Trải qua gần 17 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, với ba lần thay đổi Nghị định, BHYT đã đã tạo nên những thay đổi quan trọng không chỉ về cơ chế, chính sách tài chính y tế mà còn tác động đến nhiều mặt của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) cho nhân dân và đã đạt được những kết quả nhất định.
1. Hệ thống tổ chức bộ máy và chính sách BHYT từng bước được hoàn thiện
Chính sách BHYT ở Việt Nam bắt đầu được triển khai từ năm 1992. Theo Điều lệ BHYT được ban hành kèm theo Nghị định 299/NĐ/CP của Chính phủ, BHYT Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế; BHYT các tỉnh và ngành trực thuộc BHYT Việt Nam. Đến 1998, thực hiện Nghị định số 58/1998/NĐ-CP của Chính phủ, BHYT Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất hệ thống cơ quan BHYT từ trung ương đến địa phương và BHYT ngành để quản lý và thực hiện chính sách BHYT. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước. Từ 1-1-2003, BHYT sáp nhập vào Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đến ngày 8-8-2005 Chính phủ đã có Quyết định thành lập Vụ BHYT thuộc Bộ Y tế để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT.
Trong gần 17 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về BHYT, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, góp phần tích cực tạo nguồn tài chính cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4, vào ngày 14-11-2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật BHYT và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 và ngày này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày BHYT Việt Nam theo Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16-6-2009. Nội dung của Luật BHYT đã cơ bản khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế để từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
2. Đối tượng tham gia BHYT ngày càng được mở rộng và tăng dần số lượng
Đối tượng tham gia BHYT ngày càng được mở rộng sau 3 lần thay đổi Nghị định, đặc biệt là các đối tượng: người nghèo; người có công với cách mạng; cán bộ xã phường thị trấn; đại biểu hội đồng nhân dân; thân nhân của sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và của sỹ quan Công an nhân dân; cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ; người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên; người lao động thuộc các doanh nghiệp ngoài nhà nước không phân biệt số lượng lao động đều tham gia BHYT bắt buộc.
Qua 3 lần thay đổi Nghị định, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 của Chính phủ, đối tượng và phạm vi bao phủ BHYT tăng nhanh và nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh BHYT cũng gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1993 mới chỉ có 3,79 triệu người tham gia BHYT thì đến năm 2005 số người tham gia BHYT đã lên tới 23,7 triệu người, chiếm 28% dân số; năm 2008, tổng số người tham gia BHYT là hơn 39,3 triệu chiếm 46% dân số, tăng hơn 10 lần so với năm 1993.
BHYT tự nguyện được mở rộng đến các đối tượng: nông dân, hội viên các hội đoàn thể quần chúng (phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh..), người ăn theo. Tổng số người tham gia BHYT tự nguyện năm 2008 ước tính tăng hơn 2 lần so với năm 2003.
3. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng đầy đủ hơn
Nghị định 63/2005/NĐ-CP ra đời đã tạo ra nhiều đổi mới trong thực hiện chính sách, người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi khá đầy đủ và toàn diện, vừa đảm bảo khám chữa bệnh với kỹ thuật cao, vừa từng bước đảm bảo quyền lợi về y tế dự phòng và phục hồi chức năng.
4. Tổ chức KBCB và thanh toán chi phí KBCB BHYT ngày càng phù hợp hơn
Cơ sở KBCB BHYT ngày càng được mở rộng, cả khu vực công lập và tư nhân. Việc tổ chức KBCB BHYT tại tuyến xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận, lựa chọn cơ sở KBCB ban đầu phù hợp, góp phần củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu và KBCB thông thường tại tuyến y tế cơ sở. Đây cũng là định hướng rất phù hợp với chủ trương xã hội hoá y tế và giải quyết một phần tình hình quá tải hiện nay tại các cơ sở y tế nhà nước.
Đến nay, cả nước đã có hơn 1.900 cơ sở KBCB cả công lập và ngoài công lập và khoảng 80% số trạm y tế xã, phường có hợp đồng KBCB BHYT.
Số người được KBCB BHYT tăng nhanh hàng năm. Tổng số lượt người KBCB bằng thẻ BHYT trong năm 2005 là hơn 40 triệu và năm 2008 khoảng 80 triệu lượt người, cả nội trú và ngoại trú, tăng 1,2 lần so với năm 2007. Tần suất KBCB của người tham gia BHYT tăng dần hàng năm.
5. Thu, chi quỹ BHYT tăng dần hàng năm
Cùng với việc mở rộng đối tượng, mở rộng quyền lợi, tăng tần suất KCB, chi trả chi phí KBCB từ Quỹ BHYT cho người bệnh tăng dần hàng năm. Tổng thu ước tính của quỹ BHYT năm 2008 là khoảng 9.415 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2007; tổng thu từ BHYT tự nguyện chiếm khoảng 18% tổng thu của quỹ, trong khi số đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chiếm 27% tổng số người tham gia BHYT.
Chi trả KBCB BHYT tăng dần hàng năm; từ năm 2005 xuất hiện hiện tượng bội chi. Năm 2005 bội chi 138 tỷ đồng, năm 2006 bội chi 1.200 tỷ đồng, năm 2007 bội chi 1.840 tỷ đồng; ước tính năm 2008 bội chi 1.450 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được sau gần 17 năm thực hiện chính sách BHYT đã khẳng định:
– Tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Số người tham gia BHYT tăng hàng năm và đã mở rộng các đối tượng tham gia BHYT. Cùng với chính sách Bảo hiểm xã hội, BHYT đã góp phần hình thành và phát triển mạng lưới an sinh xã hội ở nước ta.
– Nguồn kinh phí từ BHYT đã góp phần quan trọng, ổn định trong việc bảo đảm ngân sách hoạt động của các bệnh viện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế. Nguồn thanh toán chi phí KBCB từ quỹ BHYT từ chỗ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nguồn thu của các cơ sở KBCB, cho đến nay BHYT ngày càng tăng lên và chiếm một tỷ lệ đáng kể trong nguồn thu của các bệnh viện công và một số bệnh viện tư.
– Với việc mở rộng cơ sở KBCB BHYT, cả công và tư, BHYT đã tạo thuận lợi cho người bệnh trong việc lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Việc mở rộng KBCB BHYT tại tuyến xã đã góp phần củng cố và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu và KBCB thông thường tại tuyến y tế cơ sở.
– Chính sách BHYT đã góp phần vào thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và công bằng xã hội, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chính sách BHYT còn một số tồn tại, bất cập sau:
– Đối tượng tham gia BHYT đã mở rộng nhưng số người tham gia chưa nhiều, mức độ bao phủ BHYT trong dân số chưa cao (khoảng 46% dân số), đối tượng tham gia BHYT hiện tại chủ yếu là diện bắt buộc. Chưa giải quyết được một số vấn đề, nhất là trong việc bắt buộc sự tham gia đầy đủ của các nhóm đối tượng hay của các chủ sử dụng lao động.
– Một số quy định về quyền lợi của người tham gia BHYT chưa rõ ràng. Nổi cộm hiện nay là những vấn đề liên quan đến phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; quy trình thủ tục trong KBCB; chuyển tuyến, thanh toán chi phí KBCB BHYT…
– Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và mức đóng BHYT khi mở rộng phạm vi bao phủ và quyền lợi, nhất là với các nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhóm tham gia BHYT tự nguyện, ảnh hưởng đến sự an toàn của quỹ BHYT.
– Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT chưa mạnh, chưa đồng bộ, thiếu tính hấp dẫn; sự phối hợp, hợp tác giữa BHXH với cơ sở KBCB còn hạn chế, thiếu sự hợp tác vì mục tiêu chung là công bằng, hiệu quả, cải thiện chất lượng điều trị và thoả mãn sự hài lòng của người bệnh BHYT.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát. Công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được chú trọng; chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giải thích chế độ khám, chữa bệnh BHYT tại nơi khám bệnh; tổ chức và cung cấp dịch vụ y tế tại tuyến xã còn chưa phù hợp; chưa đồng bộ trong chính sách viện phí.
Để khắc phục tình trạng trên và từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là của những người có thẻ BHYT trong thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
1. Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT.
2. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT, triển khai thực hiện Luật BHYT với 3 nội dung cụ thể là:
– Xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật;
– Tổ chức việc học tập phổ biến, tuyên truyền nội dung của Luật;
– Xây dựng chỉ tiêu dân số tham gia BHYT và dành ngân sách nhà nước để mua BHYT cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội;
3. Tăng cường và đổi mới công tác thông tin, truyền thông về BHYT: của các cơ quan thông tấn, báo chí; tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể, nhất là một số đối tượng cần được đặc biệt quan tâm như nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên và chủ sử dụng lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền phải tham gia tích cực vào việc giới thiệu gương tốt trong thực hiện BHYT, đồng thời phát hiện và phê phán những đơn vị và cá nhân không chấp hành nghiêm hay vi phạm Luật BHYT.
4. Củng cố và nâng cao năng lực bộ máy thực hiện BHYT; tăng cường đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác BHYT; tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm… để hoàn thiện chính sách BHYT.
5. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BHYT, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm; đề xuất động viên khen thưởng kịp thời các trường hợp thực hiện tốt chính sách BHYT. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp trong hoạt động BHYT.
– Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế;
– Sử dụng tốt các nguồn đầu tư cho mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở;
– Thực hành tiết kiệm trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Với bản chất nhân đạo của BHYT, với những kết quả đã được khẳng định, với đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tích cực của Chính phủ, sự vào cuộc của toàn xã hội, mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân sẽ sớm trở thành hiện thực./.
SOURCE: TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO SỐ 8 NĂM 2009 – PGS.TS. ĐÀO VĂN DŨNG