Lực lượng lao động nữ tham gia ngày càng nhiều hơn trong các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc…

Những kết quả bước đầu

Kết quả tham vấn công chúng đối tượng là nữ lao động tại các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài cho thấy các quy định trong Chương X, Bộ Luật Lao động năm 2012 như: việc tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; mức lương, nâng lương, điều kiện, môi trường lao động, chế độ thai sản… được nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc và đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, quyền lợi của lao động nữ trong các doanh nghiệp được bảo đảm và người lao động yên tâm sản xuất, muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi:1900.0191

Đánh giá tình hình việc làm và điều kiện làm việc của lao động nữ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế – Nguyễn Thị Thu Hồng nhận xét, có 94,2% nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp có đủ việc làm thường xuyên, chỉ có 2,8% lao động nữ có việc làm nhưng thất thường; 78,4% lao động nữ thời gian làm thêm giờ có sự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động… Bà Hồng cho biết, việc phát triển tổ chức, đẩy mạnh hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp được các cấp công đoàn quan tâm đáng kể, đã có 69,8% lao động nữ tham gia công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 45,9% tham gia trong doanh nghiệp tư nhân, 69,8% trong các Hợp tác xã, …

Tại thành phố Đà Nẵng, theo số liệu thống kê của Sở Lao động, thương binh và xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố có 9.386 doanh nghiệp, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 215.500 người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 55%, số đơn vị sử dụng lao động nữ từ 30% trở lên thuộc các ngành như công nghiệp, thương mại- dịch vụ, thủy sản… Đa số các doanh nghiệp thực hiện tương đối đầy đủ các chế độ xã hội cho lao động nữ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ dưỡng sau khi sinh.

Vẫn chưa thực hiện nghiêm túc

Những kết quả khảo sát ban đầu cho thấy các quy định pháp luật về lao động nữ đang được thực thi nghiệm chỉnh trong một số doanh nghiệp, đơn vi sử dụng lao động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm túc. Có nơi, có chỗ, có thời điểm còn gây khó dễ trong việc tuyển dụng và sự dụng lao động nữ, trách né các quy định của pháp luật. Nhất là trong điều kiện việc làm còn khó khăn và việc bảo vệ quyền lợi của lao động nữ chưa kịp thời.

Về chính sách tuyển dụng lao động nữ, trên thực tế, sau khi nghỉ thai sản, hầu hết lao động nữ đều có nhu cầu nghỉ thêm không hưởng lương, nhưng không xin nghỉ vì lo bị mất việc làm, chủ doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng. Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tại các doanh nghiệp thực hiện chế độ thai sản đối với lao động nữ cho thấy, chỉ có 74,5% doanh nghiệp thực hiện, 10,2% doanh nghiệp không thực hiện… Như vậy, vẫn còn một tỷ lệ lao động nữ chưa được hưởng những chính sách theo pháp luật quy định.

Hay về chính sách ưu đãi vốn, tại một số doanh nghiệp Nhà nước sử dụng nhiều lao động nữ ở Đà Nẵng, nhu cầu vay vốn sản xuất theo Nghị định 23/CP về chính sách ưu đãi cho lao động nữ vẫn chưa có cơ chế triển khai chính sách. Cụ thể, như các công ty: Công ty Cổ phần dệt Hòa Khánh, Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại Hữu Nghị, Công ty Cổ phần thủy sản Thuận Phước…

Mặc dù, những chính sách để bảo đảm đến quyền và nghĩa vụ của lao động nữ thì bản thân người lao động phải nắm được, nhưng trên thực tế tại một số địa phương, theo đánh giá của Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Văn Diêu khi được hỏi đa số lao động nữ của các doanh nghiệp đều trả lời không biết Nhà nước dành cho họ những ưu đãi gì, cụ thể như thế nào và quy định ở đâu. Nhìn chung, họ không quan tâm nhiều đến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, lợi ích của người lao động mà chỉ quan tâm đến thu nhập và mức lương do doanh nghiệp trả.

Để pháp luật thực thi trong cuộc sống

Để các quy định pháp luật về lao động nữ được thực thi trong cuộc sống thì trước hết phải làm tốt công tác tuyền truyền tới các doanh nghiệp, người sử dụng lao động; đồng thời, phải tuyên truyền để lao động nữ nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình được pháp luật bảo vệ và các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nữ phải hứơng dẫn và giúp người lao động bảo vệ các quyền lợi của mình khi thăm gia lao động. Mặt khác, cần có quy định xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện các quy định; công bố rộng dãi cho người lao động biết các doanh nghiệp, đơn vị này.

Như vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động tới người lao động tại cơ sở, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các chính sách đã ban hành từ trung ương đến địa phương, các văn bản hướng dẫn cần phù hợp và dễ áp dụng. Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, có những chế tài về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm chính sách lao động nữ theo quy định.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – VI HOA

Trích dẫn từ: http://www.nguoidaibieu.com.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế).

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Công ty luật LVN Group – Sưu tầm & Biên tập