1. Quấy rối tình dục nơi làm việc là gì?

Quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được sự đồng ý của người đó. (Theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019).

Nơi làm việc được hiểu là là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Theo quy định của pháp luật, những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, tập huấn, hội thảo, bữa ăn, chuyến đi công tác chính thức, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định đều được tính là nơi làm việc.

Thực chất, đây là một hình thức phân biệt đối xử liên quan đến giới tính, gây ảnh hưởng xấu tiêu cực tới môi trường công sở, phá vỡ sự bình đẳng giữa người lao động nam và lao động nữ. Nó dẫn đến những tác động xấu về tâm lý, thậm chí gây lo lắng, căng thẳng và tổn thương sâu sắc về cả thể xác lẫn tinh thần cho người bị hại. Hậu quả là làm cho môi trường công sở trở nên thiếu sự an toàn, hiệu suất cũng như năng suất làm việc bị giảm sút. 

Vì vậy, các hành vi quấy rối, xâm phạm tình dục nơi làm việc cần được đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn và loại bỏ, tạo điều kiện cho tất cả mọi lao động phát huy tối đa khả năng để cống hiến hết mình cho nơi mà họ đã lựa chọn gắn bó.

2. Quấy rối tình dục nơi làm việc sẽ bị xử lý ra sao?

Hiện nay, hành vi quấy rối tình dục đã xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả ở nông thôn và thành phố, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đã có không ít các vụ quấy rối tạo những làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có những hình phạt xử lý thích đáng những đối tượng này.

Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; Phòng ngừa và kiểm soát bạo lực gia đình. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 5, Nghị định này quy định những người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ở đây, cử chỉ thô bạo, trêu ghẹo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đều được xem là tội quấy rối tình dục.

Ngoài ra, trường hợp hành vi quấy rối xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Người phạm tội có thể bị xử lý các khung hình phạt cao hơn nếu có các yếu tố tăng nặng.

Không chỉ vậy, để xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước khi bị quấy rối và người lao động sẽ bị sa thải nếu có hành vi quấy rối người khác tại nơi làm việc.

3. Khái niệm quấy rối tình dục nơi làm việc theo pháp luật Singapore

Quấy rối tại nơi làm việc là những hành động xảy ra khi một bên tại nơi làm việc thể hiện hành vi gây ra hoặc có khả năng gây ra sự quấy rối, sự lo lắng, sợ hãi hoặc gây nỗi buồn, sự đau khổ cho một bên khác. Hành vi có thể là quấy rối tại nơi làm việc ở Singapore bao gồm: Đe doạ, lạm dụng, sỉ nhục, chửi bới, bắt nạt, quấy rối tình dục, lén lút theo dõi…

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi xúc phạm, không được mong muốn và không được hoan nghênh có tính chất tình dục. Sự tán tỉnh vô hại giữa các bên đồng nghiệp trong cơ quan không phải là quấy rối tình dục. Tuy nhiên, khi hai bên không có quan hệ tình cảm, một bên đã thể hiện sự không đồng thuận nhưng bên kia vẫn có hành vi làm phiền, gạ gẫm về thể xác, động chạm hoặc có lời nói chứa đựng nội dung liên quan đến tình dục nữa thì có thể bị coi là đã đi qua ranh giới “tán tỉnh vô hại” và bị coi là quấy rối tình dục.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ giới hạn trong môi trường văn phòng. Bất kỳ hành vi sai trái nào trong một hoạt động liên quan đến công việc, chẳng hạn như hoạt động của công ty, sự kiện của công ty, hoạt động tập thể, dã ngoại hoặc đi công tác… đều có thể cấu thành quấy rối tình dục. Người thực hiện hành vi quấy rối không nhất thiết phải là đồng nghiệp tại nơi làm việc. Họ có thể là khách hàng, nhà cung cấp hoặc đồng nghiệp từ bên ngoài doanh nghiệp. Nghiên cứu năm 2008 của AWARE về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho thấy 20% các vụ quấy rối tình dục xảy ra bên ngoài văn phòng nhưng trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến công việc như tiệc văn phòng, đi ăn trưa, giải trí với khách hàng hoặc các sự kiện hoạt động tập thể.

4. Các hình thức quấy rối tình dục theo pháp luật Singapore

Các hình thức được coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm hai hình thức chính là Quid pro quo và Hostile Sexual Environment

Thứ nhất là Quid pro quo. Quid pro quo được hiểu là sự quấy rối liên quan đến tống tiền tình dục, trong đó kẻ quấy rối yêu cầu các ưu đãi tình dục, buộc người nhận phải lựa chọn giữa việc thực hiện các yêu cầu dâm ô hoặc có nguy cơ bị mất lương, giảm lương, hoặc ảnh hưởng đến việc tăng lương, thăng chức hoặc thậm chí là mất việc. Đây là hình thức phổ biến nhất về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Singapore và thậm chí là ở Việt Nam. Theo đó, trong cơ quan, cấp trên có thể lợi dụng vị trí của mình, yêu cầu cấp dưới phải thỏa mãn nhu cầu của mình như buộc phải hẹn hò, buộc phải quan hệ tình dục,…nếu như còn muốn tiếp tục công việc hoặc muốn thăng tiến. Nếu như không làm theo, nhân viên có nguy cơ mất việc làm hoặc sẽ phải làm việc dưới sự chèn ép của người cấp trên đó.  

Thứ hai là Hostile Sexual Environment, nghĩa là tạo một môi trường tình dục thù địch, thông qua hành vi của cấp quản lý hoặc đồng nghiệp gây ra căng thẳng nghiêm trọng cho nhân viên, khiến họ không thể thực hiện một cách hợp lý các nhiệm vụ của mình. Trường hợp này hiếm gặp hơn trường hợp trên. Theo đó, tại cơ quan, đơn vị, cấp trên hoặc thậm chí là đồng nghiệp sẽ gây ra những sự ức chế về tâm lý cho nhân viên như thường xuyên tán tỉnh, nhắn tin làm phiền, cố tình kích thích…làm người nhân viên không thể tập trung làm việc, dẫn tới hiệu quả công việc thấp hoặc nặng hơn là người nhân viên phải tìm cách chuyển việc. 

5. Thực trạng pháp luật Singapore về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Năm 2014, Singapore chính thức thông qua đạo luật số 17 Bảo vệ khỏi hành động quấy rối (Protection from harassment Act). Đạo luật này trở thành cơ sở pháp lý vững chắc đầu tiên ở Singapore trong việc bảo vệ người lao động chống lại sự quấy rối nói chung và quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng.

Theo đó, cá nhân hoặc tổ chức có ý định gây ra sự quấy rối, sự hoảng sợ, đau khổ cho người khác bằng một trong các cách như sử dụng bất kỳ lời nói hoặc hành vi đe dọa, lăng mạ hoặc lăng mạ; thực hiện bất kỳ giao tiếp đe dọa, lạm dụng hoặc xúc phạm nào; công bố bất kỳ thông tin nhận dạng nào của người mục tiêu hoặc người có liên quan của người mục tiêu…sẽ bị phạt tiền đến 5000 USD hoặc phạt tù có thời hạn đến 06 tháng hoặc áp dụng cả hai hình phạt tuỳ theo mức độ vi phạm. Như vậy, Đạo luật 17 xây dựng quy định về quấy rối tại nơi làm việc theo hướng liệt kê, tức chỉ rõ hành vi quấy rối tại nơi làm việc là hành vi như thế nào, mô tả những hành vi được coi là quấy rối tại nơi làm việc, đồng thời đề xuất mức xử phạt đối với hành vi này khá cao, lên đến 5000 USD hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Bộ luật Hình sự Singapore cũng có những quy định về tội phạm liên quan đến hành vi xúc phạm người khác, bất kể ở nơi làm việc hay nơi công cộng. Điều 509 Bộ luật hình sự Singapore quy định: Bất cứ ai xúc phạm hoặc có ý định xúc phạm người phụ nữ bằng việc nói ra, hoặc tạo ra các âm thanh không đứng đắn có thể được nghe thấy bởi người phụ nữ, hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người phụ nữ thì bị phạt tù đến 01 năm hoặc phạt tiền hoặc chịu cả hai hình phạt tuỳ mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, Điều 304 Bộ luật hình sự cũng quy định: Bất cứ ai tấn công hoặc sử dụng vũ lực đối với người khác, xúc phạm hoặc có khả năng xúc phạm sự khiêm nhường của người khác thì bị phạt tù đến 02 năm hoặc phạt tiền hoặc hình phạt thể xác khác…

Singapore áp dụng pháp luật và xử lý khá quyết liệt với những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điển hình là vụ việc bị cáo quốc tịch Ấn Độ có thâm niên làm việc gần 4 năm tại một công ty ở Singapore trước khi nạn nhân, lúc đó 24 tuổi, gia nhập công ty với tư cách là điều phối viên hậu cần, dưới quyền quản lý của bị cáo. Khi làm việc được khoảng ba tháng, cô gái bị kẻ này quấy rối. Khoảng 16g30 ngày 27/3/2018, nạn nhân xong việc tại kho hàng thì đi ra cầu thang bộ. Khi cô ngồi trên ghế hút thuốc, bị cáo cũng tham gia, đưa ra nhiều câu hỏi và bất ngờ cưỡng hôn cô. Nạn nhân đã cố gắng gọi điện thoại cho một người bạn để lấy lý do rời đi, nhưng không ai trong số bạn bè của cô bắt máy. Trước khi cố gắng chạy đi, cô còn bị người đàn ông chạm vào ngực. Bị hại không dám tố cáo, nghĩ rằng giám đốc sẽ không tin cô vì thời gian bị cáo làm việc ở công ty lâu hơn. Một tháng sau sự việc, cô nộp đơn xin nghỉ. Hành vi phạm tội làm tổn hại tâm lý cho bị hại. Người đàn ông này sau đó phải chịu mức án 6 tháng tù giam sau khi nhận một tội danh quấy rối tình dục.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật Singapore bước đầu tiệm cận đến việc xây dựng và ban hành các quy định nhằm xử lý hành vi quấy rối nói chung và quấy rối tình dục nói riêng, dưới góc độ xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Chế tài đưa ra là khá cao, mặc dù chưa quá nổi bật so với nhiều quốc gia khác tuy nhiên cũng có thể coi là đủ sức răn đe đối với những người phạm tội. Tuy vậy, thực chất Singapore cũng chưa có những quy định cụ thể về việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì sẽ xử lý như thế nào. Các dấu hiệu nhận biết đối với hành vi quấy rối tình dục cũng chưa thật sự cụ thể. Các quy định pháp luật mới chỉ dừng lại ở dạng quy định chung, áp dụng cho việc quấy rối nói chung, chưa thật sự tập trung vào quấy rối tình dục. Vấn đề xử lý kỷ luật đối với quấy rối tình dục cũng chưa được đặt ra trong quy định pháp luật lao động, chưa có các quy trình pháp lý về khiếu nại, tố cáo, giải quyết vụ việc quấy rối tình dục trong phạm vi doanh nghiệp.

Bài viết tham khảo:Quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo pháp luật Singapore và kinh nghiệm với Việt Nam; THÁI VŨ HẢI ĐĂNG (Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai)