1. Thương lượng việc bồi thường là gì?

Thương lượng việc bồi thường là một thủ tục bắt buộc khi thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường. Theo quy trình giải quyết bồi thường, sau khi hoàn thành việc xác minh thiệt hại, trình tự tiếp theo trong quá trình giải quyết bồi thường là phải tiến hành thương lượng với người yêu cầu bồi thường để thống nhất thiệt hại, mức thiệt hại và các nội dung liên quan.

Theo quy định tại Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN năm 2017) thương lượng việc bồi thường sẽ phải tuân thủ các quy định thời gian, nguyên tắc, thành phần, địa điểm, nội dung, trình tự thương lượng, theo đó:

2. Về thời hạn thực hiện và nguyên tắc thương lượng việc bồi thường việc bồi thường

 Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại cơ quan giải quyết bồi thường phải tiến hành thương lượng việc bồi thường. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiến hành thương lượng, việc thương lượng phải được hoàn thành. Trường hợp vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng tối đa là 15 ngày.

Thời hạn thương lượng có thể kéo dài theo thỏa thuận giữa người yêu cầu bồi thường và người giải quyết bồi thường nhưng tối đa là 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thương lượng.

Khi tiến hành thương lượng việc bồi thường, người giải quyết yêu cầu bồi thường phải đảm bảo 03 nguyên tắc sau: Người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường đều bình đẳng trong quá trình thương lượng; Bảo đảm dân chủ, tôn trọng ý kiến của các thành phần tham gia thương lượng; Nội dung thương lượng, kết quả thương lượng về các thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường phải phù hợp với quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.

Một điểm đáng lưu ý là để tổ chức được thương lượng việc bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường sẽ phải gửi giấy mời cho người yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết bồi thường có thể xảy ra nhiều trường hợp “bất hợp tác” từ phía người yêu cầu bồi thường như: Gửi giấy mời thì không nhận hoặc có nhận giấy mời nhưng lại không đến địa điểm thương lượng để tham gia thương lượng… Do vậy, trong những trường hợp trên thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm giải thích cho người yêu cầu bồi thường về những hậu quả pháp lý đối với các trường hợp này.

Theo đó, theo quy định tại  điểm a và điểm b khoản 1 Điều 50 Luật TNBTCNN năm 2017 đối với các trường hợp: (i) Nếu người yêu cầu bồi thường hai lần từ chối nhận giấy mời tham gia thương lượng; (ii) Nếu người yêu cầu bồi thường hai lần không đến địa điểm thương lượng khi đã nhận giấy mời mà không có lý do chính đáng, thì cơ quan giải quyết bồi thường sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết bồi thường. Thời hạn tạm đình chỉ theo quy định là 30 ngày.

Để được tiếp tục giải quyết bồi thường trong trường hợp này thì người yêu cầu bồi thường phải có đề nghị tới cơ quan giải quyết bồi thường trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn đình chỉ giải quyết bồi thường.

Và giải thích các hậu quả pháp lý tiếp tục có thể kéo theo là:

– Nếu hết thời hạn tạm đình chỉ mà người yêu cầu bồi thường không đề nghị tiếp tục giải quyết bồi thường thì hậu quả pháp lý sẽ là cơ quan giải quyết bồi thường  ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường. Hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết bồi thường là người yêu cầu bồi thường không có quyền yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết lại yêu cầu bồi thường sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường.

– Nếu hết thời hạn tạm đình chỉ mà người yêu cầu bồi thường có đề nghị tiếp tục giải quyết bồi thường nhưng tiếp tục 02 lần từ chối nhận giấy mời tham gia thương lượng hoặc tiếp tục 02 lần không đến địa điểm thương lượng khi đã nhận giấy mời mà không có lý do chính đáng thì hậu quả pháp lý sẽ là cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường. Hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết bồi thường là người yêu cầu bồi thường không có quyền yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết lại yêu cầu bồi thường sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường.

3. Về thành phần tham gia thương lượng việc bồi thường:

Thành phần tham gia thương lượng việc bồi thường bao gồm:

– Đại diện lãnh đạo cơ quan giải quyết bồi thường chủ trì thương lượng việc bồi thường;

– Người giải quyết bồi thường;

– Người yêu cầu bồi thường; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (nếu có) của người yêu cầu bồi thường quy định. Cụ thể là người bảo vệ quyền và lợi ích của: người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hai trong trường hợp phải có người đại diện theo quy định của pháp luật.

– Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tham gia thương lượng việc bồi thường được xác định:

+ Bộ Tư pháp có trách nhiệm cử đại diện tham gia thương lượng đối với tất cả các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan giải quyết bồi thường có trụ sở tại thành phố Hà Nội:  Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;Tổng cục, cục, các đơn vị khác có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ hoặc thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin ở trung ương theo quy định của Luật tiếp cận thông tin; Cơ quan có thẩm quyền ở trung ương áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo theo quy định của Luật tố cáo; Cơ quan trung ương ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức; Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ở trung ương; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương, Tòa án nhân dân tối cao; Cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân ở trung ương; Cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân ở trung ương.

+  Sở Tư pháp có trách nhiệm cử đại diện tham gia thương lượng đối với tất cả các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan giải quyết bồi thường trong phạm vi địa phương mình.

– Đại diện Viện kiểm sát có thẩm quyền trong trường hợp vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;

– Trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết bồi thường có thể mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp, cá nhân, tổ chức khác, yêu cầu người thi hành công vụ gây thiệt hại tham gia thương lượng. Theo đó, các trường hợp cần thiêt mà cơ quan giải quyết bồi thường có thể mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp, cá nhân, tổ chức khác, yêu cầu người thi hành công vụ gây thiệt hại tham gia thương lượng bao gồm:

+ Vụ việc phức tạp là vụ việc thuộc một trong các trường hợp sau: Có nhiều loại thiệt hại xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau; Mức yêu cầu bồi thường trong văn bản yêu cầu bồi thường trên 05 tỷ đồng; Có ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

+  Vụ việc không có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan tài chính có thẩm quyền trong quá trình xác minh thiệt hại và báo cáo xác minh thiệt hại của cơ quan giải quyết bồi thường đề xuất mức bồi thường từ 01 tỷ đồng trở lên;

+ Vụ việc mà thiệt hại do nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra;

+ Các vụ việc cần thiết khác do Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường quyết định: Thành phần tham gia thương lượng phải bảo đảm đủ và đúng thành phần tham gia thương lượng nêu trên. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước luôn là một thành phần bắt buộc tham gia thương lượng việc bồi thường. Đối với việc giải quyết bồi thường cho trường hợp bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì đại diện Viện kiểm sát là thành phần bắt buộc tham gia thương lượng. Nếu không bảo đảm đủ và đúng thành phần tham gia thương lượng sẽ kéo theo hậu quả pháp lý là Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường sẽ phải ra quyết định hủy Quyết định giải quyết bồi thường để giải quyết bồi thường lại theo yêu cầu của người yêu cầu bồi thường trong trường hợp việc thương lượng được thực hiện không đúng thành phần theo quy định nêu trên. (điểm b khoản 3 Điều 48 Luật TNBTCNN năm 2017)

4. Địa điểm tiến hành thương lượng việc bồi thường

Việc thương lượng được thực hiện tại một trong các địa điểm sau:

– Trường hợp người yêu cầu bồi thường là cá nhân thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu bồi thường cư trú, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

– Trường hợp người yêu cầu bồi thường là tổ chức thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

5. Nội dung thương lượng việc bồi thường

Nội dung thương lượng việc bồi thường bao gồm: Các loại thiệt hại được bồi thường; Số tiền bồi thường; Khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); Phương thức chi trả tiền bồi thường; Các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường. Cơ quan giải quyết bồi thường cần phải bảo đảm thương lượng đúng nội dung theo quy định tại nêu trên vì nếu không bảo đảm đúng nội dung thương lượng thì sẽ dẫn tới hậu quả pháp lý là Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường sẽ phải ra quyết định hủy quyết định giải quyết bồi thường để giải quyết lại theo yêu cầu của người yêu cầu bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 48 của Luật TNBTCNN năm 2017.

6. Trình tự thương lượng việc bồi thường

Việc thương lượng được thực hiện theo các bước sau:

– Người yêu cầu bồi thường trình bày ý kiến về yêu cầu bồi thường của mình và cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường của mình (nếu có);

– Người giải quyết bồi thường công bố báo cáo xác minh thiệt hại;

– Người giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường trao đổi, thỏa thuận về các nội dung thương lượng;

– Đại diện cơ quan giải quyết bồi thường trình bày ý kiến; người thi hành công vụ gây thiệt hại trình bày ý kiến (nếu có); cá nhân, đại diện tổ chức khác phát biểu ý kiến theo yêu cầu của người chủ trì;

– Đại diện cơ quan tài chính nêu ý kiến về các loại thiệt hại, mức thiệt hại, số tiền bồi thường (nếu có);

– Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước phát biểu ý kiến. Cơ quan giải quyết bồi thường cần phải bảo đảm việc thương lượng phải đúng trình tự nêu trên. Bởi vì, nếu không bảo đảm đúng thủ tục thương lượng thì sẽ dẫn tới hậu quả pháp lý là Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường sẽ phải ra quyết định hủy quyết định giải quyết bồi thường để giải quyết lại theo yêu cầu của người yêu cầu bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 48 của Luật TNBTCNN năm 2017.

7. Kết thúc thương lượng việc bồi thường và kết quả của việc thương lượng

Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người giải quyết bồi thường phải lập biên bản kết quả thương lượng. Biên bản kết quả thương lượng phải ghi rõ những nội dung chính về nội dung thương lượng, xác định rõ việc thương lượng thành hoặc không thành. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu bồi thường, chữ ký của đại diện các cơ quan, người tham gia thương lượng và được giao cho mỗi người 01 bản tại buổi thương lượng. 

Trường hợp thương lượng thành thì cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định. Trường hợp thương lượng không thành thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật TNBTCNN năm 2017.

– Việc thương lượng dù thành hay không thành đều phải lập thành biên bản. Việc quy định trường hợp thương lượng không thành thì cũng phải lập biên bản vì đây là căn cứ để người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật TNBTCNN năm 2017.

– Trường hợp các bên tiến hành thương lượng nhiều lần thì sau mỗi lần thương lượng đều phải lập biên bản.

– Trường hợp người yêu cầu bồi thường không ký hoặc điểm chỉ vào biên bản kết quả thương lượng. Cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật TNBTCNN năm 2017. Thời hạn tạm đình chỉ theo quy định là 30 ngày.

Để được tiếp tục giải quyết bồi thường trong trường hợp này thì người yêu cầu bồi thường phải có đề nghị tới cơ quan giải quyết bồi thường trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn đình chỉ giải quyết bồi thường.

Như vậy, để không bị hủy đòi hỏi người giải quyết bồi thường và cơ quan gải quyết bồi thường phải bảo đảm tuân thủ các quy định về thành phần tham gia, nội dung, thủ tục thương lượng việc bồi thường nếu không sẽ bị hủy khi có yêu cầu của người yêu cầu bồi thường.