Thế chấp nhà để vay tiền

Trong quá trình làm ăn, vợ chồng ông T. có mắc nợ một số người. Ngoài căn nhà cấp bốn nằm ngay mặt tiền đường thì vợ chồng ông T. không còn tài sản đáng giá nào khác.

Năm 2007, vợ chồng ông T. được Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Địa ốc Đ. ngỏ ý sẽ mua căn nhà của vợ chồng ông. Tháng 11-2007, do chắc mẩm sớm muộn gì công ty cũng mua nhà nên vợ chồng ông T. đồng ý ký hợp đồng thế chấp căn nhà cho Công ty Đ. Theo đó, vợ chồng ông T. có nhiệm vụ giao căn nhà cùng toàn bộ giấy tờ cho Công ty Đ. Ngược lại, công ty cho vợ chồng ông vay 100 triệu đồng trong thời hạn 72 tháng (tức đến tháng 11-2013 mới hết hạn). Việc cho vay này không tính lãi.

Theo hợp đồng thế chấp nhà, công ty sẽ giao ba đợt tiền cho vợ chồng ông T. Sau đó, công ty được toàn quyền sử dụng căn nhà mà không phải trả chi phí. Những sửa chữa để phù hợp với nhu cầu sử dụng sẽ do công ty tự đảm nhận. Trong thời gian thế chấp, vợ chồng ông T. không được bán nhà. Nếu muốn bán thì phải ưu tiên cho công ty được mua. Sau khi nhận tiền đặt cọc (hai triệu đồng), nếu đổi ý thì vợ chông ông T. phải bồi thường gấp đôi số tiền đã đặt cọc. Trường hợp bán nhà trước thời hạn, vợ chồng ông T. phải bồi thường gấp đôi số tiền đã vay cùng các khoản chi phí sửa chữa nhà.

Đáng nói, hợp đồng thế chấp này không có chứng nhận của cơ quan công chứng theo đúng quy định (nhà nằm ở một quận), chỉ có chữ ký hai bên, người làm chứng và đóng dấu giáp lai của Công ty Đ.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Bị vô hiệu ngay từ đầu

Sau khi giao nhà, giấy tờ và nhận tiền, gia đình ông T. mướn phòng trọ ở gần đó để sinh sống. Cùng lúc, công ty chuyển trụ sở tới căn nhà và tiến hành sửa sang. Tuy nhiên, số tiền đã mượn không giúp được vợ chồng ông T. thoát khỏi khó khăn. Hằng tháng, Công ty Đ. đều phụ cấp cho vợ chồng ông T. 300 ngàn đồng (công ty hứa trả phụ cấp trong suốt 72 tháng). Ngoài ra, những lúc kẹt tiền, ông T. đều tới mượn của công ty. Đến tháng 7-2008, vợ chồng ông T. đã mượn cả thảy 119 triệu đồng.

Nhưng rồi Công ty Đ không đả động gì đến việc mua nhà. Chừng ông T. đến hỏi, công ty mới nói “không mua nữa” khiến ông T. choáng váng. Vì túng bấn, ông T. muốn lấy lại nhà đã thế chấp để bán cho người khác. Kẹt nỗi, công ty không đồng ý và đưa ra điều kiện “muốn bán nhà thì ông T. phải thanh toán, bồi thường theo hợp đồng đã ký với tổng số tiền là 350 triệu đồng”. Thương lượng bất thành, ông T. đã khởi kiện ra tòa.

Rất may, tại phiên xử sơ thẩm, hai bên đương sự đã thỏa thuận được với nhau. Tòa án quận đã công nhận sự thỏa thuận của hai bên, tuyên hợp đồng thế chấp nhà nêu trên vô hiệu. Phía công ty phải giao nhà cùng các giấy tờ nhà cho ông T. Phần vợ chồng ông T. phải trả cho công ty hơn 200 triệu đồng.

Theo HĐXX, hợp đồng trên vô hiệu ngay từ đầu cả về nội dung và hình thức. Bởi phía Công ty Đ. không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực thế chấp nhà đất nhưng lại đứng ra ký hợp đồng thế chấp nhà ở. Mặt khác, hợp đồng thế chấp tài sản lại không được công chứng và không được đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – TRÙNG KHÁNH

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)