Ông Đưa cùng bảy đồng phạm bị TAND tỉnh Bình Định phạt lần lượt từ hai đến bốn năm tù về tội buôn lậu (ông Đưa bị phạt ba năm tù treo). Về phần xử lý vật chứng, tòa tuyên tịch thu sung công quỹ chiếc tàu BĐ 0243-TS2 của ông Đưa. Sau khi các bị cáo kháng cáo xin giảm án, tháng 4-1995, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên y án sơ thẩm.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Vật chứng “biến mất”

Từ tháng 3-1994, để đảm bảo cho việc thi hành án, VKSND tỉnh Bình Định đã ra lệnh kê biên tạm giữ chiếc tàu của ông Đưa và giao tài sản cho người đại diện hợp pháp tạm bảo quản, chờ xử lý. Tuy nhiên, ngày 9-3-1994, khi cơ quan điều tra đến thực hiện lệnh kê biên chiếc tàu thì mới biết chiếc tàu đã bị ông Đưa bán cho người khác với giá chín triệu đồng.

Về phần mình, sau khi tiếp nhận bản án có hiệu lực thi hành, giữa năm 2005, trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã ra quyết định thi hành đối với khoản tịch thu chiếc tàu của ông Đưa. Đến lúc chấp hành viên đi xác minh tài sản thì kết quả cũng y như lúc cơ quan điều tra thực hiện lệnh kê biên. Không chịu bó tay, chấp hành viên xác minh mở rộng thêm địa chỉ của người mua nhưng cũng chỉ thu về con số không.

Trước việc không còn chiếc tàu để thi hành án, tháng 11-1997, Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định họp liên ngành tố tụng theo hướng cho ông Đưa nộp tiền bằng giá trị chiếc tàu để thi hành án (ngay sau đó ông Đưa đã nộp trước 6,5 triệu đồng vào ngân sách). Song song đó, Thi hành án dân sự tỉnh cũng có văn bản đề nghị TAND tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm: Vẫn không có lối ra

Chấp thuận đề nghị của Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, đầu năm 1998, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đưa vụ án ra xét xử theo trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dù biết chiếc tàu của ông Đưa không còn, tòa vẫn… giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định với nội dung tịch thu sung công chiếc tàu.

Đến lúc này, việc thi hành bản án xem như rơi vào ngõ cụt vì nếu Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tổ chức thi hành đúng như bản án đã tuyên thì không thể thực hiện được do chiếc tàu không còn. Còn nếu Thi hành án dân sự tỉnh đồng ý cho ông Đưa nộp tiếp số tiền còn lại (2,5 triệu đồng) vào ngân sách theo tinh thần cuộc họp liên ngành tố tụng của tỉnh trước đó thì lại trái với bản án tòa tuyên.

Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định chỉ còn một cách là ra quyết định đình chỉ thi hành án. Đến đây thì Thi hành án dân sự tỉnh lại gặp một cái vướng là theo quy định, trường hợp của ông Đưa không thuộc trường hợp được đình chỉ thi hành án. Vì thế đã 14 năm nay, vụ thi hành án này vẫn đang bị tồn đọng, không có lối ra.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – HỒNG TÚ

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)