VĂN ĐOÀN – DƯƠNG HẰNG

Trong thực tiễn xét xử, ngành tòa án chỉ xử lưu động án hình sự để tuyên truyền, giáo dục pháp luật và răn đe tội phạm. Vì vậy, việc thời gian qua ngành tòa án An Giang đem án dân sự ra xử lưu động đang gây băn khoăn về căn cứ pháp lý cũng như danh dự, uy tín, bí mật đời tư của đương sự…

Thành phố: Để tuyên truyền, giáo dục

Tại phiên xử lưu động công khai này, bốn mẹ con bà H. đều vắng mặt. Bà H. cho biết chưa nói đến nội dung bản án đúng hay sai, việc tòa đưa ra xử lưu động kiểu này khiến mẹ con bà cảm thấy rất xấu hổ và rất ngại với hàng xóm, thậm chí còn mất mối làm ăn sau này vì mất uy tín.

Trong thực tiễn xét xử, những vụ án bị đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ án hình sự. Việc đưa tranh chấp dân sự ra xử lưu động như trên liệu đã đúng?

Lý giải, thẩm phán Trần Văn Nghĩa, Chánh án TAND TP Long Xuyên, nói: “Chúng tôi từng đưa nhiều vụ án dân sự ra xét xử lưu động nên việc này không có gì lạ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đưa những vụ dân sự điển hình, có tính giáo dục, răn đe cao ra xử lưu động mà thôi”.

Ông Nghĩa cho biết thêm: “Trong tài liệu hội nghị triển khai công tác năm của TAND Tối cao cũng có ghi “tăng cường xét xử lưu động” mà không nói rõ là chỉ được xử lưu động án hình sự hay dân sự. Điều đó có nghĩa là cả án hình sự và dân sự đều có thể đưa ra xử lưu động bởi không chỉ riêng án hình sự mà cả dân sự cũng cần phải tuyên truyền. Hơn nữa, việc đưa án dân sự ra xử lưu động mang tính giáo dục, răn đe và tuyên truyền pháp luật cao. Thế nên chúng tôi được lãnh đạo TAND tỉnh đồng thuận, ủng hộ. Thực tế chưa thấy có đương sự nào phản đối hay khiếu nại việc bị đưa ra xét xử lưu động dân sự làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ cả. Mà nếu họ nói có bị thiệt hại thì cứ kiện hay khiếu nại và chứng minh thiệt hại đi, chúng tôi sẽ thụ lý, giải quyết”.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Ông Đào Văn Ngọc, Viện trưởng VKSND TP Long Xuyên, cũng nói: “Tôi đồng tình với việc đưa án dân sự ra xử lưu động bởi luật không cấm. Hơn nữa, việc xét xử này góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Từ trước đến giờ VKS cũng chưa hề nhận được một đơn khiếu nại nào về việc xử lưu động gây tổn hại đến danh dự, uy tín của đương sự”.

Tỉnh cũng đồng tình

Tìm hiểu, chúng tôi được biết không riêng gì TP Long Xuyên mà nhiều huyện khác ở An Giang cũng đã đưa một số vụ án dân sự ra xử lưu động.

Theo thẩm phán Bùi Trí Dũng – Chánh án TAND tỉnh An Giang, việc đưa vụ án dân sự ra xử lưu động không phải là chủ trương chung của ngành tòa án. Tuy nhiên, thực tế chưa có một văn bản pháp luật nào quy định chỉ có án hình sự hay dân sự mới được đưa ra xử lưu động. Hơn nữa, do điều kiện của tỉnh là địa bàn có diện tích rộng nên vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, các tòa địa phương đưa án dân sự ra xử lưu động nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận với pháp luật nhanh chóng, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời cũng giảm được nhiều chi phí đi lại cho người dân và cho cả tòa.

Trả lời về việc uy tín, danh dự, bí mật đời tư của đương sự có bị ảnh hưởng khi đưa ra xử lưu động hay không, ông Dũng lập luận: “Một vụ án dân sự bị đưa ra xử tại trụ sở tòa thì cũng mang tính công khai và nhiều người có thể tham dự. Nếu bị đơn thua kiện mà không chịu thi hành án, cơ quan thi hành án cũng phải tới nhà bị đơn làm việc, thuyết phục nhiều lần để họ tự nguyện thi hành án. Nếu đương sự không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ bố trí lực lượng cưỡng chế. Như thế cả làng, cả xóm ai cũng biết và uy tín của họ cũng bị ảnh hưởng vậy. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đưa những vụ cá biệt ra xử lưu động mà thôi”.

Nói thế nhưng ông Dũng cũng thừa nhận: “Đây cũng là một góc để chúng tôi suy nghĩ thêm”.

Nên xử

Pháp luật chưa quy định cụ thể là có được xử lưu động án dân sự hay không. Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc đưa vụ án dân sự ra xử lưu động. Tòa chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch đưa những vụ án lao động ra xử lưu động. Nó sẽ mang tính giáo dục, răn đe pháp luật cao và sâu rộng đến người dân. Mà đã giáo dục, tuyên truyền pháp luật thì không chỉ riêng gì án hình sự, các loại án khác cũng cần vậy.

Thẩm phán LÊ THÀNH VĂN, Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai

Phải cân nhắc

Thông thường, khi xử lưu động thì chỉ xử hình sự bởi người phạm tội có hành vi nguy hiểm cho xã hội, có tội nên nhà nước muốn tuyên truyền, giáo dục pháp luật và răn đe, phòng ngừa chung. Việc xử lưu động án dân sự thì nên cân nhắc bởi việc dân sự là việc của hai người chưa thực hiện nghĩa vụ với nhau mới xảy ra tranh chấp. Nếu không cân nhắc thì dễ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, bí mật đời tư cá nhân.

Tuyên truyền giáo dục pháp luật là mục đích của xử lưu động nhưng nếu làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự thì không nên. Người dân thường chưa hiểu biết nhiều về pháp luật, nếu biết họ có quyền yêu cầu tòa không đưa vụ việc của mình ra xử lưu động. Ví như họ chuẩn bị làm sui gia, chuẩn bị cưới vợ, chuẩn bị thanh toán nợ… mà đưa ra xử như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Thẩm phán NGUYỄN THANH TÙNG,Chánh án TAND tỉnh Bình Dương

Luật không cho, tòa không được làm

Thông thường, cơ quan nhà nước chỉ được thực hiện những gì pháp luật quy định và cho phép. Còn người dân thì được làm những gì pháp luật không cấm. Nếu pháp luật không quy định cụ thể là tòa được xử dân sự lưu động thì tòa không được xử.

Quan hệ dân sự và hình sự khác nhau. Hơn nữa, trong một vụ kiện dân sự, các bên có quyền thương lượng, thỏa thuận, tòa chỉ nghe, ghi nhận và đánh giá chứng cứ rồi tuyên án. Nếu đưa vụ án dân sự ra xử lưu động thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, đời tư của đương sự.

Luật sư CỔ HIỆP, Đoàn Luật sư TP.HCM

Chưa ổn

Kiện dân sự là việc của đương sự. Bộ luật dân sự cũng quy định việc dân sự cốt ở hai bên. Dân sự mang tính thỏa thuận giữa các bên là chính. Do đó, nếu đưa vụ án dân sự ra xử lưu động, tôi e rằng uy tín, danh dự, bí mật đời tư của các đương sự sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, pháp luật không quy định rõ dân sự có được đưa ra xử lưu động hay không. Pháp luật không quy định, không cho phép mà tòa đưa án dân sự ra xử lưu động là chưa ổn.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Đoàn Luật sư TP.HCM

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ:  http://phapluattp.vn/

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)