khá đa dạng, hình thức đình công ngồi tại nơi làm việc chiếm tỷ lệ lớn nhất (355/635 đối với người lao động; 64/111 đối với người sử dụng lao động; 67/117 đối với cán bộ công đoàn cơ sở; 42/59 đối với cán bộ quản lý Nhà nước về lao động). Tiếp theo là hình thức đình công đứng ngoài cổng doanh nghiệp (người lao động: 290/635; người sử dụng lao động: 49/111; cán bộ công đoàn cơ sở: 52/117; cán bộ quản lý nhà nước về lao động: 41/59).

3. Những đề xuất, góp ý

3.1. Về chuẩn bị đình công

Từ thực tế nêu trên, các quy định của pháp luật về đình công nên sửa điều khoản về thủ tục đình công là phải đảm bảo 1/3 số người lao động trong doanh nghiệp hoặc quá nửa số người lao động trong bộ phận doanh nghiệp đề xuất đình công (Điều 81 khoản 1 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động); tổ chức lấy ý kiến tập thể lao động về việc đình công khi Ban chấp hành công đoàn cơ sở thấy cần thiết (Điều 81 khoản 2 Pháp lệnh). Các quy định phức tạp này đã hạn chế khả năng kịp thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, không khả thi trong thực tiễn và không đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính tổ chức của cuộc đình công. Việc sửa đổi này bao gồm việc quy định lại những thủ tục cơ bản trong quá trình chuẩn bị đình công. Cụ thể là:

Bước1: Tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động về việc đình công. Chỉ cần quy định trong văn bản pháp luật việc tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động khi quyết định có nên đình công hay không. Kết quả lấy ý kiến phải được ghi thành biên bản, nêu rõ số người tán thành và không tán thành đình công. Khi có trên 50% số người lao động trong bộ phận doanh nghiệp hoặc 1/3 số lao động trong cả doanh nghiệp tán thành đình công, thì thông qua quyết định đình công. Như vậy, không nhất thiết phải lấy chữ ký của từng người lao động hoặc phải tiến hành bỏ phiếu kín mới có thể đình công. Quy định trên vừa đảm bảo tính linh hoạt, thuận tiện của thủ tục lấy ý kiến, vừa đảm bảo quyền lợi của mọi người lao động. Tùy điều kiện thực tế, tập thể lao động có thể lựa chọn hình thức lấy ý kiến phù hợp, không nhất thiết phải tổ chức cuộc họp toàn thể người lao động trong doanh nghiệp. Điều này phù hợp với những doanh nghiệp có nhiều lao động, hoặc có nhiều cơ sở sản xuất đóng ở những địa bàn khác nhau.

Bước 2: Trao bản yêu cầu và gửi bản thông báo. Sau khi quyết định đình công, tập thể lao động phải cử đại diện trao bản yêu cầu cho người sử dụng lao động, gửi một bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động và một bản thông báo cho liên đoàn lao động. Thời hạn gửi bản thông báo nên quy định chậm nhất là 24h trước thời điểm đình công được ấn định (Luật hiện hành quy định là ba ngày). Việc gửi bản yêu cầu và thông báo là thủ tục bắt buộc trong quá trình chuẩn bị đình công. Việc rút ngắn thời hạn báo trước (từ ba ngày xuống một ngày) nhằm bảo đảm tính thời cơ của cuộc đình công. Nếu kéo dài thời gian chuẩn bị đình công thông qua các thủ tục phức tạp hay chờ đợi ý kiến trả lời của người sử dụng lao động sẽ làm mất đi cơ hội gây sức ép kịp thời của tập thể lao động, do đó, làm giảm khả năng thắng lợi của cuộc đình công. Tuy nhiên, không thể vì mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đình công mà bỏ qua những lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, cũng như những lợi ích chung của xã hội. Nếu cho phép người lao động đình công bất ngờ, bỏ qua thủ tục thông báo và gửi yêu cầu, người sử dụng không có cơ hội cân nhắc về việc có nên chấp nhận yêu sách của tập thể lao động, các cơ quan có thẩm quyền không được biết trước về khả năng xảy ra đình công nên không dự liệu được hậu quả của đình công để có biện pháp đối phó kịp thời, nhằm nhanh chóng ổn định xã hội. Do đó, trong quá trình chuẩn bị đình công, tập thể lao động có nghĩa vụ phải thông báo về việc đình công. Nhưng thời hạn báo trước được rút ngắn để kịp thời giải quyết những yêu cầu bức xúc của người lao động.

Bước 3: chính thức ngừng việc kể từ thời điểm dự kiến đình công nếu không được sự chấp thuận của người sử dụng lao động về các yêu sách.

Khi pháp luật đã quy định những thủ tục chuẩn bị đình công đơn giản, nhằm tạo thuận lợi cho người lao động sử dụng quyền đình công hợp pháp, nhưng họ vẫn cố tình vi phạm thì có thể phải chịu những hình thức chế tài nghiêm khắc. Những hình thức chế tài theo quy định hiện hành có thể được bổ sung hoặc tăng thêm để không những có tác dụng răn đe, buộc người lao động phải cân nhắc kỹ trước khi đình công, mà còn hạn chế tình trạng lạm dụng đình công và đình công trái pháp luật gia tăng.

3.2. Hoàn thiện quy định về cách thức đình công

Hiện tại, pháp luật nước ta chưa có những quy định cụ thể, trực tiếp về cách thức đình công. Đây là điểm cần bổ sung trong quá trình hoàn thiện pháp luật về đình công. Việc quy định cách thức đình công có ý nghĩa quan trọng bởi nó liên quan đến hiệu quả gây áp lực của đình công, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, sự bình ổn của quan hệ lao động sau đình công.

Việc hoàn thiện các quy định về cách thức đình công cần bảo đảm những yêu cầu sau: i) Không gây ảnh hưởng hay cản trở quyền làm việc của những người lao động khác; ii) Không được thực hiện một số hành vi bị cấm trong quá trình đình công; iii) Đảm bảo ổn định trật tự xã hội tại địa phương nơi diễn ra đình công; iv) Phù hợp với những quan điểm có tính định hướng của Đảng và nhà nước về việc hạn chế tình trạng tụ tập đông người, gây rối trật tự xã hội, đề phòng những diễn biến phức tạp của đình công; v) Phù hợp với quan điểm của ILO: “Về phương pháp tiến hành đình công, chỉ nên hạn chế kiểu làm việc chiếu lệ, chiếm xưởng, đình công ngồi và đứng tập trung tại cổng xí nghiệp”[3]. Kiểu làm việc chiếu lệ là hiện tượng lãn công mà ở đó, người lao động không hoàn thành trách nhiệm lao động, nhưng người sử dụng lại khó chủ động đối phó với tình trạng này, do người lao động vẫn làm việc nhưng với năng suất thấp và chất lượng kém. Đình công chiếm xưởng hạn chế quyền làm việc của những người lao động không tham gia đình công và cản trở sự điều hành sản xuất của người sử dụng. Đình công ngồi và đứng tại cổng xí nghiệp có thể cản trở cho những công nhân khác vào làm việc, gây mất ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Ngoài những phương thức đình công bị hạn chế kể trên, các cách thức đình công khác nếu diễn ra một cách hoà bình vẫn được coi là hợp pháp. Quan điểm này thể hiện sự tôn trọng quyền tự định đoạt của người lao động khi tiến hành đình công, nhưng vẫn bảo vệ những lợi ích chính đáng của chủ sử dụng lao động, quyền lợi của những người lao động có liên quan và bảo vệ những lợi ích công cộng.

Các nhà làm luật nên bổ sung quy định về cách thức đình công theo hướng liệt kê những hình thức ngừng việc mà tập thể lao động không được phép tiến hành như: đình công chiếm xưởng, đình công ủng hộ, lãn công, đồng thời nghiêm cấm những biểu hiện bạo lực, quá khích trong quá trình đình công. Ngoài những cách thức đình công bị cấm nêu trên, người lao động có thể tiến hành mọi hình thức đình công khác theo nguyên tắc được làm những gì pháp luật không cấm.

Trên đây là một số đè xuất, góp ý nhằm hướng tới việc ban hành Pháp lệnh về thủ tục đình công và giải quyết đình công, sao cho phù hợp và khả thi hơn, từng bước nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về đình công ở nước ta.

– – – –

[1] Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, báo cáo khảo sát tình hình đình công trong các doanh nghiệp, Hà Nội 2000, tr.20

[2] Vicente B.Amador, The Law on strike, University of the Philipin, Publichshed by Centra Proffesinonal Books, West Pub. Co

[3] Uỷ ban các chuyên gia của ILO, bản tổng khảo sát về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể, Giơnevơ 1963

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 54 THÁNG 7 NĂM 2005 – ĐỖ NGÂN BÌNH

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)