1. Khái niệm

Căn cứ Điều 1 của Nghị quyết Số: 03/2015/NQ-HĐTP quy định:

“Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

2. Tiêu chí lựa chọn án lệ

Thứ nhất, phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau;

Thứ hai, phải phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;

Thứ ba, phải có tính chuẩn mực;

Thứ tư, phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Ví dụ: đối với án lệ số 04/2016/AL về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” thì án lệ này có thể sử dụng trong trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác.

3. Nguyên tắc khi áp dụng án lệ

Nguyên tắc 1: Khi áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau;

Nguyên tắc hai: Khi áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định, tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.

4. Những tác động tích cực của việc thừa nhận án lệ  

Việc thừa nhận án lệ trong hệ thống pháp lật góp phần to lớn vào việc bổ sung những khiếm khuyết, những “lỗ hổng” của pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nên kinh tế quốc tế, các quan hệ kinh tế, dân sự đang phát triển tùng ngày từng giờ vì vậy pháp luật không thể dự liệu được hết tất cả các tình huống nảy sinh trong cuộc sống, và cuộc sống không thể chờ pháp luật mới nảy sinh. Việc phát triển hệ thống án lệ không những giải quyết kịp thời thỏa đáng quyền lợi của người dân mà còn phù hợp với thông lệ thế giới, với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Đồng thời với quy định này sẽ tạo điều kiện cho thẩm phán chủ động sáng tạo trong hoạt động xét xử.

5. Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng án lệ

Một là, số lượng án lệ hiện nay còn hạn chế, tính tới thời điểm hiện tại chỉ có 16 án lệ được công bố không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Hai là, đội ngũ thẩm phán của nước ta từ trước tới nay chưa được đào tạo áp dụng án lệ, do đó trong quá trình áp dụng bằng án lệ sẽ lúng túng dẫn tới áp dụng không hiệu quả.

Ba là, việc quy định công bố án lệ thuộc về chánh án tòa án nhân dân tối cao dựa trên sự lựa chọn của hội đồng thẩm phán, trong khi ở Việt Nam cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật duy nhất là Quốc hội có thể dẫn tới chồng chéo về chức năng.

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group về vấn đề này. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn Pháp luật Dân sự – Công ty Luật LVN Group