Khách hàng: Kính thưa Luật sư, hiện nay thực trạng về năng lực tổ chứ, cụ thể là “Bộ máy tổ chức về phòng vệ thương mại” trong việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại trong nhập khẩu hàng hoá ở Việt Nam được thể hiện như thế nào? quyền và nghĩa vụ của Bộ công thương được thể hiện như thế nào?

Cảm ơn!

Trả lời:

 

1. Cơ quan quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại

Hiện nay Cơ quan quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại là Bộ Công Thương, trong đó Cục Phòng vệ thương mại là tổ chức trực thuộc, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương về phòng vệ thương mại.

Cục Phòng vệ thương mại được hình thành trên cơ sở tách ra từ Cục Quản lý cạnh tranh, theo Nghị định 98/NĐ-CP ngày 18 tháng 08 năm 2017 của Chính phủ về qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Cục Phòng vệ thương mại là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; Tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo qui định của pháp luật và phân cấp, uỷ quyền của Bộ trưởng. Với 17 nhiệm vụ cụ thể, bao trùm mọi lĩnh vực về phòng vệ thương mại; 06 đơn vị trực thuộc trong đó có một đơn vị sự nghiệp, Cục đã có những đóng góp nhất định vào việc bảo vệ nền sản xuất trong nước còn yếu trên cơ sở kế thừa những đóng góp to lớn của Cục Quản lý Cạnh tranh trước đây.

Với chức năng và nhiệm vụ hiện nay, Cục Phòng vệ thương mại hoàn toàn có thể đáp ứng được với yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương đặt ra trong bối cảnh mới khi hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ, là chốt chặn cuối cùng, cũng như là một van điều tiết nhằm quản lý sự biến động bất thường của hàng hoá nhập khẩu với khối lượng lớn và bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Đối với năng lực cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về tự vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại có đội ngũ cán bộ khá trẻ. Các cán bộ, công chức được đào tạo bài bản từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Qua các vụ việc điều tra tự vệ thương mại, đề xuất kiến nghị với lãnh đạo Bộ áp dụng hay không áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại, có thể thấy đây là một đội ngũ rất có ý thức trách nhiệm trong công việc, có kỹ năng và mức độ thành thạo trong xử lý các vụ việc liên quan đến tự vệ thương mại. Trong quá trình làm việc, nhiều cán bộ đã được đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn về tự vệ thương mại để hiểu biết sâu hơn trong việc điều tra, áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại. Tuy nhiên, với số lượng không nhiều các vụ điều tra, áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại của Việt Nam trong những năm qua, các cán bộ, điều tra viên chưa thể tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác điều tra các vụ tự vệ thương mại.

Số lượng cán bộ chịu trách nhiệm xử lý các vụ việc về tự vệ thương mại cũng góp phần ảnh hưởng đến năng lực áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại. Hiện nay, Cục Phòng vệ thương mại, Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ có chức năng điều tra (điều tra chuyên sâu, kiểm toán báo cáo tài chính, phân tích chính sách và tác động của chính sách…) để xem xét về việc hàng hoá nhập khẩu có gây thiệt hại đáng kể, đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

 

2. Vị trí và chức năng của Bộ Công thương

– Cơ sở pháp lý: Điều 1 theo Nghị định 98/NĐ-CP ngày 18 tháng 08 năm 2017 của Chính phủ về qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực như: Điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

 

3. Quyền và nhiệm vụ của Bộ Công Thương

– Cơ sở pháp lý: Điều 2 theo Nghị định 98/NĐ-CP ngày 18 tháng 08 năm 2017 của Chính phủ về qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

– Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ, của bộ và các nghị quyết, dự án, đề án, chương trình tổng kết theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

– Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc các ngành, lĩnh vực do bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

– Phê duyệt chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, các dự án đầu tư theo phân cấp và ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt.

– Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do bộ quản lý; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ; chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghiệp và thương mại.

– Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; tổ chức quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

– Về năng lượng bao gồm: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các năng lượng khác; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

– Có quyền và nghĩa vụ về điều tiết điện lực

– Có quyền và nghĩa vụ về hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp

– Quyền và nghĩa vụ về công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ

– Quyền và nghĩa vụ về khuyến công, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

– Quyền và nhiệm vụ về an toàn kỹ thuật công nghiệp;

– Quyền hạn và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương

– Quyền hạn và nhiệm vụ về thương mại và thị trường trong nước

– Về an toàn thực phẩm;

– Về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;

– Về phòng vệ thương mại;

– Về thương mại điện tử và kinh tế số;

– Về quản lý thị trường;

– Về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

– Quyền, nhiệm vụ về xúc tiến thương mại;

– Quyền, nghĩa vụ đối với hội nhập kinh tế quốc tế;

– Quyền, nhiệm vụ đối với phát triển thị trường ngoài nước, hợp tác khu vực và song phương;

– Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, hiện diện thương mại của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại mấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận và các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

– Thực hiện quản lý chất lượng các công trình công nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

– Quản lý hàng dự trữ quốc gia theo phân công của Chính phủ.

– Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; triển khai hoạt động hợp tác công nghiệp và thương mại với các tổ chức quốc tế; xây dựng quan hệ đối tác với các công ty đa quốc gia; tiếp nhận và tổ chức quản lý, điều phối các khoản ODA và hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp theo quy định của pháp luật.

– Quyền, nhiệm vụ đối với khoa học và công nghệ;

– Quyền, nhiệm vụ về dịch vụ công;

– Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với hội, các tổ chức phi Chính phủ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

– Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và xử lý vi phạm hành chính theo chức năng quản lý nhà nước của bộ; thực hiện các hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại theo quy định của pháp luật.

– Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức; khen thưởng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

– Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

 

4. Quyền hạn và nhiệm vụ của Bộ công thương về phòng vệ thương mại

– Cơ sở pháp lý: khoản 16 Điều 2 theo Nghị định 98/NĐ-CP ngày 18 tháng 08 năm 2017 của Chính phủ về qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

+ Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại bao gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam;

+ Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc trợ giúp hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khi bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;

+ Thực hiện các công việc liên quan đến giải quyết các tranh chấp về các vụ kiện phòng vệ thương mại tại WTO và các tổ chức quốc tế.

 

5. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về tự vệ thương mại

Khi nói về cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan nhà nước hoạt động có tính chuyên nghiệp, có chức năng điều hành xã hội trên cơ sở, các cơ quan này được thiết lập nhằm thực thi và kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước, đảm bảo anh ninh, trật tự xã hội.

Tuỳ thuộc vào vị trí của mình, từng cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lí nhà nước được pháp luật giao những quyền hạn nhất định để thực hiện chức năng thay mặt nhà nước điều hành xã hội trên phạm vi lãnh thổ, ngành hoặc lĩnh vực theo thẩm quyền do luật định.

Về điều kiện tiên quyết yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại để thực hiện khởi xướng điều tra xuất phát từ phía doanh nghiệp, khi doanh nghiệp đã có bằng chứng chứng minh có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh/nhập khẩu ồ ạt cũng như tác động của chúng tới thiệt hại của doanh nghiệp.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về tự vệ thương mại với các tổ chức có liên quan được phân định rõ ràng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với hàng hoá nhập khẩu chuýên ngành.

Cơ chế trao đổi, cung cấp, công khai thông tin, đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời. Yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin phải căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan yêu cầu. Việc sử dụng thông tin doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Phối hợp trong điều tra vụ việc tự vệ thương mại phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung điều tra trong cùng thời gian thực hiện điều tra.

Trân trọng!