Nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội một cái nhìn tổng thể về thực trạng đình công để các đại biểu có những thông tin cần thiết khi thảo luận, xem xét thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (liên quan đến đình công và giải quyết đình công), bài viết đề cập đến đình công và phương hướng giải quyết.

Hộp 1:

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động – thương binh và xã hội, từ ngày Bộ luật lao động có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/1995) đến hết tháng 3/2006, trên cả nước xảy ra gần 1200 cuộc đình công. Trong đó, đình công xảy ra chủ yếu và nhiều nhất ở các DN có vốn ĐTNN: 789 cuộc, chiếm 67,4%; DNTN: 298 cuộc, chiếm 25,4% và doanh nghiệp nhà nước (DNNN): 84 cuộc, chiếm 7,2%.

Tính bình quân, hàng năm xảy ra khoảng 98 cuộc và nếu so sánh, thì số vụ đình công năm sau cao hơn năm trước, ví dụ: năm 1995 cả nước xảy ra 28 cuộc; năm 1996: 59 cuộc; năm 1997: 59 cuộc; năm 1998: 62 cuộc; năm 1999: 67 cuộc; năm 2000: 71 cuộc; năm 2001: 89 cuộc; năm 2002: 100 cuộc; năm 2003: 139 cuộc; năm 2004: 125 cuộc; năm 2005: 147 cuộc và 3 tháng đầu năm 2006 đã xảy ra khoảng 150 cuộc.

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi:1900.0191

1. Tình hình đình công trong thời gian qua

1.1. Số lượng, quy mô và phạm vi của đình công

Tính chất, mức độ, quy mô của các cuộc đình công cũng tăng dần theo hàng năm. Thời gian gần đây còn xảy ra hiện tượng phản ứng dây chuyền của một số cuộc đình công. Có những cuộc đình công kéo dài nhiều ngày với hàng vạn người tham gia, thậm chí còn xảy ra những hành động quá khích, như đánh người gây thương tích; đập phá máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an, đình trệ sản xuất,.. ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế – xã hội tại những doanh nghiệp và địa phương xảy ra các vụ đình công, ví dụ như các vụ đình công tại các doanh nghiệp Sam Yang, Huê Phong,.. ở thành phố Hồ Chí Minh; Doanh Đức ở Bình Dương; King Toys ở Đà Nẵng; Canon ở Hà Nội và nhiều doanh nghiệp khác ở Đồng Nai, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương…

Điều đáng chú ý là số cuộc đình công ở các DNNN giảm dần nhưng tại các thành phố lớn có nhiều DN có vốn ĐTNN thì số cuộc đình công ở các doanh nghiệp này có xu hướng tăng dần hàng năm (xem Hộp 2).

Hộp 2:

Nếu so sánh đình công xảy ra ở các DN có vốn ĐTNN đầu tư vào Việt Nam thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan xảy ra nhiều cuộc đình công nhất: 245 cuộc chiếm 32%; Hàn Quốc: 214 cuộc, chiếm 27,1%; còn lại các doanh nghiệp của những nước khác và các doanh nghiệp trong nước khoảng gần 300 cuộc, chiếm khoảng 36%. Tính theo địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp, thì đình công xảy ra nhiều nhất ở thành phố Hồ Chí Minh: 463 cuộc, chiếm 42,9%; Bình Dương: 221 cuộc, chiếm 18,3% và còn lại các tỉnh khác khoảng gần 180 cuộc, chiếm 17,4 % trên tổng số các cuộc đình công trong cả nước.

Những năm gần đây, đình công có xu hướng phát triển ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc như Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng…

1.2. Nguyên nhân xảy ra đình công

Đình công là một hiện tượng bình thường trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và tập thể lao động, là kết quả tất yếu của những tranh chấp lao động tập thể nếu không được xem xét, giải quyết kịp thời bởi các chủ thể có liên quan và sự can thiệp, giải quyết không kịp thời, hiệu quả của các cơ quan nhà nước.

Mối quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn và phát sinh xung đột về quyền lợi giữa người lao động, tập thể lao động và người sử dụng lao động. Những xung đột này không được giải quyết thoả đáng sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến đình công.

1.2.1 Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lao động

– Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng từ năm 1986 đến nay trong lĩnh vực quản lý nhà nước về lao động, các cơ quan nhà nước đã làm được nhiều việc góp phần phát triển mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng còn bộc lộ nhiều thiếu sót, khuyết điểm và chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian qua. Tổ chức bộ máy cũng như trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp từ trung ương đến địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là trong việc phối hợp, tổ chức thực hiện pháp luật lao động. Nhiều trường hợp do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng mà những vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, đặc biệt là ở các DN có vốn ĐTNN và DNTN không được phát hiện và xử lý kịp thời đã gây căng thẳng trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động và người sử dụng lao động, nguy cơ bùng nổ đình công có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào.

– Hệ thống cơ quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hoà giải, trọng tài, toà án… cũng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

– Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động, Luật doanh nghiệp, Luật công đoàn, nhất là những nội dung liên quan đến tranh chấp lao động, đình công và giải quyết đình công chưa được tiến hành thường xuyên, đầy đủ, kịp thời đến người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là ở những tỉnh và khu vực tập trung các DN có vốn ĐTNN.

– Ngoài ra, việc nhà nước chậm đưa ra những chính sách cụ thể nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động tại các DN có vốn ĐTNN, các khu công nghiệp tập trung cũng là nguyên nhân để xảy ra những cuộc đình công trong thời gian qua.

1.2.2. Người sử dụng lao động

Phần lớn những cuộc đình công trong thời gian qua bắt nguồn chủ yếu từ sự vi phạm pháp luật lao động một cách có hệ thống của người sử dụng lao động. Họ cố tình lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước để “lách luật” nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất và sử dụng lao động để thu hồi vốn nhanh, đạt được lợi nhuận tối đa bằng mọi cách như tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian làm việc của người lao động, tăng ca; trốn hoặc nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; trả tiền công, tiền thưởng lao động thấp; không ký hợp đồng lao động với người lao động theo đúng quy định của pháp luật… Một số chủ sử dụng lao động còn đưa ra các biện pháp quản lý hà khắc đối với người lao động. Thậm chí, nhiều người quản lý nước ngoài hành hung, đối xử thô bạo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người lao động và cũng không hiếm trường hợp người sử dụng lao động nước ngoài mua chuộc, lôi kéo người lao động Việt Nam làm việc cho họ bằng mọi cách để bảo vệ những hành động vi phạm pháp luật lao động của họ đối với người lao động và tập thể lao động…

1.2.3. Tổ chức công đoàn cơ sở

Thực tế những năm qua cho thấy, chỉ ở các DNNN thì hệ thống tổ chức công đoàn và công đoàn cơ sở mới phát huy được tác dụng là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động, còn ở các DN có vốn ĐTNN và DNTN, tổ chức công đoàn chưa đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong thời gian qua.

Pháp luật đã quy định cụ thể, đầy đủ mọi điều kiện để bảo đảm quyền được thành lập, tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn lâm thời nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động và tập thể lao động ở các doanh nghiệp. Nhưng cho đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Bộ luật lao động, số doanh nghiệp thành lập được tổ chức công đoàn cũng như chỉ định ban chấp hành công đoàn lâm thời theo quy định tại Điều 153 của Bộ luật lao động rất ít (xem Hộp 3). Cũng vì không thành lập được công đoàn cơ sở nên nhiều quy định của Bộ luật lao động liên quan đến vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, tập thể lao động không thực hiện được trong thực tế.

Hộp 3:

Theo thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho đến nay, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở trên tổng số gần 120.000 doanh nghiệp và nếu thực hiện được kế hoạch phát triển số doanh nghiệp từ nay đến năm 2010 của Chính phủ thêm hàng trăm doanh nghiệp nữa, thì việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lại càng khó khăn hơn.

Hiện nay, công đoàn cơ sở ở những DN có vốn ĐTNN và DNTN hoạt động rất yếu. Những người làm công tác công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, kiến thức và năng lực yếu do không được đào tạo, bồi dưỡng một cách có hệ thống. Hơn nữa, cơ chế tổ chức, hoạt động của công đoàn chưa phù hợp với tình hình thực tế, kể cả cơ chế bảo vệ người làm công tác công đoàn nên người làm công tác công đoàn và công đoàn cơ sở chưa thực hiện được chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của tập thể lao động trong mối quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

Cho đến nay, những nơi có tổ chức công đoàn thì cũng chưa có cuộc đình công nào do công đoàn đứng ra tổ chức và lãnh đạo theo quy định của Khoản 2 Điều 173 của Bộ luật lao động và Điều 81 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996.

1.2.4. Người lao động và tập thể người lao động

Quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài thúc đẩy số doanh nghiệp công nghiệp phát triển nhanh trong thời gian qua đã thu hút nhiều lao động nông nghiệp, nông thôn đến làm việc tại các doanh nghiệp. Hầu hết những người lao động từ nông thôn chưa được đào tạo nghề, chưa có tác phong và trình độ lao động trong công nghiệp, ý thức tổ chức và kỷ luật kém, chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng cũng như những gì cần phải làm để tự bảo vệ quyền, lợi ích theo quy định của pháp luật, nên họ dễ bị kích động, lôi kéo và tiến hành đình công khi quyền và lợi ích của họ bị vi phạm…

1.3. Tính chất, đặc điểm của đình công

Hầu hết các cuộc đình công trong những năm qua thường xuất phát từ quan hệ lao động và vì mục đích kinh tế (chiếm khoảng hơn 90%). Những yêu sách chính đáng của tập thể lao động theo quy định của pháp luật lao động bị người sử dụng lao động vi phạm, kể cả những điểm đã cam kết của họ về tiền lương, tiền thưởng; định mức lao động, thời gian làm thêm; bảo hiểm xã hội; kỷ luật lao động; phúc lợi, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt…, và khoảng 10% các cuộc đình công xuất phát từ những vấn đề khác không liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động tại doanh nghiệp như: yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi thôi việc, không thực hiện theo quy định của Nghị định số 01/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/1/2003. Những tháng đầu năm 2006 xảy ra một số vụ đình công ở các DN có vốn ĐTNN và DNTN đòi tăng lương liên quan đến mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 03/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/1/2006.

Các cuộc đình công xảy ra đều tự phát, không tuân theo quy định của pháp luật lao động về trình tự và thủ tục tiến hành đình công. Bởi vậy, cho đến nay chưa có cuộc đình công nào được đưa ra hoà giải, trọng tài tại hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh và cũng vì thế, chưa có vụ đình công nào được hoà giải và giải quyết tại toà lao động, toà án nhân dân các cấp.

Việc giải quyết những cuộc đình công thời gian qua phần nhiều do các cơ quan chức năng của địa phương như Sở Lao động – thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động, công an… tiến hành. Các cơ quan này thường sử dụng những biện pháp hành chính, tổ chức những cuộc họp giữa đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động để tìm mọi biện pháp khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, vi phạm của hai bên trong quan hệ lao động, nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể người lao động tại những doanh nghiệp xảy ra đình công.

2. Phương hướng giải quyết vấn đề đình công

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, đình công và giải quyết đình công ở nước ta là vấn đề rất mới, chúng ta còn quá ít kinh nghiệm về thực tiễn cũng như thiếu lý luận, kể cả trong việc soạn thảo, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, những chính sách liên quan đến đình công và giải quyết đình công.

Để giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến đình công và giải quyết đình công, trước hết các cơ quan chức năng phải tiến hành đánh giá đầy đủ, toàn diện và đưa ra biện pháp khắc phục, sửa đổi những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động trong đó có tranh chấp lao động, đình công và giải quyết đình công. Đồng thời, hoàn thiện việc soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (liên quan đến đình công và giải quyết đình công).

2.1. Trước hết, nhà nước phải có những chính sách cụ thể thực hiện đường lối phát triển kinh tế – xã hội nhằm phát triển các loại hình doanh nghiệp, phát triển kinh tế ở nông thôn, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo… để đến năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp.

Chừng nào nền kinh tế nước ta, mà chủ yếu là các DNNN và DNTN của Việt Nam chưa đủ mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh với các DN có vốn ĐTNN ngay ở sân nhà, thì chừng đó người lao động và tập thể lao động tại các DN có vốn ĐTNN còn bị lép vế; quyền, lợi ích của họ cũng chưa được bảo đảm và tiếp tục bị người sử dụng lao động nước ngoài vi phạm thì nguy cơ xảy ra đình công là không thể tránh khỏi.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (liên quan đến đình công và giải quyết đình công) phải quy định những vấn đề liên quan đến phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động và đình công phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội, phong tục tập quán, trình độ của người lao động Việt Nam, như việc xây dựng quan hệ lao động lành mạnh tại các doanh nghiệp thông qua việc đối thoại, tham vấn trực tiếp, dân chủ giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động; thành lập các cơ quan, tổ chức hoà giải, trọng tài và xét xử các tranh chấp lao động và đình công; đề ra trình tự, thủ tục và chủ thể tổ chức và lãnh đạo đình công; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, tập thể lao động trước, trong và sau khi đình công; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trong việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động và đình công; trách nhiệm xử lý những hành vi vi phạm trước trong sau khi đình công; bồi thường khi đình công bất hợp pháp…

Ngoài ra, những khái niệm như tập thể lao động; tranh chấp lao động tập thể; đình công; đình công hợp pháp hoặc đình công bất hợp pháp… cần phải được định nghĩa rõ ràng, cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (liên quan đến đình công và giải quyết đình công).

2.2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho những người làm công tác hoà giải, trọng tài, thanh tra, kiểm tra và xét xử đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ để phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả, kịp thời những tranh chấp lao động và đình công.

2.3. Vận động, tuyên truyền, hướng dẫn việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động công tác công đoàn; việc đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tập thể lao động; tổ chức và lãnh đạo đình công theo đúng những quy định của pháp luật lao động.

2.4. Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề và tác phong lao động công nghiệp cho người lao động để người lao động làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, năng suất, chất lượng và hiệu quả trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

2.5. Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (liên quan đến đình công và giải quyết đình công) được ban hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật, đặc biệt là pháp luật lao động về phòng ngừa, giải quyết những tranh chấp lao động và đình công, Luật doanh nghiệp, Luật công đoàn… cho người lao động, tập thể lao động và người sử dụng lao động để họ hiểu và thực hiện đúng những quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về tranh chấp lao động, đình công nói riêng. Điều đó là cần thiết vì thiệt hại do đình công gây ra không nhỏ.

2.6. Trong Luật phải đề cao và trong thực tiễn cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lao động và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, như Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với chính quyền địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc triển khai và thực hiện pháp luật lao động. Đề cao công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm pháp luật lao động. Khẩn trương xây dựng và thực hiện những chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tập thể lao động như nhà ở, việc làm, thu nhập, đi lại, sinh hoạt văn hoá… nhất là những nơi phát triển nhiều DN có vốn ĐTNN, các khu công nghiệp tập trung, tạo điều kiện để xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định góp phần phát triển kinh tế xã hội, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh,  xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. 

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 77, THÁNG 6 NĂM 2006 – ĐÀO VĂN HỘ – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (Bài viết được tác giả cập nhật tại thời điểm năm 2006)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)