Pháp luật đang thiếu quy định cụ thể để xử lý, chế tài cơ quan quản lý nhà nước thua kiện nhưng không tôn trọng phán quyết của tòa.

Long đong khiếu nại mới được đền bù

Theo hồ sơ, tháng 5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thu hồi đất gần 60.000 m2 đất tại phường 6, TP Vũng Tàu (trong đó có hơn 30.000 m2 đất nông nghiệp của vợ chồng ông Dũng) để giao cho Công ty cổ phần Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sử dụng. Sau đó, vợ chồng ông Dũng không được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đền bù giá trị quyền sử dụng đất, chỉ được hỗ trợ một lần giá đất nông nghiệp và bồi thường hoa màu, vật kiến trúc trên đất, tổng cộng khoảng 500 triệu đồng.

Tháng 5-2006, vợ chồng ông Dũng khiếu nại đến UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc không được đền bù giá trị quyền sử dụng đất. Chủ tịch UBND tỉnh này công nhận khiếu nại của vợ chồng ông là đúng và tháng 4-2007 đã ra Quyết định 1477 hỗ trợ bổ sung đền bù thêm cho vợ chồng ông hơn 2,3 tỷ đồng.

Cho rằng UBND tỉnh áp giá và xác định vị trí loại đường để bồi thường chưa đúng, vợ chồng ông Dũng tiếp tục khiếu nại. Tháng 12-2007, chủ tịch UBND tỉnh chấp nhận một phần nội dung khiếu nại, ra Quyết định 4678 điều chỉnh lại giá và nâng tổng kinh phí bồi thường lên hơn 6,8 tỷ đồng.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Thắng kiện lại không được thi hành án

Vợ chồng ông Dũng vẫn cho rằng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng sai vị trí đất để bồi thường nên tháng 1-2008 đã khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh này hủy cả hai quyết định 1477 và 4678 của UBND tỉnh.

Tháng 7-2008, TAND tỉnh xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của vợ chồng ông Dũng. Vợ chồng ông Dũng kháng cáo. Hai tháng sau, tại phiên phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, cả đại diện VKS lẫn tòa đều đồng tình rằng việc đền bù của UBND tỉnh không đúng pháp luật, cần phải hủy cả hai quyết định.

Từ đó đến nay, ông Dũng đã bốn lần gửi đơn đến UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu được thi hành bản án nhưng đều không được giải quyết.

Sau khi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, cả TAND tối cao lẫn VKSND tối cao đều lần lượt trả lời, khẳng định rằng tòa phúc thẩm đã xử đúng nên không có căn cứ để kháng nghị. Tuy nhiên, UBND tỉnh này vẫn không chịu thi hành án. Đặc biệt, đầu tháng 8-2009, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo việc thi hành bản án trên nhưng UBND tỉnh vẫn tiếp tục “im hơi lặng tiếng”.

Làm sao để bản án được tôn trọng?

Vụ việc của vợ chồng ông Dũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thi hành án hành chính bị bế tắc một khi cơ quan quản lý nhà nước thua kiện không tôn trọng phán quyết của tòa. Có thực tế đó, ngoài ý thức thượng tôn pháp luật của các cơ quan liên quan “có vấn đề”, pháp luật hiện hành về vấn đề này cũng còn nhiều bất cập.

Cụ thể, trong án hành chính, hiện chỉ mới có quy định giao cho cơ quan thi hành án thi hành các phán quyết của tòa về tài sản và quyền tài sản, còn việc thi hành các phán quyết khác như thu hồi, hủy bỏ quyết định sai pháp luật thì vẫn đang để trống.

Mặt khác, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định thủ trưởng cơ quan cấp trên có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính nhưng lại không quy định trách nhiệm của tòa trong việc gửi bản án, quyết định hoặc thông báo, kiến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Vì vậy, đến nay sau 13 năm thi hành pháp lệnh, vẫn chưa có một cơ quan nào thống kê, theo dõi các bản án hành chính được thi hành ra sao.

Ngoài ra, pháp luật hiện đang thiếu hẳn một cơ chế rõ ràng để xử lý kỷ luật hay chế tài những người có trách nhiệm của cơ quan bị thua kiện mà chây ỳ không chịu thi hành án. Do đó, nếu những cơ quan này cứ cương quyết “chống” bản án của tòa thì họ cũng không hề bị gì mà chỉ có người dân là phải chịu thiệt thòi.

Ngày 26-10 vừa qua, tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo báo cáo tổng kết kiến nghị về chuyện thi hành án hành chính do Bộ Tư pháp tổ chức, Bộ đã đề xuất nhiều giải pháp để chấm dứt tình trạng thi hành án hành chính lâu nay không ai giám sát.

Trước hết, tòa cần tuyên cụ thể phần tài sản và quyền về tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên. Khi tuyên hủy quyết định hành chính, tòa cần tuyên rõ “khi bản án có hiệu lực pháp luật, quyết định hành chính đương nhiên bị hủy” để tránh chuyện hiểu lấp lửng, không chịu hủy quyết định hành chính vì lý do không có thời hạn.

Cạnh đó, để tránh chuyện không ai giám sát, cần quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cơ quan tham mưu trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa. Đặc biệt, phải giao thẩm quyền cho cơ quan thi hành án tổ chức thi hành tất cả các nội dung trong bản án, quyết định về vụ án hành chính chứ không chỉ giao thi hành riêng phần tài sản như hiện nay.

Điều đáng tiếc là trong những đề xuất trên của Bộ Tư pháp vẫn chưa thấy đề cập đến chuyện xử lý kỷ luật như thế nào, chế tài ra sao, ai xử lý, ai chế tài… đối với cơ quan quản lý nhà nước thua kiện nhưng không chịu thi hành án.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – HOÀNG YẾN

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)