I. BẢO ĐẢM QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM TRONG XU THẾ TOÀN CẦU HÓA
1. Nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá
Theo Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam năm 1999,“Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức”. Sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, sản xuất hàng hoá và dịch vụ không ngừng tăng trưởng đã làm thay đổi diện mạo người tiêu dùng Việt Nam. Trình độ hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm ngày càng được nâng cao hơn, thị hiếu trở nên đa dạng nhưng cũng dễ dàng được đáp ứng hơn.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn dễ dãi trong việc mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ, có thể là do tâm lý đơn giản trong việc sử dụng, hoặc cũng có thể do sự chênh lệch giá cả sản phẩm và túi tiền của họ. Người ta cho rằng, chỉ những người nhiều tiền mới có thể sử dụng “hàng hiệu”, còn với họ chỉ thế đã là đạt yêu cầu. Nhưng thực tế, người tiêu dùng đã phải bỏ ra một số tiền lớn hơn để nhận lấy một sản phẩm có thể là hàng giả, hàng nhái hay hàng kém chất lượng mà lẽ ra họ phải được sử dụng một sản phẩm đúng như họ yêu cầu.
Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Gọi: 1900.0191
Hiện nay, trong pháp luật Việt Nam chưa có quy định chính thức nào về thương hiệu, nhưng ai cũng có thể hiểu rằng chính nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý chính là những thành tố thương hiệu. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều thương hiệu mới trên tất cả các lĩnh vực, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, thể hiện sự tự tin của các sản phẩm Việt Nam trong xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới. Các sản phẩm may mặc như Nhà Bè, Việt Tiến, Foci…, giày da Milan, hay các sản phẩm thuỷ sản Vissan, nước mắm Phú Quốc, chè Shan Tuyết…là những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tập đoàn đa quốc gia chuyên về quảng cáo, truyền thông tiếp thị, truyền thông đại chúng và nghiên cứu giá trị thương hiệu Millward Brown và Custumer Insights vừa công bố kết quả nghiên cứu trên 4000 người tiêu dùng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: 10 thương hiệu thành công tại Việt Nam gồm: Nokia, Dutch Lady, Panadol, Coca Cola, Prudential, Coolair, Kinh đô, Alpenlibe, Doublemint và Sony. 10 thương hiệu Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai: Kinh đô, Flex, Sachi, Sá xị, Bảo Việt, bia Hà Nội, Vinamilk, Milk, 333, Jak…
Bảo vệ thương hiệu ngoại trên thương trường trong nước đã khó, bảo vệ thương hiệu Việt trên thương trường quốc tế lại càng khó hơn. Giám đốc cơ sở kẹo dừa Bến Tre đã phải sang tận Trung Quốc đòi thương hiệu. Cà phê Trung Nguyên, thương hiệu mới nổi tiếng vài năm gần đây cũng phải mất mấy năm đi kiện ở Mỹ. Vinataba bị 12 nước chiếm dụng thương hiệu và chỉ mới có một nước chịu trả lại cho Vinataba.
Như vậy, đề bảo vệ quyền của người tiêu dùng cần:
Thứ nhất, người tiêu dùng, cần hiểu họ có những quyền gì. Theo Nghị quyết số 39/948 của Đại hội đồng Liên hợp quốc có tên là: “Các nguyên tắc chỉ đạo để bảo vệ ngưởi tiêu dùng” đã nêu 8 quyền của người tiêu dùng là: 1- Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản; 2- Quyền được an toàn; 3- Quyền được cung cấp thông tin; 4- Quyền được lựa chọn; 5- Quyền được lắng nghe hay được đại diện; 6- Quyền được bồi thường; 7- Quyền được giáo dục về tiêu dùng; 8- Quyền được sống trong môi trường trong sạch và bền vững. Các quốc gia đều cố gắng để đảm bảo các quyền này. Đây cũng chính là quyền kinh tế của con người. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào mỗi quốc gia mà có những quyền bắt buộc phải thực hiện ngay và có những quyền thực hiện dần. Nhìn từ góc độ của vấn đề nhãn hiệu hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, thì các quyền trên của người tiêu dùng đều liên quan, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi người tiêu dùng được cung cấp thông tin về sản phẩm, được giáo dục về tiêu dùng, thì việc bị lừa dối khi mua hàng, sử dụng dịch vụ chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp và các nhà sản xuất, việc tạo dựng danh tiếng là điều hết sức quan trọng. Khi sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ của họ đã được người tiêu dùng biết đến thì chắc chắn sẽ có sự gia tăng lợi nhuận. Chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ làm nên danh tiếng, nhưng chính danh tiếng lại làm giàu cho doanh nghiệp. Vì vậy, giữ gìn và phát huy nhãn hiệu, tên thương maị, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm là công việc cần duy trì liên tục. Khi một nhãn hiệu hàng hoá bị giảm chất lượng hay bị làm giả đều làm giảm uy tín của doanh nghiệp, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Năm 2006 là năm Việt Nam tham gia hoàn toàn AFTA và sắp bước vào WTO. Bị mất thương hiệu ở nước ngoài trong thời kỳ hội nhập là chuyện không hiếm xảy ra. Đó là vấn đề khó khăn, tuy nhiên Việt Nam sẽ có một số thuận lợi mới, bởi vì từ ngày 11-07-2006 người nộp đơn Việt Nam có thể nộp đơn quốc tế nhãn hiệu ngay khi nộp đơn đăng ký quốc gia tại Cục Sở hữu trí tuệ, mà không phải đợi đến khi đơn quốc gia của mình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng như trước đây nữa; đồng thời, thay vì phải mất khoảng từ 2 – 4 năm để được bảo hộ quốc tế, giờ đây doanh nghiệp chỉ mất từ 1 – 2 năm là có được sự bảo hộ nhãn hiệu quốc tế ở các quốc gia đăng ký.
Trước đây, với Thỏa ước Madrid, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chuẩn bị từng đơn riêng vào từng quốc gia mà mình mong muốn, và đương nhiên là làm tăng đáng kể chi phí nộp đơn, nhưng với Nghị định thư Madrid, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký nhãn hiệu một cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất. Thí dụ:để bảo hộ một nhãn hiệu cho một nhóm sản phẩm tại Mỹ, người nộp đơn phải mất chừng 1.500 – 2.000 USD; tại Nhật, phí đăng ký cao hơn, thường khoảng từ 2.000 – 2.500 USD. Trong khi đó, một đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu với phí khoảng 1.500 USD cũng có thể chỉ định việc bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia thành viên.(1)
2. Vài nét thực trạng vấn đề nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá ở Việt Nam
Khoản 1, 2- Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quy định rất rõ ràng về hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý, gọi chung là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, đó là hàng hoá, bao bì có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Như vậy, hàng giả mạo nhãn hiệu là hàng mang nhãn giả mạo, hoặc nhãn của một cơ sở khác mà không được chủ sở hữu đồng ý, hoặc mang dấu hiệu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam nhưng thực tế lại chưa có chứng nhận.
Hàng giả ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của người tiêu dùng, thậm chí cả sức khoẻ hay tính mạng của họ. Làm thế nào để chống lại hàng giả là câu hỏi được đặt ra không chỉ riêng với Việt Nam mà với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tổ chức Hải quan Thế giới vừa công bố số liệu cho thấy thị trường hàng tiêu dùng giả toàn cầu đang bùng phát ở mức báo động, ước tính lên tới 500 tỉ USD trong năm 2006, tương đương 5-7% lượng hàng hóa toàn thế giới.(2) Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc đã thực sự ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Ở Việt Nam các sản phẩm như thực phẩm, đồ điện gia dụng… hay bị làm giả hơn, nhưng ngày nay cả những sản phẩm công nghệ cao cũng được làm giả tinh vi. Trong hơn 400 vụ vi phạm về làm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ xử lý năm 2004 thì có 65% là vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, 25% về kiểu dáng công nghiệp và các dạng vi phạm khác. Riêng địa bàn quận Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh tháng 1-2006 đã phát hiện một số vụ làm hàng giả và hàng kém chất lượng khá nghiêm trọng.
Người bị thiệt hại trước hết là người tiêu dùng, họ bị ảnh hưởng đến quyền được an toàn, quyền được sử dụng đúng sản phẩm mà mình đã chọn lựa. Các doanh nghiệp bị sử dụng nhãn hiệu dạng này cũng bị thiệt hại to lớn, họ bị mất uy tín, sụt giảm doanh thu. Hai nhãn hiệu National và Panasonic được hợp nhất, tưởng chừng sức sản xuất và sức cạnh tranh được tăng gấp bội. Nhưng cuối cùng Công ty điện tử Panasonic cố gắng sử dụng nhãn hiệu National một thời gian rồi quyết định xoá thương hiệu nổi tiếng này. Nguyên nhân quan trọng là hàng gia dụng National bị làm giả, nhái tràn lan, không thể quản lý được chất lượng. Các mặt hàng giả, nhái Panasonic nhiều nhất là nồi cơm điện, máy xay sinh tố, ổ cắm đèn… Vậy là doanh nghiệp đành phải tự lo cho mình bằng cách tiêu cực đó. Để hạn chế hạn chế hàng giả, hàng nhái, Panasonic hy vọng vào giấy phép nhập khẩu của Công ty Panasonic Holding, quy về một cửa kiểm soát và dán tem, cập nhật sê-ri.
Chè đắng Cao Bằng một sản phẩm có uy tín, được bầu chọn danh hiệu “Cúp vàng thương hiệu Việt”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Huy chương vàng thực phẩm an toàn”, “Top ten ngành nông – lâm- thuỷ hải sản”… nhưng Công ty chè đắng Cao Bằng- Tỉnh Cao Bằng đã bị thiệt hại nặng nề vì tin đồn thất thiệt và nạn hàng giả.
Các doanh nghiệp đã sử dụng các nguyên vật liệu đặc biệt để bảo vệ nhãn hiệu của mình nhưng hiệu quả chẳng được là bao, bởi hàng giả được sản xuất quá tinh vi. Doanh nghiệp bằng mọi cách, cả sức lực và tiền bạc, thậm chí từ bỏ cả thương hiệu lâu đời của mình để giữ lấy uy tín, còn người tiêu dùng, ai sẽ bảo vệ họ?
Đối với doanh nghiệp, vấn đề thương hiệu cho sản phẩm là chuyện được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, đã xuất hiện những doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, họ dùng những cái tên gần giống hoặc na ná tên của những sản phẩm đã có uy tín trên thị trường. Trên thực tế, người bán các sản phẩm đó vẫn chưa phải chịu một chế tài nào của Luật Sở hữu trí tuệ. Đó là điều phi lý mà sớm muộn cũng cần phải giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Mùa thu hoạch vải năm 2006 vừa qua tại Thanh Hà – Hải Dương cũng đã nảy sinh bức xúc cho người dân. Người dân Thanh Hà có một bước tiến vượt bậc để bảo vệ chỉ dẫn địa lý này, họ đã đóng gói sản phẩm vải thiều sạch trong bao bì có nhãn mác, nhưng ngay lập tức có rất nhiều sản phẩm tương tự không xuất phát từ Thanh Hà nhưng mang tên đó đã xuất hiện trên thị trường. Cả chủ nhân của vải thiều Thanh Hà và người tiêu dùng đều rất băn khoăn trước tình trạng đó. Phải chăng là do việc làm nhãn mác, bao bì còn quá giản đơn, dễ bắt chiếc, làm nhái? Mùa vải trôi qua nhanh, người tiêu dùng trong nước nhiều lúc lắc đầu cho qua, nhưng khi sản phẩm trong nước không bảo đảm được thì làm sao có thể vươn ra thị trường quốc tế.
Đối với những sản phẩm hàng hoá thì việc phát hiện ra sự vi phạm về nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại hay xuất xứ hàng hóa còn dễ hơn rất nhiều so với sản phẩm dịch vụ. Nổi bật nhất là dịch vụ du lịch.
Người tiêu dùng là tất cả mọi người, nhưng khi tiêu dùng thì chủ yếu là đơn lẻ, trong quan hệ giao dịch họ thường đứng ở thế yếu và chịu nhiều thiệt thòi. Trong nền kinh tế thị trường, các nhà doanh nghiệp đều mong muốn sản phẩm của mình nhiều, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cũng vì thế có nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái được sản xuất nhằm thu lợi bất chính. Tuy nhiên, khi khách hàng có khiếu nại thì vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Có nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhưng theo quan điểm chung nhất, vẫn cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và vai trò của người tiêu dùng trong quan hệ giao dịch.
3. Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng đối với vấn đề nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý
Thực tế, vẫn còn nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa phân biệt được thế nào là nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý. Nhiều khi người tiêu dùng cũng dễ dãi cho qua khi một nhãn hiệu nào đó bị xâm hại. Khi cần khiếu nại về vụ việc của mình thì họ lại không biết khiếu nại với cơ quan nào, trình tự thủ tục ra sao?
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội. Vậy cần phải làm gì để giải quyết những khó khăn trên cho người tiêu dùng?
Thứ nhất, bản thân người tiêu dùng phải có trách nhiệm tự bảo vệ mình, bằng cách tự tìm hiểu kỹ về sản phẩm hàng hoá dịch vụ mà mình giao dịch, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh với hàng giả, thành lập các Hiệp hội để tự bảo vệ mình. VINATAS là tổ chức đầu tiên được thành lập và ở Việt Nam đang hoạt động tốt để bảo vệ người tiêu dùng. Hoặc người tiêu dùng cũng có thể tìm đến các Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng để nhận được sự trợ giúp pháp lý như Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng phía Nam, kiện ra Toà án giải quyết.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng chính là người hỗ trợ đắc lực cho người tiêu dùng trong việc chống lại nạn hàng giả, hàng nhái. Ngày 28-5-2004, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã ra đời, đã và đang thực hiện và nhiệm vụ: “bảo vệ quyền lợi quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần giữ vững vai trò của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Sáng 12-4-2005, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Thành viên của Hiệp hội là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các công ty nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam, các công ty nước ngoài có sản phẩm được chuyển giao công nghệ, hoặc cấp phép sử dụng hàng hoá, bản quyền cho các nhà phân phối chính thức tại Việt Nam và có đại diện được ủy quyền hợp pháp theo pháp luật tại Việt Nam. Nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu có mặt tại Việt Nam như: Unilever, Nike, Procter & Gamble, Ajinomoto…đã tham gia Hiệp hội và con số đó có thể lên tới 30. Hiệp hội sẽ liên kết, hợp tác, đại diện cho các doanh nghiệp hội viên phối hợp với các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam trong việc chống hàng giả, bảo hộ sở hữu trí tuệ, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, Nhà nước tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta. Quyền lợi của người tiêu dùng được ghi nhận trong rất nhiều văn bản pháp luật: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Môi trường, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa… đặc biệt, là trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Luật Cạnh tranh 2004 ra đời, tuy còn khá nhiều hạn chế, song vẫn là công cụ quan trọng trong đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh để các doanh nghiệp thoả mãn người tiêu dùng. Nhà nước cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác và của người tiêu dùng.
Theo Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc giao cho người khác thực hiện các hành vi đó đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, tức là giả mạo về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Điều 212 quy định: “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Như vậy, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật rõ ràng, điều quan trọng là mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định đó.
II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI SỰ VI PHẠM LIÊN QUAN ĐẾN NHÃN HIỆU HÀNG HÓA
Bảo vệ người tiêu dùng cũng là bảo vệ quyền con người, điều mà các quốc gia đang cố gắng thực hiện. Vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý càng ngày càng tinh vi. Do vậy, chống lại những hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ này là cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ, đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền của. Các quốc gia trên thế giới đã có những kinh nghiệm rất quý giá về vấn đề này. Chẳng hạn như Pháp, họ phối hợp đồng bộ cơ quan hải quan, kinh tế, tư pháp, cơ quan cảnh sát, các hiệp hội… để thiết lập nên “cơ cấu hiệp đồng đánh hàng giả”(4), hoặc Trung Quốc lấy ngày 15-3 dành cho người tiêu dùng nêu tên, phê phán hàng giả, hàng kém chất lượng, hoặc nước Mỹ và nhiều nước khác có rất nhiều phòng thí nghiệm để tìm hàng giả… Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đồng thời có những biện pháp phù hợp với đặc thù của mình để bảo vệ được quyền của người tiêu dùng.
Thứ nhất, cần tìm rõ sự vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý xuất phát từ đâu? Nước ta nằm trong khu vực Đông Nam Á, nơi được coi là sản xuất hàng giả nhiều nhất thế giới, vậy cần phải ngăn chặn sự vi phạm ngay từ cửa khẩu thậm chí ngay tại cột mốc biên giới quốc gia. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền địa phương các tỉnh biên giới phải sát sao trong quản lý, sự gan dạ của các chiến sỹ biên phòng và lực lượng an ninh, sự tinh tường của lực lượng hải quan.
Thứ hai, người tiêu dùng nước ta còn hạn chế về nhận thức, cần được tuyên truyền giáo dục thường xuyên hơn, mà phương pháp thông dụng nhất là qua các phương tiện thông tin, truyền thông. Trên VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam hiện nay đang có chương trình “Hãy chọn giá đúng”. Đó là một chương trình trò chơi, nhưng thông qua đó, khán giả (người tiêu dùng) sẽ biết được sản phẩm đó như thế nào, giá cả ra sao, tránh bị nhầm lẫn, lừa dối trong giao dịch. Đó cũng là một kinh nghiệm giản đơn và hiệu quả.
Thứ ba, khuyến khích “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, một mặt thúc đẩy sự phát triển của nền sản xuất trong nước, mặt khác tránh được xu hướng “sùng ngoại”, mà nhiều khi chính những kẻ tham lợi bất chính lợi dụng tư tưởng này để lừa gạt người tiêu dùng. Nhà nước nên tổ chức cho người tiêu dùng bình chọn những nhãn hiệu hàng hoá, những tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có uy tín, chất lượng tốt theo một khoảng thời gian nhất định, vì không ai có thể công bằng hơn người tiêu dùng khi đánh giá. Việc làm đó góp phần rút kinh nghiệm cho nhà sản xuất, đồng thời hiểu được rõ hơn thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của họ.
Thứ tư, Nhà nước tạo điều kiện cho việc xây dựng, bảo vệ và sự phát triển bền vững của thương hiệu Việt Nam thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, tăng cường việc chống hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng sẽ chấp nhận, gắn bó và quảng bá để thương hiệu Việt đứng vững trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam sớm đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu ở nước ngoài. Ngày 1/7/2006, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thì đến ngày 11/7/2006, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu cũng có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu của mình.
Trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới và hội nhập kinh tế khu vực, những quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam dễ bị xâm hại, bảo vệ những quyền lợi đó là trách nhiệm nặng nề của Đảng và các cơ quan Nhà nước, nhằm thực hiện tốt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
—————–
(1)Báo Diễn đàn doanh nghiệp 30/6/06 (2) Theo nguồn Thông tấn xã Việt Nam 15/2/06 (3)Theo TTX Việt Nam (4)Theo Đoàn Văn Trường – Nghiên cứu người tiêu dùng- Những vấn đề về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 118 NĂM 2006 – TRẦN THỊ HỒNG HẠNH – Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)