Thưa Luật sư của LVN Group, theo em được biết thì suy đoán vô tội là một nguyên tắc hiến định và được áp dụng trong tố tụng giải quyết vụ án hình sự. Vậy việc áp dụng nguyên tắc này trên thực tế ở Việt Nam có bất cập gì? Và giải pháp cho những bất cập đó ra sao ạ? Rất mong nhận được giải đáp từ Luật sư của LVN Group. Xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Nguyễn Diệp – Thanh Oai (Hà Nội)

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Hiến pháp năm 2013

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

2. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội ở Việt Nam

Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhưng việc áp dụng nó trong thực tiễn tố tụng giải quyết vụ án đang bộc lộ những hạn chế cẩn khắc phục để bảo đảm cho nguyên tắc này được thực thi nghiêm chỉnh, đó là các vấn để sau:

Thứ nhất, khắc phục tư tưởng coi người bị cáo buộc phạm tội là người có tội của người tiến hành tố tụng;

Thứ hai, khắc phục tình trạng tuân thủ không nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án;

Thứ ba, khắc phục tình trạng kết tội khi không đủ chứng cứ thuyết phục.

Sự hiện diện nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã tiếp thu những tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại, nội luật hóa các qui định quốc tế về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án bảo đảm tính khách quan, công bằng trong các phán quyết đối với người bị cáo buộc phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng, thi hành nguyên tắc này đang đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, xem xét để bảo đảm thực thi nghiêm túc có hiệu quả nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.

3. Bổ sung nội dung “vì lợi ích cho người bị buộc tội”

Trường hợp có nội dung không rõ ràng trong quy định của pháp luật, thì phải giải thích điều luật đó theo hướng có lợi cho người đang bị điều tra, truy tố hoặc bị kết án vào nguyên tắc suy đoán vô tội.

Mặc dù, đã đưa phần lớn những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội vào Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Điều 13, Điều 15) nhưng vẫn còn những nội dung của nguyên tắc này chưa được đề cập, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc giải thích luật, khi có điều luật chưa được quy định rõ ràng gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật thì phải lựa chọn hướng giải thích có lợi cho người bị cáo buộc phạm tội.

Việc giải thích luật là tất yếu khách quan trong quá trình áp dụng pháp luật do không phải lúc nào luật cũng dự liệu được tất cả các tình huống xảy ra trong thực tiễn, đồng thời việc vận dụng quy định của pháp luật để giải quyết một tình huống cụ thể cũng đòi hỏi phải có sự lý giải, lập luận, giải thích của chủ thể áp dụng luật. Nói cách khác, giải thích luật là quá trình biến luật “trên giấy” trở thành ” đời sống thực tế” của pháp luật, do vậy, với cách tiếp cận này thì giải thích luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc áp dụng pháp luật, nhất là đối với việc buộc tội khi giải quyết vụ án.

Khi giải thích luật người ta phải dựa trên cơ sở khách quan mang tính thực tiễn để bảo đảm tính hợp lý và không trái với nguyên tắc pháp luật được thừa nhận chung. Tuy nhiên, việc giải thích này lại phản ánh ý thức chủ quan của con người nên sẽ có những hướng giải thích khác nhau đối với cùng một sự việc và sẽ đưa tới những hậu quả có khi hoàn toàn trái ngược nhau có lợi hoặc có hại cho người bị tình nghi phạm tội. Thực tế này không đáp ứng được đòi hỏi của của việc bảo vệ quyền con người nên nguyên tắc suy đoán vô tội đã khẳng định mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị tình nghi phạm tội nếu không được loại trừ theo trình tự thủ tục pháp luật quy định thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi. Quy chế Rome năm 1998 về Tòa án hình sự quốc tế và luật đa số các quốc gia trên thế giới đã thể hiện nội dung này “Định nghĩa tội phạm phải được giải thích một cách nghiêm ngặt và không cho phép hiểu rộng ra theo nguyên tắc tương tự luật.Trong trường hợp có nội dung không rõ ràng, thì phải giải thích định nghĩa đó theo hướng có lợi cho người đang bị điều tra, truy tố hoặc bị kết án”. Việc giải thích nói trong nội dung này bao gồm cả việc giải thích luật nội dung (luật hình sự) và luật hình thức (luật tố tụng hình sự) cũng như những lập luận trong thực tế chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những nội dung cơ bản nêu trên đã, đang và sẽ tiếp tục được khẳng định, thừa nhận trong luật tố tụng hình mỗi quốc gia cũng như trong pháp luật quốc tế bởi nó là kết tinh của tri thức nhân loại là kết quả đấu tranh của các lực lượng tiến bộ đối vói sự độc tài của chế độ phong kiến.

Thực tiễn tố tụng hình sự ở nước ta cho thấy khi áp dụng luật các Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhất là tòa án thường phải có giải thích luật, do đó, để bảo đảm quyền con người và thể hiện đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội theo chuẩn mực của pháp luật quốc tế cần bổ sung nội dung “Trong trường hợp có nội dung không rõ ràng, thì phải giải thích điều luật đó theo hướng có lợi cho người đang bị điều tra, truy tố hoặc bị kết án” vào Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

4. Một số vấn đề cần khắc phục trong thực tiễn áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhưng việc áp dụng nó trong thực tiễn tố tụng giải quyết vụ án đang bộc lộ những hạn chế cần khắc phục để bảo đảm cho nguyên tắc này được thực thi nghiêm chỉnh, đó là các vấn đề sau:

4.1. Khắc phục tư tưởng coi người bị cáo buộc phạm tội là người có tội của người tiến hành tố tụng

Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự đang tồn tại khuynh hướng “nhìn nhận bị can, bị cáo như là người đã được coi là phạm tội, dù lỗi của họ chưa được chứng minh. Trong tâm lý học, khuynh hướng đó được gọi là khuynh hướng buộc tội, còn luật học thì gọi đó là “suy đoán có tội”. Đó là một trong những nguyên nhân của vấn đề oan, sai hiện nay. Do đó, cần khắc phục tư tưởng, thói quen “suy đoán” có tội của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lâu nay ở nước ta. Thực tiễn không chỉ của các hoạt động điều tra, truy tố mà cả hoạt động xét xử của Tòa án cho thấy một khuynh hướng nhìn nhận bị can, bị cáo như là người đã được coi là tội phạm, dù lỗi của họ chưa được chứng minh. Có những vụ án gần đây được dư luận quan tâm khi trong suốt quá trình tố tụng giải quyết vụ án, một số người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã “suy đoán có tội”, coi bị can, bị cáo là người đã có tội trong khi hành vi phạm tội của họ chưa được chứng minh một cách thuyết phục, còn nhiều nghi ngờ chưa được giải đáp mà vụ án Hồ Duy Hải là một trong nhiều ví dụ. Bình luận về vụ án này sau khi có phán quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Nghĩa đã nhận xét: “Tôi thấy những luận cứ mà Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đưa ra chưa đủ sức thuyết phục để giải quyết hết những vấn đề được nêu ra bởi ủy ban Tư pháp của Quốc hội và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi chưa giải quyết được hết những vấn đề đó thì quyết định giám đốc thẩm sẽ làm nhiều người lo ngại, băn khoăn nhiều điểm.”. Đồng thời, Đại biểu này còn chỉ rõ hệ lụy về những băn khoăn của Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao: “Bộ luật tố tụng hình sự hiện đang tiếp cận với sự tiến bộ của nền tư pháp của các quốc gia phát triển nhưng theo tôi, quyết định giám đốc thẩm không phát huy được hết những tiến bộ trong đạo luật đó, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội. Mỗi quyết định của tòa giám đốc thẩm vô hình trung sẽ trở thành án lệ hướng dẫn cho công tác tố tụng về sau”.

Khắc phục hạn chế này, ngoài việc nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp, phương pháp tiếp cận quyền người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn phải tiến hành đồng thời nhiều biện pháp một cách thường xuyên, liên tục và với cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với hoạt động tố tụng hình sự.

4.2. Khắc phục tình trạng không tuân thủ nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án

Nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định, một người chỉ bị kết tội và bị áp dụng hình phạt thông qua thủ tục tố tụng hình sự khách quan, công bằng, do đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều đột phá so với những bộ luật trước đó ở nước ta hướng tới mục tiêu dân chủ, công bằng, khách quan. Đồng thời Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng đưa ra yêu cầu: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo qui định của Bộ luật này.” (Điều 7) và “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định” (Điều 13).

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng không tuân thủ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn xảy ra ảnh hưởng tới tính khách quan, công bằng của vụ án, xâm hại quyền con người của người bị cáo buộc phạm tội dẫn đến oan sai, hoặc bỏ lọt tội phạm. Các vi phạm này xảy ra ở tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự và do những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra đối với tất cả các hoạt động tố tụng giải quyết vụ án. Nhận xét về vụ án Hồ Duy Hải, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng: ” những sai sót về mặt tố tụng trong quá trình điều tra cũng như giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã rất rõ. Ủy ban Tư pháp đã trực tiếp giám sát toàn bộ hồ sơ vụ án, gặp Hồ Duy Hải trong trại giam, từ đó mới đưa ra nhận định đánh giá. Dựa trên đánh giá của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban Tư pháp thì những sai sót của quá trình điều tra, bản án sơ thẩm, phúc thẩm là nghiêm trọng.”. Hạn chế này cần được khắc phục mới bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội được thực hiện nghiêm chinh trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án.

4.3. Khắc phục tình trạng kết tội khi không đủ chứng cứ thuyết phục

Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị cáo buộc phạm tội do không đủ căn cứ để kết tội theo trình tự, thủ tục pháp luật qui định thì phải được kết luận họ không có tội bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, thực tế thường xảy ra những vi phạm sau:

Thứ nhất, vi phạm trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Chương VI) về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự, theo đó việc buộc tội một người phải có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của họ và những chứng cứ này phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều vi phạm với những biểu hiện như:

– Thu thập những tài liệu không phản ánh tính khách quan của chứng cứ (là những dấu vết của tội phạm để lại bên ngoài thế giới khách quan), trái với quy định “Chứng cứ là những gì có thật” (Điều 86) là chứng cứ để chứng minh tội phạm, là căn cứ để kết tội bị cáo

Chẳng hạn, ở vụ án Hồ Duy Hải đã sử dụng “con dao”, “cái thớt” mà Cơ quan điều tra mua ở chợ đưa vào để dùng làm căn cứ buộc tội Hải trong suốt quá trình tố tụng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng (Điều 89, 90 Bộ luật tố tụng hình sự về vật chứng và bảo quản vật chứng), nếu không muốn nói hành vi vi này còn cấu thành Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, hoặc Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không tội, hoặc Tội ra bản án, quyết định trái pháp luật theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017;

– Vi phạm ” trình tự, thủ tục” thu thập chứng cứ.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không chỉ quy định “Chứng cứ là những gì có thật” mà còn đòi hỏi phải “được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định” (Điều 86) còn những biểu hiện như: bức cung, dùng nhục hình khi hỏi cung bị can; vi phạm khi khám nghiệm hiện trường…đều là vi phạm. Những tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra có vi phạm về trình tự, thủ tục đều không được coi là chứng cứ làm căn cứ buộc tội bị can, bị cáo;

– Có quan điểm phiến diện, một chiều khi sử dụng lời khai của bị can, người làm chứng… làm chứng cứ buộc tội.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (từ Điều 91 đến Điều 97) quy định về lời khai. Theo đó, lời khai chỉ được coi là chứng cứ khi người có lời khai nói rõ được tại sao họ lại biết được tình tiết đó và không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do họ trình bày nếu không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó. Đồng thời, đối với người bị cáo buộc phạm tội Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 98) còn quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”. Do vậy, việc thống kê bị can đã có mấy chục lần nhận tội trong quá trình điều tra làm căn cứ buộc tội bị cáo là vi phạm, vô nghĩa, Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã có hơn 40 lần nhận tội nhưng cuối cùng Ông vẫn là người bị kết án oan….

Thứ hai, không đủ chứng cứ vẫn kết tội ngưài bị cáo buộc phạm tội.

Thực tiễn đã cho thấy, có những vụ án khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thu thập đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của người bị cáo buộc phạm tội nhưng vẫn kết tội họ theo suy diễn chủ quan đã vi phạm Điều 108, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với quy định: “Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”. Trong vụ án Hồ Duy Hải, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã chỉ ra sai sót trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ: “Trong một vụ án giết người có mấy loại chứng cứ cực kỳ quan trọng.

– Chứng cứ đầu tiên là vật chứng để chứng minh trực tiếp hành vi phạm tội, nhưng quá trình thu thập đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Các vật chứng chủ yếu được kết luận là dùng để gây tội đã biến mất.

– Dấu vết như máu, vân tay nhưng việc thu thập, xét nghiệm có rất nhiều vấn đề.

– Các loại thời gian thời điểm của nghi can, những người khác có liên quan, thời gian thời điểm bị hại tử vong… là yếu tố cần thiết để buộc tội giết người nhưng các yếu tố này trong vụ án Hồ Duy Hải đều có sai sót nghiêm trọng.

Thứ ba, khi vẫn còn nghi ngờ nhưng vẫn kết tội người bị cáo buộc phạm tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội quy định, mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị tình nghi, bị cáo buộc phạm tội nếu không được loại trừ theo trình tự thủ tục pháp luật quy định thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này không phải lúc nào cũng được thực hiện nghiêm chỉnh, mà vụ án Hồ Duy Hải là một ví dụ: Khi còn rất nhiều nghi ngờ chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng giải mã nhưng vẫn kết tội Hồ Duy Hải và trong giải thích, lập luận của các cơ quan này lại theo hướng bất lợi (mà không phải có lợi) cho Hồ Duy Hải.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về nội dung “Thực tiễn áp dụng nguyên tắc “giả định vô tội” và những vấn đề tồn tại trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án hình sự ở Việt Nam”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập