Tuy nhiên, tại hội thảo “Thực tiễn áp dụng Luật cạnh tranh trong một số lĩnh vực chuyên ngành – kinh nghiệm của Nhật Bản và thực tiễn ở VN – Những vấn đề đặt ra” cho thấy DN biết về Luật cạnh tranh quá ít (44,4%). Nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành chưa thực sự phối hợp với Cục QLCT, thậm chí có cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn đang “lấn sân” để giải quyết cạnh tranh giữa các DN.
Không phải DN nào cũng biết và hiểu về Luật cạnh tranh được thực thi là để bảo vệ DN. Ông Vũ Bá Phú – Phó cục trưởng Cục QLCT, cho biết: Cuối năm 2008 Cục QLCT đã tổ chức điều tra khảo sát hơn 1.000 DN lớn tại VN về khả năng hiểu Luật cạnh tranh. Kết quả cho thấy chỉ có 44,4% số DN biết đến “sự hiện hữu” của Luật cạnh tranh.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
DN “kêu lầm cửa quan”
Lý do đầu tiên là ở chính DN. Các DN thường hiểu rằng các đơn vị quản lý chuyên ngành đồng thời là đơn vị giải quyết những vấn đề cạnh tranh giữa các DN. Điều đó dẫn đến tình trạng cứ có vấn đề về cạnh tranh các DN thay vì nộp đơn lên Cục QLCT thì lại nộp đơn lên đơn vị quản lý chuyên ngành. Đơn cử, năm 2005 – 2006 sự kiện Viettel kiện VNPT về vấn đề kết nối đường truyền dẫn. Thay vì Viettel nộp đơn cho Cục QLCT, thì lại nộp cho Bộ Bưu chính – Viễn thông (cũ). Khi sự việc căng thẳng, Bộ Bưu chính – Viễn thông trình lên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết. Cục QLCT được Chính phủ lập nên để làm “trọng tài” giải quyết cạnh tranh lại phải đứng ngoài cuộc.
Ông Vũ Bá Phú cho biết thêm: Trong một số dự thảo luật đệ trình Quốc hội, cơ quan quản lý chuyên ngành là đơn vị soạn thảo luật đã đương nhiên đưa các điều khoản xử lý cạnh tranh là của thanh tra cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm như bưu chính, viễn thông, các tổ chức tín dụng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm… Trong dự thảo luật cho rằng DN khi mua bán, sáp nhập, hợp nhất phải làm thủ tục trình, xin phép cơ quan quản lý chuyên ngành, nhưng thực tế việc này DN phải thực thi đúng theo quy trình của Luật cạnh tranh, chứ không phải xin phép cơ quan quản lý chuyên ngành… Chính điều đó khiến các DN hiểu rằng những vấn đề cạnh tranh của DN họ đã có cơ quan quản lý chuyên ngành giải quyết, căn cứ vào luật chuyên ngành và các văn bản kèm theo trong ngành đó mà ít quan tâm đến Luật cạnh tranh.
Luật cạnh tranh bảo vệ quyền lợi DN
Các DN chỉ biết kêu lên cơ quan quản lý ngành về vấn đề cạnh tranh. Cơ quan quản lý ngành đương nhiên cho rằng mình có quyền giải quyết cạnh tranh giữa các DN. Vậy Luật cạnh tranh được áp dụng khi nào và cho ai ? Các chuyên gia cho rằng, theo quy luật phát triển của thời kỳ hội nhập Luật cạnh tranh cần được thực thi hiệu quả mới bảo đảm quyền lợi bình đẳng cho DN. Tiến sĩ luật Nguyễn Hữu Huyên đã đưa ra bằng chứng áp dụng Luật cạnh tranh tại Mỹ và EU để cho thấy Luật cạnh tranh thực sự cần thiết cho DN.
Tại Mỹ năm 1914 đã thông qua hai điều luật về chống độc quyền và luật thành lập Federal trade Commission Act và Clayton Act. Hai luật này có mục đích cấm các hành vi phản cạnh tranh và sáp nhập bất hợp pháp của các DN, đồng thời trao quyền cho thẩm phán toàn quyền xử lý tính bất hợp pháp của các hành vi có thể áp dụng chế tài. Tương tự, khối EU ngay từ Hiệp ước Roma thành lập Liên minh EU là tạo lập một thị trường chung không có rào cản, dựa trên ba nguyên tắc cơ bản tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tự do chuyển dịch lao động và tự do lưu thông địa bàn.
Luật cạnh tranh VN được nghiên cứu dựa trên cơ sở thực tế tình hình phát triển kinh tế, thị trường cạnh tranh VN trong thời kỳ hội nhập WTO và thông qua kinh nghiệm quốc tế. Chính phủ thành lập Cục QLCT để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ DN, như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu vào VN, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Làm gì để DN hiểu – Luật cạnh tranh
Ông Vũ Bá Phú cho biết: Trong 4 năm hoạt động Cục QLCT đã làm “trọng tài” giải quyết nhiều vụ việc cạnh tranh thành công cho các DN, điển hình là việc chỉ đạo thống nhất giá bảo hiểm chung cho gần 20 DN bảo hiểm… Về truyền thông, Luật cạnh tranh, Cục QLCT in ấn các ấn phẩm luật cạnh tranh phát miễn phí cho các DN tại các hội thảo; Phát hành những nghiên cứu chuyên sâu về Luật cạnh tranh… Mới đây Cục QLCT thành lập Văn phòng Đại diện tại TP HCM và Đà Nẵng để tạo điều kiện theo dõi sâu sát hơn các DN.
Nhìn dưới góc độ lạc quan, bà Kumiko Tannaka – Chuyên gia thường trú của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN, chia sẻ: Nhật Bản là một trong những nước thực thi Luật cạnh tranh sớm nhất, từ năm 1947. Thế nhưng cũng phải mất 30 năm Luật cạnh tranh mới được thực thi mang lại hiệu quả đúng với “bản chất của luật”, nên để Luật cạnh tranh đến sâu sát với DN thì cần có thời gian.
Tham gia hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng bao gồm phần lớn lãnh đạo Sở Công Thương khu vực miền Trung, còn DN chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều đại biểu cho rằng tại sao hội nghị quan trọng thế này mà không có DN tham gia để hiểu thấu hơn về Luật cạnh tranh. Đó cũng là một trong những biện pháp truyền thông hiệu quả nhất mà Cục QLCT cần làm ngay.
Tâm Vũ – Theo DDDN