Bán hàng lỗ vốn (Sale below costs: Là hiện tượng bán hàng hoá với giá không đủ bù đắp chi phí sản xuất tính theo đơn vị sản phẩm (tức là thấp hơn tổng giá thành sản xuất + chi phí quản trị, bán hàng, chi phí chung khác). Nếu có hiện tượng bán lỗ vốn hàng hoá tại thị trường nội địa nước xuất khẩu trong thời gian dài và với số lượng đáng kể thì xem như hàng hoá đó không được bán trong điều kiện thương mại bình thường và do đó giá thông thường sẽ không được tính theo giá bán hàng hoá tại thị trường
Bảng câu hỏi/Bảng hỏi (Questionnaire)
Bảng câu hỏi là một mẫu bao gồm các câu hỏi chi tiết về tình hình sản xuất, bán hàng, về các loại chi phí, về thiệt hại…để các bên liên quan trả lời và gửi về cơ quan điều tra. Gửi Bảng câu hỏi là hình thức thu thập thông tin chủ yếu của cơ quan điều tra để xác định biên phá giá và thiệt hại, được thực hiện ngay sau khi khởi xướng điều tra. Thông thường có 2 loại bảng câu hỏi : Bảng câu hỏi điều tra về phá giá (gửi cho các nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu) và Bảng câu hỏi điều tra về thiệt hại (gửi cho các nhà sản xuất nội địa nước nhập khẩu). Trường hợp cơ quan điều tra thấy cần thiết thì có thể gửi Bảng câu hỏi bổ sung (cho các đối tượng đã trả lời Bảng câu hỏi ban đầu).
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Bên liên quan (Concerned Party/Interested party)
Trong vụ việc chống bán phá giá, các bên liên quan là chủ thể có quyền và lợi ích trực tiếp đến vụ việc, được tham gia vào các quá trình điều tra và có các quyền và nghĩa vụ tố tụng tương ứng. Các bên liên quan bao gồm (i) Nhà sản xuất và/hoặc xuất khẩu nước ngoài; nhà nhập khẩu sản phẩm bị điều tra; hiệp hội ngành nghề có đa số thành viên là các chủ thể này; (ii) Nhà sản xuất các sản phẩm tương tự tại nước nhập khẩu; hiệp hội ngành nghề mà đa số thành viên là các chủ thể này; (iii) Chính phủ nước xuất khẩu; và một số chủ thể khác theo quy định của từng nước (đại diện người lao động, đại diện người tiêu dùng, các nhà sản xuất sử dụng sản phẩm bị kiện làm nguyên liệu đầu vào…).
Biện pháp chống bán phá giá (Antidumping Measures)
Biện pháp chống bán phá giá là tất cả các biện pháp mà nước nhập khẩu có thể sử dụng để chống lại hiện tượng bán phá giá của hàng nhập khẩu (sau khi có kết luận cuối cùng khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể). Trong đa số các trường hợp, biện pháp chống bán phá giá là áp đặt thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu (thuế phần trăm giá trị sản phẩm hoặc thuế cố định trên đơn vị sản phẩm). Biện pháp chống bán phá giá còn có thể là các hạn ngạch nhập khẩu hoặc kết hợp giữa hạn ngạch nhập khẩu và thuế chống bán phá giá.
Biện pháp tạm thời (Provisional Measures)
Biện pháp tạm thời là biện pháp chống bán phá giá áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện bị điều tra trước khi có kết luận cuối cùng về vụ việc. Biện pháp này thường được thực hiện khi vụ điều tra có kết luận sơ bộ cho rằng có việc bán phá giá gây thiệt hại. Biện pháp tạm thời thường được thực hiện dưới các hình thức thuế tạm thời hoặc một khoản bảo đảm/đặt cọc (bond/cash deposit) với mức bằng hoặc thấp hơn biên độ phá giá xác định trong kết luận sơ bộ.
Biên độ phá giá tối thiểu (De minimis Dumping Margin)
Biên độ phá giá tối thiểu là biên độ phá giá dưới 2%. Biên độ phá giá bị xem xét trong các vụ việc chống bán phá giá phải từ 2% trở lên. Do đó, trong trường hợp có kết luận biên độ phá giá là tối thiểu thì việc điều tra sẽ được đình chỉ đối với trường hợp này.
Biên độ phá giá/Biên phá giá (Dumping Margin)
Biên độ phá giá là mức độ chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu (tính trên giá xuất khẩu), theo công thức “Biên độ phá giá = (Giá thông thường – Giá xuất khẩu)/Giá xuất khẩu”. Giá thông thường càng cao hơn giá xuất khẩu thì biên độ phá giá càng lớn. Biên phá được tính riêng cho từng nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài hoặc tính chung cho một nhóm nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài tuỳ thuộc vào việc họ có hợp tác tham gia vụ điều tra hay không.
Các bước điều tra chống bán phá giá (Investigation steps/phrases)
Việc điều tra chống bán phá giá được thực hiện tuần tự theo nhiều bước từ khi có đơn khởi kiện cho đến khi có kết luận cuối cùng. Có thể tóm tắt các bước điều tra lần lượt theo thứ tự thời gian như sau : (i) Đơn kiện, (ii) Quyết định khởi xướng điều tra ; (iii) Điều tra sơ bộ ; (iv) Kết luận sơ bộ (có thể kèm theo Biện pháp tạm thời) ; (v) Điều tra cuối cùng ; (vi) Kết luận cuối cùng (có hoặc không áp dụng Thuế chống bán phá giá); và (vii) Các hình thức rà soát lại.
Cam kết về giá/Thoả thuận đình chỉ (Price Undertakings/Suspension Agreement)
Cam kết về giá (hoặc « Thoả thuận đình chỉ » theo pháp luật Hoa Kỳ) là thoả thuận giữa từng nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu trong đó nhà sản xuất-xuất khẩu tự nguyện cam kết tăng giá lên hoặc ngừng/hạn chế khối lượng xuất khẩu vào nước nhập khẩu. Cam kết về giá chỉ có thể được thực hiện sau khi có kết luận sơ bộ khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại. Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu có quyền chấp thuận hoặc từ chối đề nghị cam kết giá của nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài. Nếu cam kết về giá được chấp thuận thì việc điều tra đối với nhà sản xuất-xuất khẩu đó sẽ được chấm dứt (trừ khi họ đề nghị tiếp tục điều tra).
Cấp độ thương mại (Trade Level)
Khi so sánh giá thông thường và giá nhập khẩu, để đảm bảo công bằng tương đối, người ta phải điều chỉnh các loại giá này về cùng một cấp độ thương mại (thông thường là chuyển về mức giá xuất xưởng, tức là giá của sản phẩm tại thời điểm sản phẩm rời nhà máy sản xuất). Nếu cấp độ thương mại được lựa chọn là “giá xuất xưởng” thì tất cả các chi phí phát sinh sau thời điểm sản phẩm xuất xưởng (phí vận chuyển, đóng gói, bán hàng…) trong giá thông thường và giá xuất khẩu sẽ được khấu trừ đi.
Cố ý chuyển đổi để tránh thuế (Circumvention)
Liên minh châu Âu qui định thuế chống bán phá giá không chỉ áp dụng cho đối tượng chịu thuế (là các sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ các nước xuất khẩu liên quan) mà còn áp dụng với các sản phẩm tương tự hoặc các bộ phận cấu thành của sản phẩm tương tự nhập khẩu từ các nước khác khi có hiện tượng cố ý thực hiện chuyển đổi để tránh thuế.
Cố ý chuyển đổi để tránh thuế (circumvention) là hiện tượng xảy ra khi có sự thay đổi trong phương thức kinh doanh thương mại giữa các nước ngoài Liên minh và Liên minh châu Âu (hình thành từ thực tiễn, qui trình hoặc việc sản xuất) mà:
– Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu là do việc áp đặt biện pháp chống bán phá giá (các nguyên nhân hoặc lý do kinh tế khác đều không đủ để giải thích hiện tượng này);
– Có chứng cứ chứng minh rằng hiệu quả của các biện pháp chống bán phá giá đối với giá cả và/hoặc số lượng sản phẩm tương tự bị suy giảm; và rằng có hiện tượng bán phá giá của sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm gần giống.
Giá thông thường (Normal Value/Fair Value)
Giá thông thường (hoặc “giá trị công bằng” theo pháp luật Hoa Kỳ) của sản phẩm bị điều tra là một trong hai loại giá được sử dụng để tính toán biên độ phá giá. Giá thông thường càng cao thì biên độ phá giá càng lớn.
Trường hợp nước xuất khẩu được xem là có nền kinh tế thị trường, Giá thông thường được tính theo một trong 3 cách sau, tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể trong từng vụ việc: (i) giá thông thường là giá bán của sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa nước xuất khẩu; (ii) giá thông thường là giá bán sản phẩm tương tự từ nước xuất khẩu sang một nước thứ ba; (iii) giá thông thường là giá tính toán/giá xây dựng của sản phẩm tương tự, bằng tổng của giá thành và các chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí chung và một khoản lợi nhuận hợp lý.
Trường hợp nước nhập khẩu bị xem là có nền kinh tế phi thị trường thì Giá thông thường có thể được tính toán theo cách thức mà nước nhập khẩu cho là hợp lý (thường là theo cách lựa chọn một nước thứ ba có nền kinh tế thị trường có điều kiện gần tương tự để thay thế, sau đó các yếu tố sản xuất ra sản phẩm tại nước xuất khẩu sẽ được tính theo mức chi phí thực tế tại nước thay thế).
Giá xuất khẩu (Export Price/US Price)
Giá xuất khẩu (hoặc « Giá Hoa Kỳ » theo pháp luật Hoa Kỳ) của sản phẩm bị điều tra là một trong hai loại giá được sử dụng để tính toán biên độ phá giá. Giá xuất khẩu càng thấp thì biên độ phá giá càng lớn. Giá xuất khẩu được tính theo giá bán sản phẩm từ nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài cho nhà nhập khẩu nước nhập khẩu (giá ghi trên hợp đồng mua bán, trên invoice…). Trường hợp không có giá xuất khẩu (ví dụ chỉ là hợp đồng hàng đổi hàng hoặc chuyển hàng từ công ty mẹ sang công ty con) hoặc giá xuất khẩu không đáng tin cậy (ví dụ khi nhà nhập khẩu và nhà sản xuất nước ngoài có quan hệ phụ thuộc) thì giá xuất khẩu được tính là giá bán sản phẩm từ nhà nhập khẩu cho người mua đầu tiên (với điều kiện là người mua này và nhà nhập khẩu không có quan hệ phụ thuộc)
Giai đoạn điều tra (Period of investigation)
Giai đoạn điều tra là khoảng thời gian diễn ra các hoạt động nhập khẩu hàng hoá bị nghi ngờ là bán phá giá làm cơ sở để tính toán biên độ phá giá và xác định thiệt hại, được tính ngược kể từ thời điểm bắt đầu vụ việc trở về trước. Có 2 loại giai đoạn điều tra: Giai đoạn điều tra để xác định phá giá (thường là khoảng thời gian 1 năm kể từ khi có đơn kiện trở về trước); và Giai đoạn điều tra để xác định thiệt hại (thường là khoảng thời gian 3 năm kể từ khi có đơn kiện trở về trước). Cơ quan điều tra sẽ xác định giai đoạn điều tra cụ thể đối với từng vụ việc.
Hồi tố (Retrospective Measures)
Hồi tố là việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hoá bị điều tra nhập khẩu vào nước nhập khẩu trong khoảng thời gian trước khi có quyết định áp đặt thuế chống bán phá giá chính thức (nếu không hồi tố thì việc áp thuế chỉ có hiệu lực đối với hàng nhập khẩu kể từ thời điểm có quyết định áp thuế chính thức). Có 2 loại hồi tố gồm: (i) hồi tố đối với khoảng thời gian áp dụng biện pháp tạm thời; và (ii) hồi tố đối với khoảng thời gian từ 90 ngày trước khi áp dụng biện pháp tạm thời cho đến khi có quyết định áp thuế chính thức). Hồi tố chỉ áp dụng khi đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Không hợp tác (Non-Cooperating)
Không hợp tác là việc một hoặc một số bên liên quan từ chối không tham gia vụ kiện hoặc không tích cực tham gia vụ kiện bằng nhiều hình thức khác nhau (không tự giới thiệu mình với cơ quan có thẩm quyền, từ chối không cung cấp thông tin thuộc quyền kiểm soát của mình, cung cấp thông tin sai lệch, từ chối không cho điều tra thực địa, các hành vi khác cản trở hoạt động điều tra). Việc một bên bị coi là không hợp tác trong quá trình điều tra có thể dẫn tới các quyết định mang tính trừng phạt của cơ quan có thẩm quyền đối với bên đó (ví dụ sử dụng thông tin bất lợi khi ra quyết định, áp đặt mức thuế cao mang tính trừng phạt).
Lợi ích công cộng/quốc gia/cộng đồng (Public/National/Community Interest)
Lợi ích công cộng (hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích Cộng đồng) là một điều kiện để quyết định có áp đặt thuế/biện pháp chống bán phá giá hay không (bên cạnh 3 điều kiện khác là Phá giá; Thiệt hại đáng kể; và Mối quan hệ giữa việc Bán phá giá và Thiệt hại). Một số nước quy định trước khi ra quyết định áp thuế cơ quan có thẩm quyền phải xem xét xem việc áp thuế đó có ảnh hưởng đến lợi ích công cộng hay không; và quyết định áp thuế sẽ chỉ được đưa ra nếu nó không gây phương hại đến lợi ích công cộng. Đây là quy định có lợi hơn cho nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài trong vụ việc chống bán phá giá nhưng lại không phải quy định bắt buộc (và do đó có nước quy định điều kiện này, có nước không).
Lượng nhập khẩu không đáng kể (Negligible Volume of Import)
Lượng nhập khẩu được xem là không đáng kể khi tổng lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ tất cả các nhà sản xuất-xuất khẩu từ một nước xuất khẩu bị điều tra sang nước nhập khẩu nhỏ hơn 3% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm đó từ tất cả các nước xuất khẩu khác. Vụ việc chống bán phá giá sẽ chấm dứt ngay đối với các trường hợp được kết luận là có lượng nhập khẩu không đáng kể. Tuy nhiên nếu có nhiều nước xuất khẩu bị điều tra cùng có lượng nhập khẩu không đáng kể và tổng lượng nhập khẩu từ các nước này lại chiếm 7% lượng nhập khẩu từ tất cả các nước vào nước nhập khẩu thì vụ việc vẫn được tiếp tục.
Nền kinh tế phi thị trường (Non-market Economy)
Nền kinh tế phi thị trường được dùng để chỉ các nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa. Mỗi nước điều tra có quy định riêng về các tiêu chí xác định nền kinh tế phi thị trường. Khi một nước xuất khẩu bị xem là có nền kinh tế phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán Giá thông thường sẽ không được sử dụng và nước nhập khẩu có thể sử dụng các phương pháp tính toán khác mà mình cho là hợp lý. Trên thực tế, quy định này tạo ra bất lợi rất lớn cho các nhà sản xuất-xuất khẩu từ nước bị xem là có nền kinh tế phi thị trường. Pháp luật một số nước để ngỏ khả năng từng nhà sản xuất-xuất khẩu có thể chứng minh rằng hoạt động kinh doanh của mình hoàn toàn tuân theo các nguyên tắc thị trường dù cho nền kinh tế nước xuất khẩu bị xem là phi thị trường.
Ngành sản xuất nội địa (Domestic Industry)
Ngành sản xuất nội địa là ngành sản xuất của nước nhập khẩu sản xuất ra các sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra.
Nhà sản xuất, xuất khẩu được lựa chọn (Selected Parties)
Nhà sản xuất, xuất khẩu được lựa chọn là các bên liên quan được cơ quan điều tra lựa chọn để tham gia điều tra bắt buộc. Việc lựa chọn này chỉ thực hiện khi có quá nhiều các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan khiến cho việc điều tra không thể thực hiện được với tất cả và phải hạn chế ở một số lượng nhất định. Việc lựa chọn được thực hiện hoặc bằng cách chọn mẫu ngẫu nhiên, hoặc bằng cách chọn các nhà sản xuất, xuất khẩu có lượng sản phẩm lớn. Các nhà sản xuất, xuất khẩu được lựa chọn sẽ được hưởng biên phá giá riêng. Các nhà sản xuất, xuất khẩu không được lựa chọn sẽ bị áp một biên phá giá chung bằng bình quân gia quyền biên phá giá của các nhà sản xuất, xuất khẩu được lựa chọn (trừ khi họ có đề nghị tính biên phá giá riêng và đã tự nguyện trả lời bảng hỏi); các nhà sản xuất-xuất khẩu không hợp tác sẽ bị áp biên phá giá cao nhất trong số các biên phá giá riêng lẻ.
Nhà xuất khẩu mới (New Exporter)
Nhà xuất khẩu mới là nhà sản xuất-xuất khẩu nước ngoài không nhập khẩu hàng vào nước nhập khẩu trong giai đoạn điều tra và không có mối quan hệ phụ thuộc với các nhà sản xuất-xuất khẩu bị điều tra trong vụ việc chống bán phá giá. Nhà xuất khẩu mới có thể đề nghị cơ quan điều tra thực hiện điều tra nhanh để xác định biên phá giá riêng cho mình.
Nước nhập khẩu (Importing Country)
Nước nhập khẩu là nước nhập khẩu sản phẩm liên quan và là nước tiến hành việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm đó.
Nước tương tự Nước thay thế (Analogue country)/(Surrogate country)
Nước tương tự theo cách dùng của EU hay Nước thay thế theo cách dùng của Mỹ là nước thứ ba có nền kinh tế thị trường được dùng để xác định giá thông thường của sản phẩm điều tra trong các vụ kiện mà nước xuất khẩu có nền kinh tế phi thị trường (non-economic market). Trong các trường hợp này, biên độ bán phá giá sẽ được tính trên cơ sở so sánh giữa giá xuất khẩu của sản phẩm với giá thông thường tính theo giá trị tại nước thứ ba thay thế.
Nước xuất khẩu (Exporting Country)
Nước xuất khẩu là nước sản xuất và xuất khẩu sản phẩm là đối tượng của vụ việc chống bán phá giá sang nước nhập khẩu. Trường hợp sản phẩm không được xuất khẩu trực tiếp từ nước sản xuất sang nước nhập khẩu mà xuất sang nước trung gian rồi mới lại được xuất tiếp sang nước nhập khẩu thì nước xuất khẩu là nước cuối cùng mà từ đó sản phẩm được xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Trường hợp sản phẩm chỉ được trung chuyển qua một nước khác (chỉ chuyển qua cảng) hoặc nước trung gian không sản
xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm đó thì nước xuất khẩu vẫn là nước nơi sản xuất ra sản phẩm.
Phiên điều trần (Hearings)
Phiên điều trần là buổi đối chất do cơ quan điều tra tiến hành trên cơ sở yêu cầu của các bên liên quan trong đó các bên liên quan được trình bày trực tiếp lập luận của mình, nghe đối phương trình bày lập luận và được trả lời các lập luận của đối phương.
Quan hệ phụ thuộc (Affiliated Persons)
Hai chủ thể được xem là có quan hệ phụ thuộc với nhau khi một chủ thể kiểm soát chủ thể khác, khi cả hai cùng bị một bên thứ ba kiểm soát, cả hai cùng thuộc sự kiểm soát của một bên thứ ba. Quan hệ phụ thuộc được xem là căn cứ để cho thấy hai chủ thể không độc lập với nhau và do đó các bằng chứng, thông tin mà họ cung cấp trong vụ việc chống bán phá giá có thể không khách quan và có thể sẽ không được cơ quan điều tra tính đến (ví dụ giá xuất khẩu sẽ không đáng tin cậy nếu nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có quan hệ phụ thuộc; giá thành sản xuất sẽ không khách quan nếu nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào có quan hệ phụ thuộc).
Rà soát do thay đổi hoàn cảnh (Rà soát giữa kỳ) (Changed circumstance Review/Interim Review)
Rà soát do thay đổi hoàn cảnh là hình thức rà soát được tiến hành sau khi đã áp thuế chống bán phá giá được một thời gian nhất định để xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá có còn cần thiết hay không và/hoặc liệu thiệt hại có tiếp tục hoặc tái xuất hiện nếu thuế chống bán phá giá bị huỷ bị hoặc thay đổi hay không. Rà soát này được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của bên liên quan (hoặc theo sáng kiến của chính cơ quan điều tra) với suy đoán rằng cùng với thời gian, dưới tác động của sự phát triển khoa học ông nghệ, phương thức bán hàng, nhu cầu tiêu dùng…, việc áp thuế và mức thuế áp đặt có thể không còn phù hợp và do đó cần được điều chỉnh hoặc huỷ bỏ. Nếu kết quả rà soát cho thấy thuế chống bán phá giá không còn cần thiết hoặc không còn có căn cứ thì quyết định áp thuế sẽ bị huỷ bỏ.
Rà soát hoàn trả thuế/Rà soát hành chính (Refunding Review/Administrative Review)
Rà soát hoàn trả thuế (hay còn gọi là “Rà soát hành chính” theo pháp luật Hoa Kỳ) là hình thức rà soát để xác định chính xác biên độ phá giá thực tế của hàng hoá trong khoảng thời gian từ khi có quyết định áp thuế chính thức (hoặc kể từ khi có kết quả rà soát liền trước) cho đến khi có yêu cầu rà soát của bên liên quan (hoặc của chính cơ quan điều tra). Rà soát hoàn trả thuế thường được tiến hành theo yêu cầu của một bên liên quan. Nếu kết quả rà soát cho thấy biên độ phá giá thực tế trong khoảng thời gian được rà soát thấp hơn mức thuế chống bán phá giá đã nộp thì cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ hoàn trả lại phần thuế đã nộp vượt quá biên phá giá thực tế.
Rà soát hoàng hôn/Rà soát cuối kỳ (Sunset Review)
Rà soát hoàng hôn là rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát (nếu rà soát được tiến hành cả về biên phá giá và thiệt hại). Rà soát được thực hiện theo yêu cầu của bên liên quan hoặc theo sáng kiến của chính cơ quan điều tra. Nếu kết quả rà soát cho thấy việc ngừng áp thuế chống bán phá giá có thể làm tiếp diễn hoặc tái xuất hiện hiện tượng bán phá giá và thiệt hại thì thuế chống bán phá giá sẽ tiếp tục được áp dụng thêm 5 năm nữa.
Sản phẩm liên quan theo định nghĩa của Hoa Kỳ
– Sản phẩm bị điều tra (Subject merchandise): là những sản phẩm nhập khẩu bị kiện bán phá giá và là loại sản phẩm sẽ bị áp đặt thuế chống bán phá giá nếu quyết định chống bán phá giá được ban hành.
– Sản phẩm nước ngoài tương tự với sản phẩm bị điều tra (Foreign like product): là các sản phẩm sản xuất bởi các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan và được bán tại thị trường nước ngoài (nước xuất khẩu hoặc nước thứ ba, tuỳ từng trường hợp) giống hệt, hoặc giống về những thành phần cơ bản với giá trị tương đương, hoặc giống về mục đích sử dụng với sản phẩm đang bị điều tra, được sử dụng trong so sánh để xác định xem có việc bán phá giá không;
– Sản phẩm nội địa tương tự với sản phẩm bị điều tra (Domestic like product): là các sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ tương tự với sản phẩm bị điều tra, được sử dụng khi xác định ngành sản xuất nội địa liên quan và xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất đó
Sản phẩm tương tự (Like Product)
Sản phẩm tương tự là sản phẩm giống hệt (về tất cả các đặc tính) với sản phẩm bị điều tra. Trường hợp không có sản phẩm nào như vậy thì sản phẩm tương tự là sản phẩm mặc dù không giống hệt nhưng có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm bị điều tra. Việc xác định sản phẩm tương tự có ý nghĩa quan trọng trong xác định giá thông thường (là giá của sản phẩm tương tự bán trên thị trường nội địa) và ngành sản xuất nội địa chịu thiệt hại (là ngành sản xuất của nước nhập khẩu sản xuất ra các sản phẩm tương tự).
Thiệt hại và thiệt hại đáng kể (Injury & material injury)
Thiệt hại là những tổn thất mà ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu phải chịu do việc hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra (thể hiện ở mức suy giảm về doanh số, lợi nhuận, thị phần, năng suất, tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư, giá,…). Trong vụ việc chống bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất nội địa chỉ được tính đến nếu đó là thiệt hại đáng kể và có nguyên nhân từ việc hàng hoá nhập khẩu bán phá giá (tuy nhiên, không có định nghĩa cụ thể thế nào là thiệt hại đáng kể; và việc bán phá giá không nhất thiết là nguyên nhân duy nhất hay nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiệt hại đó). Có 3 loại thiệt hại được xem xét, bao gồm (i) thiệt hại thực tế; (ii) nguy cơ đe doạ gây thiệt hại và (iii) thiệt hại thể hiện ở hệ quả ngăn cản sự hình thành của một ngành sản xuất trong nước nhập khẩu.
Thời hạn điều tra (Time-limit for investigation)
Thời hạn điều tra là khoảng thời gian mà việc điều tra chống bán phá giá phải được kết thúc trước khi hết khoảng thời gian đó. Thông thường thời hạn điều tra chống bán phá giá là 12 tháng và trong mọi trường hợp không được kéo dài quá 18 tháng.
Thông báo khởi xướng/bắt đầu điều tra (Notice of Initiation)
Thông báo khởi xướng điều tra là việc công khai quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá của cơ quan có thẩm quyền trên Công báo. Các thời hạn điều tra được tính bắt đầu từ thời điểm có Thông báo khởi xướng điều tra này. Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan cũng phát sinh kể từ thời điểm này.
Thông tin (Information)
Thông tin là tất cả các tài liệu, chứng cứ và các thông tin khác mà các bên cung cấp hoặc cơ quan điều tra thu thập được trong quá trình điều tra. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên liên quan cung cấp thông tin, tiếp cận các thông tin (trừ thông tin mật) mà các bên khác cung cấp cho cơ quan điều tra. Các bên có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, cho phép cơ quan điều tra tiếp cận các thông tin do mình kiểm soát khi có yêu cầu. Việc từ chối cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không chính xác hoặc từ chối không cho phép cơ quan có thẩm quyền tiếp cận thông tin thuộc quyền kiểm soát của mình có thể bị xem là không hợp tác và có thể sẽ bị bất lợi.
Thông tin mật (Confidential Information)
Thông tin mật là thông tin mà bản thân nó có tính bảo mật (thông tin mà khi công bố sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho đối thủ hoặc ảnh hưởng xấu đến người cung cấp/giữ thông tin) hoặc thông tin mà bên liên quan cung cấp cho cơ quan điều tra dưới dạng thông tin mật. Bên cung cấp thông tin mật phải có lý do chính đáng giải thích tại sao đó lại là thông tin mật đối với mình và phải trình một bản tóm tắt nội dung thông tin đó (trừ khi có lý do chính đáng không thể tóm tắt được, ví dụ khi thông tin thuần tuý là những con số).
Thông tin sẵn có (Fact available)
Thông tin sẵn có là thông tin mà cơ quan điều tra có thể tìm kiếm được, được sử dụng để thay thế cho những thông tin mà bên liên quan đã từ chối không cung cấp, không cho tiếp cận hoặc cung cấp với nội dung sai lệch. Thông tin sẵn có được sử dụng khi bên liên quan không hợp tác và đó thường là những thông tin bất lợi cho bên đó.
Điều chỉnh giá (Prices Adjustments)
Điều chỉnh giá là việc bổ sung hoặc khấu trừ một số yếu tố cấu thành giá thông thường và giá xuất khẩu để đưa hai loại giá này về cùng một mức có thể so sánh được một cách hợp lý. Các hình thức điều chỉnh giá bao gồm (i) điều chỉnh về cùng một cấp độ thương mại; (ii) điều chỉnh về cùng một thời điểm hoặc các thời điểm gần nhau; (iii) điều chỉnh các khác biệt khác (ví dụ khác biệt về điều kiện bán hàng, thuế, dung lượng thương mại, đặc tính vật lý, loại tiền tệ…)
Điều kiện thương mại bình thường (Sales in ordinary course of trade)
Bán hàng trong điều kiện thương mại bình thường là một trong các điều kiện để có thể tính giá thông thường theo giá bán sản phẩm tại thị trường nội địa nước xuất khẩu (cách tính chuẩn và công bằng nhất). Không có định nghĩa cụ thể về điều kiện thương mại bình thường nhưng Bán hàng lỗ vốn là một ví dụ của việc bán hàng trong điều kiện thương mại không bình thường.
Điều tra thực địa (On-spot Investigation)
Điều tra thực địa là hình thức điều tra mà cơ quan điều tra tiến hành tại cơ sở sản xuất của các bên liên quan để xác minh tính chính xác và trung thực của các thông tin do các bên cung cấp và tìm kiếm thêm các thông tin khác. Điều tra thực địa được tiến hành tại nước nhập khẩu và tại nước xuất khẩu. Việc điều tra phải được thông báo trước và phải được sự chấp thuận của Chính phủ nước xuất khẩu và chủ thể bị điều tra. Một bên liên quan không chấp thuận cho điều tra thực địa khi cơ quan điều tra có yêu cầu có thể bị xem là “không hợp tác”.
Điều tra tiền tố tụng (Pre-initition Investigation)
Điều tra tiền tố tụng là hình thức điều tra nhanh được cơ quan điều tra thực hiện trước khi quyết định khởi xướng điều tra. Điều tra tiền tố tụng thường bao gồm các nội dung sau (i) kiểm tra xem người nộp đơn có đủ tư cách nộp đơn không; (ii) kiểm tra sơ bộ xem các bằng chứng trong đơn kiện có đủ để khởi xướng điều tra hay không; (iii) kiểm tra xem biên phá giá hay khối lượng nhập khẩu có thuộc diện « không đáng kể » hay không. Trên cơ sở kết quả điều tra tiền tố tụng, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi xướng điều tra hoặc từ chối khởi xướng điều tra.
Đình chỉ/Chấm dứt điều tra (Suspension/Termination of Investigation)
Đình chỉ hay chấm dứt điều tra là việc không tiếp tục vụ việc chống bán phá giá đối với một số hoặc tất cả các chủ thể liên quan. Thông thường, vụ điều tra được đình chỉ/chấm dứt trong các trường hợp (i) đơn kiện bị rút lại; (ii) biên phá giá thấp hơn 2% hoặc lượng nhập khẩu không đáng kể; (iii) kết luận phủ định không có việc bán phá giá gây thiệt hại; (iv) cam kết về giá được chấp thuận.
Đơn kiện (Application)
Đơn kiện là văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu khởi xướng việc điều tra chống bán phá giá đối với một mặt hàng nhập khẩu nào đó. Chủ thể nộp đơn phải đại diện được cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự nội địa nước nhập khẩu. Đơn kiện phải đảm bảo các nội dung bắt buộc, đặc biệt là (i) thông tin về danh tính chủ thể nộp đơn, số lượng, giá trị sản phẩm tương tự do chủ thể này sản xuất ra; (ii) mô tả sản phẩm yêu cầu điều tra; (iii) thông tin về giá thông thường và giá xuất khẩu ; (iv) thông tin về thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa phải chịu. Đơn kiện phải kèm theo những bằng chứng xác thực làm căn cứ cho các thông tin nêu trong đơn kiện.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP
Điện thoại yêu cầu dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn luật, gọi: 1900.0191
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email
Rất mong nhận được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự